6. Cấu trúc luận văn
3.2.3. Sự xa cách với các vấn đề nóng của thời cuộc
Trong sự vận động của thơ ca qua các thời kì, quan niệm về sứ mệnh thơ ca và sứ mệnh của nhà thơ có những biến đổi quan trọng. Nếu Thơ mới
thoát li ra khỏi hiện thực ngột ngạt đương thời, cách li khỏi những vang động của cuộc đời để đắm chìm trong cái tôi sầu mộng của thi nhân thì thơ ca Kháng chiến lại là kết quả của một sự nhập cuộc. Tham gia vào dòng thơ Kháng chiến, Xuân Diệu đã từng tuyên ngôn: Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu và Chế Lan Viên thì khẳng định: Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép. Với tinh thần ấy, các nhà thơ thời kì
Kháng chiến đã làm tốt sứ mệnh dấn thân của mình. Tất cả những vang động của đời sống qua hai cuộc kháng chiến, những sự kiện lớn lao của lịch sử và dân tộc đã trở thành đề tài và cảm hứng cho thơ ca. Nhiều bài thơ đã tái hiện sự kiện lịch sử bằng cái nhìn của người nhập cuộc: Việt Bắc, Hoan hô chiến sĩ
Điện Biên của Tố Hữu, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Đất nước của
Nguyễn Đình Thi… Tuy nhiên, tập trung thể hiện tinh thần của thời đại và hiện thực của Cách mạng, thơ Kháng chiến đánh mất chiều sâu nhân bản: con người cá nhân với số phận của nó dường như bị lãng quên. Sự trở về với cảm hứng trữ tình cá nhân trong thơ Đổi mới sau 1975 như một sự cân bằng lại, một sự bù đắp lại cho khoảng trống hụt một thời trong thơ ca. Xu hướng nổi bật trong thơ sau 1975 là xu hướng trở về với cái tôi cá nhân cùng những lo âu của đời sống thường nhật, và phát triển hơn nữa, là xu hướng khai thác những vùng mờ tâm linh của cái tôi cá thể, trong đó Nguyễn Quang Thiều là hiện tượng tiêu biểu. Xu hướng đổi mới này một mặt bù đắp lại khoảng trống trong thơ Kháng chiến, một mặt lại giới hạn nhà thơ trong sứ mệnh dấn thân với cuộc đời. Quay về với cái tôi cá nhân cá thể, nhà thơ dễ đánh mất đi sự dẫn dắt của một lí tưởng xã hội cần thiết, đánh mất đi một tâm thế nhập cuộc, xa cách với các vấn đề của đời sống. Vì lẽ đó, Phạm Quốc Ca đã nhận xét: “Thơ giai đoạn Đổi mới
đã mở rộng về diện, thể hiện muôn mặt đời thường và cuộc sống riêng tư của con người nhưng lại lùi một bước trong việc phản ánh hiện thực xã hội của đất nước” [3, 58]. Đó cũng chính là giới hạn trong những sáng tác của Nguyễn
Sau 1975, đời sống đất nước còn nhiều bộn bề: chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía bắc đã lấy đi nhiều máu và nước mắt, sự kiện Hoàng Sa khiến cho mỗi công dân nước Việt đều đau đáu, sự xuống thang của nhiều giá trị đạo đức khiến lòng người đau xót, nạn tham nhũng và sự sụp đổ của những tập đoàn kinh tế lớn kéo theo sự mất mát của niềm tin, những cuộc giải phóng mặt bằng không chỉ thu hẹp không gian trong lành mà còn kéo theo nhiều hệ lụy, đặc biệt là đời sống nhân dân với những bi kịch đớn đau: bi kịch của những cô dâu Việt xứ người, bi kịch của những cạm bẫy người ở chốn thị thành… Tất thảy những vấn đề nóng ấy đang làm nhức nhối đời sống xã hội hôm nay nhưng dường như lại vắng bóng trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Say sưa khám phá cái tôi cá thể, Nguyễn Quang Thiều đánh mất sự hài hòa giữa cái tôi và cái ta, giữa hướng nội và hướng ngoại. Trong thế giới cảm xúc của Nguyễn Quang Thiều, ta không thấy nhà thơ trăn trở với sự kiện đang làm nóng dư luận xã hội. Nhà thơ dường như chỉ chú ý đến thế giới “ở ngay trong mình” mà né tránh những vấn đề bức xúc của đời sống. Đắm chìm mê mải trong thế giới của những cơn mê, Nguyễn Quang Thiều thiếu đi một cái nhìn trực diện vào đời sống như ở một số nhà thơ cùng tham gia thi đàn sau 1975: Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Duy… Nguyễn Duy đã đưa sự kiện chiến tranh biên giới 1979 vào trong thơ bằng một cảm quan bi kịch: Trớ trêu nỗi Hữu Nghị Quan/ Giá như máu chẳng lênh loang mặt đèo/ AQ túm tóc Chí Phèo/ Để hai bác lính nhà nghèo cùng thua (Lạng Sơn - 1989); và Thanh
Thảo đã dành nhiều vần thơ để viết về hiện thực đầy nhức nhối của ngày hôm nay: Những ngôi nhà mọc lên như tia chớp/ những vật dụng tiện nghi liên tục
đổi dáng hình/ những cặp vợ chồng li hôn như cơm bữa/ những người già mỗi phút mỗi già thêm (Trước thế kỷ 21). Tinh thần dấn thân ấy ở những nhà thơ
trẻ có phần mạnh mẽ hơn. Ít chịu sự ràng buộc của chỗ đứng một thời, họ có cái nhìn trực diện và thẳng thắn. Những vấn nạn nhức nhối của đời sống đi
vào trong thơ họ mang sức nóng của tính thời sự, sức nóng ấy được nhân lên nhiều lần bởi cảm xúc ấy thường trực trong nhịp sống của hàng vạn con người: Từng ý nghĩ quẩn quanh từng cụm nhỏ trôi xuôi/ cho mặt sông im lìm/
cho bờ Thanh Đa sạt lở/ cho triều cường lên kỷ lục/ chỗ ngồi âm ấm dòng trôi/ chỗ đứng chật cứng họ tên/ chỗ kia ông to xí phần/ chỗ này bà lớn để dành (Mười viên gạch, Phan Trung Thành). Sự xuất hiện của những nhà thơ
mang tinh thần hậu hiện đại như Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Quốc Chánh lại mang đến cho thơ một gam màu khác: nóng hơn, đậm hơn, nét hơn và vì thế cũng trần trụi hơn về thời đại.
Nguyễn Quang Thiều, ở phương diện này, rõ ràng đã thiếu đi một tinh thần nhập cuộc. Nhà thơ đã tạo cho mình một khoảng cách với những vấn đề nóng của xã hội. Trong mối quan hệ với các sự kiện đời sống, Nguyễn Quang Thiều dường như xác lập cho mình một chỗ đứng: lùi ra để suy ngẫm về nó chứ nhưng không đối mặt với nó. Ở khoảng cách đó, nhà thơ chủ yếu phản ánh những dư chấn tinh thần chung của thời đại mà thiếu đi những chân dung sống động. Khoảng cách ấy, tất yếu làm nhạt đi màu sắc và đường nét của hiện thực, cũng đồng thời làm nhạt đi sắc độ cảm xúc của nhà thơ. Cần phải khẳng định rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều đã phản ánh được không khí của thời đại cùng với những dự cảm và cảnh báo. Thơ ông mang đậm tâm thức của một con người đối diện sự xâm lấn của nền văn minh công nghiệp với tất cả những lo âu và trăn trở. Có những số phận lầm lụi trong nghèo khó, có ám ảnh của dối lừa và tội ác, có những ngôi nhà cao tầng thi nhau mọc lên chiếm dần không gian của cỏ, có cái chết của những cánh rừng, có ám ảnh cái chết đè nặng nhân loại… Nhưng không khí thời đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều thiếu đi sức nóng của những vấn đề lớn, những sự kiện lớn của đời sống, thiếu đi những va đập và bi kịch đang hiện diện trong cuộc đời. Hiện thực đời sống trong thơ Nguyễn Quang Thiều nặng về cảm giác mà thiếu đi
những đường nét rõ ràng, vì vậy tạo nên những bài thơ không thuộc về một niên đại nào. Ở những bài thơ thể hiện rõ nét nhất hiện thực đời sống như
Dưới trăng và một bậc cửa, Đêm gần sáng, Bầy chó của tôi, Bầy kiến qua
bàn tiệc, Câu hỏi cuối ngày, Lời cầu nguyện, Con bống đen đẻ trứng…
chúng ta cũng chỉ bắt gặp một hiện thực ở dạng khái quát hoặc ẩn dụ như thế này: Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc/ Như lang thang qua bãi chiến trường/ Đầy mảnh thịt của gia súc/ Đầy xác chết của rau thơm/ Quả ớt đỏ
như lá cờ rách nát… (Bầy kiến qua bàn tiệc); Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo
côn trùng, sự cấu tạo người/ Sự cấu tạo nào nhiều máu hơn, sự cấu tạo nào nhiều bóng tối hơn/ Tội ác khe khẽ bế từ thiện ngủ mỏi mệt sang giường người khác (Dưới trăng và một bậc cửa). Cũng phản ánh một không gian
đô thị ngột ngạt và đầy thương tích, trong Lời cầu nguyện, Nguyễn Quang
Thiều tái hiện không gian hiện thực qua thế giới cảm giác của con người:
Họ chạy trong thành phố: những ngõ sâu hốc hác, những lề đường ê chề, những công viên mắc bệnh…/ Thành phố không chốn an toàn cho họ giấu một bàn tay, nhưng Thạch Thảo lại trực diện hơn trong tái hiện và cắt
nghĩa hiện thực ấy bằng những sự kiện rất cụ thể: Đường phố sạch hơn nhưng sông suối bẩn hơn/ đến biển cả cũng chứa đầy rác thải/ ta đầu độc cá rồi ta ăn cá/ vòng luân hồi này Đức Phật cũng chào thua/ Có những kẻ điên rồi tới mức/ toan biến vòm trời này thành bãi rác khổng lồ (Trước thế kỷ 21) và Nguyễn Hữu Hồng Minh thì chua chát và đau đớn phơi bày một
hiện thực trần trụi bằng cách gọi thẳng tên những vấn nạn đời sống: Đại lộ bát ngát/ Thơ rác vỉa hè/ Chết không đất chôn/ Thác loạn sàn nhảy/ Ho phọt máu tươi (Bài nâu hay đất đai suy nghĩ). Rõ ràng, khi phản ánh hiện
thực, thơ Nguyễn Quang Thiều thiếu đi những chân dung sống động và sắc nét, những hiện tượng và sự kiện cụ thể, vì thế, thiếu đi sự quyết liệt của thái độ và sức mãnh liệt của cảm xúc.
Lẽ dĩ nhiên, giới hạn này có lí do của nó. Thơ Nguyễn Quang Thiều tập trung thể hiện những suy nghiệm về các vấn đề đời sống có tính vĩnh cửu. Nội dung không còn là các sự kiện và biến cố lớn lao nhưng cụ thể và có tính thời sự nữa. Nhà thơ hướng vào các vấn đề của con người, của cõi người mà mỗi chúng ta đều phải đối mặt: sinh, tử, nỗi buồn, thất vọng, hi vọng, sự hoang mang, hoài nghi, hủy diệt, tái sinh, hiện hữu, phù du… Nó có tham vọng nâng lên tầm triết học. Điều này, vừa là thành công của Nguyễn Quang Thiều vừa là giới hạn trong thơ ông, khi ông để vắng bóng những vấn đề nóng của thời cuộc. Thiếu đi điều đó, nghĩa là thiếu đi một chân dung hiện thực sống động và sắc nét, thiếu đi hơi thở nóng hổi của đời sống, thiếu đi sự hòa điệu với những làn sóng cảm xúc đang vỗ nhịp từng ngày của con người.
3.3. Giới hạn về hình thức của xu hướng cách tân trong thơ Nguyễn Quang Thiều
Nếu như những thành tựu cách tân về phương diện nội dung trong thơ Nguyễn Quang Thiều không tách rời khỏi những cách tân về hình thức thì những giới hạn nội dung trong thơ ông cũng đồng thời chính là nguyên nhân làm trì níu những đổi mới về hình thức. Trong nỗ lực cách tân thơ, Nguyễn Quang Thiều vẫn chưa đủ sức để vượt hẳn ra khỏi sự kiềm tỏa của một lối thơ độc diễn. Sau đây là những giới hạn cơ bản: