Căn rễ truyền thống của trường thẩm mỹ trong thơ Nguyễn

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 103)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.2. Căn rễ truyền thống của trường thẩm mỹ trong thơ Nguyễn

Quang Thiều

Trong cuộc tranh luận gay gắt giữa những ý kiến trái chiều về thơ Nguyễn Quang Thiều, có một luồng ý kiến cho rằng thơ Nguyễn Quang Thiều chỉ là một thứ “thơ lai Tây”, “thơ dịch xổi”, một thứ thơ “phi truyền thống”. Tuy nhiên, khảo sát thơ Nguyễn Quang Thiều, có thể nhận ra trường thẩm mỹ trong thơ Nguyễn Quang Thiều có một cội rễ vững chắc từ trong truyền thống văn hóa dân tộc. Thơ ca Việt Nam khởi nguồn từ thơ ca dân gian đến thơ ca bác học đã hình thành nên những khuynh hướng thẩm mỹ có tính truyền thống, mang nét riêng của đời sống tâm hồn con người Việt Nam. Thơ Nguyễn Quang Thiều không nằm ngoài những khuynh hướng thẩm mỹ ấy.

“Duy tình” là đặc điểm tâm lý con người Việt Nam. Đặc điểm này in đậm dấu ấn trong sáng tạo thơ ca, có lẽ bởi người Việt tìm thấy thơ ca chính là nơi dễ dàng giãi bày và thổ lộ cảm xúc nhất. Nếu như truyền thống thơ ca phương Đông mà tiêu biểu là thơ ca Trung Quốc, Nhật Bản chuộng lối biểu đạt cô đọng, hàm súc, tinh chọn, thường “vẽ mây nẩy trăng” nên cái tình ẩn giấu rất sâu, nếu như truyền thống thơ ca phương Tây chuộng lối biểu đạt chặt chẽ, logic của tư duy lý tính thì thơ ca Việt Nam lại coi trọng việc giãi bày cảm xúc trực tiếp. Thơ Việt luôn dạt dào cảm xúc, vì thế giọng thơ tâm tình là giọng điệu chủ đạo trong truyền thống thơ ca Việt Nam, từ những câu ca dao Người về em dặn người rằng/ Đâu hơn người kết đâu bằng đợi em

đến những câu thơ cách tân của Trần Dần Em ơi/ anh không ngủ được/ bốn

đêm rồi/ nhớ em/ đường phố Sinh Tử/ đen cả mũi/ mùi than/ mùi bụi.

Nguyễn Quang Thiều không vượt ra ngoài truyền thống đó, khi giọng điệu chủ đạo trong thơ ông là giọng điệu của cảm xúc. Thơ Nguyễn Quang Thiều thiên về lối thơ giãi bày cảm xúc và ý nghĩ, mỗi thi phẩm của ông đều là một dòng tâm trạng, nỗi niềm. Vì thế, tần số xuất hiện những từ ngữ biểu đạt

cảm xúc trong thơ ông rất cao: buồn đau, nước mắt, khóc, nhớ, khắc khoải, cô đơn, đắng cay… Cùng với hệ thống từ ngữ diễn tả trạng thái là kiểu câu

thơ giãi bày, chia sẻ: Tôi đã chia đôi tôi nhưng vẫn tròn đôi ngả/ Một ngả trọn yêu thương, một ngả trọn buồn đau (Đêm gần sáng); Hỡi người hái hoa kiếp trước (Lễ tạ); Thưa cha, con đã dâng trà (Dâng trà); Hỡi con chim kêu

suốt cả mùa hè (Nghe tiếng con chim cuốc); Tóc em còn nặng như xưa?/

Mắt em còn buồn như xưa? (Nhân chứng của một cái chết). Có thể nói, yếu

tố cảm xúc trong thơ Nguyễn Quang Thiều như một sự tiếp nối truyền thống thơ ca từ thuở ca dao. “Thơ Nguyễn Quang Thiều, trong sâu thẳm, vẫn là

tiếng thơ của kẻ duy tình, mà duy tình, vốn là gen trội trong tính cách Việt”

(Nguyễn Đăng Điệp) [9, 13].

Gắn bó sâu nặng với Làng Chùa bằng một tình yêu máu thịt, thế giới nghệ thuật trong thơ Nguyễn Quang Thiều được xây dựng từ những chất liệu quen thuộc của vùng châu thổ sông Hồng ấy. Đó là một không gian nghệ thuật với những cánh đồng phủ đầy rơm rạ tháng mười, với đầm lầy cỏ lác hoang sơ nơi cào cào châu chấu sinh sôi nảy nở, với dòng sông Đáy thao thiết chảy ngày đêm, với những khu vườn lấm tấm lộc mơ lộc khế và lộng lẫy ánh trăng, với những con đường gồ ghề sỏi đá, với thân ngô cuối vụ khô gầy và những mùa màng gặt hái… Đó là nhịp sống của một làng quê với những cuộc đời lam lũ mà chân dung con người hiện lên quen thuộc và xúc động, là những nghi lễ cúng giỗ, những khung cảnh đám tang mang nét đặc sắc riêng của văn hóa vùng châu thổ. Thơ Nguyễn Quang Thiều được dệt nên từ những hình ảnh quen thuộc và bình dị như thế, chạm khắc nên một biểu tượng lớn:

châu thổ. Nói cách khác, hồn cốt của một vùng châu thổ sông Hồng được tái

sinh trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó làm ta liên tưởng đến hồn cốt của vùng quê Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm, hồn cốt của vùng nông thôn Bắc Bộ với hàng cau, giàn giầu và bờ đê đầy gió trong thơ Nguyễn Bính. Nếu nói

rằng thơ Nguyễn Quang Thiều là “lai Tây”, thì rõ ràng sẽ rất hiếm hoi để tìm thấy một hình ảnh xa lạ, “Tây hóa” trong thơ của ông, ngay cả ở trong những bài thơ lấy đề tài từ phương Tây: Những con quạ thành phố Karachi, Người

thổi kèn rắn, Món quà cuối cùng của Giáng sinh… Cũng như Nguyễn Bính

hay Hoàng Cầm, Nguyễn Quang Thiều đi tìm vẻ đẹp từ chính mảnh đất quê hương mà ông gắn bó. Thơ Nguyễn Quang Thiều gọi dậy linh hồn Việt Nam, đời sống Việt Nam, những vẻ đẹp rất Việt Nam. Nó chính là khuynh hướng thẩm mĩ của người Việt: yêu chuộng những vẻ đẹp gắn với những gì bình dị, quen thuộc, tin cậy và nặng nghĩa tình.

Người Việt Nam có thói quen ưa lập luận sáng sủa, rõ ràng, không ưa kiểu tư duy rối rắm, phức tạp. Điều đó tạo nên nét đặc sắc trong truyền thống thơ ca: thiên về lối biểu đạt chặt chẽ, logic, dễ hiểu. Trong xu hướng cách tân thơ Việt, một số nhà thơ tìm đến với những tìm tòi thể nghiệm khá xa lạ với truyền thống thơ ca, chẳng hạn lối thơ “dòng chữ” với các tên tuổi Lê Đạt, Trần Dần, Dương Tường, Đặng Đình Hưng… Vì quá chú trọng vào kỹ thuật dùng chữ nên nhiều bài thơ của họ trở nên khó hiểu, mù mờ như đánh đố người đọc. Nguyễn Quang Thiều, trong bối cảnh đó, tìm cho mình một con đường riêng. Mặc dù đoạn tuyệt với những thói quen biểu đạt đã trở nên sáo mòn trong thơ, Nguyễn Quang Thiều vẫn trân trọng truyền thống logic trong diễn đạt của thơ ca Việt. Thơ của ông, dù cất lên từ những giấc mơ, những cơn mê hoang hoải, bao giờ cũng có một cấu tứ rõ ràng và chặt chẽ, một lối

thơ hướng tâm vào một chủ đề nhất định. Dù sử dụng những biểu tượng và

liên tưởng có tính lạ hóa, nhưng mạch liên kết trong thơ Nguyễn Quang Thiều không hỗn độn và đứt gãy như biểu hiện dễ thấy trong thơ hiện đại thế giới. Ngay trong một bài thơ văn xuôi rất dài như Nhịp điệu châu thổ mới

gồm 7 chương, mạch liên kết cũng thể hiện một cách chặt chẽ. Bài thơ bắt đầu từ nghi thức của đám tang Người Nông Dân Già như một bản điếu văn tái

hiện lại nhịp sống của châu thổ với những mùa ngũ cốc, những vụ gieo trồng và bàn tay nhẫn nại của người nông dân, để rồi từ đó mở ra một đời sống mới, sự xuất hiện của Cậu Bé song hành cùng với một sự tái sinh của châu thổ. Cái chết khởi đầu cho sự sống, chính là chủ đề xuyên suốt Nhịp điệu châu thổ mới. Có thể thấy, thơ Nguyễn Quang Thiều không hướng đến tính triết lý và

tránh xa mọi khái quát, vì thế nó không đánh đố tư duy người đọc. Thơ Nguyễn Quang Thiều đánh thức thế giới cảm giác, trực giác của chúng ta, và mọi tư tưởng triết lý của ông ẩn trong chân dung đời sống mà chúng ta có thể cảm nhận được.

Bởi lẽ đó, dẫu có những cách tân mới mẻ và lạ lẫm, thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn nằm trong trường thẩm mỹ quen thuộc của thơ Việt. Nguyễn Quang Thiều đã từ truyền thống mà cách tân, từ truyền thống mà ra đi về phía hiện đại. Điều này như một lẽ đương nhiên, khi Nguyễn Quang Thiều đã từng quan niệm: “Tôi nghĩ người Việt Nam hay bất cứ người ở dân tộc nào, đi đến

văn minh và tương lai đều nên có hai thứ: tâm hồn của xứ sở họ được sinh ra và trí tuệ của nhân loại”.

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)