6. Cấu trúc luận văn
3.3.1. Thiếu tính tương tác
Tính tương tác là một khái niệm của thơ hiện đại. Khái niệm này dùng để chỉ đến khả năng đối thoại, giao lưu giữa tác giả và độc giả, tạo nên một sự hô ứng và khả năng đồng sáng tạo khi độc giả tiếp xúc với tác phẩm, và như thế, ý nghĩa của văn bản thơ ca không ngừng được mở rộng. Tính tương tác hạn chế khả năng độc thoại, diễn giải của nhà thơ, yêu cầu cao đến tính chất khơi mở của tác phẩm. Theo lý thuyết tiếp nhận hiện đại, từ văn bản đến người đọc, mỗi người được tiếp nhận khác nhau tùy theo “khoảng cách thẩm mỹ” của mỗi người với văn bản văn học và sau đó văn bản mới trở thành tác phẩm.
Trong khuynh hướng cách tân thơ sau 1975, nhiều nhà thơ hiện đại cố gắng phá vỡ mạch liên kết chặt chẽ của thơ theo lối truyền thống, để tạo nên nhiều khoảng trống có khả năng khơi gợi và liên tưởng cho thơ. Sự giản lược đến tối đa các yếu tố liên kết kết các đơn vị ngôn ngữ, sắp xếp các hình ảnh không có mối quan hệ gần gũi bên cạnh nhau mà không kèm bất kì lời giải thích nào của tác giả đã buộc độc giả phải phát huy tối đa khả năng liên tưởng và sáng tạo của mình trong việc đi tìm ý nghĩa của văn bản. Đây là điểm khác biệt giữa thơ hiện đại chủ nghĩa và thơ lãng mạn một thời. Nếu như thơ lãng mạn ham phân tích, lí giải cặn kẽ các sự vật, hiện tượng đời sống thì nhiều bài thơ hiện nay giống như những bản “thiết kế ý tưởng” hay chỉ như một “dàn ý”. Xu hướng này thể hiện rõ nhất ở những tác giả Trần Dần, Lê Đạt, Mai Văn Phấn. Nhà thơ Thanh Thảo tìm đến với thử nghiệm cấu trúc thơ - cấu trúc khối vuông ru-bic. Đây là một cấu trúc mở hoàn toàn: tác giả xoay theo ý tác giả, người đọc xoay theo ý muốn của mình, và qua mỗi lần xoay màu sắc lại hiện lên khác nhau không ai giống nhau. Cũng có khi, nhà thơ dựng lên một trạng huống đời sống và dường như đứng ngoài các diễn biến nội tâm để cùng người đọc giải mã một hiện tượng đời sống như thơ Dư Thị Hoàn.
Thơ Nguyễn Quang Thiều mặc dù đạt đến những thành tựu cách tân đáng kể về hình thức, nhưng chưa triệt để. Căn cốt truyền thống trong thơ Nguyễn Quang Thiều chi phối đến cấu trúc thơ của ông. Đắm chìm với cái tôi giãi bày chia sẻ, thơ Nguyễn Quang Thiều vì vậy hạn chế khả năng đồng sáng tạo của độc giả và tính chất khơi mở cần có của thơ hiện đại. Những câu thơ dài với nhịp điệu triền miên ám ảnh, những điệp khúc lặp đi lặp lại nhằm diễn đạt thấu triệt cảm xúc của cái tôi đã đã thôi miên, níu kéo độc giả khiến độc giả phải rưng rưng theo và áp đặt độc giả trong một định hướng tư duy. Những câu thơ dài mang tính cắt nghĩa, lí giải là kiểu câu quen dùng trong thơ ông. Đây là nỗi hoài niệm vô vọng về quá khứ cổ tích: Giờ chẳng còn tháng
Mười xưa, chẳng còn ngọn khói xưa, chẳng còn…/ Ta đợi mãi, đợi mãi một mụ phù thủy/ từ tháng Mười Một bay về để biến ta thành chú bê xưa (Tháng Mười), đây là vẻ đẹp bất ngờ lóe lên từ trong lam lũ như một sự tôn vinh lặng
lẽ: “Những tấm áo rách sặc mùi bùn phơi trong lòng dậm như cờ ngày việc
làng giã đám” (Trên đại lộ), đây là sự gắn kết vô hình giữa cõi sống và cõi
tâm linh sâu thẳm: “Con yêu những chiếc kèn, những chiếc trống và những
chiếc nhị kia thổn thức/ Tất cả cũng yêu con buồn bã, âu lo” (Âm nhạc).
Thậm chí, câu chữ trong thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều khi rườm rà, thừa thãi, thiếu cô đúc, thiếu khoảng trống đã làm “lộ” ý tưởng của tác giả và đánh mất đi khả năng sáng tạo của người đọc. Sự rườm rà ấy làm mệt mỏi và tê liệt nhu cầu khơi mở của độc giả. Trong Đoản ca về một buổi tối, khi dựng lên
một thế giới hỗn loạn trong đời sống của chúng ta, một thế giới với những góc khuất vốn bị che giấu dưới ánh mặt trời, chỉ trong đêm tối nó mới thật sự tỏ bày, tác giả đã dùng những câu kể rất dài: Chợt ai đó trong chúng ta choàng tỉnh trong đêm và nức nở mãi không thôi/ Nức nở và nói về tội lỗi khủng khiếp của mình không một ai biết đến/ Một ai đó nguyên quần áo ngủ bỏ nhà đi ra hồ nước/ Trong mắt người ấy chỉ có một con đường từ bờ chạy xuống đáy hồ/ Một góc phố một hiệu kim hoàn bị phá cửa/ Và trong quán rượu một người say đâm chết một người say/ Một ai đó mở tủ lạnh chứa đầy thực phẩm, ăn ngấu nghiến rồi lăn ra ngủ tiếp/ Một ai đó cất giọng van vỉ bên ngoài cnahs cửa khóa chặt và nói lời xin lỗi/ Một ai đó thù hận một ai đó, giờ bò đến bên nhau/ Cả hai lảm nhảm như bệnh tâm thần rồi rền rỉ trong ân ái đến tận khi trời sáng/ Trong lúc một ai đó cầm một con dao đi tìm một ai đó/ Thì một kẻ giết người đến bên mộ nạn nhân khóc lóc/ Một ai đó đầu tóc rũ rượi bới tung giá sách tìm một cuốn sách bị lãng quên/ Và một ai đó thắp một cây nến/ Và thì thào mãi trong bóng tối khổng lồ với những câu thơ. Những
định cho người đọc về một ý nghĩa xác định của nó: sự cam chịu và phản kháng, tội lỗi và ăn năn, thù hận và tha thứ, giày vò và lạc thú… tất thảy đều nằm trong mỗi con người chúng ta, trong toàn xã hội này.
Cấu trúc mỗi bài thơ của Nguyễn Quang Thiều thiếu đi một sự linh hoạt và đa dạng. Như ở trước đã trình bày, Nguyễn Quang Thiều thường chọn lối kết thúc có hậu, vì thế nhiều bài thơ kết thúc bằng những hình ảnh tươi sáng: Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình (Ban mai); xa tít một lưỡi
cày mơ tên gọi vì sao (Cánh đồng); Vừa thức dậy dịu dàng tắm rửa những
ban mai (Hòa âm của những đa bào); Đôi mắt sáng hai vầng Nhật, Nguyệt/
Đẻ cho ban mai một dải trứng hồng (Con bống đen đẻ trứng)… Cấu trúc đó
đã làm “lộ” ý tưởng của tác giả: niềm tin và hi vọng vào sự sống của thế giới. Đời sống luôn luôn phục sinh là cảm quan thường trực trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Cấu trúc này rõ ràng cố định tác phẩm trong một ý nghĩa chủ đạo của nó, những liên tưởng của người đọc dường như chỉ được phát huy qua những hình dung tưởng tượng về thế giới mà nhà thơ tạo dựng chứ không phải ở ý nghĩa của văn bản.
Như vậy, thiếu đi một sự cô đọng hàm súc, thiếu đi những khoảng trống cần thiết trong thơ, thiếu đi một cấu trúc mở, thơ Nguyễn Quang Thiều chưa thực sự khơi dậy được những cảm xúc khác nhau, những cách hiểu khác nhau. Sự tương tác với người đọc vì vậy bị giảm trừ đáng kể. So sánh thơ Nguyễn Quang Thiều với một số bài thơ của Dư Thị Hoàn, của Thanh Thảo… ta sẽ nhận ra tính hạn chế của khả năng tương tác với người đọc trong thơ ông. Đi lễ chùa dựng lên một trạng huống đời sống, nhà thơ chỉ đứng bên ngoài mọi diễn biến nội tâm để khơi gợi độc giả tự tìm hiểu, tự cắt nghĩa, tự giãi mã đời sống. Bài thơ khắc họa hành trình đi lễ chùa trên cỗ xe ngựa của năm người đàn bà. Hành trình đó thu gọn lại trong bốn câu hỏi của bốn người đàn bà và một câu Mô Phật! của người đàn bà thứ năm. Bốn câu hỏi đặt ra
bốn nỗi đau mang bốn gương mặt khác nhau, cũng là bốn câu hỏi đang chờ giải đáp. Bài thơ khép lại bằng hình ảnh cũng mang tính bỏ ngỏ: người xà ích vung roi tung bụi đường, đưa năm người đàn bà với năm tâm trạng, năm nỗi băn khoăn hướng về ngôi chùa. Mọi suy tư nhường lại cho độc giả, cái tôi Dư Thị Hoàn ẩn mình đi sau câu chuyện ấy. Thanh Thảo ở Đàn ghi ta của Lor-ca lại tạo nên một sự tương tác với người đọc theo một cách thức khác. Ông tổ chức bài thơ theo những liên tưởng tự do, phóng khoáng, miên man, bất tận, đổi mạch bất ngờ và liên tục, giản lược tối đa các từ nối: tiếng đàn bọt nước -
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt - vầng trăng chếnh choáng - yên ngựa mỏi mòn - giọt nước mắt - vầng trăng - đáy giếng… tạo nên cấu trúc rời rạc và lỏng lẻo, nhưng lại có khả năng gợi mở tối đa những liên tưởng và cảm nhận của độc giả. Sẽ khó để tìm một bài thơ với những khoảng trống khơi gợi như thế trong những sáng tác của Nguyễn Quang Thiều.
Khi nhà thơ chìm đắm với cái tôi của mình, độc giả cơ hồ bị bỏ rơi. Khi đó, những phát ngôn của cái tôi sẽ trở thành chủ đạo, dẫn dắt mọi suy tưởng của độc giả theo lối đi của nó. Thơ Nguyễn Quang Thiều, ở một mức độ nào đó, thiếu đi một khả năng thanh lọc cảm xúc ở người đọc bằng sự đối thoại dân chủ.