Sự đơn giọng

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 128)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.2. Sự đơn giọng

Giọng điệu là một hiện tượng nghệ thuật, là phương tiện biểu hiện quan trọng của chủ thể sáng tạo đồng thời còn là một biểu hiện của thi pháp trong những thời đại thi ca nhất định. Thơ mới duy trì một giọng điệu chủ đạo là buồn thương, thơ Cách mạng trước 1975 là giọng điệu trữ tình tha thiết hoặc hào sảng, trang trọng. Từ sau năm 1975, sự biến đổi dễ thấy nhất của thơ ca là sự đa dạng về giọng điệu. Cùng với ý thức mạnh mẽ về bản sắc cá nhân và cá tính sáng tạo không chấp nhận khuôn mình vào những “đường quen lối cũ” trong thơ, tư thế trữ tình mới của cái tôi hôm nay khi đối diện với muôn mặt

phức tạp của đời sống hiện đại đã tạo nên sự đa dạng ấy. Có những giọng điệu nổi bật trong thơ sau 1975: giọng cảm thương khi nói về thân phận con người, giọng trầm tư triết lý khi nhìn về những vấn đề xã hội đã được chắt lọc từ trải nghiệm đời sống của chính nhà thơ, giọng mỉa mai khi nhận thức lại những vấn đề chính trị và xã hội, giọng hài hước hoặc tự trào khi nhà thơ hóa giải mọi ảo tưởng trong cuộc sống.

Một đặc điểm dễ nhận thấy của thơ Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ đã tạo nên một giọng điệu nhất quán trong hành trình sáng tạo của mình. Thơ Nguyễn Quang Thiều là một sự phức hợp cảm hứng, có hoài nghi và tin tưởng, có lo âu và hi vọng, có phê phán và ngợi ca, có hiện thực và lãng mạn, nhưng dù viết với cảm hứng nào, bao giờ giọng thơ của Nguyễn Quang Thiều cũng rưng rưng, tha thiết. Viết về cố hương, nhà thơ ngậm ngùi hoài nhớ trong tiếng nấc âm thầm: Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc/ Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn (Sông Đáy). Viết về tình yêu, nhà thơ trĩu nặng một

dự cảm buồn đau: Ta không thể nuôi nhau bằng ánh sao trời/ Anh nói vậy xin

em đừng khóc (Những ngôi sao). Nguyễn Quang Thiều viết về người cha

trong nỗi ăn năn: Con có tội một lần một chiều xưa nói dối/ Con mang tội suốt

đời lời nói dối sáng nay (Mười một khúc cảm). Ông viết về thân phận mình

cũng ngậm ngùi xót xa như về thân phận người: Từ thuở lọt lòng tôi đã nhận

chiếc xe số phận một bánh/ Tôi cầm hai càng xe đẩy ra khỏi cửa và đi/ Xe mỗi ngày nặng thêm bởi chất lên bao thứ/ Hai cánh tay tôi nổi gân rời ra/ Mồ hôi mặt tôi rụng suốt bốn mùa (Với chiếc xe một bánh).

Nguyễn Quang Thiều nhìn hiện thực bằng bằng tình yêu thiết tha với sự sống, nên dù viết về đề tài nào, giọng thơ của ông cũng chan chứa cảm xúc trữ tình. Ông trân trọng sự sống, nên giọng thơ bao giờ cũng đầy nghiêm cẩn. Vì thế, ngay cả khi viết về những rạn vỡ của đời sống với sự lên ngôi của

những dối lừa, những tội lỗi, những tàn khốc, Nguyễn Quang Thiều cũng viết bằng một giọng trữ tình. Cảm thức phê phán của Nguyễn Quang Thiều ẩn sau giọng điệu trữ tình ấy. Phản ánh hiện thực đời sống, Nguyễn Quang Thiều không sử dụng giọng chất vấn quyết liệt dữ dội, không cao giọng chỉ trích, không mỉa mai châm biếm. Ông nói bằng nỗi đau nhức nhối và trầm lắng của mình. Trong Bầy chó của tôi, trước một đời sống vật vã đang phá hủy đến tàn khốc những mối quan hệ của con người, nhà thơ đau đớn: Trong ngõ nhỏ đêm

nay/ Tôi nghe chó sủa/ Tôi thổi tắt đèn/ Chó sủa vào tôi. Cái âm thanh nghiệt

ngã của đồng loại cắn xé nhau trong vật vã sinh tồn ấy không chỉ là một âm thanh bên ngoài, nó là nỗi đau dội vào bên trong nhà thơ, dai dẳng, nhức nhối. Ngay cả khi ánh sáng đã tắt, nó vẫn hiện hữu. Trong Lời cầu nguyện, khi nói

về sự xâm lấn của những thứ tiện nghi vật chất đang vây bủa con người, đang hủy hoại môi trường sinh tồn của nhân loại, Nguyễn Quang Thiều mô tả nỗi đau của con người trong cơn hoảng loạn chạy trốn đến kiệt sức: Họ chạy trốn

không nguyền rủa, không tuyên bố, không hoảng hốt, chỉ có đau đớn, chỉ có chuẩn bị. Có thể nhận thấy rằng, Nguyễn Quang Thiều không chú trọng mô tả

hiện thực mà chú trọng phản ánh sự tác động của nó lên đời sống tinh thần của con người. Dấu ấn của sự tác động đó là nỗi đau, là sự hoang mang và lo âu. Chính vì thế, giọng chủ đạo vẫn là giọng trữ tình tha thiết.

Như đã từng khẳng định, tình yêu và niềm tin mãnh liệt với sự sống là gốc rễ của cảm xúc trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó phù hợp với giọng trữ tình sâu lắng. Trân trọng sự sống, nên dù sử dụng ngôn ngữ đậm chất văn xuôi, nhưng ngôn ngữ trong thơ ông không bao giờ suồng sã. Dẫu có Những

hồ nước thủ dâm đục sóng, có loài sen đổi giới tính thay mùa, có Bầu vú em

gió núi thổi mát rượi, ngôn ngữ thơ Nguyễn Quang Thiều tuyệt nhiên không

hề dung tục. Đó là ngôn ngữ nghiêm trang và cẩn trọng. Ông không cười cợt, không chế giễu, không suồng sã hóa tất cả, ông cẩn trọng nâng niu với từng

mảnh đời sống bằng niềm tin và tình yêu của mình. Điều đó hạn chế nhà thơ sử dụng các giọng điệu đa dạng khác thường được sử dụng trong thơ hiện đại: giọng hài hước, giọng mỉa mai, giọng triết lí. Nó lại càng xa lạ với giọng giễu nhại trong thơ hậu hiện đại. Đặc điểm này vừa tạo nên một âm hưởng riêng rất dễ nhận diện của thơ Nguyễn Quang Thiều lại đồng thời làm cho thơ ông thiếu đi một sự linh hoạt và đa dạng. Điều này, phần nào đó đã hạn chế sự hứng thú của người đọc khi đến với thơ Nguyễn Quang Thiều. Với một giọng điệu duy trì thường trực trong thơ, cảm giác mệt mỏi không phải là không thể nảy sinh khi tiếp xúc thơ Nguyễn Quang Thiều. Cuộc sống vốn đa dạng, con người hiện đại khi va chạm với đời sống ấy luôn nảy sinh vô vàn trạng thái và cung bậc cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, hiện thực trớ trêu cùng sự hoài nghi về những giá trị vốn được coi là chân lí đã nhiều lúc đánh mất niềm tin của con người hiện đại. Nhiều lâu đài tinh thần thiêng liêng cơ hồ sụp đổ. Người đọc không chỉ cần đến một niềm tin, người đọc còn cần một sự chấp nhận tỉnh táo hơn, một sự phản tỉnh và giải thiêng cần thiết. Nếu không chấp nhận một sự đối mặt và cắt bỏ những ung nhọt thì sao có thể chữa lành được những căn bệnh nảy sinh trong thời đại hôm nay? Tiếng cười, sự phỏng nhại, giễu nhại… chính là những con dao mổ, những liều thuốc kháng sinh cần thiết. Nhà thơ Inrasara đã từng mượn hình thức giễu nhại để người đọc có thể nhận diện rõ hơn sự thực: Tây tạng/ tang tậy/ tẩy tan/ tan đàn xẻ nghé/ nghé con/ bê con/

bê thui/ bia hơi/ nhậu nhẹt/ có ai nhớ tây tạng không/ còn ai thương em gái tây tạng không (Khóc Tây tạng). Ông cũng tự trào về mình bằng một giọng

hài hước, sự tự trào này đánh thức người đọc một ý thức nhìn lại mình: Tôi đang làm gì đang là gì/ nhà thơ nhà nghiên cứu nhà kinh/ doanh hay miếng giẻ rách. Kiếp trước/ chắc chắn tôi là chim kiếp sau/ làm loài ếch có lẽ, kêu ồm/ ộp ngoài mưa/ Trí thức không hẳn trí thức/ truyền thông không hẳn truyền thông/ thi ca vắng mặt thi ca/ Tôi kêu ồm ộp trong mưa thật/ to

(Chuyện tôi). Những giọng điệu này thể hiện một ý thức mới, một tư thế mới của con người hiện đại: tỉnh táo hơn, bản lĩnh hơn. Sự thiếu vắng những giọng điệu này trong thơ Nguyễn Quang Thiều, một mặt là sự lựa chọn có chủ ý của nhà thơ, một mặt lại là giới hạn trong nỗ lực cách tân.

Inrasara đã từng quan niệm rằng: “Thế hệ mới, giọng thơ cũng phải

mới”. Việc duy trì giọng trữ tình và trang trọng như một giọng điệu nhất quán

trong thơ của Nguyễn Quang Thiều phần nào đã làm giảm màu sắc cách tân trong thơ ông, khi nó nhắc người đọc liên tưởng đến giọng trữ tình đã chiếm lĩnh thi đàn từ những năm 30 của thế kỷ XX.

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 128)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)