6. Cấu trúc luận văn
1.3.3. Khái quát về hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều
Gần 20 năm sáng tạo và 10 tập thơ đã xuất bản, Nguyễn Quang Thiều đã làm một hành trình thực hiện tâm nguyện “nhà thơ phải thực sự đi trên một
tập thơ, ở đó, mỗi bước chuyển trong đề tài, cảm hứng, ngôn ngữ, giọng điệu đều mang trên mình nó những nhọc nhằn khai phá của nhà thơ.
Năm 1990, Nguyễn Quang Thiều trình làng tập thơ Ngôi nhà 17 tuổi,
đánh dấu sự chuyển hướng sang địa hạt thơ ca của ông. Ngay từ tập thơ đầu tay ấy, Nguyễn Quang Thiều đã đặt viên gạch đầu tiên khá chắc chắn cho đường thơ của mình. Ngôi nhà 17 tuổi là một thế giới trong trẻo tinh khôi của những kí ức và kỉ niệm êm đềm. Đó là kí ức về một làng quê xa xưa hiện về trong một niềm thương nhớ ngậm ngùi: Tôi của triền sông hai mươi tám tuổi/
Những dấu chân trên phù sa rong ruổi/ Của hoa ngô cuối vụ khô giòn (Trở về bờ bãi), là kỉ niệm về những mùa hè xao xuyến: Bao mùa hè đã trôi qua/ Đời ve lột xác để mà gọi nhau (Mùa hè trên vạt cỏ). Ta bắt gặp trong Ngôi nhà 17 tuổi những đề tài quen thuộc: tình yêu tuổi học trò (Mùa hè trên vạt cỏ),
người mẹ, người bà tảo tần nhân hậu (Ngoại ơi), những người phụ nữ thua thiệt mất mát sau chiến tranh (Dưới tán lá dịu dàng). Vẻ đẹp của tập thơ nằm ở những cảm xúc dịu dàng trong trẻo, ở những hình ảnh trong sáng thơ mộng, ở những câu chữ tinh tế và tài hoa, ở thể thơ truyền thống được sử dụng một cách nhuần nhị. Nhưng Ngôi nhà 17 tuổi vẫn là tập thơ bị vây bọc bởi một thứ mĩ cảm cũ. Tuy nhiên, bài thơ Lạc nhịp cuối tập thơ đã hé mở tuyên ngôn tìm đường của Nguyễn Quang Thiều.
Năm 1992, tập thơ thứ hai Sự mất ngủ của lửa ra đời được ví như một “ngày sinh lại của Thiều” (Chu Văn Sơn) [9, 95]. Tập thơ ngay từ khi ra đời đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận, và cuộc tranh luận ấy trở nên gay gắt, tạo nên một đời sống dư luận phức tạp sau khi nó được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn năm 1993. Tập thơ đánh dấu một sự bùng nổ trong ý thức cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều. Sự mất ngủ của lửa là sự mở
rộng đề tài sang một chiều kích lớn lao: cuộc chuyển dịch không ngừng của sự sống trong một sự luân chuyển toàn vũ trụ. Hiện thực trong Sự mất ngủ
của lửa đã mất đi vẻ thơ mộng êm đềm để hiện ra với một đời sống bộn bề
ngột ngạt, chồng chất những nỗi buồn thân phận, những ám ảnh của sự tù động bế tắc, những đổ vỡ rách xé. Chất liệu đời sống ngồn ngộn, tươi rói và sống động, ào ạt tuôn chảy trong Sự mất ngủ của lửa là biểu hiện cho một sự bùng nổ về cảm xúc và sự đột phá về tư duy nghệ thuật. Đặc biệt, sự chuyển dịch trong cách chiếm lĩnh hiện thực từ một đời sống ở phần dương nghiêng dần sang đời sống ở phần âm là điểm nổi bật của tập thơ này. Sự chuyển dịch này đưa thơ của Nguyễn Quang Thiều, bắt đầu từ Sự mất ngủ của lửa, đi vào
xu hướng khám phá những vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực. Bước đột phá quan trọng của thơ Nguyễn Quang Thiều ở Sự mất ngủ của lửa chính là sự cách tân trong việc xây dựng thế giới hình ảnh và biểu
tượng. Nhà thơ đã “lạ hóa” những đối tượng vốn quen thuộc trong đời sống bằng những cảm nhận và suy tưởng mới, những góc nhìn và cách thể hiện mới, mà “chìa khóa” của nó chính là sự chuyển động không ngừng của sự sống và vũ trụ. Thế giới nghệ thuật của tập thơ là một thế giới chuyển động, vừa rõ ràng vừa kì bí: Bóng tối đêm gần sáng như một con mèo nhung khổng
lồ bước đi uyển chuyển, Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình, Tiếng
con dế bị giam cầm trong góc nhà vươn lên một con đường cỏ dại... Giã từ
những hình ảnh thơ trong sáng, dễ hiểu, Nguyễn Quang Thiều đã sáng tạo nên những hình ảnh có tính siêu thực, huyền ảo. Thoát ra khỏi những câu thơ thanh thoát trong trẻo, Sự mất ngủ của lửa dẫn ta vào một thế giới âm u, rậm rạp và bí ẩn của lớp lớp những biểu tượng lạ. Thế giới đó phá vỡ tính mực thước của những thể thơ truyền thống. Vì thế, sự chuyển dịch sang các thể thơ tự do cùng với câu thơ ngày càng đậm chất văn xuôi là điều tất yếu. Đặc biệt, sự xuất hiện của hai bài thơ văn xuôi Chuyển động và Những ví dụ là
một dấu hiệu quan trọng trong sự đột phá về cách tân hình thức thơ của Nguyễn Quang Thiều.
Sau Sự mất ngủ của lửa, chấp nhận những dư luận trái chiều nhiều khi diễn ra rất gay gắt, Nguyễn Quang Thiều tiếp tục kiên trì với hành trình cách tân của mình. Những người đàn bà gánh nước sông là tập thơ ra đời sau đó 3 năm, thể hiện một sự trưởng thành của tác giả trong ý thức cách tân. Ở tập thơ này, sự ám ảnh, nghẹt thở trước đời sống hiện đại đã trở thành một cảm hứng chủ đạo. Chân dung của đời sống hiện đại hiện lên trong nỗi ám ảnh và âu lo của nhà thơ. Vì thế, cảm thức nguồn cội trong tập thơ này chính là một con đường để tác giả thanh lọc mình và nuôi dưỡng niềm tin. Hình ảnh cánh đồng, đất nâu và tiếng gọi của tổ tiên xuất hiện trong tập thơ này nhiều hơn so
với ở Sự mất ngủ của lửa. Đặc biệt, nếu như ở Sự mất ngủ của lửa là sự bắt
đầu chuyển dịch từ đời sống ở phần dương sang đời sống ở phần âm thì ở
Những người đàn bà gánh nước sông, phần âm đã lấn át phần dương với thế
giới tâm linh đang trỗi dậy mãnh liệt. Tính chất siêu thực của thế giới hình ảnh, biểu tượng vì thế đậm nét hơn. Về hình thức, xuất hiện những bài thơ được cấu trúc như một vở kịch ngắn, có nhiều lớp, nhiều màn, có cao trào để dựng lên các mảng khác nhau của đời sống như ở Dưới trăng và một bậc cửa,
Lời cầu nguyện, Con bống đen đẻ trứng. Những người đàn bà gánh nước
sông đã đạt đến độ chín của những thể nghiệm cách tân mà của Nguyễn
Quang Thiều đặt ra ở Sự mất ngủ của lửa.
Nhịp điệu châu thổ mới xuất bản năm 1997 tập hợp những bài thơ sáng
tác từ năm 1993 đến năm 1997. Tập thơ là một bước tiến mới của Nguyễn Quang Thiều trong hành trình cách tân với những quan niệm mới mẻ và độc đáo. Một thế giới vận động, dịch chuyển không ngừng trong Sự mất ngủ của lửa và Những người đàn bà gánh nước sông đã hoàn thành vòng luân hồi của
nó trong Nhịp điệu châu thổ mới. Ở đó, sau sự hủy diệt là tái sinh, sau lụi tàn là sinh nở, sau bóng tối là ánh sáng. Nhà thơ sáng tạo ra một hiện thực mới của cuộc sống, nơi sự sống bắt đầu hoan ca. Trong số 13 bài thơ, Nhịp điệu
châu thổ mới là tác phẩm mang tầm vóc của một trường ca, với gần ba trăm câu thơ tổ chức thành bảy chương, dựng lên sự sống của cả vùng châu thổ với sự nối tiếp của nhiều thế hệ. Những bài thơ Những người dậy sớm, Ngôn ngữ
tháng Tư… là những tác phẩm cùng hướng đến chủ đề này. Bài Chuyển dịch
màu đen cùng với Lúc ba giờ sáng, Về những đồ vật có trên bàn viết mang
những dự cảm âu lo về một đời sống hiện đại mỗi ngay một xô bồ gấp gáp. Có thể nói rằng ở tập thơ Nhịp điệu châu thổ mới, cái nhìn của tác giả đã vượt ra khỏi giới hạn của một vùng châu thổ để hướng đến sự sống có tính nhân loại và vũ trụ. Chiều kích cảm quan được mở rộng biên độ thì hình thức của thơ cũng được giải phóng ở một mức độ cao hơn, thể hiện ở hệ thống biểu tượng chồng chất lớp lớp và đôi khi khó hiểu, ở những bài thơ dài mang dáng dấp của trường ca.
Những nỗ lực cách tân của Nguyễn Quang Thiều đã được kết tinh ở Bài
ca những con chim đêm, tập thơ được coi là hay nhất của ông. Bài thơ Lễ tạ
mở đầu tập thơ gần như là một tuyên ngôn của ông về khát vọng cách tân và thái độ dấn thân trên hành trình sáng tạo đầy cô đơn. Với lời tuyên ngôn đó, tập thơ là một sự dấn thân thật sự. Yếu tố huyền hoặc, ma mị xâm lấn trong thế giới nghệ thuật của Bài ca những con chim đêm. Vang lên trong cả tập thơ những giọng nói cất lên từ giấc mơ, từ ký ức, từ tưởng tượng, từ những linh hồn và từ vạn vật, một giọng nói vừa rõ rệt đang chiếm lĩnh đời sống vừa mơ hồ huyền hoặc. Trong thế giới nghệ thuật đẫm màu sắc siêu thực ấy, cảm thức về nỗi cô đơn, hoài nghi tăng lên một cách ám ảnh. Cái tôi cảm nhận sự lạc loài, xa lạ ngay trong thế giới mà mình đang sống: Một đầu bàn tôi ngồi, đầu
kia là ảo ảnh/ Bên cạnh chúng tôi đào sẵn huyệt sâu; Chúng ta cố ngước mắt tìm kiếm dấu vết/ Và lạc ngay trước ngõ nhà mình. Nhưng, chỉ với một tiếng
chim đêm, thế giới đã bừng tỉnh và phục sinh. Đó là niềm tin về sự bất diệt và hồi sinh - vẫn là một cảm quan thống nhất từ các tập thơ trước.
Sức sáng tạo dồi dào của Nguyễn Quang Thiều còn được tiếp nối bằng những tác phẩm chưa xuất bản. Nhà thơ còn một trường ca dài Lò mổ đang
hoàn thành và những bài thơ khác. Hành trình cách tân thơ của ông chưa dừng lại, và chúng ta có quyền hy vọng vào những bứt phá táo bạo của ông trong tương lai.
Trên đây chúng tôi đã trình bày khát quát về những nỗ lực cách tân thơ Việt của các thế hệ nhà thơ tham gia thi đàn sau năm 1975, đặc biệt là thế hệ nhà thơ mới nối tiếp thế hệ các nhà thơ chống Mỹ. Đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới thơ ca của công chúng trong một giai đoạn mới của đất nước, trước những kích thích mỹ học từ các nguồn thơ phi chính thống, những nỗ lực cách tân đó đã tạo nên một nền thơ mới mẻ, hiện đại, đánh dấu một sự chuyển mình quan trọng của thơ ca Việt Nam. Trong số các thế hệ nhà thơ đó, Nguyễn Quang Thiểu nổi lên như một hiện tượng cách tân tiêu biểu. Hành trình cách tân thơ của ông bắt đầu từ Sự mất ngủ của lửa đã đem lại một không khí mới cho thơ ca, thực sự gây “sốc” cho cả công chúng lẫn giới phê bình. Hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều càng về sau càng định hình một phong cách, một xu hướng cách tân độc đáo. Có thể nhận thấy, hành trình sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều không tách rời khỏi quá trình trăn trở vận động để đổi mới của cả nền thơ. Thơ Nguyễn Quang Thiều vì vậy phản ánh trong nó những bước chuyển biến quan trọng của thơ ca Việt Nam đương đại.
Chương 2
NHỮNG THÀNH TỰU CÁCH TÂN CỦA THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU
Từ những khái quát ở chương 1, có thể khẳng định, Nguyễn Quang Thiều là một hiện tượng độc đáo trong nỗ lực đổi mới của thơ Việt Nam đương đại. Đã có những tìm tòi đổi mới từ những nhà thơ cùng tham gia thi đàn Việt Nam sau 1975, nhưng Nguyễn Quang Thiều với sự bền bỉ kiên trì trong khát vọng cách tân của mình, bằng sự ra đời liên tục của nhiều tập thơ, đã hình thành một giọng thơ riêng, độc đáo, một xu hướng cách tân thơ đủ tạo nên một sức lan tỏa và ảnh hưởng. “Hiện tượng Nguyễn Quang Thiều” đã làm “nóng” đời sống thi ca bằng những cuộc tranh luận gay gắt. Để khẳng định những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều trong nỗ lực cách tân của thơ Việt Nam, lý giải sức ảnh hưởng của thơ ông trong nền thơ đương đại, chúng tôi sẽ trình bày những thành tựu cách tân thơ của ông trên hai phương diện: nội dung và hình thức.