6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Tạo sự phức hợp trong cảm hứng
Sự thống nhất trong cảm hứng là đặc điểm chung của thơ ca truyền thống. Nó thể hiện cái nhìn nhất quán của nhà thơ trong khám phá hiện thực và sự thống nhất trong tư tưởng cảm xúc. Sự thống nhất này chiếm lĩnh thơ ca ngay cả khi nền thơ bắt đầu bước vào thời kỳ hiện đại hóa từ những năm đầu thế kỷ XX: Thơ mới ra đời gắn liền với cảm hứng đề cao cái tôi cá nhân cá thể trong sự đối lập với thực tại, thơ Kháng chiến gắn liền với cảm hứng ngợi ca và cái nhìn lãng mạn đối với hiện thực. Sau năm 1975, thơ ca đã chuyển mình để đổi mới. Xu hướng phi sử thi hóa và thế sự hóa đã đem đến cho thơ ca một cái nhìn mới: cái nhìn đa diện. Hiện thực đời sống, hiện thực số phận con người, hiện thực của cái tôi trữ tình được khám phá nhiều chiều hơn trong sự phức tạp và bí ẩn của đời sống. Vì vậy, sự thống nhất trong cảm hứng bị phá vỡ. Tuy nhiên, sự phức hợp trong cảm hứng đó ở mỗi nhà thơ có mức độ đậm nhạt khác nhau. Với Nguyễn Quang Thiều, đây lại là đặc điểm nổi bật làm nên thành tựu đổi mới trong thơ ông.
Nếu như ở trong Ngôi nhà 17 tuổi, thế giới thơ ca của Nguyễn Quang
Thiều trong trẻo như những ký ức về tuổi ấu thơ đã thống nhất thơ ông trong một cảm hứng chủ đạo là sự hoài niệm đầy lãng mạn, thì bắt đầu từ Sự mất ngủ của lửa, thế giới ấy đã bị phá vỡ thành những mảng màu khác nhau: quá
khứ trong lành và hiện tại rạn vỡ, đời sống dương gian bộn bề và cõi tâm linh sâu thẳm. Sự mở rộng trong cái nhìn về hiện thực đi liền với sự tung phá trong thế giới cảm xúc của nhà thơ, vượt ra khỏi những giới hạn. Chất liệu hiên thực ngồn ngộn và đa dạng cùng với sự hình dung vô tận về đời sống không cho phép nhà thơ thuần nhất trong một cảm hứng. Sự phức hợp cảm hứng thể hiện ở sự đan xen của nhiều giọng điệu, nhiều âm hưởng, nhiều tiếng nói đôi khi đối nghịch nhau trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó là biểu hiện của sự giải phóng cái tôi triệt để với mọi cảm xúc.
Nằm trong sự vận động chung của thơ ca Việt Nam sau 1975, Nguyễn Quang Thiều đưa thơ về với cảm hứng thế sự. Thơ ông là sự tái hiện một đời sống đang vận động với những rạn vỡ, những bộn bề đến nhức nhối. Nhưng, cảm hứng thế sự không phân tách với cảm hứng lãng mạn trong thơ Nguyễn Quang Thiều, mà ngược lại, chúng đan cài với nhau như một bản hòa âm. Trong thơ ông, ranh giới giữa hiện tại và quá khứ, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái chết và sự sống, giữa hủy diệt và tái sinh thật mong manh. Trên lằn ranh mong manh ấy, những tiếng nói phức hợp cất lên, gặp gỡ và giao thoa với nhau.
Hiện thực của một xã hội hiện đại đầy phức tạp và bất trắc được tái hiện trên nền một vùng đất vốn trong lành nguyên sơ, tạo nên hai mảng màu sáng - tối trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Quang Thiều. Có một không gian châu thổ nguyên sơ trong lành trong ký ức tươi rói và ám ảnh của nhà thơ. Nhưng, cũng trên vùng ký ức thiêng liêng đó, nhà thơ đang phải chứng kiến những biến động đến nghiệt ngã. Đó là hiện thực trần trụi của cuộc đấu tranh sinh tồn ngay trong đời sống vốn hiền lành của nông thôn Việt Nam (Bầy chó của tôi), là không gian ngột ngạt tù túng và hỗn độn trong một đời sống đang đô thị hóa từng ngày như một chuyến xe tan tầm ọp ẹp và bẩn thỉu (Câu hỏi cuối ngày), là một đời sống hiện đại với những đổ vỡ và tan hoang như “chiến trường” bàn tiệc sau bữa nhậu (Bầy kiến qua bàn tiệc). Sự đan chồng hai lớp không gian và hai mảng hiện thực đó đã tạo nên một hợp âm của nhiều tiếng nói, nhiều cung bậc trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Bên cạnh những hồi tưởng dịu êm là nỗi nuối tiếc đớn đau về một cố hương dâng lên tràn ngập, có khi là một niềm khắc khoải: Ta đi về đường quê cỏ nát/ Ngực ta
gầy, rạc mãi tiếng quê hương (Nghe tiếng con chim cuốc), có khi là sự vô
vọng Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa
còn tháng Mười xưa, chẳng còn ngọn khói xưa, chẳng còn…/ Ta đợi mãi, đợi mãi một mụ phù thủy/ Từ tháng Mười Một bay về để biến ta thành chú bê xưa
(Tháng Mười). Cảm hứng phê phán cũng từ đó mà cất lên trong những câu hỏi nhức buốt: Bầy chó ơi, sủa vào đâu/ Sủa vào trăng?/ Sủa vào ngọn đèn dầu?/ Hay sợ đêm mà sủa vào bóng tối/ Hay sợ nhau mà sủa vào nhau; Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ/ Tóc tai quần áo sặc mùi cá khô/ Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia. Sự ám ảnh đến nghẹt thở của đời
sống hiện đại ngày càng đậm nét trong thơ Nguyễn Quang Thiều, thể hiện ở tần suất xuất hiện ngày càng dày đặc của những hình ảnh thực tại hỗn độn xô bồ. Hoang mang, lo âu, hoài nghi cùng với những dự cảm đầy bất trắc về đời sống là một dạng thức khác nữa của cảm xúc được cất lên từ lằn ranh sáng - tối ấy.
Nhưng, lo âu mà không tuyệt vọng, hoài nghi mà vẫn đầy tin tưởng. Viết về đời sống bằng cảm hứng sự thật, nhưng chính niềm tin về cội rễ vững bền của những giá trị tinh thần thiêng liêng đã thắp lên trong thơ Nguyễn Quang Thiều ánh sáng của đức tin, như là một biểu hiện của cảm hứng lãng mạn. Giữa những hoang mang lo âu trước một thực tại bộn bề, quê hương nguồn cội đã trở thành cứu cánh của nhà thơ như một chỗ dựa vững chắc. Hình ảnh một cái tôi về lại ngày xưa xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Quang
Thiều: Hãy mang tôi về xa nữa…/ Trong bóng tối ngấm men chảy ướt cánh
đồng (Bài hát); Tôi trốn lo âu về lại những cánh đồng (Cánh đồng); Lặng lẽ hoàng hôn tôi cuộn áo chạy về / Lối mòn xưa qua vườn giờ cỏ xòe che kín
(Sám hối); Tôi và em chạy về từ hai miền xa lạ/ Qua những cánh đồng, cỏ bần
bật run lên (Dòng sông); Cha ơi, cha đưa con về đâu?/ Cha đưa các con về
cánh đồng của bà nội (Con bống đen đẻ trứng). Trong hành trình trở về quá
khứ ấy, ta tìm thấy những vẻ đẹp nguyên sơ và xa xưa: đất đai mỡ màng trù phú, những hạt giống gieo trồng cho ngày mai, những tập tục cúng giỗ, những
cánh đồng gặt hái, và trên hết là những con người kiên trì nhẫn nại, những linh hồn gắn bó với châu thổ không bao giờ đứt lìa. Nhà thơ khám phá những vẻ đẹp nguyên sơ ấy trong những nhọc nhằn ngột ngạt của hiện tại, bằng con đường trở về tâm linh: trên những chuyến xe nhọc nhằn của lam lũ nghèo khó là hương cỏ tươi lăn về nơi hừng sáng (Ban mai), trong tiếng dế bị giam cầm trong góc nhà đầy ngột ngạt lại vươn lên một con đường cỏ dại/ chạy mãi về cánh đồng ngoại ô (Mười một khúc cảm), trong bóng tối âm u là linh hồn của
ông nội Đang dựng lại đình làng và linh hồn bà nội / Đang đội đất đắp đê dài
đến tận chân trời (Bài ca những con chim đêm). Những vẻ đẹp ấy chính là
phần linh hồn không bao giờ mất đi của quê hương nguồn cội, tạo nên một thứ ánh sáng huyền diệu trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ánh sáng của sự sống vĩnh hằng đang cháy lên từ những linh hồn bất tử của châu thổ. Nó thắp lên đức tin về sự hồi sinh, về sự sinh nở âm thầm mà mãnh liệt đang cựa quậy trong bóng đêm. Vì thế, thơ Nguyễn Quang Thiều luôn hướng về sự tái sinh một đời sống mới. Đó là đời sống của ngọn ban mai mơn mởn vươn mình, của những cánh đồng bắt đầu gieo hạt, của những ngôi sao bắt đầu mọc, của những dòng sông bắt đầu chuyển động. Rộng hơn, đó là đời sống của châu thổ với sức trỗi dậy mãnh liệt của sự sống.
Sự phức hợp cảm hứng thể hiện rõ nhất khi Nguyễn Quang Thiều viết về con người. Thơ của ông là một bức tranh rộng lớn về những số phận mất mát, khổ đau, bất hạnh, thiếu hụt. Đó là những kẻ tha hương, những người đàn bà nghèo đói, những người mẹ suốt đời gánh nặng, những nạn nhân của chiến tranh. Có những phận người nhói buốt trong thơ ông mà chân dung về họ được ông miêu tả hiện thực đến trần trụi: những người đàn bà gánh nước sông với Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái (Những người đàn bà gánh nước sông), những người đàn bà
(Những ví dụ), những người đàn bà vác dậm mà Người họ bọc kín bởi những
lớp vài nâu và đen và mùi tanh cua ốc tỏa quanh người (Trên đại lộ). Ám
ảnh nhất là chân dung người mẹ gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi chiều đi làm
về vất vả với lưng áo người đẫm mồ hôi, với dáng chờ đợi mỏi mòn Tỏa mát
cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi/ Một cây ngô cuối vụ khô gầy (Sông Đáy). Đó là chân dung những con người vất vả lam lũ mà cuộc đời họ cắm
vùi vào đất đai châu thổ với những nỗi buồn triền miên dai dẳng. Viết về họ, không chỉ dừng lại ở sự cảm thương, Nguyễn Quang Thiều còn thể hiện một nỗi âu lo day dứt và hoang mang về phận người. Nhưng, từ trong những nhọc nhằn lam lũ và thiếu hụt mất mát ấy, nhà thơ đã phát hiện ra một sự sống bền bỉ và một vẻ đẹp lớn lao ở họ bằng một cảm hứng lãng mạn lạ kỳ. Những người đàn bà vác dậm tanh nồng mùi ốc, cá, nhưng Vảy cá bám trên áo họ lấp lánh những tấm huy chương. Những người đàn bà gánh nước sông Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé bỏng chơi vơi / Bàn tay kia bấu
vào mây trắng, người đàn bà câm mang thai bỗng đẹp lên như một thiên
thần. Vẻ đẹp của họ vừa là một cảm hứng khẳng định, ngợi ca, vừa là một
niềm tin bất diệt của nhà thơ vào sức sống vĩnh hằng của con người trên đất đai bãi bờ châu thổ.
Cảm hứng phê phán song hành với cảm hứng khẳng định, nỗi hoang mang âu lo song hành với niềm tin bất diệt về sự sống, nỗi xót xa thương cảm gắn liền với niềm ngưỡng mộ thiêng liêng… tất cả làm nên tính đa thanh, phức hợp trong cảm hứng của thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó thể hiện cái nhìn biện chứng của nhà thơ về đời sống, một cái nhìn mang tinh thần hiện đại. Ở đây, ta có thể nhìn thấy dấu ấn sự ảnh hưởng từ thơ của Joseph Brodsky - một phong cách thơ có nhiều vỉa tầng và đa cung bậc, với sự hòa quyện của những cung bậc cảm xúc trên ranh giới mong manh giữa ánh sáng và bóng tối, âu lo và hy vọng, giữa những hoài nghi và niềm tin lóe sáng.