6. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Mở rộng và đời thường hóa đề tài
Sự đổi mới trong thơ ca bao giờ cũng bắt đầu từ cách xử lý đề tài của nhà thơ, bởi nó gắn liền với quan niệm về hiện thực. Nếu như thơ Kháng chiến tập trung vào những đề tài lớn mang tầm vóc sử thi như: đất nước, nhân dân, người lính… thì thơ sau 1975 là một sự chuyển dịch lớn. Xu hướng đưa thơ trở về với đời thường cùng với việc khám phá cái tôi bản thể đã chi phối việc lựa chọn đề tài của các nhà thơ sau 1975. Khước từ những đề tài có tính chất sử thi, các nhà thơ sau 1975 hướng đến những đề tài thế sự: số phận con người, tình yêu, tính dục… Nguyễn Quang Thiều, trong không khí ấy, tự xác lập cho mình một lối đi riêng. Đó là mở rộng và đời thường hóa đề tài, không giới hạn trong việc khám phá cái tôi bản thể.
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, tất cả những chất liệu đời sống ngồn ngộn đều có thể trở thành đề tài, từ quê hương nguồn cội đến tình yêu lứa đôi, từ ông bà tổ tiên, gia đình đến những người nông dân, những người đàn bà, những đứa trẻ, từ thế giới con người đến thế giới loài vật. Đối tượng cảm xúc của ông là những điều quen thuộc của sự sống xung quanh, những gì ông thấy, ông gắn bó trong đời sống hàng ngày, không giới hạn ở phạm trù cao sang hay bình dị, lớn lao vĩ đại hay nhỏ bé tầm thường, một khi nó đã là bóng dáng của đời sống thường nhật. Nguyễn Quang Thiều viết về dòng sông Đáy thao thiết chảy ngày đêm, về những cánh đồng rau khúc phủ đầy mưa xuân, về một khu vườn đầy cỏ dại, về tình yêu hoài thai trên đồng cỏ, về cha và con, về những người đàn bà gánh nước sông, người đàn bà góa bụa, những người nông dân gieo trồng gặt hái, và nhỏ bé hơn, là những con cá ướp, những con chó sủa thảm thiết đêm khuya, những con ốc sên đang chuyển động trong đêm trăng… Chân dung đời sống hiện ra rõ mồn một trong thơ ông, từ một làng quê nguyên sơ cho đến một làng quê đang tàn lụi đi trong đời sống công nghiệp, với những phận người đang nặng trĩu âu lo, với những sinh linh đang vật vã sinh tồn. Trong Nghe tiếng con chim cuốc, ông dựng lên một làng quê nghèo khó với bờ tre gầy rạc, với xác xơ cỏ lác và đường quê cỏ nát, ở đó
tiếng con cuốc kêu dứt thịt dứt da trở thành một âm thanh khắc khoải ám ảnh về nỗi thống khổ đau buồn của phận người. Tiếng cuốc kêu suốt cả mùa hè
đánh thức nỗi giật mình về một đời sống dường như đang chìm đi trong sự âm u và tàn lụi. Hiếm có một nhà thơ nào có thể dựng lên chân dung của đời sống làng quê mình sống động rõ ràng đến như thế. Trong thơ ông, ta hình dung thấy một con đường về làng gồ ghề phơi đầy rơm rạ tháng Mười, một chân đê
hoàng hôn hè sụp tối, một xóm nhỏ nơi tiếng chó kia rộ lên từ xóm nhà ta đến đầu làng, một khu vườn ánh trăng im phắc, những vòm cây im phắc chỉ còn
Và trên mảnh đất ấy, nhịp sống hiện hình từ những nghi lễ thiêng liêng như tên của các bài thơ Gọi hồn, Sám hối, Lời cầu nguyện, Điều thiêng, Thánh ca
tĩnh lặng, Văn bản ngoài lễ khấn ông nội, Chúc thư, Lễ tạ…, đến những sinh
hoạt và chuyển động đời thường của con người cũng như những sinh linh nhỏ bé. Có một đời sống tuôn chảy trong thơ ông, ào ạt như chính dòng đời đang sống động ngoài kia, ứng với mỗi giờ khắc mà ông đã sống đến tận cùng của mọi cảm giác. Điều đó có nghĩa, với Nguyễn Quang Thiều, chất thơ có thể bay lên từ những gì bình thường nhất, khi nhà thơ thổi cho nó một đời sống mới qua hình dung vô tận của mình, như ông đã phát biểu trong lời tựa của cuốn Châu thổ. Đây là một quan niệm mang tinh thần của thơ ca hiện đại, đã
được manh nha hình thành từ trong thơ của Trần Dần, nhưng phải đến Nguyễn Quang Thiều, khi tiếp nhận trực tiếp tinh thần ấy từ thơ ca hiện đại thế giới, mới thể hiện nhất quán như là một phong cách sáng tạo mới.
Khi đời thường hóa đề tài, nhà thơ rất dễ rơi vào những đề tài vụn vặt. Điều này thử thách tài năng của người cầm bút. Nguyễn Quang Thiều đã vượt qua được thử thách ấy, khi đề tài trong thơ ông không chỉ mở rộng về diện, thể hiện muôn mặt đời thường mà còn mở rộng ở tầm vóc của nó. Mọi đề tài trong thơ ông, dù nhỏ bé đời thường, bao giờ cũng đều mang một sức khái quát lớn lao, trong bản thân nó chứa đựng một chiều kích vĩ đại. Nó không giới hạn ở những cái đời thường mà vươn đến cái lớn lao kỳ vĩ có tính lịch sử. Nhưng đó không phải là lịch sử của những cuộc trường chinh vĩ đại của cộng đồng, mà là lịch sử của “cuộc trường chinh bất tận của sự sống trong hoàn vũ
này” (Chu Văn Sơn). Thơ Nguyễn Quang Thiều khám phá sự vận động vô tận
của sự sống trong vòng luân hồi sinh - tử - tái sinh. Thế giới nghệ thuật thơ ông là một thế giới chuyển động không ngừng để kiến tạo nên một hiện thực mới của bình minh, của ánh sáng, của sự trở về. Những chuyển động ấy được ông khám phá từ trong mọi vạn vật sinh linh đang tồn tại. Trong Chuyển
động, đó là chuyển động của bầy ốc sên giữa một không gian ánh trăng im phắc, những vòm cây im phăng phắc (Chuyển động). Bầy ốc sên ra đi trong
tiếng gọi của một thế giới bí ẩn kì diệu, sự ra đi của chúng được mô tả lộng lẫy như một đêm vũ hội. Khi bóng đêm đổ xuống, chuyển động của bầy ốc sên là sự tỉnh giấc của một sự sống vĩnh hằng Như một thành phố vùi trong lòng đất tự xa xưa giờ thức dậy và cũng là khởi nguồn cho một sự sống mới Vệt bò của chúng để lại những dòng sáng đặc lóng lánh, những vệt sao đổi ngôi đọng mãi trên trời. Trong Ban mai, hình ảnh chiếc xe trâu như một hành
trình nhẫn nại đi tìm sự sống mới của con người. Đó là hành trình lặng lẽ xuyên qua bóng đêm để hướng về ánh sáng: Chiếc xe trâu một nửa đã qua đêm/ Một nửa thùng cỏ tươi còn trong bóng tối/ Và sau tiếng huầy ơ như tiếng người chợt thức/ Những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình. Hình ảnh
thùng cỏ tươi đầy hương như sự sống bất diệt của cánh đồng châu thổ, là vẻ đẹp đơm hoa kết trái từ bàn tay gieo trồng bền bỉ, từ niềm tin vào khả năng sinh tồn và tái sinh qua những vụ mùa màng gặt hái. Cảm thức này sẽ được mở ra ở một chiều kích lớn lao hơn trong một bài thơ mang dáng dấp của trường ca: Nhịp điệu châu thổ mới. Bài thơ bắt đầu bằng nghi lễ đám tang của Người Nông Dân Già. Sự ra đi đó lộng lẫy và kỳ vĩ giữa một cánh đồng vải
lượm thơm tho, trong một ngôi nhà sực nức mùi rơm hoàng hôn say ngắm.
Không phải là sự chấm dứt, đó là một sự hóa thân để hồi sinh. Và bắt đầu từ đó, những điệp khúc sinh ra, gieo xuống, mọc lên ngập tràn trong bài thơ như một sự hồi sinh mãnh liệt. Một đời sống mới được sinh thành từ trong cái chết, bừng lên vĩ đại: Và giờ đây mọc lên một quả đồi mới, mọc lên một người
bạn/ Mọc lên không sụp lở bởi cơn mưa lầm lạc, khốn cùng/ Mọc lên bên cạnh Cậu bé và lộng lẫy song đôi, và thấu hiểu song đôi/ Và im lặng cùng nhau trong sự chờ đợi của thế giới những lá cờ say ngủ/ Đêm vĩ đại và linh ẩn đã chuẩn bị con đường cho Cậu Bé/ Những quả đời tự xưng tên tuổi thật
của mình/ Tất cả thức dậy và đứng lên, những quả đồi bóng tối/ Thức dậy không quờ tay tìm đèn và không cả ho khan/ Thức dậy và rút những chân hương ra khỏi ngực mình/ THỨC DẬY ĐỂ CHÀO ĐÓN MỘT GIỌNG NÓI.
Lịch sử của đời sống còn được Nguyễn Quang Thiều tái hiện qua sự tiếp nối và gắn kết nhiều thế hệ ngay trong nhịp sống đời thường. Có thể nhận ra một sự liên kết bền vững và linh thiêng giữa những linh hồn người chết với người sống, giữa thế hệ trước và thế hệ sau trong rất nhiều bài thơ của ông. Đó là những đứa trẻ lớn lên sau lưng những người đàn bà và những người đàn ông: Sau những người đàn bà gánh nước sông là lũ trẻ cởi truồng / Chạy theo
mẹ và lớn lên/ Con gái lại đặt đòn gánh lên vai và xuống bến/ Con trai lại vác cần câu và cơn mơ biển ra khỏi nhà lặng lẽ (Những người đàn bà gánh nước sông). Đó là khi Những ngón tay Người Nông Dân Già lặng lẽ trải ra/ Trải xa mãi, xa… không bến bờ, bất tận trong một sự ra đi vĩ đại thì cũng là lúc Cậu Bé kịp về đón nhận sự trải dài của những ngón tay/ Thổ ngữ gieo từ bàn tay Người Nông Dân Già vào bàn tay Cậu Bé/ Cậu Bé chầm chậm mở vương quốc của mình và chầm chậm khép vào (Nhịp điệu châu thổ mới). Những linh
hồn ra đi rồi trở về, sự sống của họ được tiếp nối trong những nghi lễ thiêng liêng của con cháu: Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về/ Tôi khép đôi cánh xác xơ trước ngày cúng giỗ (Bài hát).
Những đề tài quen thuộc trong thơ ông như tình yêu, tình cha con, thân phận người phụ nữ… đều được mở rộng chiều kích như thế. Nó vừa là bóng dáng của đời sống thường ngày đã cất cánh thành thơ, vừa là chân dung của thời đại và lịch sử. Bài thơ Những ví dụ là suy tưởng của tác giả về thân phận của những người vợ liệt sĩ - những người đàn bà góa bụa. Đề tài này không hề mới lạ, nó đã được những nhà thơ thế hệ trước thể hiện khi viết tiếp chủ đề chiến tranh bằng một cảm hứng mới: cảm hứng về thân phận cá nhân. Tuy nhiên, Nguyễn Quang Thiều ở Những ví dụ đã đem đến một sự thể hiện mới,
vượt ra khỏi sự cảm thương về thân phận để vươn đến một khái quát lớn về sự sống. Bi kịch của những người vợ góa là phải tránh những con đường dẫn đến
đêm trăng để dập tắt mọi khát khao giới tính: Bầu vú họ mệt mỏi nằm ngoẹo
đầu và trở lên nghễnh ngãng, không còn nghe được tiếng gọi đàn ông nồng mùi thuốc lào và ruộng bùn ngai ngái, trong những đêm gió từng đôi quấn nhau qua vườn hổn hển. Đằng sau vinh quang được làm những Ví Dụ, họ đánh
mất đi thứ hạnh phúc trần tục nhất của con người. Nhưng khi họ khuất dần sau
cỏ, khi đã trút bỏ được gánh nặng của sứ mệnh, tác giả nhìn thấy sự trở về của
họ trong một hình dáng hoàn toàn mới, một sự lột xác: Họ đi trên ánh trăng gồ
ghề dọc con đường phơi đầy rơm rạ tháng Mười. Mái tóc đẫm hương lá bưởi của họ chảy lênh láng trong trăng. Bầu vú họ vươn về phía ngọn lửa giới tính vừa nhóm lên đâu đó. Sau bước chân họ, sau tiếng kẹt cửa trong khuya là bài hát. Sự trở về của họ khẳng định tính bất diệt của những khát khao về sự sống
phồn thực mang cảm quan hiện đại của một thời đại mới.
Như vậy, có thể nói, tất cả những gì quen thuộc và bình dị của đời sống đều có thể trở thành đề tài trong thơ Nguyễn Quang Thiều, và mặt khác, những đề tài lớn lại được ông thể hiện bằng chất liệu đời thường. Nhưng không phải vì vậy mà đề tài trong thơ ông trở nên nhỏ bé hạn hẹp. Bằng năng lực tư duy rộng lớn, ông đã tái hiện thời đại và lịch sử qua những thân phận nhỏ bé, những sự vật tầm thường, những vận động tinh vi của đời sống. Đó là cách nhìn và tái hiện lịch sử của văn chương hiện đại. Lịch sử không được tái hiện ở những sự kiện lớn có tầm vóc sử thi như trong văn chương truyền thống mà được tái hiện ở những điều bình thường giản dị nhất. Nói cách khác, nếu văn chương truyền thống qua lịch sử mà nhìn thấy số phận và đời sống con người thì văn chương hiện đại qua số phận và đời sống con người mà nhìn thấy lịch sử. Nguyễn Quang Thiều đã bắt nhịp được xu hướng này của thơ ca hiện đại thế giới trong việc mở rộng và đời thường hóa đề tài của mình.