Xây dựng phổ giọn gu buồn trong thơ

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 89)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.3. Xây dựng phổ giọn gu buồn trong thơ

Giọng điệu là một phương diện cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của văn học. Trong văn học, giọng điệu “vừa liên kết các yếu tố hình thức

khác nhau, làm cho chúng cùng mang một âm hưởng nào đó, cùng có chung một khuynh hướng nhất định, vừa là chỗ dựa chính để các yếu tố của tác phẩm quy tụ lại và định hình, thống nhất với nhau theo một kiểu nào đó, trong chỉnh thể giọng ấy mỗi yếu tố hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn, thậm chí mới mẻ hơn”. [76, 152]. Giọng điệu văn chương là một hiện tượng nghệ thuật mang

tính cá nhân cao độ, gắn với tính cá thể trong sáng tạo của nhà văn. Nhưng, bên cạnh giọng điệu cá nhân còn có giọng điệu thời đại. Nếu như trong thơ trung đại, sự triệt tiêu cái tôi cá nhân đã làm cho thơ ca mất đi giọng điệu riêng của nó thì đến Thơ mới, sự khẳng định của cái tôi cá nhân cá thể đã đem đến cho thơ một âm hưởng chủ đạo: buồn và cô đơn. Giọng điệu chung của thơ Cách mạng trước 1975 là tiếng nói hào sảng của thời đại cách mạng, là giọng trữ tình say mê. Sau năm 1975, khi lịch sử đã sang trang, thế giới tâm hồn và cái nhìn nghệ thuật của nhà thơ đối với cuộc sống cũng thay đổi. Những giọng điệu thơ phổ biến trước đây không còn phù hợp nữa, từ đó xuất hiện những giọng điệu mới trong thơ.

Sự đa dạng về giọng điệu là sự biến đổi dễ thấy nhất của thơ sau 1975, khi cuộc sống được cảm nhận nhiều chiều với những quan niệm thẩm mĩ khác

nhau. Có giọng điệu cảm thương khi nhà thơ nhìn đời sống dưới góc độ của những số phận, những nỗi niềm, đây là giọng thơ chủ yếu là của thế hệ những nhà thơ kháng chiến tham gia thi đàn sau 1975. Có giọng thơ hài hước, mỉa mai khi nhà thơ nhận thức lại những vấn đề chính trị, xã hội, đạo đức, lối sống. Đặc biệt, bắt đầu xuất hiện giọng giễu nhại, dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại, ở một số nhà thơ trẻ sau 1975.

Tuy nhiên, âm hưởng chính của cả nền thơ sau 1975 là nỗi buồn. Đó là biểu hiện sự trở về của cái tôi cá nhân, khi đào sâu vào bản thể của mình, và nhìn đời sống không phải dưới góc độ sử thi, mà dưới góc độ đời tư. Thơ Nguyễn Quang Thiều chính là sự kết tinh đậm đặc nhất âm hưởng của cả nền thơ sau 1975, ở ý thức xây dựng một phổ giọng u buồn trong thơ. Nhưng, ở thơ Nguyễn Quang Thiều, không giới hạn ở cái nhìn về thân phận cá thể, giọng u buồn đó gắn liền với tâm thức con người hiện đại, luôn phấp phỏng âu lo, luôn hoài nghi và hoang mang giữa cơn lốc dữ dội của một nền văn minh công nghiệp. Nó là âm hưởng bao trùm toàn bộ thế giới nghệ thuật thơ của ông, chi phối đến hệ thống hình ảnh và biểu tượng, không gian và thời gian, âm thanh và màu sắc.

Đào sâu vào cõi tâm linh sâu thẳm, thơ Nguyễn Quang Thiều cất lên từ những ám ảnh nặng nề triền miên về thân phận, về đời sống. Trong thơ ông, hình ảnh con người hiện lên qua chân dung những số phận trĩu nặng nỗi u buồn. Đó là những em bé gái châu Phi mệt mỏi ngủ bên bậc cửa không giày

nước mắt các em nóng như than đỏ/ Đi tìm con mèo kia trong giấc mơ

buồn (Nhớ những em bé gái châu Phi). Đó là người đàn ông chân đất cúi rạp

đẩy xe trên con đường gồ ghề gió lạnh gào thét (Cái đẹp). Đó là những người

đàn bà góa bụa gồng gánh trên vai, trên những con đường mòn như cột sống dị tật của ngàn đời vất vả (Những ví dụ). Đó là những người đàn bà vác dậm

gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ/ Tóc tai quần áo sặc mùi cá khô (Câu

hỏi cuối ngày). Đó là những người đàn bà quảy hai chiếc sọt vừa đi vừa mơ

nấm mộ của mình (Tôi khóc những cánh đồng rau khúc). Đó là những người

đàn bà gánh nước sông với những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe

ra như móng chân gà mái (Những người đàn bà gánh nước sông). Đó là

những người đàn bà bến sông từ ngút ngàn dâu xanh những người đàn bà khốn khổ đi ra/ Họ quảy những chiếc thùng và cất lên những tiếng nằng nặc như giọng nói từ trong ngôi mộ (Nhân chứng của một cái chết). Và ám ảnh

nhất là chân dung u buồn của người mẹ, một người mẹ quê tảo tần lam lũ:

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả; một

người mẹ mỏi mòn cô độc: Mẹ con đứng vùi chân trong cát/ Nước mắt buồn bay ướt một triền sông. Họ là những số phận nhỏ nhoi, thiếu hụt, khổ đau.

Nguyễn Quang Thiều đi tìm chân dung của đời sống đang hiện diện trong mỗi con người nhỏ bé đời thường, và ông nhìn thấy nỗi buồn đau thân phận đè nặng lên mỗi hình hài sự sống, trên mỗi gương mặt người.

Nỗi buồn thân phận đi liền với ám ảnh về cái chết. Sự xuất hiện của cái chết dưới những dạng thức khác nhau trở nên dày đặc trong thơ Nguyễn Quang Thiều và càng về sau, mật độ của sự xuất hiện cái chết càng đậm đặc hơn. Đó là cái chết của thế giới sự vật: cái chết của rượu, xác chết của rau thơm, cái chết của màu xanh, những chiếc phao ngô chết nổi, cái cây chết rồi mà nhựa kinh hãi vẫn còn chảy mãi…đến cái chết của những sinh linh nhỏ

bé: những con gà bị giết, Những con cá vàng bất động trong bể nước, trên

bàn tiệc còn phơi đầy xương cá, những bồ câu đã chết trên mái nhà vào

những chiều rét mướt, những con chim đau đớn vì sợ hãi, và chết dần, chết

mòn trong những vòm cây. Dường như cái chết đang hiện diện trong mọi

ngóc ngách của đời sống, dưới nhiều chân dung khác nhau, phủ nặng lên cõi sống bằng một nỗi u ám nặng nề: Một sự sống lặng câm dưới những đám mây

mang theo cái chết, bên cạnh một cái chết thét gào đòi được phục sinh (Mười một khúc cảm). Đời sống hiện đại đang bào mòn sự sống, và cái chết là hình

hài của sự bào mòn ấy. Chính vì thế, cái chết trở thành ám ảnh đè nặng tâm trí con người ngay trong cõi sống: Một cái chết đang chờ, hoặc ảo ảnh, hoặc tôi (Đối thoại). Sự hủy diệt như là một lời cảnh báo đối với con người. Nhà thơ viết về cái chết trong sự hình dung của những cơn hoang tưởng, nó hiển hiện rất rõ như song hành với sự sống con người: Và trong giấc ngủ của mình, chúng ta nhìn thấy cái chết như một người bà con đang kê lại đồ đạc và kéo những chiếc rèm che cửa (Mười một khúc cảm). Rất nhiều lần, nhà thơ hình

dung mình trong cái chết, sự hình dung sống động đến nỗi như là nhà thơ đang tái hiện một cuốn phim giả tưởng: Anh bước xuống cái huyệt giả và anh

thấy đất rơi trên người anh. Anh thấy hơi lạnh dâng lên từ từ trong người anh như nước dâng lên trong nhà hát. Và lúc này chỉ mình anh biết được cái chết của mình. Và cũng chỉ anh biết được trái tim anh đau đớn và kiêu hãnh như thế nào (Mười một khúc cảm). Cái chết chính là dự cảm buồn đau của con

người về số phận, về đời sống, sự xuất hiện dày đặc của nó đã phủ lên thế giới nghệ thuật của Nguyễn Quang Thiều một giọng điệu u buồn.

Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có thể nhận thấy tần số xuất hiện rất cao của những từ ngữ chỉ trạng thái u buồn. Qua thống kê ở tập Châu thổ, trong

số 144 bài thơ thì có đến 38 bài tác giả sử dụng trực tiếp từ buồn, chưa kể đến những bài sử dụng những biến thể của nó như: nỗi đau, đau thương, khổ đau, bi thương, nước mắt, khóc, rền rĩ, đau đớn, phiền muộn, nức nở, u uất, thống khổ. Nó tạo thành âm hưởng buồn đau lan tỏa trong mỗi bài thơ. Dường như,

dưới cái nhìn của Nguyễn Quang Thiều, buồn đã trở thành thuộc tính của sự vật, một thuộc tính có tính phổ quát, làm nên chân dung đặc biệt của đời sống. Trong thơ ông, sự vật hiện ra trong chân dung của nỗi buồn, tạo thành những cụm từ đặc biệt: ký ức buồn, di chúc buồn, đôi mắt buồn, nỗi buồn số phận,

giọng buồn, những chuyện buồn đau, bài ca buồn, tiếng kêu buồn bã, giấc mơ buồn, tháng ngày buồn tẻ, nước mắt buồn, con sóng buồn, tiếng gà buồn, nỗi buồn đồ vật, quả trứng buồn, ổ đất buồn, bức thư buồn,… Nỗi buồn vây bủa

sự sống, vây bủa thế giới vạn vật, xâm lấn cõi tâm linh của con người. Ám ảnh về nỗi buồn dường như còn nặng nề hơn cái chết, bởi vậy nhà thơ chiêm nghiệm Đời sống này đôi lúc buồn hơn cái chết (Buồn hơn cái chết). Nỗi

buồn giam hãm con người trong một sự vô vọng và nỗi sợ hãi hoang mang. Không phải ngẫu nhiên mà tiếng khóc và nước mắt xuất hiện nhiều đến thế trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Nó vừa là biểu hiện của buồn đau, vừa là sự chống đỡ của con người trước nỗi buồn vô tận ấy. Nỗi buồn, trở thành một “báu vật” trong thơ Nguyễn Quang Thiều, và ông tự nguyện: Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi (Bài hát về cố hương).

Góp phần tạo nên giọng điệu u buồn trong thơ Nguyễn Quang Thiều là sự lựa chọn thời gian và màu sắc, âm thanh. Thời gian đêm dường như lấn át. Bóng tối vây bủa tạo nên một màu sắc trầm buồn cho thế giới thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là bóng tối ngấm men chảy ướt cánh đồng, là bóng tối giơ

những ngón tay bí ẩn khổng lồ rờ lên mi mắt, là bóng tối của nước, dòng

sông, là Bóng tối đổ xuống khu vườn, là bóng tối một ô cửa hiệu, là bóng tối

đã phủ đầy bàn tay cầm đũa… Một đời sống u hiển trong bóng tối, nơi những

sinh linh đang vận động và thở bằng nhịp điệu u buồn. Cùng với thời gian đêm, màu sắc rực rỡ rất ít khi được sử dụng trong thơ Nguyễn Quang Thiều. Thế giới u buồn phủ đầy bóng tối, nên đường nét và sắc màu chìm đi, chỉ còn lại những cảm giác về sự vận động và âm thanh. Âm thanh trong thơ ông không có cái ồn ào náo nhiệt của sự sống trong buổi ngày đang dâng lên. Âm thanh chỉ là những tiếng u huyền tịch mịch, mơ hồ vọng lại từ bóng đêm: tiếng nước dâng lên, tiếng di chuyển của bầy ốc sên, tiếng lúa nước thở than,

tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc…Và, đặc biệt là những âm thanh của một thế giới bên kia của sự sống: âm thanh của những giọng nói mơ hồ, của những linh hồn đang thức dậy từ bóng đêm. Tất cả làm nên một giọng buồn rưng rưng trong thơ Nguyễn Quang Thiều.

Khước từ hệ thống hình ảnh rực rỡ và nhịp điệu náo nức say mê của thơ ca Kháng chiến, thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện giọng điệu của một thời đại mới, khi con người càng nhận ra sự xâm lấn mạnh mẽ của đời sống đô thị thì càng hoang mang và hồ nghi, càng hoảng hốt và âu lo.

Một phần của tài liệu Thành tựu và giới hạn của sự cách tân trong thơ nguyễn quang thiều (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)