8. Cấu trúc luận văn
3.2. Các giải pháp quản lý hoạt động NCKH của giảng viên trường
đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Vinatex Thành phố Hồ Chí Minh
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và khảo sát thực trạng NCKH của giảng viên Trường Cao đẳng KT-KT Vinatex TP.HCM, tôi mạnh dạn đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động NCKH của giảng viên. Tuy mỗi giải pháp đều có chức năng, vai trò, tác dụng riêng về một mặt nào đó nhưng giữa chúng có mối liên hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Mỗi giải pháp đều là tiền đề, điều kiện để thực hiện những giải pháp khác, đồng thời nó chịu ảnh hưởng chi phối của các giải pháp đó.
Khi triển khai thực hiện, chủ thể quản lý phải biết vận dụng tổng hợp tất cả các giải pháp một cách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn, không được máy móc cứng nhắc. Thực hiện tốt một giải pháp nào đó chính là hỗ trợ tốt hơn các giải pháp khác trong một hệ thống giải pháp quản lý toàn diện thống nhất.
Tóm lại, mỗi giải pháp đều có những chức năng, vai trò, tác dụng về một mặt nào đó. Chúng hỗ trợ cho nhau tạo thành một hệ thống thống nhất để bộ máy Nhà trường hoạt động đồng bộ theo mục đích đã đề ra. Vấn đề quan trọng nhất là nhà quản lý phải linh hoạt lựa chọn áp dụng thích hợp vào từng hoàn cảnh thực tiễn cũng như có tầm nhìn chiến lược, luôn luôn
cải tiến nâng cao chất lượng của mọi công tác, mọi bộ phận trong quá trình hoạt động.
3.2.1. Tăng cường công tác chỉ đạo và sự phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài trường tổ chức có hiệu quả hoạt động NCKH của giảng viên
* Mục tiêu của giải pháp:
Lãnh đạo, chỉ đạo là công việc không thể thiếu đối với hoạt động của một tập thể hay một tổ chức nhằm định hướng cho mọi hoạt động đạt hiệu quả. Đối với Trường Cao đẳng KT-KT Vinatex TP.HCM để hoạt động NCKH đạt chất lượng cao thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên xuống cấp dưới đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Với hoạt động NCKH nói chung và hoạt động NCKH của giảng viên nói riêng, cần sự tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các tổ chức trong trường, với mục đích là đảm bảo sự thống nhất trong công tác triển khai thực hiện làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động đạt hiệu quả cao. Đảm bảo thông tin thông suốt và nhất quán từ lãnh đạo cấp trên (Đảng uỷ, Ban Giám hiệu) xuống cấp dưới (Phòng, Khoa, tổ bộ môn, giảng viên, sinh viên) và ngược lại từ dưới lên trên trong hoạt động NCKH là điều kiện đảm bảo cho hoạt động này khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu của giảng viên.
* Nội dung và cách thức thực hiện:
Đối với Đảng uỷ nhà trường: Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong trường học, Đảng uỷ cần có Nghị quyết trong các kỳ Đại hội và có chương trình hành động ngay từ đầu năm học về hoạt động NCKH nói chung và NCKH giảng viên nói riêng. Cuối mỗi năm học, cần tổ chức kiểm điểm, điều chỉnh và đánh giá công tác triển khai thực hiện cũng như kết quả của
hoạt động đó. Nghị quyết của Đảng uỷ cần phải triển khai đến các tổ chức Đảng trong nhà trường, các phòng, khoa và tổ bộ môn.
Đối với Ban Giám hiệu: Ngay từ đầu năm học, Ban Giám hiệu cần xây dựng kế hoạch tổ chức NCKH cho giảng viên và được thông qua ở Nghị quyết họp Ban Giám hiệu, hội nghị giao ban học kỳ, năm học và được cụ thể hoá vào nhiệm vụ năm học. Đồng thời, Ban Giám hiệu cần có chỉ đạo để các phòng chức năng, khoa chuyên môn lên kế hoạch phối hợp chỉ đạo thực hiện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các khoa, các tổ bộ môn xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, chủ động phân công GV, sinh viên tiến hành hoạt động NCKH.
Cùng với công tác chỉ đạo, thì việc thực hiện phối hợp giữa các tổ chức, các bộ phận trong trường có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động NCKH của giảng viên. Công tác tổ chức chỉ đạt hiệu quả khi có sự phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ giữa các bộ phận.
* Điều kiện thực hiện:
Được Đảng uỷ, Ban Giám hiệu ủng hộ và quan tâm chỉ đạo hoạt động NCKH của giảng viên, sinh viên.
Được các tổ chức, đơn vị trong trường quan tâm, tạo điều kiện phối hợp tìm kiếm, khai thác và triển khai các đề tài NCKH cho giảng viên trường.
* Yêu cầu cần đạt được:
Có sự chỉ đạo thường xuyên của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu nhà trường đến hoạt động NCKH của giảng viên để đảm bảo thực hiện tốt nội dung, yêu cầu đặt ra.
Các đơn vị, cơ sở trực thuộc phải xây dựng được kế hoạch và triển khai thực hiện được nhiệm vụ NCKH của giảng viên trong đơn vị đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.
Tìm kiếm, khai thác và triển khai ứng dụng có hiệu quả các đề tài NCKH của giảng viên, sinh viên.