Giọng triết lí, thâm trầm

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 118)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.3.1.Giọng triết lí, thâm trầm

Tiểu thuyết hiện đại không hiếm tác phẩm có cảm hứng triết luận về cuộc sống và con người. Ma Văn Kháng đã thông qua các sáng tác của mình thể hiện quan niệm, triết luận về đời sống giàu tình người và tính người. Nhà văn luôn trăn trở trước các vấn đề đặt ra trong cuộc sống với cảm quan nhiều chiều, nét riêng có thể nhận thấy sự suy ngẫm của nhà văn về những vấn đề trên luôn luôn dựa trên tinh thân nhân dân, dân tộc và bảo vệ những giá trị thiêng liêng của cuộc sống.

Ông Bằng ở tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn đã phát hiện những hiện tượng trái chiều trong các mối quan hệ của cuộc sống và suy ngẫm về bản lĩnh của con người trong sự thách đố của môi trường phức tạp bên ngoài “dựa vào một nền tảng tinh thần vững bền để chống lại cái xấu đang tàn phá cuộc sống” [32; 60]. Đối với Luận, nhà văn để cho nhân vật trải nghiệm nhiều vấn đề trong cuộc sống như : quan hệ gia đình, quan hệ công việc và với môi trường xung quanh. Luận đã có những triết lý sống của con người nắm bắt kịp thời các vấn đề của xã hội hiện đại, đã bộc lộ tình cảm, suy nghĩ, quan niệm về cuộc sống của

mình, về đời sống, thân phận của con người hiện đại trong môi trường xã hội mới. Anh đã đưa ra những biện giải giàu tính triết lý và phù hợp với thực tế của dân tộc, trên tinh thần dân tộc để ngợi ca, tin tưởng vào con người, tình người để không những vừa bảo vệ, vừa giữ gìn những giá trị thiêng thiêng làm nền tảng tinh thần cho con người trong cuộc hành trình đi tìm kiếm tương lai và bản thể của chính mình: “Không có lòng nhân hậu vị tha, sự hy sinh và nhẫn nại thì làm sao mà có tình yêu được, làm sao biết sống làm người được!” [32; 175].

Mở rộng, đào sâu những trực cảm, dự báo những suy tư triết luận về cuộc đời và số phận trí thức Việt, triết lý và dự cảm về tương lai, số phận của họ trong hành trình tìm kiếm tương lai, hay là những nghịch cảnh khiến cho người trí thức lâm vào tột cùng nỗi đau khổ, những suy tư của Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú về giá trị của tri thức, của xã hội trí tuệ sẽ còn mờ nhạt một khi xã hội đó chỉ chú ý đến người lao động cơ bắp - đây là một dự cảm về tương lai ám khói của xã hội Việt Nam. Không coi trọng đội ngũ trí thức, thì đó chính là thảm họa của cái thiết chế mà nó đang tồn tại. Bước thụt lùi lịch sử hay chính là dự cảm về một kiểu xã hội quay vòng? Một khi người ta xem “trí thức là ăn bám” thì hậu quả của nó sẽ rất khó lường. Xem ra vấn đề của Tự không chỉ cá biệt của một cá nhân, số phận của một con người mà ở Tự mang tính điển hình và phổ quát cho cái chung của giới trí thức ngoài xã hội, nhà văn đặt ra vấn đề này và nghiêm túc được giải quyết, cùng nhau đối thoại khi vở bi kịch sẽ còn tiếp diễn: “Vở bi kịch riêng tư ấy không hề là câu chuyện đơn lẻ. Nó quan hệ đến tất cả chúng ta, sự nghiệp của chúng ta” [27; 393].

Nhà văn chú ý đến những nghịch cảnh ở đời, từ đó suy nghĩ về, nghiền ngẫm về những lẽ đời trớ trêu vô nghĩa. Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn trở về sau những thất bại, anh suy nghĩ về lẽ đời trớ trêu vô lý khi một người tâm huyết và dành hết cả cuộc đời để cống hiến mà nhận lại kết cục đau thương: “Chẳng lẽ đời sống đang bước vào thời kỳ cực kỳ buồn tẻ này hóa ra lại là hệ quả của một chuỗi ngày sống oai hùng trong đơn lẻ? Sao lại có thể như thế

được? Sao lại có thể đang từ một kẻ dẫn đường, một kẻ sống một ngày tỏa sáng một ngày lại thành một gã đàn ông đánh trống trường” [38; 20]. Nghịch cảnh bi thảm của Thiêm cũng là cái bất hạnh của Trọng và Nam trong Mưa mùa hạ, họ cống hiến hết mình cho công việc, đời sống chân thành, ngay thẳng mà phải chấp nhận buồn đau vì bi kịch cuộc đời đè nặng: “Có lẽ nào đời bạc đãi đến kiệt cùng như thế với Nam? Có lẽ nào con người đáng yêu, đáng quý này toàn những chương bi đát! Con người này đáng phải được ưu đãi vào bậc nhất. Vì con người này suốt đời đã chống lại sự gian trá trong công việc, đã tận tụy dâng hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ cho sự an toàn của những con đê” [34; 240]. Trước nỗi đau của Tự, Kha đã phải thốt lên kinh ngạc cho thân phận con người tài hoa mà lắm bất hạnh trong cuộc đời, anh đã tự vấn: “Lẽ nào đời Tự lại truân chuyên, hẩm hiu, trầy trật vậy?... Bị chặn các ngả đường. Bị bít các lối thoát. Có cuộc vây hãm nào triệt để đến như thế” [27; 408].

Những suy ngẫm, triết lý về đời sống gia đình trước sự tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường đầy rẫy những mặt trái: “Gia đình giọt nước của biển cả, cá thể xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này” [32; 24]. Trong dòng suy nghĩ đó Luận đã đưa ra một tình huống để cùng đối thoại với người đọc và với chính mình về hình ảnh gia đình đang đứng trước ngã ba đường của sự thử thách: “Xã hội đang có bước chuyển, con người đang đứng trước sự lựa chọn: trở nên tốt đẹp và có thể phải chịu sự khổ sở về vật chất hay là sự đểu giả, tàn bạo mà sống sung sướng về mặt vật chất” [32; 63]. Luận giải thích cho Phượng nghe hiện tượng của Lý: “Chị Lý không khác chúng ta đâu. Chị cũng như chúng ta. Trong chúng ta, có cái xấu, có cái tốt. Cái xấu, biết nó là xấu, vậy mà cuối cùng vẫn không tránh được. Ấy là dục vọng gặp lại những kích thích bên ngoài, anh muốn nói cuộc sống đặt ra cho con người chúng ta sự lựa chọn gay gắt cách sống của mỗi người” [32; 327]. Để giải thích cho hiện tượng này Luận cho rằng: “Chị thiếu người tri kỷ, hướng đạo khi chênh vênh bên bờ vực. Chị không vượt qua được cái thô tục vốn có của tự

nhiên, cái mà chị tích tụ khá đậm đặc, dồi dào” [32; 314]. Luận thừa nhận trong cách giáo dục của gia đình ông Bằng đã thiếu tính dân chủ, xúc phạm đến lòng tự trọng và bản sắc cá tính riêng của mỗi con người, những lời nói của Luận khi nói về Cừ như một châm ngôn trong giáo dục con người hướng đến tính nhân bản và sự hòa nhập: “Trong giáo dục con người, động cơ tốt phải đi kèm với phương pháp đúng nữa” [32; 228].

Suy ngẫm về nỗi đau và thân phận con người trong đó có số phận người trí thức trong xã hội, sự xuống cấp về nhân phẩm của con người trong các quan hệ xã hội. Ma Văn Kháng đã lý giải trên cơ sở tinh thần dân tộc, đạo lý dân tộc,... Tất cả những nội dung đó làm nên chất giọng triết lí, thâm trầm trong tiểu thuyết của ông. Người đọc không những hiểu được những thông điệp mà tác giả đưa đến mà còn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với nhà văn trước các vấn đề của cuộc sống hiện đại đặt ra.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 118)