Bi kịch của con người trong cái hỗn độn, hỗn mang của hiện tại

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 85)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.2.Bi kịch của con người trong cái hỗn độn, hỗn mang của hiện tại

Xã hội Việt Nam sau giải phóng không còn cái vẻ thuần khiết và trật tự của thời kỳ mà cả dân tộc gồng mình cho mục tiêu chung, cùng nhìn về một hướng, chung một ý nghĩ. Sự du nhập các loại hình văn hóa phương Tây, tâm lý hưởng thụ, thực dụng biểu hiện rõ trong các quan hệ và sinh hoạt của con người, rõ nhất là với cư dân thành thị. Mô hình quản lý xã hội của thời chiến kéo dài đã tỏ ra không còn phù hợp. Tâm lý ích kỷ, vụ lợi, sự tha hóa bắt đầu xuất hiện trong một bộ phận cán bộ; nạn cửa quyền, quan liêu, bè phái, nạn tham nhũng của những người cầm quyền địa phương có lúc dẩy nhân dân vào chỗ điêu đứng; các giá trị cũ chưa triệt tiêu trong khi những giá trị mới chưa thể khẳng định… Trong thế giới hỗn độn, hỗn mang ấy vấn đề thân phận con người được đặt ra một cách nhức nhối; chân lý thuộc về kẻ mạnh, “mạnh ai nấy thắng” là tâm lý chung của mọi người. Dưới sức mạnh của bản năng sinh tồn tất cả mọi người đều chạy đua không ngừng. Mọi đạo lý truyền thống có nguy cơ bị đạp đổ. Đồng tiền choán ngữ vị trí số một. Nỗi khổ đau của con người càng thê thảm, thân phận con người càng cô đơn, nhỏ bé; lòng tin và chỗ dựa trong xã hội tỏ ra mờ nhạt và không có cơ sở đứng vững. Bi kịch xã hội cũng từ đó mà nảy sinh. Trong tiểu thuyết của mình, Ma Văn Kháng tập trung vào hai loại mẫu thuẫn: thứ nhất, bi kịch nảy sinh trong mối quan hệ của các thế hệ trong gia đình khi cuộc sống bên ngoài nhiều biến đổi mà chính gia đình - cái tế bào của xã hội đã không thay

đổi kịp trước những biến chuyển đó của lịch sử; thứ hai, bi kịch trong môi trường làm việc trong mối quan hệ giữa những người đồng nghiệp. Bi kịch nảy sinh trên hai phương diện trên nhưng dưới nhiều sắc màu, tính chất và mức độ khác nhau. Nhưng nhìn chung tất cả các bi kịch đều là hậu quả tất yếu của đời sống hỗn độn bên ngoài, họ là những nạn nhân bi kịch một thời ở xã hội nước ta.

Ma Văn Kháng là nhà văn đề cập đến mối quan hệ gia đình trong sự tương quan với xã hội hiện tại khá sâu sắc trong văn học nước ta từ những năm sau đổi mới. Xã hội bên ngoài từ tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống đang có sự thay đổi lớn về các chuẩn mực, giá trị. Kiểu mô hình gia đình truyền thống có nguy cơ bị lung lay. Bi kịch về sự xung đột về các giá trị, quyền lợi vật chất và tinh thần. Tâm lý hưởng thụ bắt đầu xuất hiện trong một bộ phận giới trẻ. Các quan hệ trong huyết thống cũng vì thế có dấu hiệu rạn vỡ. Gia đình ông Bằng ở tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là một điển hình, vốn gia phong nền nếp và họ đã có với nhau những ngày yên ấm. Ông Bằng - chủ gia đình - là người được tiếp thu nền giáo dục truyền thống, có phong cách sống “đĩnh đạc, khoan hòa, mực thước, cẩn trọng đến khắt khe” [32; 23]. Và gia đình đó, tiêu biểu cho sự thành đạt và hạnh phúc: “Cái gia đình gồm hai ông bà xưa nay được tiếng là mô phạm, mẫu mực… rất đáng tự hào về sự hòa mục, tiêu biểu cho các quan hệ của con người trong một gia đình thuộc xã hội mới” [32; 24]. Nhưng dự cảm về một sự thay đổi trong gia đình bắt đầu biểu hiện: “Những ngày gần đây vẻ như là xuất hiện một bước ngoặt đột biến, thấp thoáng những dấu hiệu lủng củng, bất hòa, bất ổn trong các mối tương giao, khiến các thành viên nhạy cảm phải phấp phỏng lo âu về một cuộc khủng khoảng khó tránh khỏi đang ở nhãn tiền. Sự vận động của tư tưởng, lối sống, công việc, cá tính của từng người trong một gia đình tập hợp nhiều thành phần, khi xã hội đang diễn biến những điều bất lợi chưa lường trước được. Ông Bằng sống “cẩn trọng đến mức khắt khe”, hướng cuộc sống của mọi người theo khuôn phép “một nền nếp gia giáo cổ truyền, hơi cách bức, đã trở nên lạc lỏng và hiếm hoi vào những

ngày này” [32; 23]. Đông, anh trung tá vừa hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường về đồng nghĩa với việc hoàn thành trách nhiệm của cuộc đời. Công việc của anh ta ngày hai buổi là đánh tổ tôm. “Đông hờ hững, lãnh đạm. Cái gì cũng mù mờ, cũng không biết. Nhưng lại quyết đoán và cứng nhắc. Đông không lăn xả vào cuộc sống như Luận, cũng không gắng gỏi điều chỉnh cuộc sống như ông. Đông thản nhiên quá hóa ra tàn nhẫn vô tình” [32; 215]. Luận và Phượng là những người có tri thức, uyển chuyển, linh hoạt trong cư xử và các mối quan hệ, có thế làm chỗ dựa tinh thần cho gia đình đó. Nhưng lời nói không có tình quyết định. Lý, con dâu cả đảm đang, tháo vát nhưng `là người ích kỷ và hám lợi, tính tình thất thường, độ kết dính với gia gia đình lỏng lẻo, nhận thức của Lý còn non nớt, trách nhiệm với các thành viên trong gia đình chưa cao. Bản chất của Lý một phần là người không ưa sự gò bó và thích đắm say trong nhục dục và tiền bạc. Nếu ông Bằng lấy nền nếp gia đình, sự chuẩn mực khoan hòa làm phương châm sống, Luận lấy năng lực tình thần và trí tuệ để theo đuổi niềm đam mê thì Lý coi đồng tiền là tất cả “đời là một chữ T”. Sự khập khiễng là dấu hiệu nguồn cơn sự tan vỡ gia đình.

Bi kịch bắt đầu là Cừ “đứa con hư hỏng” của ông Bằng, thi trượt lớp mười, Cừ đi bộ đội, niềm đau khổ, hằn học trong buổi đưa tiễn Cần ra nước ngoài đi học, Cừ nhận thấy: “Người ta chỉ quý trọng kẻ nào đem lại lợi ích, danh vọng cho người ta thôi” [32; 221]. Năm 1976 vì bị kỷ luật Cừ bị thôi khỏi bộ đội, “đi học công nhân nguội ở nước ngoài” được một năm Cừ về nước và tư tưởng thay đổi. Sự hằn học cuộc đời cùng với lối tư duy “không có gì quan trọng” Cừ đã vô trách nhiệm nên có con với người phụ nữ dệt chiếu, rồi theo một người phụ nữ khác ra nước ngoài. Và chết vì bế tắc trong đêm giao thừa. Kết cục của Cừ là cái có báo trước. Cái chết bi thảm của tư tưởng bế tắc. Lý, đã đi theo gã trưởng phòng vật tư, bỏ lại gia đình trong mùa lá rụng. Bi kịch và sự sa ngã của Lý trong đó có một phần lớn trách nhiệm của chồng. “Đông với ưu thế riêng khi cần thiết đã xa rời trách nhiệm người hướng dẫn tinh thần cho vợ, đã vậy lại

còn sống chểnh mảng trong sự ỷ lại đã tập nhiễm thành bản tính” [32; 316]. Bi kịch gia đình đó phát sinh trong môi trường xã hội thiếu tinh thần cao thượng và khi các giá trị chưa ổn định là sự tất yếu. Bi kịch có tính phổ quát cho một kiểu gia đình hiện đang sinh tồn trong kiểu xã hội như thế. Sự xuất hiện của vợ con Cừ đã đẩy thảm kịch gia đình đó lên đỉnh điểm bởi khi sự xung đột các giá trị mới cũ đang căng thẳng thì xung đột về quyền lợi vật chất lại bùng nổ. Đời sống đã vốn khó khăn, có thêm ba con người trong môi trường đó rất cần thiết sự chia sẻ, đức hy sinh để bảo toàn sự ổn định cho gia đình thì chính Đông, Lý người trụ cột chính thiếu đi sự nhiệt thành và tháo vát đã chính thức đánh đắm con thuyền. Kết cục là cái chết của ông Bằng trước sự chịu đựng quá tải của danh dự, sự hẫng hụt, tiếc nuối các giá trị truyền thống bị phủ nhận,… “Liên minh ma quỷ của Lý được thành lập; ông Bằng mất, hy vọng về số tiền người con trai trưởng được thừa kế tan tành; mưu tác thành cho Cần không có kết quả; Đông vượt khỏi khuôn khổ phụ thuộc, trở thành một kẻ cục súc, vũ phu” [32; 316]. Cái gia đình “yên ấm, mẫu mực” ấy trước cái hỗn mang của cuộc sống đã không giữ được mình và tan nát bởi sự xung đột trên nhiều phương diện, một sản phẩm tất yếu của xã hội Việt Nam thời kỳ này. Gia đình Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú mang sắc màu khác. Đó là sự thiếu thốn về vật chất, Tự thiên quá về đời sống tinh thần, và những đòi hỏi mãnh liệt của người vợ về nhục dục không được đáp ứng. Xuyến đã sa ngã vào lực hút của đồng tiền, của đời sống nhục cảm xác thịt với “Quỳnh đĩ đực”,. Xuyến tha hóa về nhân cách, không có được lòng tự trọng, sự nhẫn nại, đức hy sinh và lòng vị tha. Tự bế tắc trong nghề nghiệp vì bị hãm hại… Gia đình cái nôi của của con người bây giờ không còn yên ấm nữa mà đang có nguy cơ đổ vỡ trước bão tố của cuộc đời. Sự tác động ngoại cảnh như những lớp sóng dồi trong cơn địa chấn về đời sống gia đình trước sự thay đổi của xã hội bên ngoài. Lực tác động mạnh mẽ ấy như cuốn hút con người chạy theo dục vọng tầm thường để quên đi những gì gọi là truyền thống trong đời sống tinh thần dân tộc.

Không những chỉ là sự phản ánh mâu thuẫn trong các mối quan hệ gia đình là nguyên nhân của những bi kịch đổ vỡ trong chua xót khi người ta cố tình quay mặt làm ngơ trước cảnh người thân, máu mủ ruột rà đang chết dần, chết mòn vì dòng nước lũ của cuộc đời. Thì mặt khác, Ma Văn Kháng đã đề cập khá sâu sắc đến loại bi kịch nảy sinh trong môi trường làm việc giữa những người “đồng nghiệp”. Nhân vật Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú đời sống gia đình khốn khó nhưng lý tưởng cống hiến hết mình cho học trò, cho môi trường giáo dục trong Tự càng bùng cháy dữ dội. Tự là hiện thân của một nhân cách, một tâm hồn giàu tình người. “Nỗi buồn, sự cách trở, ở những trạng thái ấy, con người bé nhỏ và đáng thương xiết bao. Tự đã rưng rưng. Đã động lòng trắc ẩn. Con người, thân phận của nó, sự yếu đuối của nó, chiều sâu vô cùng của nó, là những niềm khắc khoải, da diết trong anh” [27; 93]. Tự có đủ nhân cách, phẩm hạnh và tài năng đứng bục giảng trong tư thế ngạo nghễ và có quyền tự hào về mình, về sự tận hiến của mình cho cuộc đời. Tự vô tư hồn nhiên trong lúc các thế lực xấu thì hung hiểm và tìm đủ mọi thủ đoạn để cách ly, loại trừ anh. Và tai họa liên tiếp giáng xuống đầu: bị nghi “đốt trường”, đưa ra chiến trường trong khi sức khỏe yếu, “nói xấu Bí thư Thị ủy Lại”, bị tình nghi thay đổi điểm số của học sinh, “luyến ái bất chính với học trò”, “đánh cấp ủy”,… Tự sa vào bi kịch nặng nề, không lối thoát. Với cảm quan nhạy cảm, Thuật đã tổng kết về những nỗi đau khổ của Tự: “Ông là nhận vật lớn của một bi kịch lớn. Bi kịch của một bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ. Ông đẹp cao cả trong buồn đau” [27; 271]. Tự đã không còn có cơ hội để thực hiện ước mơ, cái đẹp bị xã hội vùi dập, bị đồng nghiệp hãm hại. Cũng với kiểu bi kịch con người bị vùi dập tài năng, không thực hiện được ước mơ, hoài bão bởi các lực cản trong xã hội. Nhân vật Trọng trong Mưa mùa hạ là kiểu nạn nhân như thế. Là một kỹ sư có năng lực, được làm đúng chuyên môn của mình, tốt nghiệp loại xuất sắc, bầu nhiệt huyết của một trí thức trẻ bùng cháy nhưng rốt cuộc Trọng thất bại, không những không thực hiện được khát vọng lớn lao của mình mà còn

hy sinh trong một lần cứu đê. Trọng ngay thẳng, vô tư và hồn nhiên không biết có biết bao nhiêu kẻ đang ngày đêm rình rập, lợi dụng tình hình để chuộc lợi bất chính, làm ăn phi pháp trên tính mạng của người khác. Trọng đã hy sinh trong lần cứu đê và mang theo bi kịch đời anh đi cùng với dòng nước lũ. Anh là hiện thân của kiểu người đang đấu tranh với chính dòng nước lũ cuộc đời nhiều nhiễu nhương, ngang trái để tìm kiếm chân lý và điều thiện. Trong cuộc đấu tranh đó đã có những người phải ngã xuống. Trọng và Nam là những con người như thế. Kết thúc tác phẩm thật bi thảm: Nam chết vì bạo bệnh khi giấc mơ còn dang dở, Trọng tình yêu tan vỡ, bị chèn ép, và hy sinh trong khi cứu đê, ông Cần mất con hẫng hụt và cô đơn.

Cũng là nạn nhân của xã hội, tuy không phải là trong môi trường làm việc của những người đồng nghiệp nhưng trong cùng một địa bàn sinh sống, bi kịch nảy sinh giữa những người dân bình thường với bọn người có chức có quyền lạm dụng chèn ép người dân trong cuộc sống. Bà cháu Duy trong Côi cút giữa cảnh đời mang nặng bi kịch khủng khoảng niềm tin và sự cô đơn lạc lõng là nạn nhân của bi kịch “chấn thương”. Bà của Duy là một công nhân về hưu, ông mất trong cải cách ruộng đất, bố Duy đi chiến đấu ở chiến trường Cam - pu - chia bị thương và sau đó không có tin tức. Mẹ dại đột bỏ đi theo người đàn ông lái xe tải, để lại trên cuộc đời hai bà cháu khi bà tuổi đã cao còn Duy mới lên năm. Cuộc sống cơ cực trong những ngày tháng thê thảm, đau xót: thiếu ăn, chỗ dựa tin cậy, bị chèn ép, bị dọa dẫm, Duy đến trường bị hắt hủi và bỏ rơi,… Những cơ cực ấy nguyên nhân chính bởi người đứng đầu phường Ngọc Sinh do ông Luông làm chủ tịch và đồng bọn Hứng gây ra. Ông Luông, lão Hứng có chức quyền nhưng bản chất lưu manh. Chúng gây ra biết bao nỗi đau khổ oan ức với bà cháu Duy và người dân trong phường. Cảm xúc bị hắt hủi, bị bỏ rơi, lẻ loi trong cuộc đời đè nặng lên tấm hồn hai bà cháu. Khát vọng trở thành một con người bình thưởng nhất không yên ổn. Tai họa hết đợt này đến đợt khác ập đến với hai bà cháu. Ma Văn Kháng khi viết tiểu thuyết này đã thể hiện rõ những mặt trái xấu

xa của xã hội, đồng thời với tấm lòng đồng cảm, cảm thông và yêu thương nhân vật của mình những con người bị đẩy sâu vào bi kịch cuộc đời. Đây cũng chính là tiếng nói phê phán với cuộc đời, xã hội không cho con người vươn lên trong cuộc sống mà bị chính cuộc sống vùi dập phũ phàng.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 85)