Ngôn ngữ mang phong vị xa xôi

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 105)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.2.1. Ngôn ngữ mang phong vị xa xôi

Văn học lấy ngôn ngữ làm phương tiện để miêu tả và phản ánh thế giới khách quan: “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học, vì vậy văn học được gọi là loại hình nghệ thuật ngôn từ” [13; 183]. Tác phẩm văn học tùy theo đặc thù loại hình mà có hình thức ngôn ngữ riêng. Nhưng, nhìn chung có những đặc trưng cơ bản sau: Tính chính xác, tính hàm súc, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm. Ngôn ngữ thể loại tiểu thuyết theo quan điểm của Bakhtin còn có “tính phức âm, tính phân tầng”. Trong tiểu thuyết, vai trò của người trần thuật và hình tượng nhân vật ở nhiều tư thế và vị trí khác nhau, họ cùng mang chức năng bình đẳng với nhau và tạo nên một kiểu đối thoại trong tác phẩm. Ngôn ngữ tiểu thuyết hiện đại Việt Nam đã có bước đổi mới, nhiều khi pha tạp đủ kiểu loại ngôn ngữ trong cùng một tác phẩm với các chức năng riêng biệt của chúng. Nhà văn Ma Văn Kháng được xem là “triệu phú chữ”, ngôn ngữ tiểu thuyết của

Ma Văn Kháng phong phú, giàu chất thơ, màu sắc trữ tình. Nhìn chung, ngôn ngữ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng vừa mang phong vị xa xôi vừa hồn nhiên, tươi mới của cuộc sống, có chiều sâu nội tâm. Tất cả những đặc điểm đó không những làm nên nét phong cách riêng về ngôn ngữ mà còn làm cho tiểu thuyết của ông đậm chất thơ.

Mảng đề tài về miền núi trong sáng tác của Ma Văn Kháng thời kỳ đầu như Đồng bạc trắng hóa xòe, Vùng biên ải ngôn ngữ vừa đậm chất truyền thống, vừa mang phong vị xa xôi và giàu chất thơ, chất trữ tình về thiên nhiên, đời sống xã hội và con người nơi đây. Cuộc sống và các quan hệ xã hội của người dân miền núi cao vẫn còn là một chân trời mới đối với người đọc. Lối sống của người dân còn hoang dã, tư duy còn mang tính thô sơ, đơn giản. Họ sống gần với núi rừng, thiên nhiên nên lời ăn tiếng nói thường thể hiện đơn sơ, mộc mạc. Họ thường sử dụng các những cách nói ví von, lấy các đồ vật, sự vật quanh mình để diễn đạt thông tin đến với người nghe. Biểu hiện của kiểu tư duy còn thô sơ, nên suy nghĩ, hành động của họ hiển hữu ngay trong cách sử dụng ngôn ngữ.

Hố pẩu họ Giàng than vãn về người Mèo triền miên đói khổ, cách nói giàu tính hình tượng: “Theo ai? Trời! Đời người Mèo ta khổ quá… Lau mồ hôi rát cả mặt rồi mới có đất này. Đất không ba thước bằng, trời không ba ngày nắng... Đã tưởng an cư… Vậy mà vẫn khổ: đói, bệnh - hai cái lo đời nào cũng có” [26; 198]. Cách nói ấy đã thấm trong nỗi đời bất hạnh, trong gan ruột của hố pẩu. Người dân ở đây thường sử dụng lối nói trùng điệp. Đây là lời bà Xóa chỉ rõ sự thống khổ: “Người ta bỏ thuốc độc vào cơm. Tôi không hay. Ăn xong đau nhức chín buồng gan, chín buồng tim. Người yêu tôi nghe tin xót xa. Người yêu đi tìm thuốc lá chi chit” [26; 214]. Lão Sếnh nói với Pao khi anh trở về với cách ví von để diễn đạt tấm lòng: “Cháu về, lòng lão có con chim hót đấy. Cây có nấm, ở trên rừng cũng có nấm, ngâm dưới ao cũng có nấm” [33; 38]. Đây là một kiểu nói quen thuộc của người dân miền núi, họ muốn phơi bày gan ruột cho người khác tỏ tường. Mặt khác, tính cách chân thật của họ cũng biểu hiện rõ

trong cách nói có hình ảnh đó. Người Hmông có tấm lòng ngay thẳng, họ không ưa sự dối trá, phản trắc, Tếch đã nói như thế này: “Cái ông Vận nó ác độc như con thú dữ, nó giết ông già, bà già, phụ nữ, trẻ con Hmông ở Hầu Thào” [33; 183]. Pao nói về sự mù mờ nhận thức của mình: “Sao hôm nay đầu óc mình đầy sương mù thế nhỉ” [33; 190]? Cốt cách và khí chất của người miền núi cũng nguyên sơ và trong sạch như thiên nhiên. Lời của Giàng Dìn Chin nói về lòng dân La Pan Tẩn: “Ngô ở đây bẩm thụ được khí giời trong sạch. Nước suối ở đây cũng từ lòng suối khơi nguồn chảy ra. Vì vậy mới nên rượu này. Lòng dân tôi như rượu này, không pha nước khác được đâu” [38; 36]. Đây là lối nói thể hiện được bản chất, phản ánh nét riêng biệt trong tư duy ngôn ngữ của người miền núi. Bị bọn xấu lợi dụng, họ gọi: “Cộng sản là cái gông, hòn đá, đẻ con có đuôi mà.” [33; 209]. Nói về vẻ đẹp của Seo Cả: “Tóc nó xanh mướt như con chim câu. Hai tay thon như thân cá quả” [33; 161]. Trong lối nói, người Hmông thường dùng phương thức chuyển nghĩa hoán dụ để diễn đạt ý tình của mình: “Giết một Việt Minh áo nâu, thưởng hai tạ muối. Giết được một Việt Minh áo chàm, thưởng một tạ muối” [33; 172].

Những người dân miền núi cao Tây Bắc có mối quan hệ mật thiết với môi trường tự nhiên xung quanh, sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ và trữ tình nên ngôn ngữ của họ cũng hồn nhiên, tự do phóng khoáng và chất phác. Ngôn ngữ họ dùng cũng thiết tha, đằm thắm tình người. Điều này biểu hiện rõ trong tình yêu, và trong các sinh hoạt văn hóa. Pao khi nói với Seo Ly lời lẽ yêu thương và thiết tha: “Ta sẽ sống đời đời kiếp kiếp bên nhau, như cây đào, cây mận, chung một mảnh đất. Ta nghèo không có lợn, ta mổ quả bí làm lợn ăn, ta yêu nhau hết tháng. Ta thương nhau cả năm. Ta đem cho ta cái vui, cái sướng” [26; 482]. Tình yêu gợi cho lời nói trong họ giàu chất thơ, giàu tính nhạc, giàu ngữ điệu như chính cung đàn thương yêu trong tâm hồn Pao. Người dân ở đây, quan niệm tình yêu thật đẹp và thơ mộng: “Anh ơi, con chúng ta thụ thai trong đêm trăng sẽ đẹp người đẹp nết lắm, anh à” [33; 99]. Tình yêu gợi mở con

đường sáng hướng tới hôn nhân và hạnh phúc gia đình trong mong mỏi muôn đời. Giàu khát vọng dân chủ, nhưng Pao không diễn đạt bằng ngôn ngữ lý luận mà nói bằng hình ảnh chân thực, hồn nhiên: “Cách mạng là con đường quanh co. Nhưng rồi ta sẽ đi tới đích. Tôi chỉ hơi buồn: người Can Chư Sủ mình đáng lẽ phải đi con đường như A Sinh, như tôi đi, lại phải theo Lử” [33; 168]. Giàng Dìn Chin trong buổi chia tay Thiêm đã thể hiện suy nghĩ trong đáy lòng của mình: “Thầy ơi! Thầy là âm thanh trên trời cao, là sắc đẹp trong dung nhan, là hình ảnh trong gương soi, là ánh trăng dưới đáy nước. Thầy là tiên, là thánh, là cuốn sách không cạn lời” [38; 276]. Trong các sinh hoạt văn hóa, trong đời sống hàng ngày người dân miền núi luôn thể hiện nét vô tư hồn nhiên, tư duy đơn giản là những nét làm nên bản sắc riêng trong ngôn ngữ của họ: thường sử dụng lối nói ví von giàu hình ảnh mang tính sinh động, cách dùng ngôn ngữ gần với tự nhiên, giàu chất thơ thể hiện bản chất của một đời sống giàu tình cảm và phóng khoáng. Đây là một trong những phương diện tạo nên nét độc đáo có ý nghĩa trong vốn ngôn ngữ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng góp phần tạo lập giá trị riêng trong phong cách của nhà văn.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 105)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(140 trang)
w