Ngôn ngữ chiều sâu nội tâm

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 114)

5. Phương pháp nghiên cứu

3.2.3.Ngôn ngữ chiều sâu nội tâm

Trong tiểu thuyết Việt Nam trước 1975, do những nhiệm vụ lịch sử đặt ra một cách riết róng, nội tâm của con người ít được chú ý khai thác. Sau 1975, đời sống nội tâm được chú ý nhiều hơn và vì thế ngôn ngữ nội tâm trở thành một hiện tượng phổ biến. Đồng thời, ngôn ngữ độc thoại nội tâm được chú trọng nhiều hơn, việc này không những làm đồng hiện không gian, thời gian, gia tăng sự đồn nén thông tin và cho nhân vật bộc lộ mình nhiều hơn. Việc dùng kỹ thuật dòng ý thức để đi sâu vào tâm hồn, thế giới tiềm thức, tâm linh của con người cũng được một số nhà văn sử dụng. Người đọc dễ nhận thấy bản chất chân thật của nhân vật, chứ không đơn tuyến, đơn diện mà phản ánh đời sống vốn nhiều chiều, đa diện như bản chất của sinh tồn. Ngôn ngữ nội tâm thể hiện khát vọng: “Tìm ra con người trong con người (...) miêu tả toàn bộ chiều sâu của tâm hồn con người” [90]. Ma Văn Kháng thuộc số tác giả sử dụng rất hữu hiệu công cụ này.

Ngôn ngữ của Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú xoay quanh nhiều vấn đề trong đời sống tâm linh và trong mối quan hệ công việc và gia đình. Thông qua dòng độc thoại nội tâm người đọc thấu hiểu phần nào bản chất, nhân cách và tư tưởng của người trí thức chân chính nhưng có phân nhu nhược. Trước sự mất

giá của đồng tiền, đời sống “giáo khổ trường công” càng đi vào khốn khó là bài toán khó giải, Tự đã hết sức đau đầu bởi đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong cuộc đời của anh, Tự trăn trở, đấu tranh trong con người về cuộc sống cơm áo dù biết vướng víu nhưng không phủ nhận được. “Nhưng cái gì có thể cưỡng lại dưới sự thắng thúc ghê gớm của miếng cơm manh áo lúc này? Giá cả tăng như nhảy cóc. Đồng tiền cháy vèo trên lòng bàn tay. Chẳng ngày nào Xuyến không lời ra tiếng vào”. Nhà văn đã cho nhân vật trải lòng mình, những nỗi niềm chua xót và đau đớn. Tự đã dằn vặt vì cuộc hành trình đi tìm lại chính mình mà kết cục anh nhận ra mình chỉ là một hạt cát, một ký tự giữa muôn ngàn cái na ná. Đó là niềm đau khổ, lòng tự trọng dày vò anh khôn nguôi về kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường: “Tám năm không sao tẩy xóa được, trái lại chỉ thấy mỗi lúc một nặng lên cái mặc cảm hèn hạ, vì đánh mất niềm tin, vì đánh mất cá tính. Một con tốt hỉn để sai khiến, ai khiến cũng được” [27; 306]. Trong dòng chảy ký ức của Tự, anh nhận thấy sự thất bại cùng cực của người trí thức chân chính trong mối quan hệ với xã hội chỉ coi trọng cơ bắp, coi trọng lý lịch và xem thường chất xám. Tự đã bị chính những thế lực như thế chèn ép và xô đẩy vào chỗ không còn lối thoát. Hơn ai hết, Tự thấu hiểu bản chất của các mối quan hệ, những tiêu cực và mặt trái của một xã hội chậm tiến bộ, Tự cay đắng nhận ra: “Rường cột xã hội này phải là những người xuất thân nghèo khổ như Lại, như Cẩm, chứ loại Tự giỏi lắm cũng chỉ là một gã chạy cờ thôi” [27; 314]! Tự chua chát cho chính số phận của mình nói chung và giới trí thức nói riêng. Tổng kết cuộc đời mình một cách quá sớm, Tự nhận thấy: “Nỗi đau đời thứ nhất của Tự là khi anh nhận ra mình chỉ là một quân cờ thấp hèn trong bàn tay tàn bạo của tên Lại. Nỗi đau đời thứ hai là lúc này đây” [27; 311]. Khi anh nhận thấy Xuyến đã phản bội, quan hệ bất chính với “Quỳnh đĩ đực” ngay chính trong căn nhà của vợ chồng anh. Hồi ức như những mảng màu xám trong cuộc đời hiện về vò xát vào nỗi đau và tàn phá cái thân mình ốm yếu. Có thể nhận thấy, Ma Văn Kháng đã khá thành công trong việc khắc họa tính cách nhân vật thông qua dòng độc thoại nội

tâm để cho nhân vật biện thuyết, đối diện với chính mình để phản ánh những thực tại nhức nhối ở bên ngoài. Tự trải qua nỗi đau cả trong quá khứ và hiện tại. Bão tố cuộc đời liên tiếp giáng xuống đầu anh nhưng người trí thức tỏ ra quá nhu nhược: chỉ có chấp nhận mà không đấu tranh kiên quyết. Tự là một kẻ sỹ mang tạng nhu trong mối quan hệ ứng xử với dòng đời sinh hóa. Nỗi đau nhân tình vì thế càng được đẩy lên cao độ, là tiếng nói phản ánh tình trạng “chết mòn” của những người trí thức chân chính trong xã hội.

Trong Côi cút giữa cảnh đời, thân phận con người đau khổ vì cô đơn, lẻ loi khi phải chống đỡ với cuộc đời được phản ánh qua những dòng hồi ức của bé Duy, trải qua thời gian hơn mười năm. Duy cảm nhận cuộc sống từ khi còn là một đứa trẻ lên năm: những ấn tượng ban đầu về người mẹ, ngày mẹ ra đi với người đàn ông lái xe, cảnh đời côi cút, những tai họa ập đến với gia đình, bà cháu nhận bé Thảm từ cô Quỳnh,… Những dòng độc thoại cứ liên tiếp ùa về làm trái tim thơ dại của Duy nhói đau vốn bị tổn thương khi cuộc đời không ban cho em niềm hạnh phúc của tuổi thơ. Hình ảnh người mẹ ngày ra đi cứ ám ảnh mãi: “Cái áo mưa xanh cứng quèo mẹ khoác khe khẽ động trong màn mưa thu xám nhờ. Một tay xách cái túi quần áo lép kẹp, một tay đưa gạt nước mắt. Một phút ngần ngừ. Một phút xót xa. Rồi sau đó mẹ tôi quay ngoắt đi, cắm cúi bước rồi rún chân chạy… cái chạy như trốn lẩn, đau đớn vật vã. Cực chẳng thế nào” [39; 7]! Bé Thảm, đứa con lầm lỡ của cô Quỳnh được đưa về gửi bà khi còn trứng nước. Những ấn tượng ngày đầu đã khắc sâu trong Duy những xúc cảm thương yêu dâng lên và nhòe trong nước mắt: “Cô tôi vắt nước mũi, gài mái tóc mai, búi lại tóc. Đứa bé nấc nấc mấy tiếng rồi ập mặt vào ngực bà tôi. Tựa như đang trôi nổi, bơ vơ giữa muôn điều kinh hãi, một con thuyền nhỏ cô đơn đã đậu lại một bến bờ yên ả, an toàn, em, nhỏ thu hai bàn tay lại mắt gà gà đi vào giấc ngủ” [39; 135]. Trong tâm hồn thơ trẻ của Duy, tình thương bà với em Thảm dường như trở thành mạch nguồn làm động lực để em lớn lên và trưởng thành. Nhiều khi Duy thốt lên thật cảm thương: “Ôi, tôi thương em Thảm của tôi lắm! Mỗi lần

thấy bà tôi bế em đi bú chực các bà, các cô có con nhỏ trong phường về, thấy nó sởn sơ vui vẻ bên cạnh bà tôi ngày một gầy mòn hốc hác, là tôi lại muốn trào nước mắt” [39; 145,146]. Qua dòng độc thoại người đọc vừa thông cảm với nỗi đời bơ vơ bất hạnh của ba bà cháu, vừa oán ghét bọn sâu mọt trong xã hội lộng hành chèn ép con người đi vào bước đường đau khổ trái ngang. Người đọc cũng thấy tình yêu thương, tình người dào dạt trong bản thân mỗi thành viên trong gia đình Duy được giữ vững trên nền tảng đạo lý dân tộc.

Gặp gỡ ở La Pan Tẩn là một tác phẩm khá thành công của Ma Văn Kháng về đề tài miền núi được viết với bút pháp khá hiện đại. Nếu các tiểu thuyết trước đó về mảng đề tài này được viết bằng bút pháp hiện thực nặng chất ký, khuynh hướng sử thi, giàu chất ngợi ca thì Gặp gỡ ở La Pan Tẩn là sự thay đổi cả trong kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Toàn bộ tiểu thuyết được tái hiện qua dòng hồi ức của Thiêm về khoảng thời gian đi xây dựng tòa lâu đài văn hóa ở xã La Pan Tẩn. Dòng ký ức sử dụng ngôn ngữ độc thoại nội tâm giàu tính sự kiện để tái hiện hiện thực. Giấc mơ về tòa lâu đài văn hóa và tình yêu với Seo Mùa không thực hiện được đành phải giã từ La Pan Tẩn, Thiêm đã tự vấn mình: “Sao ta lại chỉ có một mình? Chẳng lẽ trước đến nay ta chỉ có một mình?” [38; 276]. Và trở lại hiện thực là người thủ trống tại một trường trung học ở Hà Nội với một công việc chán ngắt anh đã tự hỏi mình: “Sao lại có thể thế được? Sao lại có thể từ một kẻ dẫn đường, một kẻ sống một ngày tỏa sáng một ngày lại biến thành một gã đàn ông đánh trống trường… Toàn bộ sự nghiệp chỉ còn là vậy ư, lẽ nào” [38; 20]? Dòng độc thoại kiến tạo chiều sâu trong tâm thức của Thiêm những ngày tháng huy hoàng và bi kịch vỡ mộng vì sự tan rã của giấc mơ. Nhưng kết cục bi thảm là thông điệp về một xã hội đang thiếu những giá trị làm nền có tính bền vững, những giá trị luân lý và một lòng tin thực sự ở con người. Thiêm ra đi và khát vọng về tòa lâu đài văn hóa La Pan Tẩn đành đổ vỡ nhưng tiến về một con đường văn minh vẫn không dừng lại, nó vẫn cháy âm thầm trong những tâm hồn trí thức chân chính như anh.

Trong tiểu thuyết hiện đại Việt Nam, nếu như Lê Lựu đem đến một thứ ngôn ngữ mộc gần với người thôn quê, lớp ngôn từ thô ráp, mộc mạc, sần sùi, không rèn giũa câu chữ miễn sao “viết thật lòng, không nói dối - nhờ cái thật mà đối thoại được với cuộc đời và người đang sống”. Người cùng thời, Tô Hoài sử dụng khá thành công công vốn ngôn ngữ dân gian một cách nhuần nhuyễn để miêu tả một cách chi tiết sắc sảo những vất vả của người lao động thì Ma Văn Kháng: “Với cái nhìn hiện thực ở chiều sâu nhân bản, ông đã sử dụng thành ngữ, tục ngữ để phản ánh nhiều phương diện với những gam tối, sáng khác nhau của con người và cuộc sống. Qua đó, người đọc thấy được hiện thực nhức nhối trong cuộc sống dầy biến động của cơ chế thị trường hôm nay” [65; 85]. Ngôn ngữ của Ma Văn Kháng trau chuốt, lời văn đằm thắm, mượt mà, sâu sắc, giàu chất thơ.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 114)