Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 34)

5. Phương pháp nghiên cứu

1.2.2.Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

Ở khu vực tiểu thuyết, gia tài Ma Văn Kháng có được tương đối lớn về số lượng, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật, in đậm dấu ấn riêng trong phong cách sáng tác. Cho đến thời điểm này, sức viết tiểu thuyết của ông vẫn chưa ngưng nghỉ, dù bệnh tật hành hạ nhưng ngày đêm nhà vẫn còn chắt chiu từng trang viết để dâng cho đời, làm giàu thêm cho kho tàng văn học Việt Nam.

Tiểu thuyết Ma Văn Kháng cũng nằm chung trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, được viết trên hai nguồn cảm hứng cơ bản. Có thể lấy năm 1985 làm mốc thời gian phân chia quá trình sáng tác tiểu thuyết của nhà văn. Các tiểu thuyết trước 1985 của Ma Văn Kháng bao gồm: Gió rừng (1977),

Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Vùng biên ải (1983), Mưa mùa hạ (1983)… Nhưng không thể phân tách như vậy nếu nhìn từ phương diện cảm hứng Mưa mùa hạ tuy viết trong thời kỳ trước nhưng cảm hứng thế sự rất rõ nét. Chúng tôi cho rằng căn cứ vào phương diện đề tài để phân chia tiểu thuyết của Ma Văn Kháng phù hợp hơn cả, nhà văn có hai mảng khá rõ ràng đó là đề tài về miền núi

cao Tây Bắc và về đời sống thành thị. Ở đề tài thứ nhất, Ma Văn Kháng không chỉ viết trong một thời gian nhất định mà sáng tác xuyên suốt trong cả quãng thời gian cầm bút của mình. Các tiểu thuyết viết về đề tài miền núi như Vùng biên ải, Đồng bạc trắng hoa xòe, Trăng non,… Sau này còn một số tiểu thuyết được đánh giá cao không những thể hiện khá thành công về mảng đề tài này mà còn biểu hiện sự chín chắn trong ngòi bút của nhà văn như: Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Một mình một ngựa, Chuyện của Lý. Các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng viết về đề tài này đã thể hiện thành công trong việc tạo được nét riêng từ nguồn cảm hứng bất tận từ Tây Bắc. Những tác phẩm này đã tái hiện một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đồng bào vùng núi cao. Đó là cuộc đấu tranh bền bỉ nhưng kiên cường của các dân tộc nơi đây chống lại những thế lực đen tối để dành lại hạnh phúc với khát vọng tự do. Thành công về đề tài miền núi phải kể đến bộ ba tác phẩm Vùng biên ải, Đồng bạc trắng hoa xòe Gặp gỡ ở La Pan Tẩn các tác phẩm này đã dựng lại bức tranh về đời sống của đồng bào dân tộc với những đau thương đối mặt với hàng loạt kẻ thù như: các thổ ty phong kiến, Thực dân Pháp, tàn dư Quốc dân đảng, Trung Quốc, nạn thổ phỉ hoành hành. Đời sống của người dân vốn gian khổ nay lại càng thêm bất ổn. Nhưng dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của tổ chức, của cán bộ họ đã làm lại cuộc đời. Đồng bạc trắng hoa xòe là cuốn tiểu thuyết đầu tay, nhà văn đã dựng lại một thời kỳ lịch sử đau thương mà anh dũng của đồng bào các dân tộc Lào Cai. Đó là cuộc chiến chống lại bọn Việt Nam Quốc dân đảng và thổ ty miền núi phản động được Thực dân Pháp hỗ trợ từ những năm 1946 - 1947. Các thế lực phản động hoành hành, tàn ác. Còn phía bên này là nhân dân các dân tộc miền núi trong những nỗ lực không mệt mỏi vừa đấu tranh vừa nhận đường. Những người dân niềm núi dưới sự lãnh đạo của người cách mạng đã chiến đấu bền bỉ. Hệ thống nhân vật được miêu tả một cách hoành tráng, xung đột xã hội được tạo dựng một bên là nhân dân đại diện cho khát vọng tự do hạnh phúc một cách hồn nhiên; một bên là thế lực đại diện cho cái ác, cái xấu. Tiểu thuyết giàu chất sử thi và cảm hứng lãng mạn về con người

và cuộc sống nơi đây. Nhà văn Hoàng Tiến nhận xét về về sự thành công của

Đồng bạc trắng hoa xòe: “Bút pháp trong Đồng bạc trắng hoa xòe thường dùng theo lối vẽ long trong mây. Con rồng đẹp cứ giấu mình trong mây chỉ lộ ra những khúc lượn vàng son có hạn, nhưng cho người xem vẫn nhận được đủ cái vóc dáng mạnh mẽ, thanh thoát của toàn bộ con rồng, lối “uống rượu sớm mai”. Độ rượu đủ để ngây ngất, quá nửa là say, dưới một chút coi là chưa uống. Biết dừng lại để gây ngây ngất mới là người biết uống rượu” [92]. Thành công của Ma Văn Kháng là chỉ ra được đằng sau những dãy núi thâm u là nét đẹp văn hóa sống động và ý chí đấu tranh của các dân tộc vùng cao. Không dừng lại đó,

Đồng bạc trắng hoa xòe còn ngợi ca công cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Lào Cai trong cộng đồng chung của các dân tộc anh em trên dải đất Việt.

Vùng biên ải - cuốn tiểu thuyết tiếp theo trong sáng tác của Ma Văn Kháng về đề tài miền núi và được xem như tập 2 của Đồng bạc trắng hoa xòe

bởi hệ thống nhân vật được lặp lại cũng là Chính, Tâm, Kiên, Pao,… Nhưng cuộc chiến đấu của đồng bào dân tộc bước sang một giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thử thách. Thổ ty quay lưng với cách mạng, nhận viện trợ của Pháp, lợi dụng những tên ngu muội, máu tham quyền lực như Châu Quán Lồ, Giàng A Lử,... Phỉ đã đồng loạt nổi lên khắp nơi như một bệnh dịch. Cuộc chiến đấu đó có lúc tưởng như bế tắc và thất bại bởi các chiến sĩ cách mạng gặp khó khăn vì phỉ đông hàng ngàn tên, là dân bản địa thông thuộc núi rừng, được Pháp viện trợ. Trong khi đó lực lượng của ta mỏng, trong hàng ngũ cán bộ có kẻ tha hóa khiến lòng dân hoang mang, nghi ngờ, lảng tránh, không hợp tác. Bằng sự nhẫn nhục, lòng thương yêu chân thành, gần gũi, tận tình, khuyên giải của các chiến sĩ cách mạng, phỉ lần lượt ra hàng. Hố pẩu Giàng Lầu dần nhận ra ánh sáng của cách mạng. Chính ông đã chỉ đường cho cách mạng chỗ ẩn nấp của Lử. Và Pùa, em Lử đã bắn chết hắn vì không muốn hắn gây thêm tội ác. Vùng biên ải so với

Đồng bạc trắng hoa xòe không thành công bằng nhưng đã phần nào thể hiện công cuộc đấu tranh dành tự do của người dân nơi đây. Khi đánh giá về tiểu

thuyết này, nhà nghiên cứu Trần Đăng Suyền nhận định: “Ngòi bút giàu chất thơ của Ma Văn Kháng khi chấm phá những cảnh vật đã vẩy hồn mình vào đấy khiến cho cảnh vật hiện lên lung linh màu sắc, lộng lẫy rực rỡ, khi vui khi buồn đều như nhuốm thêm màu sắc tâm trạng của con người [98].

Cuốn tiểu thuyết Gặp gỡ ở La Pan Tẩn ra đời muộn hơn so với hai cuốn tiểu thuyết trước đó. Tác phẩm kể chuyện thầy giáo Thiêm tình nguyện về xã La Pan Tẩn với khát vọng xây dựng Tòa lâu đài văn hóa ở đây nhưng thế lực phản động đã làm tan chảy giấc mơ của anh. Tuy nhiên, nhờ được sự tiếp thêm sức mạnh của cha và ông nội và cả bầu nhiệt huyết với những người học trò nghèo xa xôi, hẻo lánh, anh quyết tâm làm lại một lần nữa. Tiểu thuyết không những ngợi ca bản lĩnh kiên cường của thầy giáo mà còn đề cao chất nhân văn trong chính mỗi con người. Khi đánh giá về bộ ba tiểu thuyết về đề tài miền núi này Nguyễn Ngọc Thiện nhận xét các tác phẩm là: “Bức tranh đời sống hiện thực mang tính chất sử thi về con đường của các dân tộc miền núi phía Bắc làm cuộc đổi đời, đi theo cách mạng và phát huy được phẩm cách của mình” [88]. Những tác phẩm này đã: “Tạo thành một chùm tiểu thuyết độc đáo làm sáng lên bức tranh lịch sử xã hội hào hùng, bi tráng của một vùng núi phía tây Bắc nước ta trọn một thế kỉ” [88]. Các tiểu thuyết của Ma Văn Kháng về đề tài miền núi mang đậm chất ký, giọng văn kể chuyện với cảm hứng sử thi xen lẫn trữ tình độc đáo. Có thể nhận thấy tính chất lý tưởng, cảm hứng bi tráng và chất trữ tình, chất thơ xen lẫn với những nét đẹp trong văn hóa các dân tộc vùng cao đã thấm đẫm trong từng trang viết của nhà văn.

Khi chuyển công tác về Hà Nội nhập cuộc ở môi trường mới, nhà văn đã dành nhiều thời gian quan sát con người và cuộc sống mới chốn thị thành sau hai mươi năm xa cách. Tiểu thuyết của ông bắt đầu có sự chuyển biến về đề tài và cảm hứng sáng tác. Cuộc sống thị thành thời kỳ trước và sau đổi mới đặt ra rất nhiều vấn đề bức thiết, vấn đề con người cũng cần có sự giải quyết thỏa đáng trong mối quan hệ với môi trường xung quanh. Đề tài về đời sống thành thị, cảm

hứng thế sự, đạo đức, đời tư dần được hình thành rõ nét qua các tác phẩm của ông. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên phải kể đến là Mưa mùa hạ (1982) dựng lại cuộc chiến chống nạn vỡ đê của một huyện đồng bằng ven Hà Nội, nhưng đằng sau đó là cuộc đấu tranh của những người chân chính, có lương tâm, trách nhiệm như Trọng, Nam, ông Cần và cả một thế lực đen tối đang ngấm ngầm phá hoại truyền thống đạo đức và tinh thần của con người. Cuộc chiến của Trọng và những người có trách nhiệm chống lại những tổ mối luôn có nguy cơ gây ra thảm họa là tường minh chỉ những ung nhọt trong lòng xã hội, những thế lực phá hoại đang đe dọa cuộc sống. Tuy nhiên, một điều nguy hiểm là kẻ thù trong các tiểu thuyết trước được minh định còn ở đây chúng ẩn khuất sau chiếc mặt nạ giả nhân, giả nghĩa rất nguy hiểm. Đây là bước phát triển trong tư tưởng của Ma Văn Kháng: tiếp cận vấn đề trên phương diện đạo đức thế sự.

Mùa lá rụng trong vườn được đánh giá là thành công trong thể nghiệm đề tài mới. Tiểu thuyết này đã được bạn đọc đón nhận và ưu ái khá nhiều, là tác phẩm thể hiện độ chín chắn, ổn định trong phong cách nghệ thuật của Ma Văn Kháng. Tiểu thuyết kể về gia đình ông Bằng, một gia đình chính gốc Hà Nội vốn được coi là gia giáo, nền nếp: ông giáo Bằng mực thước, coi trọng truyền thống gia đình, năm anh con trai anh là liệt sĩ, anh trung tá quân đội, anh nhà báo, anh học nước ngoài, những cô con dâu đảm đang, tình nghĩa, nhân hậu nay đang có những biến động lớn. Gia đình truyền thống đó có nguy cơ tan vỡ trước cơn lốc của cuộc sống theo cơ chế thị trường khiến nhà văn đã phải đặt ra câu hỏi: “Gia đình, giọt nước của biển cả, cá thể của xã hội, liệu có vững vàng trong cuộc sống xây dựng đang có nhiều khó khăn, lắm bê bối này” [92; 24]? Cơ chế thị trường với hai mặt của nó bị chi phối bởi đồng tiền điều mà trước đây trong truyền thống Việt Nam chưa có làm đảo lộn tất cả các giá trị. Trong gia đình đó mỗi nhân vật có tính điển hình khá cao cho một loại người trong xã hội; tất cả họp lại trong một căn nhà và dưới sự chi phối của cuộc sống cơm áo, đồng tiền hai mặt đã khuynh đảo mọi giá trị. Ma Văn Kháng đã giải quyết vấn đề trên nền tảng đạo

đức truyền thống và tác giả gửi tới bạn đọc một thông điệp da diết của hạnh phúc gia đình trước cơn biến động lớn của xã hội: “Mỗi con người, mỗi gia đình phải chăm lo cho mình, cho nhau, phải nhìn ra xã hội và xã hội phải chăm lo trở lại cho họ” [80; 52]. Mùa lá rụng trong vườn được coi là bước chuyển biến quan trọng trong sáng tác của Ma Văn Kháng và sau đó một loạt các tác phẩm có giá trị khác của nhà văn ra đời được sự đón nhận hân hoan của bạn đọc.

Tiếp nối thành công của Mùa lá rụng vườn là cuốn tiểu thuyết Đám cưới không có giấy giá thú (1989) gây xôn xao một thời, người khen cũng nhiều và cũng không ít người còn nghi ngờ giá trị của nó. Ma Văn Kháng cho biết: “Cuốn sách này tạo ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi trên báo chí và trên bàn hội nghị. Khen thì coi như tác phẩm lớn, là đỉnh cao của sự nghiệp. Chê thì cho là sách độc hại” [44; 246]. Ma Văn Kháng đã lật tung hiện thực, đào bới trong đó để đi tìm kiếm bản chất thật của cuộc sống, thậm chí ngay cả trong ngành giáo dục vốn được cho vẫn là nơi trong sạch. Khi đề cập đến vấn đề này nhà văn tâm sự: “Với Đám cưới không có giấy giá thú tôi muốn đề cập đến số phận của người trí thức trong xã hội còn thiên kiến nặng nề. Tự hao hao nhân vật Thứ trong Sống mòn của Nam Cao, một đời sống bị o ép đến khốn khổ vì miếng cơm manh áo, nhưng quan trọng hơn là, Tự còn là nạn nhân của một thời thống trị bởi các quan điểm thiện cận, giáo điều về đấu tranh giai cấp, của thói lộng hành của chính trị hẹp hòi, của sự kém cỏi về trí tuệ, bị đẩy đến chân tường, không có lối thoát trở thành nhân vật của một vở bi kịch khá phổ biến đương thời. Tuy nhiên, Tự lại là biểu trưng của một nhân cách cứng cỏi, không bị tha hóa” [44; 247]. Dù đánh giá như thế nào đi chăng nữa thì với cảm hứng triết luận giàu tính phê phán hiện thực Ma Văn Kháng đã vẽ nên một thực trạng xã hội đương thời cụ thể nhưng mang tính phổ quát và có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội và văn học. Có thể thấy

Đám cưới không có giấy giá thú mang cảm hứng phê phán hiện thực sâu sắc. Trong nguồn cảm hứng đó, Ma Văn Kháng viết tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời (1989) cuốn sách đã ám ảnh người đọc ngay từ những trang viết đầu

tiên và không khỏi cảm động, ấn tượng khi đến với tác phẩm này. Tiểu thuyết xoay quanh những hồi ức của bé Duy về cuộc sống của bà cháu giữa muôn vàn gian khổ, khó khăn trong cuộc sống, muốn sống gần người mà không được. Hiện thực nghiệt ngã cứ dồn dập đẩy cả ba bà cháu vào vòng oan khiên đau khổ. Cuốn sách chứa chan tình yêu thương, lòng nhân ái - thứ tình cảm đã tiếp thêm sức mạnh cho con người trong dòng đời cuộc chảy. Sự ưu ái của Ma Văn Kháng với

Côi cút giữa cảnh đời không phải không có lý do khi chính tấm lòng nhân hậu của nhà văn trải rộng trên từng trang viết xúc động và giàu tính nhân văn. Ông cho rằng sỡ dĩ có sự ưu ái vì: “Cuốn sách đặt con người vào dòng đời đương đại trong một hiện thực gay gắt và không ít buồn phiền… Xuyên thấm 200 trang sách là nỗi buồn uất của những số phận bị xô đẩy vùi dập trong hoàn cảnh ngặt nghèo” [44; 248].

Sau tiểu thuyết Côi cút giữa cảnh đời Ma Văn Kháng tiếp tục đưa đến cho người đọc một loạt các tiểu thuyết có giá trị khác như: Ngược dòng nước lũ

(1999), Một mình một ngựa (2009), Chuyện của Lý (2013) và các cuốn tiểu thuyết về hình sự như Bến bờ (2012), Bóng đêm (2013). Các tiểu thuyết này nhà văn tiếp tục gặt hái được thành công, khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của người cầm bút.

Có thể thấy rằng trong sự nghiệp mấy chục năm cầm bút, Ma Văn Kháng đã có những đóng góp quan trọng cho văn học đương đại Việt Nam bằng một tiếng nói, một phong cách riêng trong việc phám phá, phát hiện và khai thác những vấn đề của cuộc sống hôm nay, góp phần đổi mới thể loại tiểu thuyết cả trên bình diện cảm hứng lẫn thi pháp với hai đề tài gắn với hai nguồn cảm hứng: đề tài miền núi gắn với cảm hứng sử thi, đề tài thành thị Việt Nam trong quá trình đổi mới gắn với cảm hứng thế sự, đời tư. Tiểu thuyết Ma Văn Kháng góp phần làm nên diện mạo tiểu thuyết đương đại với những khám phá sáng tạo trên cả hai phương diện nội dung và hình thức, vừa giàu tính hiện thực vừa giàu chất trữ tình và chất thơ.

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 34)