Bi kịch của con người đối diện với chính mình

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 91)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.3.3. Bi kịch của con người đối diện với chính mình

Bi kịch mà con người đối diện với chính mình biểu hiện ở hai khía cạnh: một bên dục vọng thấp kém, sống phàm tục và bên kia con người có khát vọng muốn vươn lên đời sống chân chính, thuần khiết trong cộng đồng. Tự là nhân vật kiểu như thế, anh đấu tranh với bản thân để tránh xa cái ác hướng đến cái đẹp của cuộc sống. Trong công việc, Tự bị thu hẹp và tước đoạt tất cả: thôi dạy mẫu cho sinh viên đến thực tập, thôi chủ nhiệm, lớp bồi dưỡng học sinh giỏi bị giản tán, Tổ phó chuyên môn bị miễn nhiệm, Tổ trưởng công đoàn, danh hiệu giáo viên giỏi thành phố bị quên lãng. Tự đã trăn trở và khó xử khi anh và Cẩm cùng dạy một bộ môn, cứ phơi mặt cạnh nhau để học trò so sánh. “Tốt nhất là Tự phải bớt xuất sắc đi. Nhưng, như thế là làm tổn hại đến lợi ích của học sinh. Vả lại, ức chế sự phát tiết tinh hoa, như cấm kỵ phượng tô điểm cho mùa thi, là việc trái tự nhiên, không thể được. Tự cứ phát triển, dẫu biết sẽ trở thành đối tượng của lòng ghét ghen, đố kỵ và thù hận” [27; 127]. Đây là bước ngoặt thúc đẩy bi kịch đời anh tiến thêm một bước mới. Trong môi trường đó phấn đấu cho sự nghiệp như Tự là “chơi trội, chủ nghĩa thành tích, thiếu quan điểm quần chúng, là quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật suy đồi, là gieo rắc nọc độc buồn, hủy hoại một giai cấp suy tàn”. Nhưng trong tâm thức của Tự, anh vẫn nhận thấy được chất vàng mười của mình không bị cái xấu tác động, rủ rê, làm phai nhạt, Tự tâm sự với Kha: “Hết mà chưa hết! Kha ạ. Còn giá trị tự thân của mình, kẻ nào tước đoạt được” [27; 129]! Nhận ra mình là quá trình tự ý thức về cái hiện hữu, bản ngã không mảy may lấm bụi bẩn bên ngoài, không thể tước đoạt được của Tự. Nhưng khi bạn bè của Xuyến thường có những lời không hay về nghề giáo Tự lại buồn tủi và cay đắng cho thân phận. “Trên gác xép, Tự như bị cầm tù. Bịt tai lại thì không

nổi. Nhảy xuống tranh cãi với họ thì vô nghĩa. Chỉ còn cách nằm nghe mà cười thầm, mà buồn cay đắng… Nghĩ mà thương thay cho thân phận mấy anh giáo quèn giáo khổ” [27; 287]. Bảo vệ danh dự uy tín cho nghề, cho học trò, và bản thân mình, Tự là một nhân cách lớn. Trong cuộc đấu tranh đó, anh biết thất bại có thể đến với anh. Những giây phút bị các thế lực có quyền chèn ép Tự vẫn luôn trăn trở và day dứt về cuộc đời. Đó là qãng thời gian đi bộ đội của anh, kết thúc là nỗi ám ảnh và nỗi đau về sự thấp kém. “Tám năm không sao tẩy xóa được, trái lại chỉ thấy mỗi lúc một nặng nề lên cái mặc cảm hèn hạ, vì đánh mất niềm tự tin, vì đánh mất cá tính” [27; 306]. Và Tự đã ngậm ngùi “chua xót quá cho niềm tin yêu của anh, chua xót quá cho một thân phận một con người bé nhỏ, không quyền lực” [27; 306]. Đây là nỗi đau không xóa được của người có nhân cách trong môi trường xã hội thiếu dân chủ. Bi kịch đó phản ánh hiện thực xã hội bi thảm ở bên ngoài.

Nhiều khi Tự đã tự vấn tâm hồn về đời sống tình cảm vợ chồng “Tự đau lòng. Cái lúc cơ khổ như thế này, giá mà vợ chồng biết an ủi nhau, biết thương yêu nhau! Đôi lúc anh tự hỏi mình: Xuyến sẽ đối xử như thế nào, nếu anh cũng như Thuật, như Thảnh… Nhờ các phù phép biến hóa kiếm được bạc nghìn, bạc vạn! Chà, Xuyến mà quay trở lại kính trọng anh, rồi lại yêu quý anh nữa thì anh kinh sợ vô cùng” [27; 27]. Trong tâm khảm của Tự, nỗi đau về gia đình vẫn hằng ám ảnh anh suốt cuộc đời, Tự đã thông cảm và chia sẻ khi cho rằng: “Xuyến thèm khát vật chất, ao ước một đời sống no đủ” [27; 294] là rất đỗi bình thường, Tự thấy mình: “Không có quyền phép phỉ báng quyền được đam mê vật chất của kẻ khác, miễn là nó không phương hại đến quyền lợi của cộng đồng” [27; 294]. Khi chứng kiến vợ ngoại tình, Tự đã có một cuộc đấu tranh giằng xé trong tâm hồn: “Tự có cảm giác mình như tội phạm nằm trên giàn lửa thiêu. Đó là một đêm nặng nề nhất trong đời anh. Lòng tự trọng khiến anh giả tảng, đui điếc, câm lặng. Nhưng anh hiểu, thế là từ đây đời anh bước sang môt bước ngoặt u ám rồi” [27; 307]. Giây phút trải lòng mình, đấu tranh trong lòng, Tự đối diện với chính bi

kịch của đời anh: giận để giành giật lại hạnh phúc, chứng minh thiên chức của anh hay câm lặng chấp nhận sự thật. Lòng tự trọng của một con người im lặng. Chấp nhận bi kịch và trải nghiệm trong cay đắng. Và cảm giác cô đơn, lạc lõng ngay trong gia đình mình, Tự đã gặm nhấm nỗi đau ấy: “Cô đơn là nỗi bất hạnh lớn nhất của con người; anh đã nhận ra và gắng gỏi để chống lại nó. Anh có cảm giác đang phải vượt qua ngàn trùng hỗn độn, để đến với sự an bằng của cõi lòng riêng”. Tự đã trải qua những giây phút nặng nề, bi kịch dày vò lương tâm, bản tổng kết của những nỗi đau trong cuộc đời, sự chua chát tột cùng: “Tri thức, năng lực tiến hóa của toàn xã hội, bị coi là loại ký sinh. Bộ não vật bị dạ dày và chân tay coi là quân ăn bám. Khốn khổ thân anh, tên trí thức quèn, bị ruồng bỏ, bị con buôn căm ghét, bị vợ khinh rẻ và cắm sừng” [27; 311]. Tự đấu tranh với mình, với cái cám dỗ bên ngoài cuộc sống, cái thanh cao, trong sạch, trung thực nhưng dường như những cái đó không có chỗ trong xã hội này. Nỗi đau đớn của Tự cũng là vấn đề của xã hội ngày nay. Đó là tiếng kêu thống thiết về tình trạng con người bị hắt hủi, bị coi thường trong xã hội nhất là nỗi tủi hổ của trí thức Việt.

Lý trong Mùa lá rụng trong vườn, đứng chênh vênh giữa cái tốt và cái xấu, giữa sự trở lại đạo đức truyền thống và chạy theo thói thực dụng đời thường. Trong con người Lý, luôn có sự đấu tranh để vượt lên nhưng không thắng nỗi những cám dỗ của cuộc đời. Sống trong một gia đình nhiều bất ổn, Đông, người chồng của Lý suốt ngày vùi trong tổ tôm, không quan tâm đến gia đình, bỏ mặc vợ chạy theo những cám dỗ bên ngoài cuộc sống. Lý đã trải qua những giây phút cô đơn, hẫng hụt với cái tuổi bốn mươi đang còn ngồn ngộn khao khát cuộc đời, nhục dục. Những thú vui và cám dỗ bên ngoài xã hội luôn cũng mời mọc nồng nhiệt, Lý cảm nhận được những xúc cảm thật mới mẻ mà không mấy khi cô được hưởng thụ. “Anh ta khen chị đẹp tuyệt trần, anh ta nức nở trước sự khéo léo của chị. Anh ta nâng niu, chiều chuộng, cung đốn đủ mọi nhu cầu, kể cả nhu cầu quái ác nhất của chị… tặng chị chiếc nhẫn hai đồng cân”

[32; 124]. Những sự cung phụng đó khiến cho Lý chao đảo, sự phân vân trong ngã ba đường, Lý đã tự vấn với mình, đấu tranh với mình để tránh vết xe đổ: “Đã có lúc chị coi hắn chỉ là điểm nghỉ ngơi vui chơi chốc lát của chị. Chị nghĩ, chị có thể bứt khỏi hắn bất cứ lúc nào. Vì chị là người có bản lĩnh. Nhưng, rời xa hắn trong chốc lát, chị bỗng nhận ra điều này trước nay chị chưa hề nhận ra: cuộc sống sao mà trống vắng, buồn tẻ thế” [32; 125]. Lý nhận ra cuộc sống hiện tại của mình tẻ nhạt và gò bó “chị chẳng được sung sướng, được hạnh phúc mà chị chẳng biết”. Trong cuộc đấu tranh đó, nền tảng gia đình và yếu tố tinh thần nhường chỗ cho cảm giác hiện sinh, cho ham muốn vật chất của con người, Lý nghĩ: “Ôi, cuộc sống đâu chỉ là ngày hai bữa no đủ. Cuộc sống còn là hẹn hò nhớ nhung, nuối tiếc còn là những éo le, âu sầu, ao ước và sự thỏa mãn những cảm xúc mới mẻ” [32; 125]. Trong cuộc đấu tranh đó, chân lý hiện sinh mới được bồi đắp vững chắc, quan niệm sống cho bản thân thắng thế trong Lý. Tuy vậy, khi tiếp xúc và đi quá giới hạn trong quan hệ, trong đáp ứng nhu cầu vật chất Lý lại băn khoăn và thực sự là mâu thuẫn, xung đột giữa cái trong sáng với con đường sa ngã diễn ra gay gắt trong người cô, giấc mơ về người đàn ông mơn trớn bên Lý đã khiến cô hoảng hốt trong lòng: “Ôi!, Lý đã tái mặt, cả trong giấc mơ vừa rồi, tim vẫn đập dồn dập, nghẹt thở” [32; 183]. Về bản chất, hơn ai hết Lý nhận thức về mình khá rõ, lòng tự trọng đã không ít khi đấu tranh để gìn giữ Lý về với cuộc sống, khi cô nghĩ đến gã trưởng phòng: “Đã nhiều lúc Lý căm ghét anh ta, Đồ hợm của! Đồ nịnh đầm! Đồ dâm đãng! Đồ mất dạy! Ngôn ngữ anh ta bỉ ổi! Thủ đoạn của anh ta xảo trá! Âm mưu của anh ta tàn ác! Đòi hỏi của anh ta với Lý là đĩ bợm… Đã có khi Lý buồn nôn, đỏ mặt bỏ đi và nguyền sẽ không bao giờ gặp lại anh ta nữa” [32; 184]. Nhưng Lý đã không thắng nổi sức hấp dẫn của thế giới đồng tiền, nhu cầu vật chất và nhục thể. Lòng tự trọng đã không cứu vớt được sự lao dốc của cô trên đoạn đường sa ngã. Lý đã đấu tranh với mình mà không thắng nổi sự cám dỗ từ bên ngoài, chạy theo những nhu cầu nhất thời mà quên đi yếu tố lâu dài, nhu cầu vật chất mà quên đi yếu tố tinh thần. Trong cuộc

đấu tranh đó Lý thiếu đi sự đồng minh, người hướng đạo cần thiết. Lý thực sự cô đơn, lẻ loi trong cuộc chiến này.

Bi kịch của con người đối diện với chính mình để đấu tranh với những cám dỗ bên ngoài để chiến thắng, giữ mình trong cuộc sinh tồn, hay thất bại để trở thành một kẻ tha hóa trong xã hội. Dù thuộc đối tượng nào thì tất cả đều lâm vào bi kịch thê thảm, họ nhân về mình sự thất bại cay đắng sau cuộc đời. Bi kịch này có ý nghĩa như một lời tuyên chiến với cái ấu trĩ, cái khập khiễng, cái lố lăng, tha hóa trong cuộc sống để đem lại một xã hội tốt đẹp hơn.

Ma Văn Kháng, người “đeo chiếc ba lô đại sự”, bằng chất đời và tình người sâu nặng, đã đem đến cho độc giả những trang viết giàu cảm hứng nhân sinh, vừa ngợi ca, vinh danh lại vừa chia sẻ với những nỗi niềm của con người trong cuộc hiện sinh đầy gian khó. Trong hành trình sáng tạo tiểu thuyết, Ma Văn Kháng đã thực hiện chuyến hành trình khám phá vẻ đẹp trong nguồn cảm hứng bất tận của mình về miền núi cao và đô thị Việt Nam trong những năm đổi mới. Ở đó, nhà văn đã bắt gặp được cái đẹp trong dòng đời sinh hóa hồn nhiên, cái đẹp của tình người, tình đời giữa muôn trùng trắc trở của cuộc đời. Cái đẹp vút lên trong đau thương và bi kịch về kiếp người và thân phận của những con người đau khổ. Nguồn cảm hứng về con người đã khơi dòng cảm hứng tiểu thuyết bất tận trong nhà văn, khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của Ma Văn Kháng, phong cách tiểu thuyết và góp phần khẳng định thành tựu của thể loại tiểu thuyết trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Chương 3

CHẤT THƠ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MA VĂN KHÁNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 91)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(139 trang)
w