Vài nét về Ma Văn Kháng

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 28)

5. Phương pháp nghiên cứu

1.2.1. Vài nét về Ma Văn Kháng

Ma Văn Kháng là một trong số những nhà văn có nhiều đóng góp cho văn học Việt Nam đương đại, trong mấy chục năm sáng tác văn học đã được bạn đọc dành nhiều tình cảm đặc biệt yêu mến, không có điều gì quý hơn một nhà văn mà được sống trong lòng độc giả, được độc giả thừa nhận.

Ma Văn Kháng sinh ngày 01 tháng 12 năm 1936, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, quê gốc ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, có tư chất thông minh và đặc biệt có năng khiếu về tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật. Tác giả từng là giáo sinh của Khoa Xã hội trường Trung cấp Sư phạm đóng ở khu học xá Nam Ninh. Trong thời gian này nhà văn được tiếp cận một số lượng kiến thức khá lớn về khoa học xã hội. Năm 1960 là sinh viên của Khoa Văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp loại ưu. Đây là thời kỳ mà theo tác giả, chính là cơ hội để: “Hoàn chỉnh một quá trình ơn nhờ của tôi với những người thầy đã dạy dỗ, rèn luyện tôi, những người đã khơi dạy chút mầm mống bẩm sinh có sẵn trong con người tôi” [36; 45]. Sau khi tốt nghiệp đại học ông tình nguyện lên Lào Cai công tác và đã qua nhiều chức vụ khác nhau như: giáo viên dạy văn, Hiệu trưởng trường cấp 2, 3 phổ thông Lào Cai, thư ký cho Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, rồi làm phóng viên, Phó Tổng biên tập báo của Đảng bộ tỉnh. Trong thời gian ở Tây Bắc, Ma Văn Kháng đã có cơ hội tiếp xúc với đời sống, phong tục, tập quán, những nét văn hóa của người vùng cao. Tất cả đã có ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng cũng như sáng tác của ông sau này. Với niềm say mê, tình yêu thương Ma Văn Kháng đã để lại trong tác phẩm của mình nhiều ấn tượng đậm nét về vùng cao Tây Bắc còn nghèo nàn, gian khó nhưng luôn ấm áp tình người như là hình thức trả nợ cho Tây Bắc.

Năm 1976, Ma Văn Kháng chuyển về Hà Nội sinh sống và công tác. Ông từng làm Tổng biên tập, Phó Giám đốc nhà xuất bản Lao động. Năm 1995 ông

được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Đảng - Đoàn Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, Trưởng ban sáng tác của Hội Nhà văn và Tổng Biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Một điều dễ nhận thấy ở con người ông là tính kiên trì, chịu khó và một sức lao động bền bỉ, dẻo dai. Ma Văn Kháng là con người giản dị, sống hòa đồng với mọi. Lòng yêu nghề và yêu người là động lực, là nét đẹp tâm hồn để giúp ông vươn tới những chân trời nghệ thuật mới.

Ma Văn Kháng khởi nghiệp sáng tác văn chương bằng truyện ngắn Phố cụt (Báo Văn nghệ, số 136, ra ngày 3/3/1961) một tác phẩm có ảnh hưởng và tác động đến cả sự nghiệp sáng tác của nhà văn sau này. Nguyễn Thành Long, Chế Lan Viên từng khen “có không khí truyện ngắn của Môpátxăng” [36; 116]. Sau truyện ngắn này, Ma Văn Kháng trình làng nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết, càng ngày độc giả trân trọng và yêu mến ông hơn. Thành quả trong mấy chục năm cầm bút, nhà văn đem đến cho bạn đọc số lượng tác phẩm khá lớn: với hơn 200 truyện ngắn, ngót 20 cuốn tiểu thuyết, một hồi ký và một tiểu luận phê bình văn học. Các tiểu thuyết tiêu biểu gồm: Đồng bạc trắng hoa xòe (1979), Mưa mùa hạ (1982), Vùng biên ải (1983), Trăng non (1984), Mùa lá rụng trong vườn

(1985), Võ sỹ lên đài (1986), Đám cưới không có giấy giá thú (1989), Côi cút giữa cảnh đời (1989), Chó Bi đời lưu lạc (1992), Ngược dòng nước lũ (1999),

Gặp gỡ ở La Pan Tẩn (2001), Một mình một ngựa (2009), Bóng đêm (2011),

Bến bờ (2012), Chuyện của Lý (2013). Có thể thấy rằng Ma Văn Kháng là nhà văn có số lượng tác phẩm nhận giải thưởng các loại tương đối nhiều, bao gồm: các tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ nhận Giải thưởng Văn học Đông Nam Á,

Móng vuốt thời gian Giải thưởng Hội văn nghệ các dân tộc thiểu số, Một chiều dông gió Giải thưởng Văn học công nhân. Về lĩnh vực tiểu thuyết gồm có Mùa lá rụng trong vườn được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn năm 1986, Một mình một ngựa - Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn - Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Ma Văn Kháng được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I, năm 2001 cho hai tiểu thuyết Mùa

lá rụng trong vườn, Đồng bạc trắng hoa xòe và tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ. Năm 2012 ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm ba tác phẩm đó là: Mưa mùa hạ, Côi cút giữa cảnh đời Gặp gỡ ở La Pan Tẩn. Một số tác phẩm của ông được giảng dạy trong nhà trường phổ thông, cùng với đó các sáng tác của ông là đối tượng nghiên cứu của các công trình chuyên luận, Luận văn Thạc sĩ, Luận án Tiến sĩ,…

Ma Văn Kháng được đánh giá là người rất bền bỉ, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong nghệ thuật viết văn. Là một nhà văn sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nhưng hầu hết thời gian tuổi trẻ Ma Văn Kháng gắn bó với con người và văn hóa vùng Tây Bắc. Những năm tháng sống, làm việc, tiếp xúc, trải nghiệm với vùng đất giàu bản sắc văn hóa đã hình thành nơi ông nguồn cảm hứng và những dấu ấn khó phai nhạt. Ma Văn Kháng từng tâm sự: “Lao Cai, tôi đã yêu miền đất này từ cái buổi chiều xuân ấy, khi đứng ngắm cái phố Rue des Carvanes, cái tên phố còn sót lại trên tấm biển lữ hành cũ với hình vẽ mấy con lạc đà cô đơn trên sa mạc” [36; 144]. Chất liệu văn hóa, cuộc sống và con người Tây Bắc đã đồng hành trong sáng tác của Ma Văn Kháng và trở nên nguồn chất liệu quý giá hình thành các tác phẩm cho dù sau này khi ông đã về Hà Nội. Ông viết rất tâm huyết rằng: “Nhà văn viết không phải chỉ bằng cảm hứng. Nhà văn viết bằng chất liệu. Không có chất liệu thì tài năng cũng vô nghĩa. Cũng giống như bác tiều phu giỏi giữa sa mạc vậy” [36; 150]. Chất liệu khơi gợi nguồn cảm hứng bất tận trong con người Ma Văn Kháng, không những hình thành những tư tưởng mang tính nhân văn mà còn phản ánh tính chất quy luật của đời sống: càng gắn bó, yêu mến con người thì tình cảm ấy càng trở thành niềm say mê mãnh liệt, là chân trời cho sự sáng tạo nghệ thuật không giới hạn. Vùng đất Lao Cai ấy - theo nhà văn: “đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, của cái gia đình thân yêu bé nhỏ của tôi” [36; 115]. Và quả thật vùng đất ấy đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của Ma Văn Kháng: “Sự kết tinh chiều sâu văn hóa của các dân tộc ít người chính là chất keo gắn kết tinh thân thiện giữa nhà văn với mảnh đất này. Cảm

thông, yêu mến và thiết tha với người dân Lào Cai, nhà văn trẻ đã say mê tìm hiểu những trang lịch sử hào hùng của họ” [89; 14]. Khác với các nhà văn người dân tộc thiểu số như Cao Suy Sơn, Mã A Lềnh, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Vương Trung, La Quán Miên, Đoàn Ngọc Minh… Họ là người sống và tiếp xúc với văn hóa bản địa từ nhỏ. Những nhà văn này, viết về chính nơi mình đã được tiếp xúc với tâm thế người trong cuộc, còn các nhà văn như Tô Hoài, Nguyên Ngọc và đặc biệt là Ma Văn Kháng cũng là chủ thể sáng tác đó nhưng là người miền xuôi, người Kinh. Vì thế, có được niềm say mê, nguồn cảm hứng sáng tạo là cả một quá trình. Nhưng đồng thời, đã say mê nơi mình đã gắn bó trong suốt hai mươi năm thì không thể ngày một ngày hai bỏ được, nhà văn thực sự có duyên nợ sâu nặng với vùng đất mà mình từng trải.

Bao trùm trong các sáng tác của Ma Văn Kháng thời kỳ này là cảm hứng sử thi, tiêu biểu như Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Trăng non, Xa Phủ (1969), Bài ca trăng sáng (1972), Góc rừng xinh xắn (1972), Cái mòng ngựa (tập truyện ngắn 1972),… Tiểu thuyết và truyện ngắn viết về miền Tây Bắc là sự hội tụ và kết tinh cao độ nhận thức, trải nghiệm của nhà văn về con người và văn hóa nơi đây. Đó là bức tranh sống động về cuộc sống và quá trình vận động để hòa nhập với cộng đồng các dân tộc trên đất nước Việt Nam, là cuộc sống, đấu tranh với khát vọng tự do và độc lập, là những đau thương, vất vả thường ngày của người dân, là khát vọng vươn lên trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ của con người miền núi cao Tây Bắc. Bên cạnh đó là sự lo âu, trăn trở cho số phận của con người trong cuộc sinh tồn giữa dòng đời nghiệt ngã, là bản tính hồn nhiên nhưng giàu tình cảm của con người ở đây. Tuy nhiên, các sáng tác của Ma Văn Kháng giai đoạn này không phải không còn những hạn chế, chính nhà văn cũng thừa nhận: “Những truyện ngắn tôi viết những năm ấy bị chi phối bởi những quan điểm ấu trĩ, thô thiển, chốc lát. Do đó có phần kém cỏi” [96]. Với bản tính không thích đề cao mình, một lối sống giản dị nhà văn đã bộc lộ thật tâm sự của mình. Theo chúng tôi, mỗi tác phẩm của Ma Văn Kháng thời kỳ này đều đáng

quý bởi sự chan chứa tình đời, tình người và sự thấm đẫm tinh thần nhân văn trong từng trang viết của ông về vùng núi cao Tây Bắc.

Sau khi chuyển công tác về Hà Nội, làm việc và được tiếp xúc thường xuyên với cuộc sống thị thành cả thời kỳ trước và sau mở cửa, cùng với sự giao lưu thường xuyên với đời sống văn học vô cùng sôi động những năm đổi mới; sự “cởi trói” cho văn nghệ đã hình thành nơi ông nguồn cảm hứng mới và cũng từ đây hàng loạt các tác phẩm ra đời phản ánh bước chuyển mình trong tư tưởng của Ma Văn Kháng. Đây là thời kỳ có bước trưởng thành trong sáng tạo nhà văn gặt hái được nhiều thành công trên cả phương diện thể loại, cảm hứng sáng tác. Độ chín trong nghề nghiệp cộng với ảnh hưởng từ môi trường xung quanh đã tác động tới nguồn cảm hứng sáng tác nhưng không phải ngày một ngày hai mà làm được điều này, theo nhà văn: “Cũng phải mất đến dăm sáu năm tôi mới quen được với lớp ngôn ngữ mới và tạo lập được cảm xúc ở địa bàn mới: Hà Nội, dẫu Hà Nội là miền quê cha đất tổ của tôi” [44; 42]. Nhân dịp nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2012, nhà văn chia sẻ: “Năm 1975 hòa bình lập lại, mình được chuyển công tác ra Hà Nội. Như dòng suối con đổ ra sông, rồi ra biển. Đã tắm mình trong văn hóa Thăng Long như người xưa thường nói, mình còn may mắn lúc này biết hòa nhập ngay vào công cuộc đổi mới của xã hội, trào lưu đổi mới của văn nghệ” [6]. Thời kỳ này, sáng tác của Ma Văn Kháng chuyển đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng thế sự, đạo đức, đời tư. Các tác phẩm thể hiện khá rõ cảm quan mới về xã hội như Mưa mùa hạ (1982),

Mùa lá rụng trong vườn (1985), Đám cưới không có giấy giá thú (1989),... đó là hiện thực giai đoạn trước và sau đổi mới đất nước. Nhà văn đã có nhiều phát hiện và dự báo sự chuyển biến của thân phận con người trong cơn lốc của lịch sử. Hơn bao giờ hết, vấn đề số phận cá nhân con người trong mối quan hệ xã hội được đặt ra một cách nghiêm túc với tinh thần nhân bản cao độ. Tiểu thuyết của ông thời kỳ này đã dựng lên bức tranh đa chiều hiện thực xã hội nước ta cùng hàng loạt câu hỏi cho cuộc sinh tồn, tính chất hồn nhiên trong cách thức xây

dựng tác phẩm vì thế được rút ngắn mà thêm vào đó là sự hoài nghi về cuộc đời, con người và thế sự. Thân phận con người được Ma Văn Kháng đặt ra như những biểu hiện phức tạp, đa chiều. Con người được nhìn nhận như một sự hiện hữu của việc tổng hòa các mối quan hệ xã hội, bản chất xã hội của nhân vật vừa có chiều hướng tích cực, tiêu cực, giữa tốt và xấu,… Những kiểu nhân vật có chất sử thi và khuynh hướng lãng mạn như thời kỳ trước đó có chiều hướng giảm hẳn mà thay vào đó là kiểu con người đời tư, con người luôn âu lo trăn trở về bất hạnh và sự cô đơn. Các tác phẩm khi thể hiện số phận con người thường có xu hướng đề cập đến bi kịch của số phận cá nhân, đặc biệt là bi kịch của người phụ nữ và người trí thức trong xã hội: những con người tài hoa nhưng thất bại bởi những cái xấu, cái ác luôn rình rập, hãm hại; bi kịch vì phải sống trong cái chật vật, ngột ngạt của cái nghèo; bi kịch của những người trí thức hết thời. Đó là Trọng trong Mưa mùa hạ, Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú, Khiêm trong Ngược dòng nước lũ, Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn,… Những trí thức phải vật lộn giữa cuộc đời khó khăn, bất trắc, tai ương nhiều cạm bẫy để đi tìm hạnh phúc và họ nhận lại về mình là sự thất bại cay đắng. Nhưng họ không bao giờ gục ngã mà luôn âm thầm đấu tranh vươn lên với những ước mong, khát vọng mãnh liệt vươn lên. Mặt khác, Ma Văn Kháng còn thể hiện sự quan tâm đến thế giới tâm linh, con người với những khát vọng hạnh phúc giản dị giữa dòng đời sinh hóa. Đặt ra những vấn đề mang tính nhân văn bức thiết ấy, Ma Văn Kháng đã đặt tác phẩm của mình hòa vào dòng chảy sôi nổi của văn học đương đại. Chính nguồn cảm hứng ấy là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự kiếm tìm phương thức thể hiện mới hơn của nhà văn.

Hai giai đoạn sáng tác, hai nguồn cảm hứng nhưng cơ bản thống nhất một phong cách nghệ thuật, tính chất nhất quán này liên quan đến tư tưởng nghệ thuật, khuynh hướng thẩm mỹ của tác giả. Khi đề cập đến vấn đề này Ma Văn Kháng cho biết: “Cái đẹp được chưng cất trong tác phẩm của tôi là cái đẹp bi tráng, cái đẹp ngạo nghễ trong mất mát, đau thương thua thiệt, cái đẹp hiện lên

cao cả trong hy sinh, trong bi thương” [6]. Khuynh hướng thẩm mỹ đó tạo nên những trang văn dù mang nỗi đau nhưng thấm đẫm chất thơ, một yếu tố làm nên nét có thể coi là bản sắc trong sáng tác của Ma Văn Kháng. Ông thuộc số nhà văn bền bỉ theo đuổi những giá trị vĩnh hằng như: lòng nhân ái, tình yêu thương con người, các giá trị cao đẹp của con người, đó là động lực để cắt nghĩa tại sao nhà văn lại có sức sáng tạo dồi dào, bền bỉ trong suốt mấy chục năm như thế. Nếu như Nguyễn Minh Châu thâm trầm sâu sắc trong cách nhìn đời, nhìn người, Nguyễn Khải hóm hỉnh thông minh văn chương ngồn ngộn cuộc sống, thì Ma Văn Kháng lặng lẽ nhưng thiết tha trước lẽ đời và tình người. Trong mấy chục năm cầm bút tác giả đã tạo dựng cho mình một lối đi riêng trong cách nhìn đời, nhìn người với sự chuyển đổi cảm hứng một cách nhịp nhàng. Ông đã góp mình tạo nên gam màu riêng trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, góp phần thêm trong cách khám phá “con người trong con người” (Dostoevsky).

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(140 trang)
w