Nhìn chung về chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 41)

5. Phương pháp nghiên cứu

1.2.3.Nhìn chung về chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng

Điều gì khiến cho Ma Văn Kháng có sức viết khỏe khoắn và bền bỉ như thế? Ngoài sự ảnh hưởng từ môi trường gia đình, học vấn, tác giả còn say mê văn học cổ điển phương Tây và chịu ảnh hưởng của nền văn học Nga. Trong thời gian làm việc ở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, phụ trách tạp chí Văn học nước ngoài, ông có điều kiện đến với các đỉnh cao văn học nước ngoài, ông tâm sự rằng: “Phải đổi mới cách viết tiểu thuyết! Giữa ngổn ngang các trào lưu. Tôi chọn kiểu viết mới của M.Kundera nhà văn Pháp gốc Tiệp Khắc… Và ông đã cho tôi nhiều ám ảnh hứng thú nhất. Tôi bắt chước ông, tất nhiên chỉ là hình thức cấu trúc và theo cái tạng của tôi, ở chỗ mở rộng trường phản ánh khi miêu tả và tăng cường thêm các diễn ngôn ở những chỗ có thể cần thiết” [36; 439]. Với tấm lòng nhân hậu, ông đã chuyển tải: “Những trang văn một triết luận về đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy lấy tình người, tính người và sự hồn nhiên làm mẫu số để nhà văn trò chuyện với người và cuộc đời” [31]. Bởi vì cũng dễ hiểu được bản tính và tâm thức của nhà văn vốn rất lạc quan về con người: “Quan niệm nhân bản về con người trong truyện Ma Văn Kháng thấm đẫm tinh thần lạc quan. Tinh thần lạc quan ấy có cơ sở ở niềm tin của nhà văn vào ý thức, lý trí và tính động như là bản chất sự sống của con người” [48]. Cái khí chất trong bản thể ấy khẳng định sự tồn tại có tính chất vĩnh hằng về cái đẹp, ngợi ca, yêu thương con người không bao giờ là cũ. Mà mỗi một con người đều muốn hướng đến cái thiện nhân ấy dù đời sống còn gian khó. Với Ma Văn Kháng, thông qua các sáng tác, người đọc hiểu sâu sắc nhà văn hơn bởi ông: “Là nhà văn của cái đẹp trong dòng đời sinh hóa bình dị, hồn nhiên cái đẹp trong hạnh phúc được làm người với ý nghĩa thực của nó” [48]. Khuynh hướng thẩm mỹ đó gắn kết với quan niệm về cách viết và giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ. Nếu quan niệm về sáng tạo nghệ thuật là tiền đề thì khuynh hướng thẩm mỹ qua tác phẩm hiện hữu cho tư tưởng nghệ thuật cao đẹp đó. Ma Văn Kháng từng tâm niệm: đối với nhà văn, đặc biệt với người viết tiểu thuyết hãy “sống rồi mới

viết” có thấm nhuần hiện thực, đứng trong lao khổ mới khơi nguồn sáng tạo nghệ thuật. Theo nhà văn thì: “Sống, ngoài cái nghĩa là trải nghiệm trực tiếp, là quan sát nghe ngóng, học hỏi, là dấn thân lăn lộn vào các vùng chưa biết, còn là sống với tất cả chiều kích của đời sống tinh thần tâm tưởng, tâm thức” [44; 90]. Nhà văn yêu cầu người viết phải không ngừng tìm tòi, đổi mới cách viết, nhà văn phải là người tìm tòi mê mải và không bao giờ ngửng nghỉ trau chuốt từng trang viết và yêu thương chúng với tất cả tình cảm của mình.

So với các nhà văn cùng thời thì chất thơ chính là điểm nhấn làm nên tính độc đáo trong sáng tác của Ma Văn Kháng. Trước hết, cội nguồn chất thơ, động lực nằm trong chính bản thể trong cái tạng của nhà văn với khát vọng suốt đời say mê đi tìm cái đẹp: “Ma Văn Kháng là người cầu toàn, biết chắt chiu cái đẹp, mải miết đi tìm cái đẹp ẩn tàng những góc khuất của đời sống. Cái đẹp từ trong bi kịch, trong đau đớn” [49]. Ngay trong dòng đời trôi nổi còn nhiều đau thương, bất hạnh, nhà văn đã tìm được vẻ đẹp tình người, tính người làm cho nó ngời sáng và thăng hoa. Nhà văn thừa nhận: “Tôi yêu cái đẹp trữ tình trong bi hùng, trong sự dang dở trên con đường hoàn thiện một vẻ đẹp thực sự nhân tính” [49]. Chất thơ trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng hiện hữu ngay trên những trang viết hồn nhiên, in đậm trong nội dung cảm hứng lẫn hình thức nghệ thuật mà nhà văn kiếm tìm được trong chính đất nước mà ông sinh ra và trưởng thành. Ma Văn Kháng yêu cầu “phải sống rất thơ cuộc đời mình” thì mới có thể có được những trang viết chân thành về con người và cuộc sống bên ngoài. Thực tế tiểu thuyết của ông đã minh chứng cho điều này, không những trong tư tưởng nghệ thuật, cảm hứng sáng tác mà còn trong hình thức tác phẩm. Hai mảng đề tài trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng, ở mảng đề tài nào cũng đều in đậm chất thơ. Chất thơ trở thành một phương diện cấu thành tiểu thuyết của ông. Các tiểu thuyết viết về miền núi giàu tính chất trữ tình, khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Chất thơ biểu hiện trong xây dựng vẻ đẹp hình tượng con người, thiên nhiên và trong các sinh hoạt văn hóa. Các tiểu thuyết giàu nhịp điệu, ngôn ngữ mang

phong vị xa xôi, cấu tứ hướng đến tinh thần lạc quan về con người. Ở mảng viết về thành thị, Ma Văn Kháng đã nhìn thấy cuộc sống tươi mới, hồn nhiên của con người; những trắc trở, gập gềnh của tình người; cái đẹp tình người toát lên từ bi kịch của con người trong dòng đời sinh hóa. Các tiểu thuyết viết về mảng đề tài này đều có cấu tứ, giọng điệu, ngôn ngữ hiện đại, giàu chất thơ, chất trữ tình đằm thắm. Chất thơ là tố chất làm nên phong cách nghệ thuật của ông, một lối đi riêng của nhà văn trong dòng chảy văn học đương đại không phải lúc nào cũng “hồn nhiên” trong sáng như núi rừng Tây Bắc và bản thể tâm hồn nhà văn.

Là sản phẩm sáng tạo của người say mê đi tìm cái đẹp ẩn tàng trong những góc khuất của cuộc đời, trong đớn đau, bi kịch và từ trong những gập gềnh trắc trở của tình người tác phẩm của Ma văn kháng vừa giàu cảm hứng hiện thực vừa giàu chất thơ. Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng vừa bao quát được những vấn đề hiện thực, vừa đặt ra những vấn đề nhân sinh nhức nhối cần được giải quyết, tác phẩm của ông vì thế mang tính dự báo về một xã hội bất ổn trong tương lai nếu không được điều chỉnh kịp thời. Cùng với sự tỏa rạng đó, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã thực sự đi vào lòng người đọc, giàu tính thẩm mỹ, tạo dấu ấn cá tính riêng trong phong cách sáng tác. Được đánh giá là cây bút hàng đầu trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Trong sự thành công đó, lối đi riêng của Ma Văn Kháng cơ bản là sự kết hợp hài hòa chất hiện thực và chất thơ trong tiểu thuyết của mình.

Chương 2

Một phần của tài liệu Chất thơ trong tiểu thuyết của Ma Văn Kháng (Qua một số tác phẩm tiêu biểu) (Trang 41)