5. Phương pháp nghiên cứu
2.2.2. Đi tìm cái đẹp trong những gập ghềnh, trắc trở của tình người
Văn chương ngợi ca con người, tình người, đấu tranh vì con người vốn là văn chương muôn đời và là văn chương cao quý. Đi tìm vẻ đẹp của tình người, tình đời là một trong những hành trình vất vả trong sáng tác của Ma Văn Kháng. Hầu hết các tiểu thuyết của ông đều tập trung ngợi ca bản tính tốt đẹp của con người trong dòng đời cuộn chảy nhưng không phải khi nào cũng trọn vẹn. Sau những va vấp, sau những trắc trở mỗi nhân vật ánh lên vẻ đẹp nhân tính, vẻ đẹp mang dấu ấn truyền thống văn hóa của dân tộc. Viết về vẻ đẹp của tình người là
cảm thức triết luận về con người, theo đó là quan niệm nhân sinh về kiếp người. Ma Văn Kháng bộc lộ tư tưởng của mình: “Tôi yêu cái đẹp trữ tình trong bi hùng, trong sự dang dở trên con đường hoàn thiện một vẻ đẹp thực sự nhân tính” [49]. Nhà văn đã cố gắng gạt bỏ những gì còn mang tính chất hiện tượng bên ngoài để thấy vẻ đẹp bên trong con người. Đó là vẻ đẹp ẩn tàng, là sức sống diệu kỳ và cũng là niềm tin lạc quan về con người của nhà văn.
Khi viết về đề tài miền núi cảm hứng ngợi ca người anh hùng xuyên suốt trong các tác phẩm của Ma Văn Kháng. Những người con của dân tộc Hmông giàu tình người, tình nhân ái, biết yêu thương dân tộc đang ngày đêm rên xiết trong nghèo khổ, bị áp bức mà tiêu biểu là Pao. Đến với cách mạng là đến với khát vọng giải phóng con người và dân tộc khỏi nghèo khổ và tủi nhục. Pao đã nhận thức được điều này, anh đã thốt lên: “Chao ôi! Những nổi khổ của hơn một trăm năm qua trong đời đã từng chịu, hễ cứ khơi lên là như thành câu hát câu nọ nối tiếp câu kia mãi. Dói, rét, bệnh tật, chết choc, bị đánh, bị chửi. Sao đời người khổ đến thế mà chịu được” [26; 188]? Đó là tình yêu của Pao đối với những con người cực khổ, những con người bị vùi dập, oan ức trong cuộc sống; đấu tranh cho cuộc sống của người dân nhưng không phải khi nào Pao cũng nhận được sự đồng lòng của mọi người. Bọn phản động tìm đủ mọi chiêu để phá hoại cách mạng, tìm cách diệt trừ và ngăn cản con đường theo cách mạng của Pao, Giàng ly trang nói: “Đi với người ngoại tộc dễ quên lý lối dân tộc đấy… Thời buổi loạn lạc này, đi xa nhà, chết ở bên ngoài, không đưa vào nhà làm ma được như Chim, không về với tổ tiên được đâu” [26; 480]. Trong vai trò là Chủ tịch Can Chư Sủ đối với Pao là mội công việc nhiều thách thức, trong khi Lử theo tàn quân phỉ đi phá hoại và giết người khắp nơi. Nhưng bản lĩnh và tình người đã giúp Pao vượt lên khó khăn và trưởng thành trong cuộc chiến đấu ấy. Cuộc đời gian nan, nhiều cay đắng tủi cực hướng đến với niềm tin chân chính và cao cả trong Pao là cả một khúc bi ca vừa đớn đau vừa ai oán. Pao vừa là nạn nhân của xã hội vừa người anh hùng của người Hmông. Trái tim của Pao đã dành cho cách mạng và
chính trái tim với bầu nhiệt huyết nóng, dòng máu yêu nước, yêu giống nòi đã giúp Pao bước qua gian khổ để chiến thắng, làm cho người Hmông bớt khổ hơn như tâm niệm của Pao hằng mong muốn.
Thiêm trong Gặp gỡ ở La Pan Tẩn yêu bản làng nơi anh đến và muốn cống hiến mình cho người dân nơi đây: xây dựng Tòa lâu đài văn hóa để khai trí, khai tâm cho người Mèo. Đã có biết bao nhiêu người vì thiếu nghị lực và tình yêu lên vùng cao rồi bỏ về, không ở lại được nhưng với Thiêm tình yêu con người, khát vọng xây dựng ước mơ làm đổi đời, thay đổi cuộc sống của người La Pan Tẩn đã thôi thúc Thiêm, dù cho trong buổi đón tiếp ông Phó Bí thư Huyện ủy Đường Xuân Ân đã căn dặn: “Này, hố pẩu họ Giàng! Đưa đồng chí giáo viên trẻ tuổi này về dạy chữ cho cả người nớn và trẻ con ở La Pan Tẩn nhớ. Phải giữ, không được để đồng chí ấy trốn về xuôi đấy” [38; 24]. Điều này như chạm vào lòng tự trọng của Thiêm. Và ngọn lửa tuổi trẻ đã bùng cháy trong anh, Thiêm đã cùng với hố pẩu họ Giàng lên kế hoạch “Mười năm xây dựng Tòa lâu đài văn hóa xã La Pan Tẩn” [38; 38]. Người dân nơi đây biết và nhớ đến công lao của Thiêm. Thiêm đã chia sẻ với họ “Cô đơn đến với cô đơn, anh chia sẻ, hòa đồng với họ, và nhận ra họ là những kẻ thiệt thòi nhất thế gian, họ cần được đền bù xứng đáng, họ là những con người đáng trọng nể ở quá khứ huy hoàng và hiện tại gian khó” [38; 38]. Thiêm đã hạnh phúc biết bao cảnh người Mèo học chữ “Đêm đêm đuốc pơmu vàng hoe cạnh cây đèn dầu soi tỏ mỗi nét bút khi êm mượt, lúc gập gềnh như giai điệu dân ca Mèo non nỉ:
Đêm xuống rồi
Bản Mèo vui tiếng khèn Bên ánh đèn
Em học anh học
Chúng ta cùng học chữ Mèo” [38; 184].
Trong những ngày tháng ở La Pan Tẩn, cảm nhận được nỗi khổ đau của người phụ nữ nơi đây, đặc biệt là với Seo Mùa, lòng Thiêm đã dấy lên niềm cảm
phục đối với sự chịu đựng phi thường, tinh thần nhân nại, tư chất thông minh của Seo Mùa và tình yêu đã đến với anh. Thiêm cảm nhận được tình yêu đó thấm dần như mạch nước lan tỏa khắp trong người: “Sắc màu sặc sỡ và đường nét hoa văn trên khăn áo Seo Mùa là tiếng nói vui tươi, là sự sống vượt lên trên cõi đời khổ ải. Gương mặt của nàng, tình cảm e ấp của nàng với anh, là cái chứng cớ về một niềm yêu đời còn tiềm ẩn bị đọa đày cùng cực” [38; 142]. Ngày ngày chứng kiến nỗi vất vả của Seo Mùa…. Tình yêu đến với anh thật tự nhiên và nhiều khát vọng như giấc mộng tòa lâu đài văn hóa, khi Seo Mùa bộc lộ: “Seo Mùa đã yêu anh và anh thực sự yêu cô. Một tình yêu thầm kín như hoa nở lặng lẽ giữa rừng, trở nên sâu sắc trong đau thương được chia sẻ” [38; 240], cũng là khi Thiêm cảm nhận nỗi đau không những thể xác mà con nỗi đau mất Seo Mùa mãi mãi. Nhưng kết cục đau buồn vì oan ức, vì khổ sở, và sức chịu đựng có hạn. Seo Mùa đã ra đi để lại vết thương lòng trong Thiêm. Sự nghiệp của anh ở La Pan Tẩn không được thực hiện trọn vẹn khi bị vu khống làm loạn trong một lần phỉ nổi. Giấc mộng không thành, Thiêm ra đi trong lòng mang theo cả nỗi trống vắng, đau thương, sự hẫng hụt. Một lần nữa tình yêu lại đến với anh khi Thiêm gặp lại hình ảnh Seo Mùa, hiện thân là người vợ của Quốc Thanh, kết cục của tình yêu là nỗi đau và tàn phế mất một mắt của Thiêm.
Sau cuộc đời Thiêm nhận được những gì? Từ một trí thức trẻ tình nguyện lên vùng cao để mở mang văn hóa? Thiêm nhận về mình chất chứa nỗi đau, những vết thương lòng không thể hàn gắn được. Trong đau thương, cực nhục, bị vùi dập, bị vu khống, tình yêu vĩnh viễn ra đi Thiêm mang theo cả bi kịch của một tầng lớp người trong xã hội, bi kịch người trí thức không thực hiện được ước mơ hoài bão. Nếu hỏi còn lại gì sau đó? Đó chính là tình người dạt dào và vô bờ bến trong Thiêm.
Cũng nằm trong mạch viết về vẻ đẹp tình người giữa bao trắc trở gập gềnh, nhân vật Trọng và Nam trong Mưa mùa hạ là hình tượng tiêu biểu. Họ cùng một phòng nghiên cứu về nạn vỡ đê vốn là một trong những thảm họa của nhân dân ta
từ hàng ngàn đời nay. Hoàn thành công trình này sẽ góp phần giảm bớt thiệt hại người và của cho nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của cả khu vực rộng lớn. Hai người đều ấp ủ những dự định lớn lao, nhưng trong cuộc chiến này Trọng và Nam khá đơn độc. Anh đã bị bọn xấu dùng quyền hành của mình để bịa đặt, vu khống, vùi dập không cho thực hiện đề tài. Trọng có tình yêu thơ mộng. Loan - một cô gái xinh đẹp, “Vẻ đẹp thiếu nữ đã ổn định, rất dễ nhớ. Mái tóc dài mượt, rẽ ngôi giữa, thả xuống đôi vai, ôm một gương mặt đẹp bí ẩn như mặt Đức mẹ” [34; 65]. Nhưng do sống trong môi trường nhạy cảm, Loan thiếu đi quá trình giáo dục, môi trường sống của Loan không tốt nên những thói đời đã làm Loan thay đổi. Trọng rất lạc quan về mối tình đó, dù biết tình yêu có nhiều vết rạn: “Chao ôi! Vẫn là Loan như những ngày đã xa. Loan vẫn trong trẻo, vẫn tươi đẹp. Bụi bậm vô tình bám vào Loan rồi sẽ lặng lẽ buột ra, bay đi” [34; 69]. Loan đã từ bỏ Trọng để chạy theo Thưởng có chiếc cub màu đỏ, có nhiều tiền, đã tặng cô chiếc nhẫn kim cương, tặng mẹ cô chiếc vòng vàng hai đồng cân, … Cuộc tình của Trọng rơi vào đêm tối. Anh như con người đi vào một đường hầm không có lối thoát, công việc bị kìm hãm, bị từ chối tình yêu và lâm vào nỗi đau tận cùng “Trọng gục xuống bàn. Hai thái dương đau nhói. Nỗi ân hận dâng lên thắt nghẹn ngực anh. Anh hiểu ngay: mình đã sai. Anh đã thiếu tự chủ. Cái chết của Nam, cơn hoang mang buồn nản về sự bội tình của Loan, những ý nghĩ đen tối về đời mình đã dẫn đến cơn điên khùng quái gở này” [34; 260]. Lý tưởng và tình yêu tan vỡ như bong bóng xà phòng trước mắt Trọng. Trong cuộc đấu tranh để khẳng định cuộc đời chân chính, Nam đã chết khi đang ấp ủ bao dự định tốt đẹp. Trọng hy sinh trong một lần cứu đê. Họ mất đi nhưng tiếng kêu thống thiết cảnh tỉnh mọi người vẫn còn gióng giả dục: hãy cảnh giác với cái xấu, cái ác. Cái xấu cái ác ngày càng giết chết bao nhiêu tâm hồn đẹp của con người. Họ mất đi nhưng tình người vẫn ngời lên như vầng dương tỏa sáng.
Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú là thầy giáo tâm huyết với học trò, có năng lực trong công tác, có khát vọng làm việc, và cống hiến. Tự chuyển
trường từ miền núi về Hà Nội nhưng môi trường nào Tự cũng gặp các thế lực xấu, chèn ép và bủa vây khiến anh không thể thực hiện thiên chức của mình. Sau những năm tháng giảng dạy, Tự đành phải từ giã mái trường mà không có một lý do minh bạch. Đau đớn, chua chát, Tự bỏ lại mái trường, bỏ lại những bông phượng cháy đỏ trong mỗi hè về vẫn hằng làm xao xuyến tâm hồn anh. Thất bại trong công việc là một, chuyện gia đình lâm vào bi kịch mới thực sự đè nặng lên trái tim anh. Xuyến, người vợ của anh vì hám lợi, vì thiếu mất nền tảng văn hóa, Xuyến đã giày vò, nhiếc mắng, sỷ nhục Tự đủ điều. Xuyến ngang nhiên ngoại tình một cách trâng tráo trước mặt Tự. Anh cảm nhận “nỗi đau này khác với tất cả nỗi đau, đau này động đến tận cùng sâu thẳm trái tim anh” [27; 311]. Cái gia đình bé nhỏ nhỏ đó tan vỡ đã để lại nỗi đau khôn cùng trong tâm khảm của Tự.
Bao nhiêu năm tháng dành tình yêu cho học trò, cho cuộc đời, cho sự nghiệp ra đi trong nỗi đau thắt quặn, Tự biết mình đã có một cuộc hôn phối
không có giấy giá thú đã đẩy anh ra bên lề của dòng chảy. Nhưng những gì Tự cống hiến cho cuộc đời vẫn còn lưu lại với thời gian. Trong đau khổ tuyệt vọng, tận sâu thẳm tâm hồn, Tự thấy mình được an ủi, được động viên khích lệ với tinh thần lạc quan: “Cuộc đời dẫu thế nào là vẫn đáng sống chứ… Dẫu thế nào thì sự nghiệp của thế hệ ta vô cùng vĩ đại… Cho nên hãy vứt bỏ mọi bi kịch cá nhân đi” [27; 357]. Những gì còn lại sau cuộc tang thương là tấm lòng của anh cho cuộc đời, cho học sinh thân yêu và cho khát vọng về một môi trường giáo dục bình đẳng, dân chủ để mọi người có thể cống hiến hết mình cho xã hội.
Viết về cái đẹp cuộc đời, số phận nhân vật trong tiểu thuyết Ma Văn Kháng đều dang dở trên con đường sự nghiệp và tình cảm. Họ là Pao người con của dân tộc Hmông mang vẻ đẹp bi hùng, là bi kịch đớn đau thất bại của Trọng, Thiêm, Tự,… Những con người này điển hình cho một kiểu cái đẹp trong xã hội, cái đẹp của tâm hồn cao cả và chân chính, nhưng dường như họ nhận lại từ cuộc đời là sự thất bại thê thiết, sự hẫng hụt đớn đau. Con đường đi của họ đều hướng đến mục đich vì con người, họ phải đấu tranh, gìn giữ, giành giật, thậm chí hy
sinh để đạt đến mục đích ấy. Đó là lý tưởng đấu tranh vì cuộc sống của con người. Ở họ toát lên tinh thần vì cộng đồng, tình người dù đoạn đường đi đến với con người của họ gặp không ít trở lại, trắc trở.