* Thời kỳ hoạt động theo mô hình ngân hàng một cấp
Chi nhánh Ngân hàng TMCP Công thương BĐ ra đời từ năm 1959.
Tên gọi lúc được thành lập: Chi điếm Ngân hàng Ba Đình trực thuộc Ngân hàng Hà Nội
Địa điểm đặt trụ sở: Tại phố Đội Cấn - Hà Nội (nay 34 Cửa Nam – Phường Cửa Nam, Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội)
Khi mới được thành lập, cơ sở vật chất của ngân hàng còn nhiều thiếu thốn. Biên chế cán bộ làm việc có trên 10 người, trong đó có 2 đồng chí lãnh đạo chi điếm, còn lại là cán bộ nghiệp vụ hành chính. Ngay tự những ngày đầu thành lập, dưới sự chỉ đạo của ngân hàng trung ương, ngân hàng thành phố, chi điếm ngân hàng Đội Cấn đã chiến khai thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ vừa quan trọng vừa cấp bách đó là ổn định tổ chức, hoạt động và phục vụ nhiệm vụ khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế thủ đô (1958-1965).
Bước sang thời kỳ mới hoạt động của Ngân hàng thủ đô nói chung và của chi nhánh Ba Đình nói riêng diễn ra trong hoàn cảnh vừa có hoà bình vừa có chiến tranh (1966-1975). Chỉ thị của Chính phủ về việc thanh toán không dùng tiền mặt trong tình hình mới (ban hành năm 1968) và mở rộng việc thanh toán, cải tiến công tác thanh toán không dùng tiền mặt theo thông tư số 05-TT/NH ngày 20/12/1970 của NHNN, chi nhánh BĐ đã thực hiện việc cải tiến và đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần quan trọng vào việc tăng cường công tác
quản lý kinh tế, quản lý lưu thông tiền tệ. Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được áp dụng phổ biến thời kỳ bấy giờ là: séc chuyển tiền, séc bảo chi, nhờ thu...vừa hiệu quả vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối đã làm giảm đáng kể lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm chi phí trong phát hành tiền, tiết kiệm vốn ngân sách. Về công tác quản lý tiền mặt, chính phủ có quyết định số 75/CP ngày 09/06/1967 và thông tư hướng dẫn số 81/VP ngày 01/09/1967 của NHNN quy định về quản lý tiền mặt phải được thực hiện đến từng đơn vị, cơ quan, xí nghiệp hợp tác xã...với nhiệm vụ đó Ngân hàng công thương Chi nhánh Ba Đình đã mở nhiều đợt kiểm tra tiền mặt, đôn đốc thu nộp tiền mặt, giám sát chi tiêu ở tất cả các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, hợp tác xã có mở tài khoản giao dịch tại Ngân hàng.
Hoạt động tín dụng nhìn chung trong thời kỳ 1976-1978 chưa được mở rộng những hoạt động nghiệp vụ chủ yếu bị hạn chế do lưu hành hai đồng tiền ở hai miền Nam Bắc.
Quá trình đổi mới hoạt động Ngân hàng nằm chung trong dòng chảy của đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
* Thời kỳ đổi mới hoạt động Ngân hàng
Mô hình quản lý một cấp đuợc duy trì cho đến tháng 07 năm 1988 thì kết thúc. Ngày 01/07/1988, thực hiện nghị định 53 của Hội đồng bộ trưởng (nay là chính phủ) ngành Ngân hàng chuyển hoạt động từ cơ chế hành chính, kế hoạch hoá sang hạch toán kinh tế kinh doanh theo mô hình quản lý Ngân hàng hai cấp (NHNN - NHTM) lấy lợi nhuận làm mục tiêu trong hoạt động kinh doanh, các NHTM quốc doanh lần lượt ra đời (NHCT - NHNT - NHĐT&PT - NHNN&PTNT). Trong bối cảnh chuyển đổi đó, Ngân hàng BĐ cũng đã được chuyển đổi thành một chi nhánh NHTM quốc doanh với tên gọi Chi nhánh Ngân hàng Công thương quận Ba Đình trực thuộc Ngân hàng Công thương thành phố Hà Nội. Hoạt động kinh doanh mang tính kinh doanh thực sự, thông qua việc đổi mới phong cách giao tiếp, phục vụ, lấy lợi nhuận làm mục tiêu
kinh doanh, cùng với việc đa dạng hoá các loại hình kinh doanh dịch vụ, khai thác và mở rộng thị trường, đưa thêm các sản phẩm dịch vụ mới vào kinh doanh. Lúc này NHCT CN BĐ hoạt động theo mô hình quản lý NHCT ba cấp (Trung ương - Thành phố - quận). Với mô hình quản lý này, trong những năm đầu thành lập (7/88 - 3/93) hoạt động kinh doanh của NHCT CN BĐ kém hiệu quả, không phát huy được thế mạnh và ưu thế của một chi nhánh NHTM trên địa bàn thủ đô, do hoạt động kinh doanh phụ thuộc hoàn toàn vào NHCT Thành phố Hà Nội, cùng với những khó khăn, thử thách của những năm đầu chuyển đổi mô hình kinh tế theo lối đổi mới của Đảng. Trước những khó khăn vướng mắc từ mô hình tổ chức quản lý, cũng như từ cơ chế, bắt đầu từ 01/04/1993, Ngân hàng Công thương Việt Nam thực hiện thí điểm mô hình tổ chức NHCT hai cấp (Cấp Trung ương - quận), xoá bỏ cấp trung gian là Ngân hàng công thương Thành phố Hà Nội, cùng với việc đổi mới và tăng cường công tác cán bộ. Do vậy, ngay sau khi nâng cấp quản lý cùng với việc đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực thì hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Công thương Ba Đình đã có sức bật mới, hoạt động kinh doanh theo mô hình một NHTM đa năng, có đầy đủ năng lực, uy tín để tham gia cạnh tranh một cách tích cực trên thị trường. Nhanh chóng tiếp cận được thị trường và không ngừng đổi mới, hoàn thiện mình để thích nghi với các môi trường kinh doanh trong cơ chế kinh tế thị trường.
Kể từ khi chuyển đổi mô hình quản lý mới cho đến nay, hoạt động kinh doanh của Chi nhánh không ngừng phát triển theo định hướng “ổn định - an toàn - hiệu quả và phát triển” cả về quy mô, tốc độ tăng trưởng, địa bàn hoạt động cũng như về cơ cấu - màng lưới, tổ chức bộ máy. Cho đến nay, bộ máy hoạt động của chi nhánh NHCT CN BĐ có trên 300 cán bộ - nhân viên (trong đó trên 85% có trình độ đại học và trên đại học, 10% có trình độ trung cấp và đang đào tạo đại học, còn lại là lao động giản đơn) với 12 phòng nghiệp vụ, 1 phòng giao dịch, 12 quỹ tiết kiệm, hoạt động trên một địa bàn rộng bao gồm các quận: Ba Đình - Hoàn Kiếm - Tây Hồ.
Từ năm 1995 đến nay hoạt động kinh doanh của NHCT CN BĐ liên tục được NHCT công nhận là một trong những Chi nhánh xuất sắc nhất trong hệ thống NHCT. Năm 1998 được thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 1999 được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng ba. Liên tục trong các năm 2000-2005 được nhiều cấp khen thưởng: Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội tặng bằng khen, Thống đốc NHNN Việt Nam tặng bằng khen, được hội đồng thi đua khen thưởng ngành Ngân hàng đề nghị thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Năm 2007 được đón nhận Huân Chương Lao Động Hạng nhì của Chủ tịch nước. Và năm 2008, chi nhánh được Thủ Tướng Chính phủ tặng cờ thi đua.
Trong hơn 10 năm qua NHCT CN BĐ đã không ngừng phát triển cả về quy mô và chất lượng, là một trong những chi nhánh lớn mạnh và hoạt động hiệu quả nhất của hệ thống NHCT.