THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ CHO VAY DNVVN TẠI NGÂN HÀNG BIDV TÂY NGHỆ AN
3.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển
Chi nhánh Ngân hàng ĐT&PT Tây Nghệ An thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tiền thân là Chi điểm số 5 trực thuộc Chi hàng kiến thiết Nghệ An, ra đời từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, với nhiệm vụ quản lý và cấp phát vốn đầu tư các công trình xây dựng để hình thành tiền đề công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn trên địa bàn miền tây xứ Nghệ, đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội cho các huyện Đô Lương, Anh sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn.
Thời kỳ đầu khi mới thành lập, Chi điểm Ngân hàng kiến thiết Đô Lương đã tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược lúc bấy giờ là: Vừa cấp phát vốn để xây dựng các nhà máy như xi măng, đường, chế biến nguyên liệu, nông lâm sản, xây dựng hệ thống nông lâm trường quốc doanh, các trạm trại, phát triển các vùng kinh tế mới, ổn định công tác định canh, định cư thực hiện các mục tiêu của cách mạng XHCN ở miền Bắc. Chi nhánh lại được vinh dự cấp phát để phục vụ các công trình quốc phòng như sân bay Dừa, Z167, đường mòn Hồ Chí Minh, là những cơ sở hậu cần quan trọng để thực hiện nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Cùng với sự thăng trầm trước thời kỳ đổi mới của nền kinh tế đất nước, Chi nhánh BIDV Đô Lương đã nhiều lần tách ra, nhập vào, mang những tên gọi khác nhau: Ngân hàng kiến thiết, Ngân hàng Đầu tư & Xây dựng, Ngân hàng ĐT&PT. Ngày 8 tháng 11 năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 654/TTg cho phép chuyển giao toàn bộ vốn cấp phát XDCB về Bộ Tài
chính, chấm dứt quá trình làm nhiệm vụ truyền thống gắn với công cuộc kiến thiết nước nhà, mở ra một thời kỳ mới trong hoạt động của Ngân hàng BIDV. Tại Quyết định số 293/QĐ-NH9, ngày 18 tháng 11 năm 1994 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho phép Ngân hàng BIDV được thực hiện các hoạt động của Ngân hàng Thương mại theo quy định của pháp lệnh Ngân hàng. Cuối năm đó, Chi nhánh BIDV Đô Lương phải chia tách bộ phận vốn cấp phát ngân sách sang quỹ hỗ trợ phát triển.
Trong gần 50 năm phát triển trưởng thành, BIDV Đô Lương gặp không ít thử thách, đặc biệt là thời kỳ đầu mới chập chững bước vào thương trường để kinh doanh tiền tệ (năm 1995,1996), việc tăng trưởng tín dụng ồ ạt, kiểm soát thiếu chặt chẽ, cơ chế chính sách chưa đồng bộ, lại gặp nạn đề hụi tràn lan nên để lại cho Chi nhánh hậu quả khá nặng nề, nợ quá hạn gia tăng. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của ngành, sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền và sự phối hợp của các ngành, Chi nhánh đã vượt qua kỳ sóng gió. Với truyền thống càng khó khăn càng đoàn kết, càng sáng tạo, BIDV Đô Lương đã có những chuyển biến sâu sắc, góp phần cùng BIDV Nghệ An hoà nhịp với toàn hệ thống, đưa vị thế của BIDV ngày càng hoàn thiện đứng vững và phát triển không ngừng.
Nhận thức được tiềm năng phát triển của miền Tây nam Nghệ An, Chi nhánh BIDV Đô Lương nằm ở vị trí địa lý thuận lợi nơi tiếp giáp giữa vùng đồng bằng với các huyện miền núi, tây bắc, tây nam, tạo thành ngã ba kinh tế, có các tuyến đường giao thông thuận lợi là trung tâm kinh tế, văn hoá, thương mại có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. Sự ra đời của Quyết định 147/2005/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Phát triển Kinh tế - miền tây tỉnh Nghệ An đến năm 2010” là cơ sở pháp lý và là định hướng cơ bản để đầu tư phát triển, khơi dậy tiềm năng to lớn của vùng.
Thực tại nền kinh tế của địa phương đang chuyển biến mạnh mẽ nhất là sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI và Đại hội Đảng huyện Đô Lương lần thứ XVIII. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang tiếp tục phát triển ở mức độ cao. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ được nâng cao, tỷ trọng nông nghiệp giảm đáng kể. Các thành phần kinh tế đang cạnh tranh bình đẳng, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế tư nhân cá thể đang đua nhau hình thành các ngành nghề mới, mở rộng tìm kiếm thị trường, giao lưu hàng hoá, dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Song song với sự phát triển của các doanh nghiệp, hoạt động của các tổ chức tín dụng trên khu vực cũng diễn ra khá sôi động. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực Ngân hàng ngày càng trở nên quyết liệt, đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ, cơ sở vật chất, các sản phẩm tiện ích, hiện đại, các chính sách với khách hàng, chính sách về lãi suất, trong đó chất lượng và khả năng phục vụ trở thành yếu tố then chốt và quyết định trong việc duy trì và phát triển Chi nhánh.
Xuất phát từ yêu cầu bức thiết đó và nhằm nâng cao tính chủ động trong đàm phán, phán quyết kịp thời, mở rộng quy mô, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng, chuẩn bị điều kiện cho tiến trình hội nhập. Việc tiếp tục nâng cấp hoạt động Chi nhánh cấp 2 Đô Lương lên Chi nhánh cấp 1 rất cần thiết, phù hợp với chủ trương và thể hiện sự quyết tâm của BIDV trong chiến lược phát triển mạng lưới khu vực BắcTrung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng, nhằm phục vụ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế của miền tây Nghệ An đã được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt để thực hiện mục tiêu: “Nhằm đưa miền Tây tỉnh Nghệ An thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc được nâng cao…bảo vệ tốt quốc phòng an ninh biên giới và môi trường sinh thái được bền vững…Đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế trên cơ sở chuyển dịch cơ cấu kinh tế đặc biệt là ngành nông,
lâm nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến để tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp...Mở rộng các hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch, thông tin liên lạc”
Sau một thời gian chuẩn bị, đề án sắp xếp nâng cấp Chi nhánh cấp 1 đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn tại Quyết định 1555- QĐ/NHNN ngày 4 tháng 8 năm 2006 về việc mở Chi nhánh của Ngân hàng BIDV; Nghị quyết số 172/ NQ-HĐQT ngày 12 tháng 7 năm 2006 của HĐQT BIDV “Về việc điều chỉnh các Chi nhánh cấp 2 trực thuộc Ngân hàng BIDV”. Ngày 26 tháng 9 năm 2006, HĐQT BIDV đã ký Quyết định số 334/QĐ- HĐQT “Về việc mở chi nhánh Ngân hàng BIDV Đô Lương” trực thuộc Ngân hàng BIDV Trung Ương, trên cơ sở chia tách và nâng cấp Chi nhánh cấp 2 Đô Lương từ Chi nhánh BIDV Nghệ An.
Để phù hợp với quy mô và địa bàn hoạt động của chi nhánh, từ ngày 01/07/2008 HĐQT BIDV ký quyết định số 387/QĐ-HĐQT đổi tên chi nhánh Đô Lương thành chi nhánh Tây Nghệ An.
Hoạt động trong điều kiện môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, do được chia tách với mức tổng tài sản quá nhỏ bé, số lượng cán bộ mỏng lại chủ yếu là cán bộ trẻ mới vào ngành nên hoạt động của BIDV Tây Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ truyền thống quý báu từ khi còn là ngân hàng Kiến thiết và bằng sự nỗ lực vươn lên của toàn thể anh chị em cán bộ nhân viên cũng như sự tập trung quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, bám sát các mục tiêu kinh tế của địa phương và sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên đã tạo điều kiện thuận lợi giúp chi nhánh vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và các chỉ tiêu KHKD hàng năm; cùng với toàn hệ thống tiếp tục giành được những thành quả về tăng trưởng, hoàn thành việc cơ cấu lại ngân hàng, chuyển đổi thành công mô hình tổ chức theo dự án TA2, hiện đại hoá ngân hàng và hệ thống thanh toán....Mặc dù đóng trên địa bàn hoạt động thuộc vùng bán sơn địa, địa hình chủ yếu là miền núi, đời sống dân cư
còn thấp cộng với những khó khăn do điều kiện môi trường khí hậu khắc nghiệt, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra trong khi phải cạnh tranh nhiều với các Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng Cổ phần nhưng BIDV vẫn luôn là ngân hàng dẫn đầu trong việc tạo dựng niềm tin đối với dân chúng và đặc biệt là đối với nhiều doanh nghiệp trên địa bàn; là ngân hàng đi đầu trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu mạnh.
Sau hơn 5 năm hoạt động với cương vị Chi nhánh cấp I, BIDV Tây Nghệ An đã không ngừng được mở rộng và thành lập được 3 Quỹ tiết kiệm tại 3 huyện miền núi Tây Nghệ An là Anh Sơn, Thanh Chương và Tân Kỳ. Thị phần huy động vốn và tín dụng được duy trì và tăng trưởng ở mức cao so với trước. Hoạt động kinh doanh luôn được đảm bảo an toàn, hiệu quả, tuân thủ kỷ cương điều hành và quy định của Nhà nước, của ngành, tạo dựng được nền tảng quan trọng về cơ sở vật chất, con người và công nghệ. Đến nay BIDV Tây Nghệ An đang ra sức nỗ lực phấn đấu để khẳng định vị thế của mình trên con đường phát triển.