Vị trí, vai trò của DNVVN trong nền kinh tế quốc dân

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại BIDV Tây Nghệ An (Trang 27)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ CHO VAY ĐỐI VỚI DNVVN

2.1.2 Vị trí, vai trò của DNVVN trong nền kinh tế quốc dân

Đối với sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào cũng không thể không kể đến sự đóng góp rất lớn của các DNVVN đặc biệt là đối với các

nước đang phát triển khi mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào các DNVVN. Đối với nền kinh tế Việt nam cũng vậy, DNVVN là bộ phận doanh nghiệp rất quan trọng, đóng góp một phần đáng kể vào thu ngân sách Nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế...Vị trí và vai trò đó của DNVVN được thể hiện cụ thể qua những nội dung chủ yếu như sau:

Thứ nhất, DNVVN đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế.

DNVVN là bộ phận kinh tế chiếm ưu thế tuyệt đối, nó có mặt ở hầu hết các loại hình kinh doanh của mọi thành phần kinh tế. Ở nước ta DNVVN chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số các doanh nghiệp trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 40% GDP của cả nước, góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Ở một số quốc gia khác con số này còn ở mức cao hơn như ở Mĩ và Trung Quốc là hơn 60%, Nhật Bản hơn 50%, ở Thái Lan và Hàn Quốc con số này cũng ở mức gần 50%... Trong bối cảnh nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, hoạt động của các Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn không hiệu quả, làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng cho nhà nước thì hoạt động của các DNVVN ngày càng năng động và hiệu quả hơn. Nếu nhìn vào mức độ đóng góp vào GDP của các DNVVN như hiện nay thì có thể thấy rằng tiềm năng phát triển để đạt được những mục tiêu kinh tế xã hội đề ra trong giai đoạn tới phục thuộc nhiều vào sự phát triển của các DNVVN chứ không chỉ phụ thuộc vào các chương trình, dự án lớn, vì vậy để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển các DNVVN, có như vậy mới huy động được tối đa nguồn lực xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn phát triển, tăng sức cạnh tranh trên thị trường...

Thứ hai, DNVVN đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút lao động, tạo công ăn việc làm với chi phí đầu tư thấp, giảm thất nghiệp góp phần làm ổn định và phát triển xã hội.

Ở nước ta theo ước tính, hàng năm có khoảng 9,5 triệu lao động làm việc trong các DNVVN tương đương với hơn 50% số lao động làm việc trong tổng các doanh nghiệp, trong đó số lao động được thu hút vào các ngành công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng 21%, các ngành thương mại dịch vụ chiếm hơn 30%...Điều này cho thấy vai trò quan trọng của DNVVN trong việc thu hút lao động, tạo công ăn việc làm góp phần giải quyết tốt sức ép thất nghiệp đang ngày càng gia tăng. Các DNVVN có thể được thành lập với số vốn nhỏ, dễ thích ứng với những thay đổi của thị trường cộng với ưu thế về số lượng nên khả năng tạo việc làm và duy trì hoạt động thường tốt hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt là trong thời kỳ nền kinh tế đang suy thoái như hiện nay.

Thứ ba, DNVVN có vai trò quan trọng trong việc khai thác nguồn tài chính của dân cư trong vùng và sử dụng tối ưu nguồn lực tại chỗ của các địa phương.

Với việc thành lập một DNVVN chỉ cần một số ít vốn, việc thu hồi vốn lại nhanh nên tạo điều kiện cho việc thu hút vốn đầu tư nhanh, các nguồn vốn nhàn rỗi từ gia đình, anh em, bạn bè có thể dễ dàng đầu tư cho DNVVN. Như vậy thông qua các DNVVN, những nguồn vốn nhỏ, tạm thời nhàn rỗi đã có khả năng được sinh lời. Hơn nữa việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của các DNVVN thường bị hạn chế, nguồn vốn hoạt động chủ yếu có được từ những người thân quen nên DNVVN được gắn trực tiếp với người cho vay, người cho vay có khi là chủ sở hữu doanh nghiệp, trực tiếp điều hành hoạt động của doanh nghiệp nên việc sử dụng vốn sẽ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó các DNVVN có thể tận dụng được nguồn lao động và nguyên vật liệu tại địa phương với giá rẻ do đó làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy việc phát triển các DNVVN đã tận dụng được tối đa các nguồn lực của xã hội, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có trình độ, tay nghề thấp góp phần làm ổn định và phát triển kinh tế ở các vùng địa phương.

Thứ tư, DNVVN có mặt trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau. Sự tồn tại của các DNVVN có tác dụng hỗ trợ, bổ sung, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn phát triển. DNVVN là một bộ phận hữu cơ gắn bó chặt chẽ với các doanh nghiệp lớn, là cơ sở để hình thành nên các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn trong quá trình phát triển của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, các DNVVN cũng là đầu mối cung cấp các nguồn lực đầu vào hay tham gia vào một khâu nào đó trong quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, vì vậy làm tăng khả năng hoạt động cho các doanh nghiệp trên thị trường, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

Thứ năm, nhờ việc thu hút hàng triệu lao động mỗi năm mà các DNVVN đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định, thường xuyên cho dân cư, góp phần quan trọng trong việc tạo lập sự phát triển cân bằng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ.

Hầu hết các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế lớn thường chỉ tập trung vào nhóm những khách hàng có mức thu nhập cao ở các vùng đô thị, nơi có cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển, đông dân cư, thị trường tiêu thụ lớn...Vì thế họ đã bỏ qua đoạn thị trường rất quan trọng đó là bộ phận khách hàng có mức thu nhập thấp hơn nhưng lại chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Đây là đoạn thị trường có tiềm năng rất lớn để cho các DNVVN xâm nhập, tạo chỗ đứng cho mình đồng thời điều đó cũng đã giúp cân đối được khả năng cung cầu trong xã hội, đáp ứng được nhu cầu cho phần lớn bộ phận đông dân cư có mức thu nhập thấp ở các vùng địa phương, góp phần nâng cao mức sống cho nhân dân các vùng đó. Mặt khác, các doanh nghiệp lớn không đáp

ứng được tất cả các yêu cầu của nền kinh tế như lưu thông hàng hoá, phát triển những ngành nghề truyền thống, tiểu thủ công nghiệp...Trong khi đó các DNVVN có quy mô nhỏ, cơ cấu tổ chức đơn giản, linh hoạt; mặt khác vốn của hầu hết các doanh nghiệp này chủ yếu là do các chủ thể kinh doanh bỏ ra hoặc các cổ đông góp vốn hoặc liên doanh liên kết...vì thế họ có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, họ có quyền quyết định đầu tư vào sản xuất kinh doanh ngành nghề, sản phẩm dịch vụ nào phù hợp với khả năng, trình độ cũng như nhu cầu của thị trường. Đây là những điều kiện quan trọng giúp các DNVVN từng bước khai thác được những tiềm năng ở các vùng, miền, địa phương mà các doanh nghiệp lớn không tiếp cận được, góp phần rút ngắn mức chênh lệch về thu nhập giữa các bộ phận dân cư, tạo ra sự phát triển tương đối đồng đều giữa các vùng, miền trong nước, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các khu vực kinh tế khác nhau.

Thứ sáu, DNVVN hình thành và phát triển đội ngũ các nhà kinh doanh năng động, sáng tạo. Ngày nay nền kinh tế thị trường phát triển mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà kinh doanh đặc biệt là các nhà doanh nghiệp trẻ thể hiện sức mình trong các lĩnh vực kinh doanh. Sự phát triển của nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các DNVVN phát triển, đồng thời cùng với nó là sự xuất hiện nhiều nhà kinh doanh trẻ đầy năng động sáng tạo, thích khám phá và thử thách trên các lĩnh vực mới. Với tinh thần của sức trẻ và sự đam mê tìm tòi, học hỏi cũng như dám nghĩ dám làm mà trong những năm qua đã xuất hiện nhiều gương mặt trẻ điển hình trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp. Với những chính sách hỗ trợ phát triển các DNVVN trong những năm qua và những năm sắp tới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ các nhà kinh doanh trẻ phát huy được năng lực của mình đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

Thứ bảy, sự phát triển của các DNVVN tạo ra môi trường cạnh tranh thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển có hiệu quả hơn.

Sự tham gia của rất nhiều các DNVVN vào quá trình sản xuất kinh doanh trên hầu hết các lĩnh vực tạo ra số lượng và chủng loại sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội. Điều đó làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo ra sức ép lớn buộc các doanh nghiệp phải thường xuyên đổi mới, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ...có như vậy mới thích ứng được với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Chính những yếu tố đó có tác động lớn làm cho nền kinh tế phát triển năng động và hiệu quả hơn.

Với vị trí và vai trò quan trọng đó của các DNVVN đối với nền kinh tế quốc dân thì việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển các DNVVN là một giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2015. Đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế nước ta đang rơi vào suy thoái như hiện nay thì việc đưa ra các giải pháp phù hợp và cần thiết để hỗ trợ, phát triển DNVVN là hết sức quan trọng, có như vậy mới đảm bảo được sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại BIDV Tây Nghệ An (Trang 27)