GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHO VAY ĐỐI VỚI DNVVN TẠI BIDV TÂY NGHỆ AN
4.3.1 Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Việc nâng cao hiệu quả cho vay DNVVN của các NHTM nói chung và BIDV Tây Nghệ An nói riêng không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân ngân hàng trong việc nâng cao chất lượng các khoản cho vay và thu lợi nhuận mà còn có ý nghĩa rất quan trọng cho các doanh nghiệp cũng như toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy đứng trên vai trò là cơ quan quản lý vĩ mô, Nhà nước cần có những biện pháp hữu hiệu để tạo điều kiện cho các DNVVN phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho NHTM nâng cao hiệu quả hoạt động nói chung và hiệu quả cho vay đối với DNVVN nói riêng của mình.
Năm 2001, Thủ tướng Chính Phủ đã ký quyết định số 193/2001/QĐ-TTg ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNVVN nhưng đến nay hoạt động của quỹ vẫn chưa mang lại nhiều hiệu quả, chưa góp phần hỗ trợ các DNVVN phát triển, vì vậy Nhà nước cần có nhiều giải pháp nhằm thu hút thêm vốn và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng đối với DNVVN. Đến năm 2009, Chính phủ đã ban hành thêm Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết số 22/NQ-CP về triển khai thực hiện Nghị định 56/2009/NĐ-CP; các giải pháp, chính sách hỗ trợ được đưa ra đã tạo được động lực lớn cho sự phát triển của các DNVVN. Tuy nhiên các giải pháp vẫn còn mang tính chung chung, áp dụng chung cho các doanh nghiệp, nhưng thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực là rất khác nhau vì vậy cần có những giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực,
đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp thuộc các khu vực nông nghiệp, nông thôn nơi mà nền kinh tế còn đang chậm phát triển.
Ngoài các văn bản hướng dẫn trên, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các bộ, ngành liên quan có những giải pháp cụ thể cho các DNVVN nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp không còn khả năng tiếp tục sản xuất và đang đứng bên bờ vực phá sản nhưng những đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn xây dựng. Năm 2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2009/NĐ-CP đã đưa ra một số chính sách trợ giúp tài chính cho DNVVN trong đó cho thành lập Quỹ phát triển DNVVN nhưng đến nay sau hơn 2 năm thực hiện, Quỹ vẫn chưa được hình thành và đi vào hoạt động trong khi đó doanh nghiệp đang ngày càng khốn khó hơn. Vì vậy để hỗ trợ kịp thời cho các DNVVN, Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành cần nhanh chóng hoàn thiện các cơ chế chính sách để sớm đưa vào thực hiện. Bên cạnh các giải pháp tổng thể, cần có những chính sách cụ thể, chi tiết mang tính khả thi nhằm hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan ban ngành cũng như doanh nghiệp thực hiện một cách nhanh chóng và có hiệu quả.
Để góp phần nâng cao hiệu quả cho vay của các NHTM thì cần có biện pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp bởi doanh nghiệp có làm ăn hiệu quả thì mới mang lại hiệu quả cho ngân hàng. Nhìn vào thực trạng nền kinh tế nước ta hiện nay cho thấy thực tế khó khăn của các DNVVN hiện nay là hàng tồn kho. Nền kinh tế rơi vào suy thoái, giá cả tiêu dùng leo thang khiến cho sức mua của dân chúng giảm, doanh nghiệp sản xuất ra hàng hoá không thể tiêu thụ được, vốn sản xuất không thể quay vòng càng làm cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó hàng hoá nước ngoài lại tràn lan trên thị trường đặc biệt là hàng nhập lậu từ Trung Quốc với mẫu mã phong phú, giá cả rẻ cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt nam nên hàng hoá của các doanh nghiệp trong nước rất khó tiêu thụ. Vì vậy, ngoài các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích thích
tiêu dùng thì Chính Phủ và các cơ quan quản lý thị trường cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập lậu, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên cho hàng hoá nội địa lưu thông, tiêu thụ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong thời gian qua NHNN cũng đã có nhiều hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ các DNVVN trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Tuy nhiên trong những năm qua dưới sự tác động của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta cũng rơi vào khủng hoảng trầm trọng, giá cả leo thang, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến cho doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn quan trọng này làm cho sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Vì vậy để tạo ra được hiệu ứng tốt từ các giải pháp đưa ra, NHNN cần có biện pháp kiểm tra, giám sát các Tổ chức tín dụng nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các ngân hàng không để xảy ra tình trạng nâng lãi suất cho vay, huy động lên cao trong một thời gian dài mà NHNN không có biện pháp kiểm soát như thời gian qua.
Đối với chính quyền địa phương sở tại, hiện nay do khó khăn chung của nền kinh tế, các DNVVN sản xuất với chi phí đầu vào cao nên các doanh nghiệp này đang có xu hướng chuyển dịch về các vùng nông thôn để tận dụng nguồn chi phí lao động rẻ. Trên địa bàn miền núi Tây Nghệ An cũng vậy, mấy năm trở lại đã xuất hiện nhiều nhà máy chế biến, sản xuất hàng xuất khẩu như Công ty May thêu xuất khẩu Khải hoàn, Công ty Prex Vinh...là những công ty lớn được dịch chuyển từ các thành phố lớn về đầu tư mở rộng sản xuất tại địa phương. Vì vậy để thu hút thêm ngày càng nhiều các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, các cơ quan quản lý Nhà nước Tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương các huyện trên địa bàn cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, thủ tục hành chính...giúp các doanh nghiệp sớm đi vào ổn định sản xuất có như vậy mới kích thích được sự phát triển của địa phương mình, đó cũng chính là cơ hội tốt cho các NHTM phát triển.