Đặc điểm của các DNVVN ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại BIDV Tây Nghệ An (Trang 32)

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ CHO VAY ĐỐI VỚI DNVVN

2.1.3 Đặc điểm của các DNVVN ở Việt Nam

 DNVVN có cơ cấu tổ chức đơn giản, linh hoạt

DNVVN có quy mô vừa và nhỏ, số lao động ít, tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh gọn nhẹ, các mối quan hệ nội bộ đơn giản vì vậy các doanh nghiệp này rất năng động, linh hoạt, dễ chuyển hướng sản xuất kinh doanh để lựa chọn mặt hàng sản xuất, kinh doanh có lợi nhất, phù hợp nhất với khả năng của mình. Với lợi thế này, các DNVVN có thể nắm bắt được cả các nhu cầu nhỏ lẻ, mang tính địa phương và khu vực, khai thác hết năng lực của mình, chủ động và sáng tạo trong hoạt động để đạt được hiệu quả kinh doanh cao nhất. Mặt khác, phần lớn các nhà điều hành quản lý doanh nghiệp cũng chính là chủ sở hữu của doanh nghiệp hoặc là người góp vốn lớn nhất trong doanh nghiệp nên họ được toàn quyền chủ động quyết định các vấn đề của doanh nghiệp. Sự gắn bó sát sao của chủ doanh nghiệp với quyền lợi của

người quản lý khiến họ tập trung hết trí lực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì họ có khả năng tự quyết nên họ có thể chớp lấy những cơ kinh doanh thuận lợi nhất, tạo điều kiện cho khả năng thích ứng nhanh với sự biến động của thị trường và sự thay đổi của khoa học kỹ thuật. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, do có quy mô lớn cả về vốn và lao động nên thiếu sự linh động, khó phản ứng kịp thời với những biến động của thị trường, hơn nữa hầu hết các doanh nghiệp này thường có chủ sở hữu là Nhà nước nên bị động trong sản xuất kinh doanh, chiến lược kinh doanh phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, vì vậy có lúc mục tiêu lợi nhuận phải nhường chỗ cho mục tiêu phát triển.

Bên cạnh đó, do bộ máy quản lý và tổ chức sản xuất của các DNVVN đơn giản, gọn nhẹ; với số lượng lao động ít nên tiết kiệm được chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

 DNVVN có vốn đầu tư thấp và khả năng thu hồi vốn nhanh

Do là loại hình doanh nghiệp có quy mô sản xuất không lớn về vốn, mặt bằng sản xuất, lao động...nên vốn đầu tư vào DNVVN không nhiều, có thể bằng nguồn vốn tự có hoặc dễ dàng huy động từ những người thân, bạn bè do đó chúng tạo ra cơ hội đầu tư đối với nhiều người, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân nhất là ở các vùng nông thôn có thể tìm kiếm cơ hội lập nghiệp. Chính vì vậy mà ở các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển số lượng DNVVN tăng rất nhanh và chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các doanh nghiệp của nền kinh tế.

Các DNVVN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm, thương mại, dịch vụ...là những ngành có khả năng thu hồi vốn nhanh.

 Các DNVVN Việt Nam rất phong phú về đủ mọi loại hình doanh nghiệp như hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, công ty TNHH, công ty cổ phần...kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện

nay thì sự phát triển của các DNVVN là cách thức tốt nhất để sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu. Nhờ quy mô nhỏ, chi phí sản xuất kinh doanh thấp vì tận dụng được nguồn lao động, nguyên vật liệu rẻ tại địa phương nên các DNVVN có khả năng chuyên môn hóa sâu, có thể sản xuất một số mặt hàng thay thế nhập khẩu có chất lượng tốt, giá thành phù hợp với sức mua của nhân dân từ đó góp phần ổn định đời sống xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.

 Mặc dù là nơi thu hút nhiều lao động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất nhưng hầu hết chất lượng lao động trong các DNVVN thấp vì các doanh nghiệp này thường tận dụng nguồn lao động rẻ tại địa phương, họ ít được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ do đó hiệu quả lao động chưa cao. Hơn nữa các doanh nghiệp này có số vốn ít nên hiếm có các chương trình đào tạo giúp nâng cao tay nghề cho người lao động.

Trình độ quản lý của chủ DNVVN bị hạn chế, thiếu thông tin trong khi đó lại khó có khả năng thu hút các nhà quản lý và lao động giỏi. Do khả năng tài chính có hạn, các DNVVN thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin thị trường, công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý tiên tiến cũng như ít có khả năng mua sắm những thiết bị hiện đại. Mặt khác phần lớn các DNVVN được thành lập do sự góp vốn của những người có vốn, khả năng quản lý của họ có hạn nên thường gặp lúng túng khi có biến động lớn trên thị trường. Các nhà quản lý chưa được đào tạo nhiều, chưa hiểu biết nhiều về pháp luật, khả năng quản trị điều hành thấp. Hơn nữa do quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm tiêu thụ không nhiều, các DNVVN khó có thể trả lương cao cho người lao động nên khó có khả năng thu hút được những người lao động có trình độ, tay nghề cao trong sản xuất kinh doanh cũng như điều hành quản lý doanh nghiệp.

Vốn luôn là vấn đề khó khăn lớn nhất đối với hoạt động của các DNVVN. Các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính thường e ngại khi tài trợ cho các doanh nghiệp này bởi các DNVVN chưa có uy tín trên thị trường cạnh tranh, chưa tạo lập được khả năng trả nợ. Vốn chủ sở hữu thấp, năng lực tài chính chưa cao, nếu chưa tạo dựng được uy tín bằng năng lực kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn thì doanh nghiệp rất khó tìm được người bảo lãnh cho mình trong quan hệ tín dụng vì thế DNVVN khó tiếp cận được vốn tín dụng của các Ngân hàng. Muốn vay vốn được từ nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại thì các DNVVN phải tạo lập được dự án đầu tư có tính khả thi, nhưng do trình độ, khả năng quản lý kinh doanh của chủ doanh nghiệp thấp, khả năng dự báo trước những biến động của ngành, của nền kinh tế kém nên việc xây dựng các kế hoạch tài chính, phương án sản xuất kinh doanh khả thi của không ít các DNVVN còn yếu, trong khi đó các dịch vụ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp lại chưa phát triển nhiều. Mặt khác rất nhiều các DNVVN lập báo cáo tài chính chưa rõ ràng, không minh bạch do yếu kém về quản trị doanh nghiệp nên các báo cáo tài chính không đáp ứng được yêu cầu của các NHTM.

 Các DNVVN ở Việt Nam thường có công nghệ lạc hậu

Hầu hết các DNVVN ở Việt Nam đều sử dụng công nghệ lạc hậu, còn mang tính thủ công và không đồng bộ nên sản phẩm làm ra thường có giá trị công nghệ thấp, hàm lượng chất xám ít, giá trị thương mại và sức cạnh tranh kém so với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Tình trạng máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu đã và đang là nguyên nhân chính của tình trạng lãng phí trong sử dụng nguyên vật liệu và ô nhiễm môi trường...

Do năng lực tài chính hạn chế nên các DNVVN khó có khả năng tiếp cận và hiện đại hóa cơ sở vật chất để mở rộng sản xuất kinh doanh. Mặt khác

DNVVN chủ yếu tận dụng nguồn lao động tại địa phương với trình độ kỹ thuật tay nghề thấp nên khả năng tiếp cận với những công nghệ máy móc hiện đại là rất khó.

 Các DNVVN ở Việt Nam thiếu chiến lược kinh doanh lâu dài và ổn định. Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau về “chiến lược”, nhưng có thể hiểu một cách khái quát: Chiến lược kinh doanh là định hướng và tập hợp các chương trình hành động mà doanh nghiệp đưa ra nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh trong dài hạn.

Chiến lược kinh doanh có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với hầu hết các DNVVN do quy mô nhỏ,vốn ít, chất lượng lao động thấp đặc biệt là đội ngũ các nhà quản trị doanh nghiệp thiếu và yếu về kỹ năng quản trị và điều hành doanh nghiệp, thiếu am hiểu pháp luật, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng phân tích và dự báo thị trường...nên rất nhiều các DNVVN chưa xây dựng được chiến lược kinh doanh lâu dài và ổn định. Để kinh doanh có hiệu quả, mỗi doanh nghiệp nói chung và DNVVN nói riêng cần có một chiến lược kinh doanh mang tính lâu dài và ổn định nhất là các chiến lược về sản phẩm, chiến lược cạnh tranh, chiến lược xúc tiến thương mại...để từ đó mới triển khai được những kế hoạch kinh doanh trung, dài hạn và những kế hoạch ngắn hạn cụ thể có như vậy mới chủ động được và đưa ra được những quyết sách đúng đắn trước những diễn biến bất thường trong kinh doanh.

Với những đặc điểm nổi bật đó của các DNVVN, mặt khác số lượng DNVVN lại chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng số các DN cộng với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn như hiện nay thì việc hỗ trợ phát triển các DNVVN là nhiệm vụ hết sức cần thiết đảm bảo cho sự phát triển lâu bền của nền kinh tế.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại BIDV Tây Nghệ An (Trang 32)