2.4.1. Thành tựu
Trẻ em vốn là đối tượng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Cùng với sự phát triển ngày càng đi lên, trẻ em đã và đang được đặt vào vị trí trung
tâm trong các chính sách ở nhiều quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Thấm nhuần tinh thần nhân văn cao cả “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” và truyền thống “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại mà trẻ em luôn là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển của nước nhà. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ quyền của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng vừa là tình cảm, đạo lý dân tộc lại vừa là trách nhiệm của toàn xã hội.
Nhiều năm trở lại đây, việc quan tâm, giúp đỡ, đưa trẻ khuyết tật lại gần hơn với các quyền vốn có của trẻ đang được các cá nhân, tổ chức đặc biệt chú trọng. Thái độ của cộng đồng với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này cũng có nhiều thay đổi theo hướng tích cực trên tinh thần tôn trọng, sẻ chia thông qua nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm giúp trẻ khuyết tật giảm bớt khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
2.4.1.1. Về phía các cá nhân: Tiến sĩ – Bác sĩ Lê Đức Tố, hiện là Ủy viên Ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Hồ Chí Minh và là Giám đốc Bệnh viện STO Phương Đông, dù đã bước vào tuổi 70 nhưng những năm qua, ông đã thực hiện hơn 25.000 ca mổ, trong đó có 2/3 là mổ từ thiện miễn phí nhờ sự hỗ trợ của SAP chương trình nhân đạo thuộc Hội Chữ thập Xanh của Việt kiều Mỹ và các tấm lòng nhân ái của các nhà hảo tâm trong nước và ở nước ngoài mang lại nụ cười và cuộc sống mới cho biết bao trẻ tật nguyền. [40]
Hay sinh viên Đặng Thị Thu Hiền, thủ khoa tốt nghiệp khoa Mỹ thuật công nghệ - Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đã sáng chế chiếc xe dành cho người khuyết tật không tay với tên gọi “Cánh cụt biết bay”. Đồ án này đã được chuyển giao cho Sở Lao động, Thương binh và xã hội, TP Hồ Chí Minh và nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức trong xã hội. [41]
Đậu Bá Kiên, học sinh lớp 9D trường Trung học cơ sở Nguyễn Trường Tộ, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước đã thành công trong việc sáng tạo “Phần mềm KF Mouse – giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật” và nhận được huy chương bạc tại cuộc thi Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ (IEYI) lần thứ 9 năm 2013 vừa diễn ra giữa tháng 5/2013 tại thủ đô Kula Lumpur của Malaysia. Phần mềm này ra đời có thể giúp trẻ khuyết tật điều khiển con chuột máy tính chỉ dùng đôi mắt, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ khuyết tật được tiếp cận với công nghệ thông tin. [42]
Ngoài ra, không thể không nhắc đến những người thầy, người cô đã tình nguyện truyền thụ kiến thức cho trẻ em khuyết tật như: thầy Lê Vũ Đạo, 86 tuổi, tình nguyện dạy học ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Nam Định; bà giáo Hồ Hương Nam, 80 tuổi tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đã 14 năm dạy chữ miễn phí cho trẻ em tật nguyền…
2.4.1.2. Về phía các tổ chức: Hiện nay, không khó để tìm kiếm những trung tâm, những tổ chức, hiệp hội vì trẻ em khuyết tật. Những tổ chức này được hình thành ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước với nhiều loại hình khác nhau như: Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam; Trung tâm khuyết tật và phát triển Việt Nam (DRD); Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Hội người khuyết tật cấp tỉnh/huyện; Diễn đàn người khuyết tật… Báo cáo thường niên năm 2010 về hoạt động hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam của Ban điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam NCCD đã tổng hợp báo cáo thực hiện Đề án 239 về tổ chức hội tự lực của người khuyết tật cho thấy, 19 tỉnh báo cáo đã tổ chức được 121 hiệp hội với trên 60 nghìn hội viên. [15]. Tại thời điểm tháng 8/2010, có 10/63 tỉnh, thành có Hội người khuyết tật cấp tỉnh được thành lập. Đây là những tổ chức xã hội từ thiện hoạt động vì mục đích nhân đạo nhằm góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ khuyết tật, nâng cao nhận thức của mọi người về nhóm đối
tượng này, từ đó, tạo điều kiện để trẻ sống hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng. Điển hình như:
Hội cứu trợ trẻ em khuyết tật Việt Nam thành lập năm 1993, sau gần 20 năm hoạt động, mạng lưới tổ chức của Hội đã phát triển rộng khắp, nhiều Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật cấp quận, huyện, thị xã… được thành lập. Hội đã nuôi ăn, cấp thuốc, chữa bệnh, phục hồi chức năng miễn phí cho gần 40.000 lượt trẻ khuyết tật chữa bệnh, trong đó, hơn 12.300 trẻ khỏi tật, phục hồi được chức năng cơ thể.Hội còn tổ chức được 127 lớp dạy chữ, 86 lớp dạy nghề đan mây tre, thêu ren, vi tính, kim hoàn, mỹ nghệ… và tổ chức 12 xưởng sản xuất nhỏ tại các trung tâm tạo công ăn việc làm cho các cháu với thu nhập từ 800.000 đồng - 1,4 triệu đồng/tháng. [43].
Trung tâm khuyết tật và phát triển Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động vì trẻ em khuyết tật. Điển hình nhất là xây dựng dự án “Bản đồ tiếp cận” nhằm tăng sự hòa nhập của trẻ khuyết tật với cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng về nhu cầu hòa nhập chính đáng của trẻ trong việc tiếp cận các công trình công cộng và công trình dân dụng. [39].
Còn rất nhiều những hoạt động hướng về trẻ em khuyết tật được tiến hành bởi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội thiện nguyện khác. Các hoạt động đó không chỉ thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương này, mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc bảo đảm có hiệu quả các quyền của trẻ khuyết tật, tạo điều kiện cho trẻ sớm hòa nhập và mang lại niềm tin đối với các em về tương lai của mình.
2.4.2. Hạn chế
Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ có chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước mà xã hội đã có cái nhìn khá tích cực đối với trẻ khuyết tật, trẻ được tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện bình đẳng các quyền và phát huy khả năng của mình để hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trẻ
khuyết tật vẫn chưa thực sự hòa nhập tốt với xã hội, mặc cảm, tự ti là trở ngại lớn nhất của trẻ. Mà nguyên nhân chính dẫn đến điều này là thái độ kì thị và phân biệt đối xử của cộng đồng.
Trên thực tế, nhận thức của đại đa số người dân về vấn đề khuyết tật và trẻ khuyết tật còn rất hạn chế. Nhận thức của họ dù đã có thay đổi nhưng quá trình thay đổi đó diễn ra khá chậm chạp. Quan điểm coi trẻ khuyết tật là đối tượng của lòng thương hại vẫn còn diễn ra, thậm chí, cảm giác sợ hãi đối với những khuyết tật của trẻ không phải không tồn tại, và sự hiểu biết về các quyền của trẻ khuyết tật chưa thực sự đầy đủ. Không khó để nhận thấy trẻ khuyết tật rất hạn chế đến những nơi công cộng, khu vui chơi giải trí. Bởi tại đây, nhiều ánh mắt tò mò, những cái nhìn thương hại và lời bình luận chỉ trỏ hướng về phía trẻ em khuyết tật… đã tác động không nhỏ đến tâm lý của nhóm dễ bị tổn thương này. Hơn nữa, bản thân gia đình có trẻ khuyết tật phần vì mặc cảm, phần lo lắng đến việc con mình bị kỳ thị nên cũng hạn chế cho trẻ ra ngoài. Do phải chịu thiệt thòi về thể chất và tinh thần như vậy, nên gia đình chính là chỗ dựa và là nguồn giúp đỡ chính của trẻ. Nhưng khó khăn sẽ càng trở nên trầm trọng hơn khi nhiều trẻ khuyết tật bị phân biệt đối xử ngay từ chính gia đình mình. Trẻ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, đối xử tệ bạc, thậm chí bỏ rơi, không được chăm sóc. Đây thực sự là một vấn nạn, nếu không có giải pháp giúp đỡ thì trẻ khuyết tật không thể có cơ hội được tiếp cận với các quyền và tham gia một cách bình đẳng vào đời sống cộng đồng.
Trong một cuộc khảo sát năm 2007 tại bốn tỉnh, thành về tình hình người khuyết tật ở Việt Nam do Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) tiến hành dưới sự tài trợ của Quỹ Ford, đã đưa ra những số liệu thống kê về quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật như sau:
Thái độ của cộng đồng với ngƣời khuyết tật
Tỷ lệ quan điểm đồng ý
Người khuyết tật là người đáng thương 98 đến 99%
Người khuyết tật là người ỷ lại 18 đến 32%
Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường 40% đến 59,4% Người khuyết tật bị như vậy là do số phận 56 đến 65% Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật
như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước 14 đến 21% Gặp phải người khuyết tật là gặp vận đen 17%
(Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS), năm2007).[15] Dựa vào bảng trên có thể nhận thấy phần nào thực trạng về nhận thức của cộng đồng về vấn đề khuyết tật và người khuyết tật còn rất hạn chế: hoạt động đều mang tính từ thiện, phân biệt đối xử, chú ý đến những khiếm khuyết, hạn chế của người khuyết tật. Đối với trẻ em khuyết tật, vấn đề này càng trở nên nặng nề hơn, bởi trẻ khuyết tật vẫn còn quá non nớt, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với người khuyết tật trưởng thành. Do đó, cách ứng xử tiêu cực, thái độ không thân thiện của xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phát triển của trẻ em khuyết tật.
Nguyên nhân có hạn chế này xuất phát chủ yếu từ quan niệm tồn tại từ lâu đời của cộng đồng là: trẻ khuyết tật khó thực hiện, thậm chí không làm được gì bởi những khiếm khuyết cơ thể. Những điều này đã trở thành rào cản kìm hãm việc thụ hưởng và bảo đảm quyền cơ bản của trẻ em khuyết tật. Do đó cần có chính sách phù hợp nhằm khắc phục có hiệu quả những khó khăn vướng mắc này, giúp trẻ khuyết tật thật sự được hưởng các quyền một cách trọn vẹn và đầy đủ nhất.
Tiểu kết Chƣơng 2
Chương 2 đã cung cấp những thông tin cơ bản nhất về tình hình trẻ khuyết tật ở Việt Nam hiện nay. Với khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật trong đó nguyên nhân chủ yếu là hậu quả do chiến tranh để lại có thể thấy tình trạng trẻ em khuyết tật ở nước ta hiện là vấn nạn khá lớn và vẫn đang có chiều hướng gia tăng do kết quả quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra tương đối mạnh mẽ. Trong khi đó, thực trạng bảo đảm quyền trẻ em khuyết tật ở Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, thực thi pháp luật, trong cộng đồng dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhờ sự đổi mới trong nhận thức; nhờ các chính sách hợp lý của Nhà nước; và sự quan tâm của toàn thể cộng đồng; song vẫn gặp phải không ít khó khăn và chưa thực sự tương thích với luật pháp quốc tế. Đặc biệt, thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật dù đã giảm nhưng không phải không diễn ra. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đảm bảo quyền của nhóm dễ bị tổn thương này. Vì vậy, cần phải có những giải pháp hợp lý được định hướng rõ ràng, cụ thể, để phát huy các thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn còn tồn đọng nhằm bảo đảm có hiệu quả các quyền của trẻ em khuyết tật phù hợp với tinh thần chung của pháp luật quốc tế.
Chƣơng 3
PHƢƠNG HƢỚNG VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN CỦA TRẺ EM KHUYẾT TẬT