Về phía cộng đồng

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 89)

Thái độ kì thị, phân biệt đối xử của xã hội là rào cản lớn nhất đối với trẻ em khuyết tật. Đây là bức tường vô hình khiến nhiều trẻ không thể vượt qua, ảnh hưởng lớn đến việc thụ hưởng quyền cơ bản của đối tượng dễ bị tổn thương này. Vì vậy, đấu tranh chống lai sự kỳ thị, phân biệt đối xử nhằm thay đổi quan niệm, thái độ của cộng đồng về trẻ em khuyết tật chính là giải pháp hữu hiệu nhất, giúp trẻ có cơ hội vươn lên phát huy năng lực bản thân, khẳng định mình và tham gia bình đẳng vào các hoạt động của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, việc thay đổi quan điểm, thành kiến vốn hình thành từ lâu đời của bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội về giá trị, vai trò và năng lực của trẻ em khuyết tật không phải đơn giản. Nó là một quá trình dài, đầy khó khăn, thách thức và nhiều trở ngại. Bởi nền tảng nhận thức của xã hội về vấn đề này không đồng đều và chưa đầy đủ giữa các khu vực, giữa các nhóm dân cư. Để giải quyết nó, cần kiên trì thực hiện các bước nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch trợ giúp, chương trình vui chơi giải trí cho trẻ khuyết tật trong phạm vi địa phương và động viên sự tham gia ủng hộ của người dân trong khu vực.

Thứ hai, triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến trẻ em khuyết tật, nhất là Luật người khuyết tật cho toàn xã hội, bao gồm cả gia đình có trẻ khuyết tật để mọi người hiểu rõ hơn về những quyền của trẻ em khuyết tật được hưởng, và nâng cao trách nhiệm của bản thân mỗi công dân trong việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật thụ

hưởng các quyền đó. Đồng thời, chống lại các quan niệm cố hữu, những định kiến liên quan đến vấn đề người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Việc tuyên truyền này cần được thực hiện trên phạm vi cả nước, tập trung vào các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn nhằm đảm bảo sự đồng đều trong nhận thức giữa các khu vực.

Thứ ba, định hướng hành vi ứng xử của cộng đồng đối với trẻ em khuyết tật đúng mực trên cơ sở tôn trọng, lắng nghe, và chia sẻ chứ không phải thương hại, ban ơn. Cần nhìn nhận trẻ khuyết tật với tư cách là một công dân bình thường, có đầy đủ khả năng, nghị lực vươn lên, khát khao khẳng định mình chứ không phải là người thừa, là gánh nặng của xã hội.

Thứ tư, xã hội hóa các hoạt động trợ giúp trẻ em khuyết tật. Bởi với nhu cầu trợ giúp trẻ khuyết tật cả về thể chất và tinh thần như hiện nay, chắc chắn công tác này cần nhân lực và tài lực rất lớn. Nếu xác định hoạt động này là trách nhiệm của riêng Nhà nước với kinh phí được lấy từ nguồn ngân sách thì trong tình hình kinh tế nước ta hiện nay, vấn đề trợ giúp cho trẻ sẽ trở thành gánh nặng. Dẫn đến, việc bảo đảm đầy đủ các quyền của trẻ khuyết tật sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, sự chia sẻ của cộng đồng không cao, vô hình chung tạo ra rào cản đối với trẻ khuyết tật trong việc hòa nhập với cộng đồng. Do vậy xã hội hóa hoạt động trợ giúp trẻ khuyết tật là chủ trương đúng đắn, huy động sự sẻ chia, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức xã hội nhằm bảo đảm và nâng cao đời sống của trẻ em khuyết tật.

Để thực hiện tốt được các giải pháp này, cần quán triệt phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Quyền lợi của trẻ em khuyết tật chỉ được đảm bảo và thực thi khi xã hội có cái nhìn tích cực hơn, quan tâm hơn đối với trẻ, chú ý vào năng lực của trẻ, thay vì tập trung để ý những khiếm khuyết của các em. Có như vậy, trẻ em khuyết tật mới được tự tin thể hiện khả năng và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)