2.3.1.1. Quy định của pháp luật
Với phương châm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, khoản 3 Điều 61, Hiến pháp năm 2013 khẳng định Nhà nước “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề”. Theo đó, trẻ khuyết tật có quyền được giáo dục như các trẻ em không khuyết tật khác và được hưởng đầy đủ quyền này mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào trên cơ sở bình đẳng về cơ hội.
Trẻ khuyết tật cũng có nhu cầu học tập, nhưng do khiếm khuyết cơ thể nên việc học tập của họ gặp nhiều khó khăn hơn, do đó, Nhà nước, pháp luật và xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ thông qua những quy định riêng biệt mang tính chất ưu tiên dựa trên cơ sở khắc phục khiếm khuyết của trẻ chứ không mang tính chất bất bình đẳng giữa trẻ khuyết tật với trẻ không khuyết tật như: được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối
với giáo dục phổ thông; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập…
Tuy nhiên, do sự đa dạng trong dạng tật và mức độ tật ở mỗi trẻ rất khác nhau nên Luật Người khuyết tật 2010 đã đưa ra ba phương thức giáo dục giành riêng cho trẻ em khuyết tật đó là: Giáo dục hoà nhập, Giáo dục bán hoà nhập và Giáo dục chuyên biệt. Trẻ khuyết tật, cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ khuyết tật được lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với sự phát triển của cá nhân trẻ khuyết tật, và Nhà nước khuyến khích trẻ học tập theo phương thức giáo dục hòa nhập cho phù hợp với xu thế chung của quốc tế.
Như vậy, có thể thấy, các quy định về quyền giáo dục cho trẻ em khuyết tật trong pháp luật Việt Nam về cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, cụ thể là Điều 24 Công ước về quyền của người khuyết tật 2007 và Điều 28, Điều 29 Công ước về quyền trẻ em 1989. Điều đó khẳng định Việt Nam rất quan tâm đến quyền của nhóm đối tượng tổn thương kép này và luôn nỗ lực hoàn thiện nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho trẻ em khuyết tật.
2.3.1.2. Thành tựu
Nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về việc đảm bảo đầy đủ các quyền cho trẻ khuyết tật, mô hình giáo dục cho trẻ em khuyết tật đã, đang được triển khai rộng rãi trên phạm vi cả nước và đạt nhiều thành tựu đáng kể:
Giáo dục hòa nhập: Theo báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tính đến năm học 2007 - 2008, có 15.349 trẻ khuyết tật mầm non được học hòa nhập, đạt tỷ lệ 62,8% tổng số trẻ khuyết tật mầm non; khoảng hơn 290.000 học sinh khuyết tật tiểu học, Trung học cơ sở học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục phổ thông, chiếm 28% tổng số trẻ em khuyết tật. Không chỉ vậy, hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập được xây dựng đồng bộ; mạng lưới bồi dưỡng đào tạo cán bộ, giáo viên cho giáo dục hoà nhập cũng được hình thành và phát triển ở hầu
khắp các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và đào tạo, đến nay cả nước có khoảng 2500 trường phổ thông tiến hành giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, 4 trường Đại học sư phạm đã mở mã ngành sư phạm giáo dục đặc biệt; 3 trường cao đẳng sư phạm thành lập khoa giáo dục đặc biệt nhằm đào tạo giáo viên trình độ cử nhân và cao đẳng sư phạm về tật học. Đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên tham gia giáo dục người khuyết tật ngày càng tăng với hơn 700 giáo viên được đào tạo trình độ cao đẳng về giáo dục hòa nhập và hơn 10.000 giáo viên mầm non và tiểu học đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dạy học hòa nhập cho các loại trẻ khuyết tật khác nhau. Ngoài ra, Công tác xã hội hoá giáo dục hoà nhập cũng được thúc đẩy và nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức nhằm thúc đẩy giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật ở Việt Nam. [15]
Giáo dục chuyên biệt: Hệ thống các trường giáo dục chuyên biệt được xây dựng và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu năm 2001 có 90 trường giáo dục chuyên biệt thì tính đến năm 2010, cả nước đã có 106 trường giáo dục chuyên biệt với 7583 học sinh khuyết tật theo học. Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được cải tiến để chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật, đồng thời cũng xây dựng được chương trình giáo dục chuyên biệt cho một số dạng khuyết tật như chậm phát triển trí tuệ, khiếm thính, khiếm thị. Số lượng trẻ khuyết tật tham gia giáo dục chuyên biệt ngày càng tăng, nếu Năm học 2001-2002 có 7000 em thì đến năm học 2006-2007 có khoảng 9000 trẻ em khuyết tật học trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt. [15]
Giáo dục bán hòa nhập: như: trường, lớp bán trú dân nuôi tại xã; trường học dạy lớp ghép; trường có lớp cắm bản (trường chính và các điểm trường phân hiệu); trường dân tộc nội trú; lớp học tình thương… được hình thành ở nhiều nơi với nhiều hình thức phong phú nhằm phục vụ có hiệu quả
cho công tác chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật. Như vậy, việc tái hòa nhập mạnh mẽ của trẻ khuyết tật vào hệ thống giáo dục phổ thông nêu trên chính là sự phản ánh bước tiến quan trọng trong chính sách đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em khuyết tật hiện nay.
2.3.1.3. Hạn chế
Mặc dù dành được nhiều thành tựu đáng kể, song hiện nay, giáo dục cho trẻ em khuyết tật ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, vẫn còn bộ phận lớn trẻ em khuyết tật chưa được đến trường, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi và nhóm trẻ em khuyết tật trí tuệ.
Theo báo cáo năm 2007 của Viện khoa học Giáo dục về công tác giáo dục trẻ khuyết tật cho thấy: có đến 55,49% trẻ em gái và 39,01% trẻ em trai bị khuyết tật chưa từng được đi học. Tỷ lệ huy động trẻ khuyết tật đến trường hàng năm rất thấp và dấu hiệu gia tăng chậm, năm học 2005 - 2006 có 24,22%, năm học 2006 - 2007 có khoảng gần 27,38% và năm học 2007 - 2008 chỉ có 28% trẻ khuyết tật được đến trường và chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học; trong khi đó lại có đến 32,99% trẻ khuyết tật đi học bỏ học. [15]
Mạng lưới các cơ sở giáo dục cho người khuyết tật còn thiếu, phân bố không đều; Chương trình, tài liệu đào tạo bồi dưỡng cho đối tượng trẻ khuyết tật còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên thấp cả về số lượng và chất lượng, không thể đáp ứng được yêu cầu triển khai giáo dục trẻ khuyết tật với quy mô lớn và đồng đều trên phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục trẻ khuyết tật còn quá ít trong khi kinh phí để đầu tư cho việc xây dựng, đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, cũng như kinh phí đào tạo đội ngũ giáo viên lại không nhỏ. Điều này khiến hoạt động giáo dục trẻ khuyết tật không thực sự được đảm bảo trên thực tế.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng quyền được giáo dục của trẻ em khuyết tật bị hạn chế đó là do nhận thức của trẻ khuyết tật và gia đình có
trẻ khuyết tật về giáo dục cho đối tượng này chưa đầy đủ, không nhìn nhận đúng lợi ích của giáo dục đối với trẻ khuyết tật. Hơn nữa, hệ thống quản lý giáo dục trẻ em khuyết tật dù đã hình thành ở hầu khắp các tỉnh, thành phố, nhưng mới chỉ bước đầu đi vào hoạt động. Mục tiêu dẫu đề ra cụ thể nhưng lộ trình và giải pháp thực hiện còn quá mơ hồ, chưa có sự chỉ đạo đồng bộ ở các cấp, các ngành, nên thực tế khi triển khai ở các địa phương đều lúng túng và tự phát. Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư và đại đa số các thầy cô giáo vẫn cho rằng trẻ khuyết tật chỉ nên học ở các trường lớp chuyên biệt, không thể hòa nhập trong hệ thống giáo dục phổ thông, nên có rất ít trẻ có cơ hội được học hòa nhập. Những điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác đảm bảo thực thi quyền của trẻ em khuyết tật trong lĩnh vực giáo dục.