2.3.3.1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 15 Luật chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em và tinh thần của Luật người khuyết tật, thì nội dung chế độ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật bao gồm ba hoạt động sau: Chăm sóc sức khỏe ban đầu; Khám, chữa bệnh; và Phục hồi chức năng. Cụ thể:
Đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu: theo quy định tại Điều 21 Luật người khuyết tật, trẻ khuyết tật được giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe; được tham gia chương trình giáo dục đặc biệt; được thực hiện các biện pháp phòng ngừa và can thiệp sớm nhằm nhận ra dấu hiệu sớm nhất của khuyết tật để kịp thời chuẩn đoán và điều trị có hiệu quả. Quy định này phù hợp với khoản 2 Điều 25 CRDP, thể hiện quan điểm y học hiện đại coi phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Đối với hoạt động khám, chữa bệnh: trẻ khuyết tật được tạo điều kiện để thực hiện quyền khám chữa bệnh một cách bình đẳng, được ưu tiên khám chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 23 luật này dưới các hình thức: miễn phí, giảm phí, ưu tiên về thứ tự khám chữa bệnh… Các quy định này
phù hợp với khoản 1 Điều 25 CRDP trong đó nhấn mạnh đến việc cung cấp cho trẻ khuyết tật “sự chăm sóc và chương trình y tế cùng loại, cùng chất lượng, cùng tiêu chuẩn” như đối với những người bình thường khác mà không hề có bất kì sự phân biệt đối xử nào.
Đối với hoạt động phục hồi chức năng: đây là nội dung đặc biệt quan trọng, là quyền đặc thù, riêng có của trẻ em khuyết tật. Trẻ khuyết tật có thể phục hồi thông qua các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng như: Viện chỉnh hình, phục hồi chức năng, Trung tâm chỉnh hình, phục hồi chức năng…; hoặc Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng – hình thức phục hồi mà trẻ có thể thực hiện ngay tại nơi với những người mà trẻ khuyết tật cùng sinh sống nhằm tạo sự bình đẳng về cơ hội và hòa nhập cộng đồng cho trẻ.
Như vậy, quyền được chăm sóc sức khỏe được pháp luật Việt Nam quy định tương đối đầy đủ và cơ bản phù hợp với pháp luật quốc tế, góp phần đẩy mạnh hoạt động bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật trong lĩnh vực này.
2.3.3.2. Thành tựu
Trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vài năm trở lại đây nhấn mạnh: Chăm sóc người khuyết tật cần tập trung vào trẻ em, vì phát hiện sớm, phòng ngừa tốt sẽ có biện pháp xử lí kịp thời và điều trị phù hợp, hạn chế các hậu quả do khuyết tật gây ra. Nhờ vậy, hoạt động này đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đến nay, các địa phương đã thực hiện khá tốt công tác phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ phục hồi chức năng cho hàng trăm ngàn trẻ em khuyết tật; cung cấp tương đối đầy đủ các phương tiện trợ giúp như: xe lăn, xe đẩy, chân tay giả; hoạt động ưu tiên, ưu đãi trong khám chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật nhằm chuẩn đoán đúng và điều trị chăm sóc kịp thời cũng đạt được hiệu quả khá cao. Bên cạnh đó, mạng lưới trạm y tế xã đã phát triển ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả
nước. Theo số liệu thống kê có khoảng 98,6% xã, phường có trạm y tế xã; trong đó 67,7% xã, phường có bác sỹ; và gần 85% thôn bản có cán bộ y tế cộng đồng, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh tối thiểu cho người dân và trẻ khuyết tật. Đồng thời, năng lực chuyên môn chuyên ngành phục hồi chức năng cho đội ngũ cán bộ y tế cũng được tăng cường, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật. Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng đạt được kết quả cao: Việt Nam đã điều tra, phát hiện, tạo điều kiện quản lý sức khỏe cho hơn 170.000 người khuyết tật, tiến hành biện pháp phục hồi chức năng cho 23,2% người có nhu cầu và 44,7% người khuyết tật, trong số đó có trẻ em khuyết tật. [15]
Tại một số địa phương, các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật diễn ra khá sôi nổi và tích cực. Như trong năm 2013, Quỹ Bảo trợ trẻ em Nghệ An đã vận động hơn 18 tỷ đồng triển khai khám và phân loại bệnh cho hơn 10.000 trẻ em khuyết tật các loại; phẫu thuật cho hơn 500 trẻ bị khuyết tật về tim, mắt, cơ quan vận động, sứt môi hở vòm, phẫu thuật thành công cho 133 em bị khuyết tật bẩm sinh. [34]. Hay vào tháng 4/2013, Quỹ Bảo trợ trẻ em Thanh hóa phối hợp với Hội Thiện Nguyện SAP-VN Hoa Kỳ tại Việt Nam, Trung tâm Cung cấp dịch vụ xã hội Thanh Hóa, Bệnh viện Mắt Thanh Hóa, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khám sàng lọc cho gần 400 trẻ em bị khuyết tật… [35].
Đó là những thành tựu trong công tác thực thi nhằm đảm bảo quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em khuyết tật trên thực tế. Những hoạt động này ngày càng được nhân rộng và nhận được sự quan tâm không chỉ của Đảng, Nhà nước mà còn của toàn xã hội, từ đó góp phần giúp trẻ tham gia tích cực và hiệu quả vào các hoạt động giải trí, văn hóa, xã hội.
2.3.3.3. Hạn chế
Trước hết, Trẻ khuyết tật gặp khó khăn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là trẻ khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện đi lại không thuận tiện. Hơn nữa, phần lớn hộ gia đình có trẻ khuyết tật có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nên việc cho trẻ tiếp cận với dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ y tế chất lượng cao vượt quá khả năng tài chính của họ. Trong khi đó, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, một số danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng đang được thực hiện tại các cơ sở y tế chưa được quỹ bảo hiểm y tế chi trả, phần lớn các dụng cụ trợ giúp cho trẻ khuyết tật chưa được bảo hiểm y tế thanh toán.
Không chỉ vậy, nhận thức của nhiều gia đình về nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng đối với trẻ khuyết tật hiện vẫn còn rất hạn chế. Nhiều gia đình không nhận thấy cần phải chăm sóc sức khỏe nhiều hơn cho trẻ, hoặc không biết chăm sóc sức khỏe cho trẻ như vậy ở đâu, hoặc không có khả năng tiếp cận tới các dịch vụ đó ngay cả khi dịch vụ đó có tồn tại.
Các mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng mặc dù được triển khai ở Việt Nam từ năm 1987, nhưng cho đến nay chủ yếu thực hiện các hoạt động trong phạm vi của lĩnh vực y tế, sự tham gia của các ngành thuộc các lĩnh vực khác còn hạn chế. Nguồn kinh phí chi cho chương trình này còn rất hạn chế, chủ yếu dựa vào các tổ chức Quốc tế, Tổ chức phi Chính phủ nên kết quả thực hiện chưa cao.
Hoạt động phát hiện sớm khuyết tật và can thiệp sớm chưa thực sự phát triển. Vì vậy trẻ thường được đưa đến các cơ sở y tế để chữa bệnh hơn là để phòng bệnh, và việc chữa bệnh cũng gặp nhiều khó khăn do không được phát hiện sớm. Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu, việc quan tâm đến dự phòng khuyết tật chưa thực sự được chú trọng, đặc biệt trong trường hợp các gia đình có nhiều trẻ khuyết tật.
trong cộng đồng còn hạn chế và không đồng đều giữa các khu vực. Họ có thể không đủ khả năng tư vấn và hỗ trợ cho cha mẹ trẻ khuyết tật, cũng như hướng dẫn các trường hợp khuyết tật phức tạp hơn chuyển tuyến tới các dịch vụ đặc biệt.
Chính vì những hạn chế này nên quá trình thực thi quyền được chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật đã vấp phải khá nhiều khó khăn, và gây ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật trên thực tế.