Tích cực, chủ động hợp tác và đối thoại quốc tế

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 72)

Hội nhập là xu thế tất yếu của mọi quốc gia trong quá trình phát triển. Là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn ý thức tuân

thủ các nguyên tắc, chuẩn mực chung về quyền con người trong đó có các quyền của trẻ em khuyết tật.

Sách trắng về thành tựu quyền con người của Việt Nam khẳng định:

Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia, gây đối đầu, sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác. [44].

Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam đã nêu rõ:

Việt Nam hết sức coi trọng đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người. Đối thoại và hợp tác quốc tế vừa là đòi hỏi của quá trình hội nhập quốc tế, vừa giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau; qua đối thoại và hợp tác quốc tế, Việt Nam đã giúp bạn bè và cộng đồng quốc tế hiểu hơn về tình hình và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, bảo đảm tốt hơn các quyền con người ở Việt Nam đồng thời góp phần vào sự nghiệp bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới. Cũng trong Báo cáo này, Việt Nam cam kết … tiếp tục hợp tác với các quốc gia khác, với Liên Hợp Quốc và các cơ quan của

tổ chức này để đảm bảo ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng các quyền và tự do cơ bản của con người trên lãnh thổ Việt Nam và trên toàn thế giới. [45].

Những quan điểm này cho thấy chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là sẽ duy trì đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau cũng như học hỏi kinh nghiệm của các nước khác trong việc bảo đảm các quyền con người. Với tư cách là một bộ phận của quyền con người, quyền của trẻ em khuyết tật cũng được bảo đảm trên cơ sở hợp tác quốc tế và khu vực nhằm trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu tình hình bảo đảm quyền trẻ em khuyết tật ở Việt Nam; tiếp thu thành tựu bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở các quốc gia trên thế giới, đồng thời, có tính đến sự phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, truyền thống và phong tục tập quán của nước ta.

Như vậy, là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1948; là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật năm 2007; đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về người khuyết tật khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam đang ngày càng chú trọng hơn đến việc đảm bảo quyền của người khuyết tật nói chung và quyền của trẻ em khuyết tật nói riêng. Việc đảm bảo các quyền này được thực hiện một cách có định hướng và hệ thống, từ đó là cơ sở để đưa ra các giải pháp phù hợp trên nguyên tắc bình đẳng không phân biệt đối xử và lợi ích tốt nhất dành cho trẻ. Đây là nền tảng đặc biệt quan trọng giúp trẻ khuyết tật vượt qua mặc cảm để thụ hưởng đầy đủ, trọn vẹn các quyền cơ bản và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 72)