Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật nhằm đảm bảo quyền trẻ em khuyết tật trong điều kiện hiện nay là một yêu cầu khách quan của lịch sử. Các giải pháp đưa ra nhằm hoàn thiện pháp luật phải xuất phát từ lợi ích tốt nhất dành cho trẻ, kết hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc, đồng thời phù hợp với tinh thần chung của pháp luật quốc tế. Từ đó, tạo hành lang vững chắc cho quá trình bảo đảm có hiệu quả các quyền của trẻ em khuyết tật, cụ thể:
Thứ nhất, cần ban hành riêng những văn bản hướng dẫn thi hành Luật người khuyết tật về vấn đề trẻ em khuyết tật, nhằm cụ thể hóa các quy định trong chính sách ưu tiên của Nhà nước dành cho nhóm đối tượng này. Những hướng dẫn cụ thể đó sẽ tập trung tất cả các chính sách, chế độ về trẻ em khuyết tật trong các lĩnh vực như: giáo dục, sức khỏe, bảo trợ xã hội… dựa trên cơ sở Luật Người khuyết tật và các luật có liên quan khác. Các quy định trong văn bản hướng dẫn chỉ được hình thành sau khi thực hiện quá trình lấy ý kiến của trẻ khuyết tật, gia đình có trẻ khuyết tật và toàn thể xã hội nhằm đáp ứng đầy đủ, chính xác nhu cầu của trẻ trên cơ sở góc nhìn thân thiện của cộng đồng, có tính đến sự phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội đất nước. Việc quy định rõ ràng và đưa ra một văn bản mang tính chất riêng biệt, thống nhất như vậy sẽ góp phần đẩy mạnh công tác đảm bảo quyền cho trẻ em khuyết tật. Đồng thời, xác định và tăng cường trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trực tiếp liên quan đến việc thực thi quyền của trẻ em khuyết tật trên thực tế và cải thiện nhận thức của cộng đồng về đối tượng dễ bị tổn thương này.
Thứ hai, bên cạnh những chương trình, đề án dành cho người khuyết tật và trẻ em nói chung, Đảng và Nhà nước cần ban hành một số đề án dành riêng cho đối tượng là trẻ em khuyết tật với những hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của nhóm chịu tổn thương kép này. Bởi xuất phát từ việc trẻ khuyết tật vừa là trẻ em với tâm sinh lý chưa phát triển hoàn toàn, lại vừa mang trong mình những khiếm khuyết giống như người khuyết tật trưởng thành nên nhu cầu của trẻ khuyết tật có những điểm giống và khác so với hai nhóm đối tượng trên. Do vậy, việc ban hành đề án, chương trình dành riêng cho đối tượng này là hoàn toàn hợp lý. Các đề án liên quan đến trẻ khuyết tật có thể hướng đến các vấn đề cụ thể như: Đề án trợ giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng với nội dung đặt trẻ khuyết tật vào trung tâm của mọi hoạt động thúc đẩy hòa nhập; lập diễn đàn để trẻ bày tỏ suy nghĩ, vướng mắc của mình khi tiến hành hòa nhập xã hôi; quy định trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tổ chức có liên quan trong việc hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng… Tuy nhiên, các chương trình, đề án này chỉ được phép đưa ra sau khi đã tiến hành những cuộc khảo sát thực tế để nắm bắt chính xác nhu cầu và mong muốn của trẻ nhằm hỗ trợ hiệu quả, có ý nghĩa và đem lại lợi ích tốt nhất cho trẻ em khuyết tật.
Thứ ba, quy định lại độ tuổi được coi là trẻ em khuyết tật. Có nhiều quan điểm về vấn đề nên hay không nên nâng độ tuổi của trẻ em nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Theo ông Lê Trung Thắng – chuyên gia nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ em cho rằng, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật như hiện nay, trẻ được tiếp xúc sớm với thành tựu của công nghệ sẽ hiểu biết và trưởng thành hơn. Bên cạnh đó, tình hình tội phạm chưa thành niên thời gian qua diễn biến khá phức tạp, do vậy, nên giữ quy định 16 tuổi là người thành niên để các em có nhiều quyền và tự chịu trách nhiệm trong các quan hệ xã hội. Một ý kiến khác cũng cho rằng nếu tăng độ tuổi của trẻ em thì sẽ có thêm một số lượng lớn trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách trong
cả nước, và với điều kiện kinh tế xã hội như hiện nay, thì nước ta chưa chắc đã đáp ứng được nguồn lực ngân sách cho chế độ an sinh xã hội đó. Tuy nhiên, trái ngược lại với các quan điểm trên, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, nên tăng độ tuổi của trẻ em để trẻ được bảo vệ nhiều hơn. Đồng quan điểm với bà Ngô Thị Minh, bà Phạm Thị Lan – cán bộ tổ chức UNICEF tại Việt Nam cũng bày tỏ nên tăng độ tuổi của trẻ em để có nhiều điều kiện thuận lợi cho trẻ, tạo cơ hội để trẻ được bảo vệ và phát triển một cách toàn diện. Do có nhiều quan điểm khác nhau, nên sáng 9/5/2013, Cục bảo vệ Chăm sóc trẻ em (Bộ lao động Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo Báo cáo thăm dò ý kiến về vấn đề nâng độ tuổi trẻ em được tiến hành từ ngày 15/7 – 15/9/2012 ở 10 tỉnh, thành phố với sự tham gia của trên 34.500 trẻ độ tuổi từ 11 – 18 tuổi. Theo đó, đa số trẻ em đề nghị tăng độ tuổi là trẻ em thay vì dưới 16 tuổi như pháp luật hiện hành. Và có 61% số người được hỏi bằng phiếu thăm dò trực tiếp và 58% người được hỏi qua mạng internet và tổng đài 18001567 ủng hộ tăng tuổi trẻ em. [46]. Còn theo quan điểm của tác giả, nên tăng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Bởi trước hết, việc quy định này là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế. Mặc dù các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết không bắt buộc các quốc gia thành viên phải quy định trẻ em là những người dưới 18 tuổi, mà để cho các quốc gia tự quy định độ tuổi cao hơn hoặc thấp hơn phụ thuộc vào tình hình kinh tế xã hội đất nước. Tuy nhiên, sẽ tránh xung đột pháp luật khi giải quyết rắc rối liên quan đến trẻ em nước ngoài, góp phần đưa pháp luật Việt Nam lại gần hơn với pháp luật quốc tế. Hơn nữa, trẻ từ 16 – 18 sẽ chưa phát triển đầy đủ hoàn toàn về tâm sinh lý, việc nâng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi thì sẽ có khá nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật tiếp tục được hưởng những quyền lợi, chế độ chăm sóc đặc biệt trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Nhờ đó, trẻ khuyết tật sẽ được đảm bảo có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp theo luật định.
Thứ tư, cần quy định các biện pháp chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật dưới hình thức một văn bản riêng biệt hoặc một chương trong văn bản hướng dẫn chi tiết về trẻ em khuyết tật. Tùy theo mức độ và đối tượng vi phạm mà các biện pháp chế tài đó phải đảm bảo tính phù hợp, đa dạng, linh hoạt nhằm xử lý nghiêm minh, có hiệu quả những hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật. Cụ thể:
- Đối với chủ thể vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật là cá nhân, công dân, tổ chức bình thường: mức độ xử lý vi phạm có thể là xử lý về mặt hành chính nếu ở mức độ nhẹ như phạt tiền, phạt xin lỗi công khai; hoặc nặng hơn là xử lý về mặt hình sự nếu gây tổn thương về mặt thể chất về tinh thần đối với trẻ. Cần quy định cụ thể rằng, mức độ đánh giá hành vi vi phạm quyền trẻ em khuyết tật đó thuộc lĩnh vực hình sự hay hành chính sẽ có sự khác biệt nhất định so với hành vi vi phạm với đối tượng không khuyết tật khác. Giả dụ, nếu cùng một hành vi vi phạm thực hiện với người không khuyết tật, biện pháp chế tài áp dụng chỉ là biện pháp hành chính thì cũng hành vi đó mà gây ra với trẻ em khuyết tật sẽ bị áp dụng biện pháp hình sự. Bởi xuất phát từ việc là công dân còn non nớt về thể chất và tinh thần, đồng thời lại mang trong mình những khiếm khuyết, trẻ khuyết tật là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, nên hành vi xâm phạm quyền lợi của trẻ khuyết tật phải thực sự bị lên án và phê phán.
- Đối với chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật là cán bộ, cơ quan nhà nước thì việc xử lý càng phải nghiêm trị. Bởi đây là những người đại diện cho cơ quan công quyền, trực tiếp thực thi các công việc liên quan đến trẻ em khuyết tật, là người đưa các quyền lại gần hơn với trẻ, tuy nhiên thay vì tận tụy, tôn trọng và thực hiện quyền của trẻ em khuyết tật nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất dành cho trẻ thì họ lại vi phạm các quyền đó, làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng các quyền của trẻ và khiến trẻ khuyết
tật, gia đình trẻ khuyết tật mất niềm tin vào bộ máy nhà nước, vào sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Do vậy, khi đối tượng này có hành vi vi phạm quyền của trẻ em khuyết tật cần phát hiện, xử lý nghiêm minh và yêu cầu khắc phục nhanh chóng thiệt hại xảy ra đối với trẻ khuyết tật về mặt thể chất và tinh thần, giúp trẻ ổn định và đảm bảo trật tự xã hội.
Tuy nhiên, mức độ áp dụng các biện pháp xử lý này phải được cân nhắc trên cơ sở vừa nghiêm trị hành vi vi phạm, vừa có ý nghĩa giáo dục ý thức tôn trọng quyền của trẻ em khuyết tật, lại không làm cho trẻ khuyết tật cảm thấy mình là đối tượng yếu thế nên cần sự quan tâm quá khác biệt trong các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Thứ năm, tăng cường nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật về quyền của trẻ em khuyết tật. Tăng cường tổ chức định kỳ các cuộc giao lưu gặp gỡ giữa cán bộ lập pháp với trẻ em khuyết tật bằng cách: Cho trẻ khuyết tật ở mỗi khu vực, mỗi độ tuổi, mỗi địa bàn được cử đại diện của mình đến gặp các các bộ lập pháp để bày tỏ nhu cầu, nguyện vọng về chính sách, chế độ áp dụng cho nhóm đối tượng này. Điều đó giúp cán bộ trực tiếp liên quan đến việc xây dựng pháp luật cho trẻ khuyết tật hiểu một cách chính xác mong muốn của trẻ để có cơ sở xây dựng pháp luật cho phù hợp và đạt hiệu quả thực thi cao trên thực tế. Ngoài ra, đẩy mạnh việc giao lưu, hợp tác với các quốc gia trên thế giới để tiếp thu thành tựu và kinh nghiệm lập pháp của họ trong quá trình xây dựng pháp luật cho trẻ em khuyết tật, có tính đến điều kiện kinh tế xã hội và phong tục tập quán của Việt Nam. Nhờ đó, không chỉ đảm bảo được quyền của trẻ khuyết tật, mà pháp luật về đối tượng này sẽ được xây dựng ngày càng tương thích hơn với pháp luật quốc tế.
Thứ sáu, Việt Nam nên nhanh chóng xây dựng cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Đây là xu thế chung của các quốc gia tiến bộ trên
thế giới. Đặc biệt, khi đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế, nhất là Công ước về quyền trẻ em năm 1948, Công ước về người khuyết tật năm 2007, yêu cầu thành lập Cơ quan quốc gia về nhân quyền càng trở nên cấp thiết, nhằm đảm bảo có hiệu quả quyền của trẻ em khuyết tật nói riêng và quyền con người tại Việt nam nói chung.
Đó là những giải pháp trong quá trình xây dựng pháp luật về đảm bảo quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam. Các giải pháp này được đưa ra dựa trên quá trình nghiên cứu về thành tựu và hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật về bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật đồng thời tính đến sự phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc thực hiện tốt các giải pháp mang tính chất giải quyết vấn đề cơ bản và nâng cao này sẽ góp phần xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện, đồng bộ và thống nhất, vì lợi ích của trẻ khuyết tật, trên cơ sở kế thừa, tiếp thu có chọn lọc và phù hợp với pháp luật quốc tế. Từ đó, đảm bảo có hiệu quả các quyền cơ bản của nhóm xã hội dễ bị tổn thương này.