2.3.4.1. Quy định của pháp luật
Là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về quyền trẻ em, đồng thời, cũng là quốc gia đã kí tham gia và đang trong quá trình chuẩn bị phê chuẩn Công ước về quyền của người khuyết tật 2007, Việt Nam cũng có nhiều quy định về đảm bảo quyền cho trẻ em khuyết tật trong lĩnh vực này phù hợp với pháp luật quốc tế.
Điều 17 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thừa nhận: trẻ em khuyết tật cũng có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi. Điều 4 Luật người khuyết tật cũng khẳng định, trẻ khuyết tật có quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch… phù hợp với dạng tật và mức độ tiếp cận. Trẻ khuyết tật có thể tham gia vào các hoạt động này trên hai phương diện: thưởng thức các hoạt động do người khác thực hiện hoặc chính bản thân họ chủ động thực hiện các hoạt động tập luyện, biểu diễn, sáng tác, thi đấu. Nếu thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí giúp trẻ khuyết tật có cơ hội mở mang trí tuệ và nhận thức, tăng cường sự hiểu biết, tích lũy kinh nghiệm sống, góp phần cải thiện đời sống tinh thần của trẻ; thì việc trực tiếp tham gia các hoạt động xã hội, trẻ khuyết tật có thể cải thiện sức khỏe, giải tỏa căng thẳng, áp lực, rèn
luyện các kỹ năng như: thông minh, khéo léo, cao thượng… Điều này không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân trẻ khuyết tật mà còn làm phong phú, đa dạng đời sống của cộng đồng. Nhìn chung, các quy định này tương đối phù hợp với quy định tại Điều 31 CRC và Điều 30 CRDP.
Như vậy, quyền được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của trẻ khuyết tật là một trong những quyền đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, trẻ khuyết tật có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu, bộc lộ khả năng để khẳng định mình, nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
2.3.4.2. Thành tựu
Trong những năm qua, việc triển khai đảm bảo thực hiện quyền được tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của trẻ khuyết tật đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trước hết phải kể đến việc Nhà nước đã hỗ trợ kinh phí cho Trung ương Hội Người mù sản xuất chữ nổi, sách nổi, tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ quần chúng các cấp, tạo diễn đàn cho trẻ khuyết tật được thể hiện năng khiếu, vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, để hưởng ứng năm quốc tế người tàn tật và thực hiện Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành trung ương Hội khuyến học lần thứ V khóa IV và Quyền tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội của người khuyết tật, Đảng và Nhà nước đã tổ chức Hội diễn văn hóa văn nghệ trẻ khuyết tật toàn quốc lần thứ nhất với chủ đề: Nghị lực và Tình thương vào giữa tháng 8/2013. [36]. Đây là hoạt động vô cùng có ý nghĩa, nhằm tạo sân chơi bổ ích cho trẻ em khuyết tật, giúp cho trẻ được thể hiện khả năng của mình.
Phong trào thể dục thể thao cho trẻ khuyết tật đã phát triển mạnh mẽ ở các địa phương trong cả nước cả về quy mô và số lượng các môn luyện tập, thi đấu, thu hút được đông đảo trẻ em khuyết tật tham gia. Tháng 03/2013, Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty P&G VN và Công ty Metro VN tổ chức “Giải thể thao người khuyết tật
TP.HCM 2013” với sự tham gia của gần 250 trẻ đang theo học tại hơn 15 cơ sở dành cho người khuyết tật trên địa bàn thành phố [37]; Hay Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ V vào cuối tháng 12/2013 do tỉnh Thái Nguyên đăng cai tổ chức đã thu hút hơn 600 vận động viên là các học sinh khuyết tật tham gia Hội thi… [38].
Với nhiều hoạt động sôi nổi, lý thú trên phạm vi cả nước, trẻ em khuyết tật đã được tạo điều kiện vui chơi, giao lưu văn hóa văn nghệ, tham gia những trò chơi kỹ năng bổ ích và quyền về tiếp cận văn hóa, thể thao, giải trí của trẻ em khuyết tật nhờ đó được đảm bảo. Những hoạt động ấy không chỉ góp phần rèn luyện sức khỏe, rèn luyện nhân cách, tinh thần vượt khó mà còn có ý nghĩa thúc đẩy sự hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ kém may mắn này.
2.3.4.3. Hạn chế
Trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tỷ lệ trẻ em khuyết tật tham gia văn hoá, thể thao rất hạn chế.
Theo kết quả điều tra năm 2007 của Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội cho thấy, có ít nhất 2/3 số người khuyết tật không tham gia bất kỳ một hoạt động văn hoá xã hội nào trong 12 tháng trước cuộc điều tra, trong đó có trẻ em khuyết tật. [15]. Lý do chính dẫn đến tình trạng này là khó khăn trong việc đi lại, khó khăn trong giao tiếp, kết hợp với tâm lý mặc cảm, tự ti, đồng thời trẻ khuyết tật thường không được mời tham dự, hoặc không biết nơi nào tổ chức để tham dự. Không khó để nhận thấy một số chương trình dành cho trẻ em trên truyền hình như: Đồ rê mí, Con đã lớn khôn, Trẻ em luôn đúng… cơ bản không có trẻ em khuyết tật tham gia. Một phần cũng bởi do khiếm khuyết của cơ thể mà rất ít trẻ khuyết tật có năng khiếu về văn hóa, văn nghệ, hơn nữa sự ủng hộ, khích lệ trẻ khuyết tật tham gia các chương trình từ phía gia đình trẻ khuyết tật, từ phía ban tổ chức, nhà tài trợ… dường như không có.
đảm bảo; hệ thống sân bãi, trang thiết bị phục vụ trẻ tham gia luyện tập không đủ; các trò chơi vận động trong công viên, hầu hết là dành cho trẻ em không khuyết tật, trẻ khuyết tật rất khó để tham gia những hoạt động này.
Có thể thấy, sự tham gia của trẻ khuyết tật vào các sự kiện và các hoạt động để làm phong phú hơn đời sống của trẻ còn rất ít và hạn chế. Vẫn biết do những khiếm khuyết về mặt cơ thể, trẻ khuyết tật khó có thể cạnh tranh bình thường với những trẻ không khuyết tật khác, nên việc ưu tiên và tổ chức các chương trình riêng phù hợp dành cho trẻ khuyết tật là cần thiết. Tuy nhiên, chính những ưu tiên, riêng biệt đó vô tình đã làm tăng thêm cảm giác khác biệt, bị cô lập của trẻ. Điều này dẫn đến tâm lý e ngại, cản trở việc tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật thể thao của trẻ em khuyết tật, khiến quyền này chưa thực sự được thực thi một cách có hiệu quả trên thực tế.