Khái niệm Quyền của trẻ em khuyết tật

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 27)

Trên phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, hầu hết vẫn chưa đưa ra được một khái niệm thống nhất về Quyền của trẻ em khuyết tật, có chăng chỉ gợi mở theo hướng liệt kê các quyền của trẻ khuyết tật. Vì vậy, muốn làm sáng tỏ vấn đề này, cần đi tìm hiểu và phân tích về các nội dung có liên quan, cụ thể như sau:

Trước hết, cần hiểu, thế nào là Quyền? Theo Đại Từ điển Tiếng Việt, quyền là “cái mà luật pháp, xã hội, phong tục hay lẽ phải cho phép được

hưởng thụ, được vận dụng, được thực hành…., và nếu thiếu thì được phép yêu cầu để có đầy đủ, nếu bị tước đoạt có thể đòi hỏi để giành lại”.[29]. Như vậy, khái niệm Quyền chủ yếu liên quan đến việc hành động, cụ thể là tự do hành động. Theo đó, một người được phép làm những việc trong khuôn khổ nhất định mà không bị cưỡng ép, áp đặt, và không ai được vi phạm vào các quyền đó. Việc làm rõ khái niệm quyền là cơ sở để xác định các vấn đề có liên quan dựa trên Quyền.

Thứ hai là khái niệm Quyền con người. Có nhiều cách định nghĩa khác nhau về quyền con người dựa trên các hướng tiếp cận từ những góc độ nhất định. Trên phạm vi quốc tế, theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người thì, Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người. [12]. Ở Việt Nam, xét chung, quyền con người thường được hiểu là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế. Dù nhìn ở góc độ và cấp độ nào thì Quyền con người cũng được xác định là những đặc quyền tự nhiên được pháp luật ghi nhận điều chỉnh và đảm bảo thực hiện.

Thứ ba là vấn đề Quyền trẻ em. Trẻ em là con người, là một thành viên của xã hội, là công dân đặc biệt của một quốc gia, vì vậy quyền trẻ em có quan hệ chặt chẽ với quyền con người, là một bộ phận của quyền con người. Hay nói cách khác, trẻ em cũng là một chủ thể của quyền, quyền trẻ em là quyền con người của trẻ em, nhờ đó trẻ được hưởng, được làm, được tôn trọng và thực hiện nhằm bảo đảm sự sống, sự tham gia và phát triển toàn diện của mình. Tuy nhiên, trước đây, thuật ngữ Quyền trẻ em chưa thực sự được chú trọng. Phải đến đầu thế kỷ thứ XX, thuật ngữ này mới được đề cập sau

một loạt biến cố quốc tế lớn, nhất là sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ I (1914 – 1918). Sự kiện này khiến rất nhiều trẻ em ở Châu Âu bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như mồ côi không nơi nương tựa, đói khát, bệnh tật… Tình cảnh đó đã thúc đẩy việc thành lập hai tổ chức cứu trợ trẻ em đầu tiên trên thế giới ở Anh và Thụy Điển vào năm 1919. Đến năm 1924, Hội Quốc liên thông qua bản Tuyên ngôn Geneva về Quyền trẻ em. Đây là lần đầu tiên, vấn đề Quyền trẻ em chính thức được khẳng định và thừa nhận trong pháp luật quốc tế, đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức và hoạt động bảo vệ trẻ em trên thế giới. Năm 1948, Liên Hợp quốc thông qua Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, trong đó khẳng định trẻ em cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người. Năm 1959, Liên Hợp quốc thông qua bản Tuyên ngôn (thứ hai) về quyền trẻ em, phát triển nội dung của Tuyên ngôn Giơ-ne-vơ năm 1924. Từ năm 1959 đến những năm 80 của thế kỷ XX, một loạt văn kiện quốc tế khác cũng được thông qua, trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các quyền của trẻ em. Song, các văn kiện này hoặc không có tính ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý hoặc chưa tiếp cận từ vị thế đặc biệt và chú trọng đến những nhu cầu đặc thù của trẻ em nên tác động trên thực tế rất hạn chế. Đến năm 1989, Liên Hợp quốc thông qua Công ước quốc tế về quyền trẻ em, tính đến thời điểm này, đây là văn kiện quốc tế cơ bản và toàn diện nhất về vấn đề Quyền trẻ em. Mặc dù vậy, đây không phải là văn kiện quốc tế duy nhất về lĩnh vực này, mà còn nhiều văn kiện khác, trong đó tiêu biểu là hai Nghị định thư không bắt buộc bổ sung CRC về sử dụng trẻ em trong các cuộc xung đột vũ trang và về buôn bán trẻ em, bóc lột và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em…

Thứ tư là vấn đề Quyền của người khuyết tật. Cũng giống như trẻ em, trong một thời kỳ dài, những người khuyết tật bị coi là đối tượng của lòng thương hại, việc bảo vệ hỗ trợ họ chủ yếu dựa trên tình thương, lòng nhân đạo chứ không bắt nguồn từ nhận thức coi họ cũng là những chủ thể của quyền và

trách nhiệm của cá nhân, nhà nước, tổ chức xã hội là phải tôn trọng họ. Chỉ sau những cuộc vận động kiên trì và mạnh mẽ của nhiều cá nhân, tổ chức xã hội, nhận thức rằng người khuyết tật cũng là chủ thể bình đẳng của các quyền con người mới dần dần chiếm ưu thế, và thuật ngữ Quyền của người khuyết tật mới được chú trọng theo hướng quyền con người của người khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật được hưởng các quyền của con người mà không có bất cứ sự phân biệt đối xử nào dựa trên tình trạng khuyết tật của họ nhằm đảm bảo cho đối tượng này được phát huy năng lực của bản thân, hòa nhập cộng đồng. Trên phương diện pháp lý, cho đến trước năm 2007, không có điều ước quốc tế nào quy định riêng về vấn đề quyền của người khuyết tật. Ngay trong các văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến quyền con người được các nước phê chuẩn từ những năm 1940 đến năm 1960 như Tuyên ngôn nhân quyền 1948, Công ước của Liên hợp quốc về quyền kinh tế, văn hóa, xã hội năm 1966 hay Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự, chính trị năm 1966… cũng không có điều khoản riêng biệt nào ghi nhận cụ thể quyền của nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, đoạn 1 Điều 2 Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 đã khẳng định:

Mọi người đều được hưởng tất cả các quyền và tự do nêu trong bản Tuyên ngôn này mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay các địa vị khác.

Mặc dù không đề cập một cách cụ thể, nhưng cụm từ “địa vị khác” đã gián tiếp ghi nhận người khuyết tật cũng là chủ thể của các quyền con người. Từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX, Liên hợp quốc đã thông qua khá nhiều văn kiện không ràng buộc pháp lý nhằm thúc đẩy vấn đề quyền của nhóm này, trong đó, tiêu biểu là: Chương trình hành động thế giới về người tàn tật

(1982); Các nguyên tắc về bảo vệ người bị bệnh tâm thần và về tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần (1991); Các quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hóa cơ hội cho người khuyết tật (1993)… Đặc biệt, năm 1993, trong Tuyên bố Viên và chương trình Hành động (Đoạn 13), Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ II đã nêu rõ: “Tất cả các quyền con người và tự do cơ bản là mang tính phổ biến, bởi vậy tất cả mọi người, kể cả những người khuyết tật, đều là chủ thể bình đẳng của các quyền này”. Đây thực sự là khẳng định chắc chắn, là bước tiến rõ ràng về mặt nhận thức, coi trọng khả năng, năng lực chủ thể quyền con người của người khuyết tật.

Như vậy, thông qua các khái niệm Quyền, Quyền con người, Quyền trẻ em và Quyền của người khuyết tật, có thể rút ra được Quyền của trẻ em khuyết tật là: Quyền con người của trẻ em khuyết tật, là một bộ phận của quyền con người, có quan hệ chặt chẽ với quyền con người. Theo đó, trẻ em khuyết tật được hưởng đầy đủ các quyền tự nhiên vốn có, trẻ được thực hiện hoặc không thực hiện các hoạt động một cách tự nguyện mà không ai được phép cản trở, xâm phạm hay phân biệt đối xử chỉ vì lý do khuyết tật của trẻ.

Việc làm rõ các khái niệm nêu trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cơ sở để xác định khái niệm Quyền của trẻ em khuyết tật. Bởi trẻ em khuyết tật là những công dân đặc biệt của xã hội. Họ vừa mang đặc điểm non nớt về mặt tâm sinh lý như biết bao trẻ em không khuyết tật khác, lại vừa mang trong mình khiếm khuyết về mặt thể chất và tinh thần như những người khuyết tật nói chung nên quyền của trẻ em khuyết tật vừa là một bộ phận của quyền con người, lại vừa là sự kết hợp giữa quyền của trẻ em và quyền của người khuyết tật. Vì vậy, việc nhận thức chính xác về Quyền của trẻ em khuyết tật chính là cơ sở để chăm sóc, giáo dục và bảo đảm có hiệu quả các quyền của nhóm đối tượng bị tổn thương kép này.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)