Tình trạng trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 35)

Kể từ khi gia nhập Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật, vị trí của người khuyết tật và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam đã có nhiều biến chuyển đáng kể, nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước.

Năm 2009, Tổng cục Thống kê đã tiến hành cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở, đây là cuộc Tổng điều tra dân số đầu tiên thu thập các thông tin về tình trạng khuyết tật của người dân và trẻ em khuyết tật. Kết quả đã cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật ở độ tuổi từ 5 tuổi trở lên chiếm 7,8% dân số tương đương với 6,7 triệu người khuyết tật với khoảng 1,2 triệu trẻ em khuyết tật,

chiếm khoảng 19,7% số người khuyết tật trên phạm vi cả nước. Trong đó, số trẻ khuyết tật nặng chiếm tỷ lệ cao nhất với 31%; ngoài ra có 27% trẻ khuyết tật trí tuệ; 20% trẻ khuyết tật vận động; 19% trẻ khuyết tật ngôn ngữ; 12,43% trẻ khiếm thính; 12% trẻ khiếm thị; 12,6% đa tật; và 7% khuyết tật khác [26]. Nguyên nhân gây ra khuyết tật ở trẻ em tại Việt Nam phần lớn là do hậu quả của chiến tranh để lại. Theo số liệu thống kê vào cuối năm 2011 của Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam thì cả nước ta hiện nay có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc màu da cam, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em bị dị tật bẩm sinh. [27]. Dự báo trong những năm tới, số lượng trẻ khuyết tật vẫn có xu hướng gia tăng. Và nếu nguyên nhân dẫn đến khuyết tật do bẩm sinh, bệnh tật chiến tranh có chiều hướng giảm đi thì các nguyên nhân do tai nạn, do ô nhiễm môi trường lại có xu hướng tăng lên bởi quá trình phát triển của công nghiệp hoá và đô thị hoá đang diễn ra tương đối mạnh mẽ ở Việt Nam, đặc biệt, sẽ xuất hiện phổ biến tình trạng trẻ em tự kỷ - một dạng khuyết tật mới trong thời đại hiện nay.

Hơn nữa, qua kết quả của một số cuộc điều tra mẫu trước đây cho thấy, phần lớn trẻ em khuyết tật ở Việt Nam chủ yếu sống phụ thuộc vào gia đình, hoặc được cưu mang trong các cơ sở bảo trợ xã hội. Trẻ hầu như chưa có khả năng tạo ra thu nhập, nếu có thì chiếm tỷ lệ rất ít, và nguồn thu nhập thấp, không ổn định. Bên cạnh đó, kết hợp với trình độ văn hóa chưa được đảm bảo, thêm vào là rào cản từ phía xã hội khiến trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn khi có nhu cầu tham gia bình đẳng vào mọi hoạt động của đời sống cộng đồng. Điều này phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về tình trạng trẻ khuyết tật và cuộc sống của trẻ em khuyết tật ở nước ta hiện nay, do đó rất cần sự hỗ trợ, quan tâm, chia sẻ từ phía các cá nhân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền của trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện nay (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)