Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Kế thừa những quy định tiến bộ trong Bộ Luật Hồng Đức thời Hậu Lê, ngay khi mới thành lập và thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Đảng
ta đã đặc biệt nhấn mạnh đến nguyên tắc “nam nữ bình quyền” nhằm chống
mọi hình thức phân biệt đối xử. Kết hợp với tinh thần nhân văn cao cả “trẻ em
hôm nay, thế giới ngày mai” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống tốt đẹp đó đã được khẳng định và thể chế hóa thành luật và chính sách của Nhà nước. Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm
1946 đã quy định “Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi
phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa” (Điều 6); và nhấn mạnh sự bảo đảm
quyền trẻ em, đó là: “Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng” (Điều 14).
Quan điểm nhất quán về chăm lo và bảo đảm quyền con người, quyền trẻ em đó cũng được kế thừa, thể hiện xuyên suốt trong các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992, và mới đây nhất là Hiến pháp năm 2013 – Bản Hiến pháp đầu tiên dành riêng Chương II để quy định về Quyền con người, Quyền và
nghĩa vụ công dân. Điều 3 Hiến pháp 2013 khẳng định, Nhà nước “công
nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người , quyền công dân”, và nhấn mạnh “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14). Đặc biệt, “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em ” (Điều 37). Hơn nữa,
nhằm bù đắp những thiệt thòi cũng như bảo đảm sự bình đẳng thực chất về quyền và cơ hội với mọi công dân, khoản 2 Điều 59 đã nêu rõ:
Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”; và Nhà nước “tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hoá và học nghề” (Điều 61).
Đây là những tư tưởng chỉ đạo, là nền tảng cho các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam về không chỉ trẻ em khuyết tật mà tất cả trẻ em trên phạm vi toàn lãnh thổ.
Dựa trên tinh thần đó, trong những năm qua, nhiều chính sách riêng cho trẻ em khuyết tật đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý để chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của nhóm đối tượng yếu thế này. Đặc biệt, từ khi trở thành quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em 1948, đồng thời còn là thành viên thứ 118 tham gia ký Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật năm 2007, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong tiến trình nội luật hóa, đưa pháp luật Việt Nam lại gần hơn với chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế về quyền của trẻ em khuyết tật. Do đó, tại kỳ họp thứ 7, ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Luật người khuyết tật, góp phần hoàn thiện hơn nữa hệ thống chính sách dành cho người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là văn bản pháp luật ghi nhận những quyền cơ bản của trẻ em khuyết tật một cách hoàn chỉnh, thống nhất và có hiệu lực pháp lý trên phạm vi toàn quốc. Đó thực sự là thành tựu lớn nhất trong công tác lập pháp về lĩnh vực này.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách trợ giúp trẻ khuyết tật theo quy định của Luật người khuyết tật, đồng thời thực hiện cam kết của
Chính phủ Việt Nam về 7 lĩnh vực ưu tiên trong Thập kỷ thứ II Thiên niên kỷ Biwako về người khuyết tật khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt các Đề án, trong đó liên quan trực tiếp và tập trung đến trẻ em khuyết tật là: Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 về việc Phê duyệt Đề án chăm sóc trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và trẻ em bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 – 2020.
Có thể thấy, hệ thống pháp luật về trẻ khuyết tật được xây dựng khá hoàn thiện và có nhiều nét tương đồng với quy định của pháp luật quốc tế. Đi liền với việc tạo hành lang pháp lí cần thiết thì việc quy định và áp dụng các biện pháp chế tài thích hợp đối với chủ thể đã xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ cũng được chú trọng quan tâm và xây dựng. Tùy từng đối tượng, từng trường hợp vi phạm mà có thể áp dụng một hoặc đồng thời một số loại trách nhiệm pháp lí như: trách nhiệm kỉ luật, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Như vậy, quyền của trẻ em khuyết tật chỉ được đảm bảo đảm thực hiện khi có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Có được thành tựu kể trên là do sự quan tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, đội ngũ cán bộ trực tiếp xây dựng pháp luật đã được chuyên nghiệp hóa về mặt chuyên môn, nghiệp vụ; công tác hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thành tựu lập pháp ở các quốc gia trên thế giới được đẩy mạnh và nâng cao. Do đó, quá trình xây dựng pháp luật cho trẻ em khuyết tật trong những năm vừa qua đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giúp trẻ vượt qua mặc cảm và nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.