2. HIỆU QUẢ CỦA CÁC BÀI PHÊ BÌNH VĂN HỌC
2.2.1. KIỂU KẾT CẤU THEO LUẬN ĐIỂM
Với kiểu kết cấu này, thường thì tít bài là thông tin cốt lõi đồng thời là một luận đề để từ đó toàn bộ bài viết triển khai thành các luận điểm để làm sáng tỏ luận đề đó. Điển hình cho loại kết cấu này là bài viết Mảnh đất lắm
người nhiều ma và tiểu thuyết 90.
Như đã trình bày trên đây trong phần “Cách đặt tít”, chúng ta thấy thông tin cốt lõi ở đây là: tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma là đại diện cho tiểu thuyết 90. Bởi vậy, bài báo mới có cách mở đầu là nêu lên tình hình chung văn học năm 1990, với một nhận định quan trọng, một dữ kiện về 70 đầu sách xuất bản năm 1990 trong đó có những cuốn đáng lưu ý như
Người đẹp tỉnh lẻ (Lê Quốc Minh), Bến không chồng (Dương Hướng), Thân phận của tình yêu (Bảo Ninh)… Trên cái nền đó, “chẳng chậm lắm
đâu, sự ra đời của tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma”. Tác giả đã đi từ “diện” vào “điểm”, một sự lập luận chặt chẽ.
Hoàn toàn có thể biết trước được là sau đó, tác giả sẽ chỉ ra những vấn đề gợi lên từ tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma. Đó là thành công về hệ thống ngôn ngữ của nhà văn, thành công trong việc tạo dựng một không khí nghệ thuật “đặc sánh lại”, tạo nên những con người “vừa là tác giả, vừa là nạn nhân”, “nạn nhân của một thời đại cũ”, trong khi đó thì “lực lượng mới” trong tác phẩm còn “yếu từ trong ý thức phản kháng”. Những điều đó để tác giả nói rằng: “Mảnh đất lắm người nhiều ma khẳng định văn đàn 90 không hề yên tĩnh. Nó tiếp tục tấn công dữ dội vào cái cũ…”. Như vậy là đến cuối bài viết, tác giả lại trở lại vấn đề bao trùm tiểu thuyết
Mảnh đất lắm người nhiều ma, do đó bài viết là một lập luận chặt chẽ
không chê vào đâu được.
Còng có thể kể ra trong kiểu kết cấu này bài viết: Cấu trúc, cái dở nhất của Mảnh đất lắm người nhiều ma. Tít bài đã là một luận đề, là thông
tin cốt lõi. Cả bài viết chỉ cần chỉ ra các cái “dở” về phương diện “cấu trúc”, là đủ. Thực vậy, sau gần hai trang đầu tóm tắt lại tác phẩm, khen về ngôn ngữ, về một số nhân vật sắc nét, Thanh Phước đã đi vào vấn đề mình định nói.
Tác giả đã chứng minh cho nhận định của mình bằng ba luận điểm. Luận điểm thứ nhất là: Mảnh đất… có hai “binh chủng” nhân vật, chính và phụ. Những nhân vật phụ “gây không khí” một vùng nông thôn đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ”, còn những nhân vật chính chỉ “sống dựa vào đường dây tình huống”. Do vậy, khi bà Son mất đi, cao trào của xung đột mất đi, các nhân vật chính bị “mất sức chiến đấu”. Và khi đó, tác giả lại “điều” trở lại các nhân vật ở “binh chủng” gây không khí, như một sự “vớt vát” và “tiếc rẻ”. Do đó mà tạo cảm giác 100 trang cuối cuốn truyện loãng và dài dòng.
Luận điểm thứ hai là: những nhân vật chính như lão Quyềnh, bà Son đáng ra cần được kết cấu tốt hơn để họ hoạt động, thì lại “hy sinh quá sớm”. Tác giả bài viết cho rằng, việc phế truất nhân vật cần dựa vào đời sống tự nhiên của nó, nhưng nhà văn, do lỗi cấu trúc, đều làm cho các nhân vật có đời sống “không tự nhiên”.
Luận diểm thứ ba, tác giả so sánh với thế hệ nhà văn hiện thực phê phán. Có hai điểm so sánh: về nghệ thuật miêu tả, các nhà văn hiện nay không thua kém; nhưng về mặt tạo cho các nhân vật một đời sống tự nhiên, thì các nhà văn lớp trước hơn hẳn. Và tác giả lý giải đó là vì Nguyễn Khắc Trường mắc một lỗi của “văn học cơ chế” là quá tích cực tham gia giải quyết số phận nhân vật, nên không chú ý gì tới tính lô-gíc của đời sống nhân vật nữa.
Kết luận, tác giả nói, nếu các nhà văn nhận thức đúng chức năng của mình, đừng có những khát vọng, ảo tưởng quá lớn và nhầm lẫn về thiên chức đó, thì sẽ có những tác phẩm “phóng khoáng” với tâm sức mình đang có, và do vậy sẽ “thật” hơn.
Kiểu kết cấu theo luận điểm là kiểu kết cấu thường thấy nhất trong những bài phê bình chúng tôi tìm được. Có thể kể ra đây những bài cũng có kiểu kết cấu này như: Bức tranh làng quê và những số phận…, Ngọn
nguồn những ràng buộc, Kiếp sau của Việc làng, Nghĩ gì khi đọc tiểu thuyết Thân phận của tình yêu, Ên tượng về Thân phận của tình yêu, Viết thật có văn.