3. VỀ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT CỦA CÁC TIỂU THUYẾT
3.2.3. NHỮNG MẢNH ĐỜI NGƯỜI LÍNH VÀ NHÂN VẬT PHƯƠNG Trên tạp chí điện tử Evan (www.evan.com.vn) gần đây, xuất hiện bà
Trên tạp chí điện tử Evan (www.evan.com.vn) gần đây, xuất hiện bài viết của tác giả hiện sinh sống tại nước ngoài Đoàn Cầm Thi, với nhan đề:
Về nhân vật Phương, người phụ nữ Hà Nội, và chủ đề văn học trong Nỗi buồn chiến tranh. Nhưng không phải đợi đến lâu như vậy, ngay từ khi cuốn
sách ra đời, tức là 1991, Đào Hiếu đã nhận ra rằng: “Thật hạnh phúc khi xây dựng được một nhân vật như Phương”. Đào Hiếu rất tinh khi phát hiện ra, mười sáu mười bảy tuổi, Phương là “bà chị” của Kiên; qua một cuộc chiến tranh dài, Kiên trưởng thành hơn, gặp lại Phương “sa đoạ”, cô vẫn cứ lớn hơn Kiên, trưởng thành hơn Kiên. “Những đoạn kể về Phương trên chuyến tàu hoả tiễn Kiên đi B là những đoạn tả hay nhất trong tác phẩm. Đó là những trang diễm tình, cay đắng, mãnh liệt và tàn bạo nhất. Đó là thời điểm vô cùng rực rỡ của nhan sắc Phương”.
Trong cuộc thảo luận về tiểu thuyết này, Trần Đình Sử coi nhân vật của Nỗi buồn chiến tranh là một sù “đổi mới thi pháp nhân vật”. Tiểu
thuyết này “không có các nhân vật trọn vẹn đầy đặn theo lối truyền thống. Nhân vật của anh là những mảnh đời, mẩu người vụn nát, dang dở, chắp vá, hợp lại thành “bản hoà tấu của những khuôn mặt và những cuộc đời”, thành “tiếng rì rầm của cuộc đời thường””.
Hồ Phương thì nói tác giả đã “khéo” khi “chọn nhân vật chính là một chiến sĩ đã bị thương tật cả về phần xác lẫn phần hồn để nói về cuộc chiến vừa qua”. Và ông nói, một cách mỉa mai, “với con người gần như tâm thần Êy, ta hãy lắng nghe họ với tất cả lòng thương, chớ nên vội trách cứ bất cứ điều gì, kể cả những ý nghĩ xa lạ hoặc khó có thể chấp nhận được”.
Trở lại với nhân vật Phương, trong bài viết của mình Đoàn Cầm Thi đã kèm theo nhân vật này một định ngữ “người phụ nữ Hà Nội”, và mở đầu bằng hai câu trong lời hát bài Nhớ Hà Nội của Hoàng Hiệp. Đoàn Cầm Thi đã đặt Phương trên cái nền những nhân vật nữ của tác phẩm: Hơ-bia, Mây, Thơm ba người con gái trong căn nhà nhỏ giữa rừng, Hoà người con gái giao liên hy sinh, Lan người goá phụ trẻ Đồi Mơ, Hiền cô gái Kiên gặp trên chuyến tàu sau ngày chiến thắng. “Nhưng có lẽ nhân vật nữ đẹp nhất trong Nỗi buồn chiến tranh vẫn là Phương, người con gái Hà Nội”…
Tác giả định nói gì từ cái mệnh đề “người con gái Hà Nội” Êy? Hãy xem tiếp. Phương đã hiện lên như là mẹ, là chị của Kiên, “nhưng rất nhanh, nhạt dần những đức tính mang Phương lại gần hình ảnh quen thuộc của người phụ nữ Việt Nam trong văn học, nhường chỗ cho một Phương hoàn toàn khác”. Vậy là cái ý đã được mở: một nhân vật nữ hoàn toàn “khác” với truyền thống văn học Việt Nam, khác với những nàng Tấm (Tấm Cám), Tô Thị (Hòn vọng phu), Vũ Nương (Chuyện người con gái Nam Xương), Kiều (Truyện Kiều), Kiều Nguyệt Nga (Lục Vân Tiên), rồi chị Dậu (Tắt đèn), Tâm (Cô hàng xén) v.v. “Từ chối là một người đàn bà truyền thống nhút
nhát, rụt rè, cam chịu. Phương của Nỗi buồn chiến tranh yêu và bày tỏ tình yêu của mình”. Phương cũng “từ chối là người phụ nữ hiện đại, những gương mặt “điển hình” - trung hậu đảm đang” - nhan nhản trong Nỗi buồn chiến tranh và văn học đương thời”. Phương “từ chối” làm “người đàn bà đoan trang mẫu mực”, làm “người vợ thuỷ chung của Kiên sau chiến tranh”. “Phương từ chối trở thành người con gái “đẹp người đẹp nết” như người ta trông đợi”. “Phương từ chối theo hai con đường duy nhất mở ra cho các cô thanh nữ cùng thời: vào đại học hay đi thanh niên xung phong”.
“Phương từ chối trở thành “một dạng thánh nhân”, “một thiên tài âm nhạc” như mẹ cô tiên đoán”. “Phương chối từ, Phương phản kháng”…
“Phản kháng”, đấy là một đặc điểm riêng của nhân vật Phương. Nhưng tác giả còn chỉ ra, “phản kháng” không phải là điểm độc đáo nhất trong nhân vật nữ này! Và ông viết: “Người đọc luôn luôn ngạc nhiên trước sự bướng bỉnh của Phương … Nét bướng bỉnh đó, theo tôi, là dấu hiệu của tính độc lập, hơn nữa, của sự sáng suốt. Thật thế, Phương luôn tỏ ra sáng suốt trong cách nhìn nhận về chiến tranh và nghệ thuật”. Bởi vì trong khi Kiên đang “đứng ngồi không yên” trước cuộc chiến, thì Phương nói: “Em nhìn thấy tương lai. Đấy là sự đổ nát, sự thiêu huỷ”…
Vậy là, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi rất dài, để rồi ta hiểu rằng tác giả có lý. Phương là nhân vật nữ “lạ” trong văn học, lạ vì có vẻ như cô “chối từ” tất cả những gì là “truyền thống”. Nhưng thực ra không phải cô chối từ, cô vẫn luôn tạo cho người đọc cảm giác về một người mẹ, một người chị chịu đựng mọi buồn đau, mất mát. Nhưng đó cũng không phải là cái chính. “Lạ” nhất chính là sự “bướng bỉnh - sáng suốt” của cô, “nhìn thấy tương lai” của cô. Không phải vô lý khi tác giả Nguyễn Thanh Sơn, trong bài viết Nỗi buồn chiến tranh đến từ đâu? [3,65], lại nói: “Có lẽ Nỗi buồn chiến tranh
đã bắt đầu từ những linh cảm kỳ lạ của Phương”. Nguyễn Thanh Sơn giải thích: “Chính cô, với sự mẫn cảm đặc biệt mà tạo hoá đã phú cho phụ nữ mới dự cảm được nỗi bÊt hạnh khủng khiếp lớn lao đang tới gần. Trong khi những thanh niên như Kiên hăm hở đi vào cuộc chiến, say mê cuộc chiến tranh đến đứng ngồi không yên, thì bằng nỗi “tiên cảm xa xót” của mình, người phụ nữ trong cô hiểu rằng “đã mất hết”, rằng “trên thế giới này, từ nay, ngọn gió phũ phàng nào sẽ thổi?””.
Nếu như phê bình văn học là phải phát hiện ra “cái gì mới” (chứ không phải nói những cái người khác đã nói rồi) thì việc phát hiện ra cái “lạ” của nhân vật Phương - sự bướng bỉnh của một trí tuệ sáng suốt (mà trước đó Nguyễn Thanh Sơn còn mới chỉ gọi là “linh cảm kỳ lạ”) - là phê bình văn học đúng nghĩa của từ. Nếu đúng như vậy, thì như Đào Hiếu nói: “Thật hạnh phúc khi xây dựng được một nhân vật như Phương”. Mà người nói rõ được nguồn gốc của “hạnh phúc” đó, không ai khác là nhà phê bình.