Những năm vừa qua, ngành du lịch nước ta có những bước phát triển đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với tiềm năng và đòi hỏi của đất nước thì ngành du lịch còn nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có vấn đề xây dựng và quản lý, khai thác dịch vụ khách sạn.
Tính đến năm 2005 cả nuớc có 2.572 khách sạn (từ đạt tiêu chuẩn đến 5 sao) số lượng khách sạn từ 3* - 5* chiếm 7,07% tổng số khách sạn toàn quốc và chiếm 26,4% tổng số phòng, số khách sạn đạt tiêu chuẩn là 1.507 khách sạn với 23.482 phòng nghỉ (bảng 2.1).
Bảng 2.1: Cơ cấu khách sạn theo cấp hạng Việt Nam năm 2005
Loại 5 4 3 2 1 ĐTC* Tổng số
Khách sạn 18 48 116 449 434 1.507 2.572
Số phòng 5.251 5.797 8.330 18.447 10.757 23.482 72.064
ĐTC*: Loại đạt tiêu chuẩn Nguồn: Tổng Cục Du lịch
Qua bảng 2.1 cho thấy, số lượng khách sạn đạt tiêu chuẩn chiếm số lượng lớn nhất. Các khách sạn từ 1*-2* chíếm số lượng thấp hơn cho thấy khách sạn 1*-2* có thể đáp ứng được những khách có thu nhập trung bình. Hạng khách sạn từ 3* trở lên
chất lượng cao còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách quốc tế và trong nước.
Lực lượng lao động trong ngành du lịch-khách sạn có tăng lên về số lượng nhưng cơ cấu chưa phù hợp và chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác quản lý khách sạn, quản lý lữ hành, lễ tân; hướng dẫn viên vừa thiếu lại vừa yếu, số lao động có trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ yếu chiếm tỷ trọng khá lớn. Trong lĩnh vực khách sạn là lĩnh vực kinh doanh cung cấp dịch vụ, vai trò con người lại càng quan trọng, ngoài trình độ chuyên môn nhân viên du lịch khách sạn còn phải am hiểu nhiều các lĩch vực của đời sống xã hội, tâm lý, có trình độ hiểu biết về văn hóa du lịch và đặc biệt có khả năng sáng tạo, nghệ thuật ứng xử. Vì hàng ngày du khách đến khách sạn không chỉ để ngủ một vài đêm,mà họ còn muốn được tiếp đón niềm nở, phục vụ chu đáo, tìm sự thư giãn trong một gian phòng sạch sẽ, ấm cúng, trang trí đẹp. Nói chung họ muốn tận hưởng thời gian ở khách sạn một cách thoải mái, đây là đặc điểm yêu cầu mới so với trước đây.
Cạnh tranh kinh doanh khách sạn trong khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt, sẽ được đẩy lên ở mức cao trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế. Ngành kinh doanh khách sạn Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, điểm xuất phát thấp so với nhiều nước trong khu vực. Hoạt động du lịch chủ yếu còn dựa vào tự nhiên. Kinh nghiệm quản lý, kinh doanh và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, lao động trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn còn nhiều bất cập.Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật khách sạn còn yếu kém, thiếu đồng bộ.
Một khó khăn khác đối với doanh nghiệp khách sạn là, thực tế hiện nay ở Việt Nam còn thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao đảm bảo cho sự quản lý và vận hành ở các khách sạn, do lĩnh vực du lịch khách sạn đang có tốc độ phát triển nhanh nên nguồn nhân lực đã không thể đáp ứng đày đủ, kịp yêu cầu này. Và khi gia nhập WTO nhất là trong lĩnh vực du lịch khách sạn, các doanh nghiệp Việt Nam càng khó cạnh tranh về nguồn nhân lực, bởi mức lương thấp, môi trường làm việc và quản lý chưa thật chuyên nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài và những doanh nghiệp đi trước có lợi thế về điều kiện này.