Đặc trưng văn hóa dân tộc của định danh thể hiện qua ngữ nghĩa của từ

Một phần của tài liệu Phân tích đối chiếu từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Hàn và tiếng Việt (Trang 81)

5. Đóng góp của luận văn

3.2.1.Đặc trưng văn hóa dân tộc của định danh thể hiện qua ngữ nghĩa của từ

Định danh là cách đặt tên gọi cho một sự vật, hiện tượng, tính chất...Khi định danh một sự vật, hiện tượng, tính chất hay quá trình... con người với tư cách là chủ thể định danh tiến hành quan sát, tìm hiểu kĩ càng, vạch ra một loạt những đặc trưng nào đó có trong nó. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải lựa chọn đặc trưng nào để định danh? Có hai quan niệm khác nhau khi bàn về vấn đề này:

Quan niệm thứ nhất cho rằng: để định danh, người ta chỉ chọn đặc trưng có liên quan đến nét nghĩa nào là tiêu biểu, dễ khu biệt với đối tượng, tính chất hay quá trình khác...và đặc trưng này đã có tên gọi trong ngôn ngữ.

Ví dụ: Để gọi tên loài động vật sống dưới nước, thở bằng mang và bơi

bằng vây thì người Việt gọi là “cá” và tùy vào hình dáng hay màu sắc người ta

gọi tên cá vàng, cá hồng, cá bạc má, cá ngạnh, cá kiếm, cá kìm, cá voi, cá chim trắng...và vì thế, nét nghĩa hình dáng hay màu sắc trở thành nét nghĩa ưu trội hơn, tiêu biểu hơn để lựa chọn.

Hay để gọi tên loài cây cảnh cỡ nhỏ, thân có gai, lá kép, có răng, hoa màu hồng, có hương thơm, người ta gọi là “hoa” và chọn nét nghĩa (hay đặc trưng) màu sắc nổi bật của hoa nên có tên gọi là “hồng”. Khi đó loài cây này có tên gọi là “hoa hồng”. Nhưng sau đó, người ta thấy màu sắc của loài cây ấy không chỉ có màu hồng mà còn có màu đỏ, trắng, vàng... Và như vậy, vẫn với sự lựa chọn nét nghĩa hay đặc trưng màu sắc, người ta đã bổ sung thành: hoa hồng nhung, hoa hồng vàng, hoa hồng bạch...[39, 35]

Đặc điểm định danh còn được thể hiện cả ở việc quy loại khái niệm của đối tượng được định danh chứ không chỉ ở việc chọn đặc trưng nào để định danh. Chẳng hạn, cùng một loại thức ăn làm bằng bột gạo nếp, viên tròn, có nhân đường... thường làm vào ngày Tết Hàn Thực, người miền Bắc quy vào loại “bánh” và gọi là “bánh trôi nước”. Còn miền Nam quy vào loại “chè” và gọi là “chè trôi nước”.

Quan niệm thứ hai cho rằng: “việc tạo ra từ theo đặc trưng nào đó chỉ là biện pháp thuần túy kĩ thuật ngôn ngữ. Đặc trưng được chọn chỉ để tạo ra vỏ ngữ âm của từ. Đặc trưng được chọn để gọi tên hoàn toàn không nói hết toàn bộ bản

chất của đối tượng, không bộc lộ hết tất cả các đặc trưng của nó. Ngoài ra, đặc trưng được chọn để gọi tên thậm chí có thể là không cơ bản, không quan trọng về mặt thực tiễn” [39, 35]

Ví dụ: loại thức ăn làm bằng bột gạo nếp, thường có nhân ngọt, hoặc nhân mặn (nhân thịt, miến...), được rán chín, người Việt gọi là “bánh rán”, trong khi đó cũng có rất nhiều bánh được làm bằng cách rán như bánh chuối, bánh tôm, bánh gối.... Tương tự như vậy chúng ta còn có “bánh nướng”.

Thực ra, việc chọn đặc trưng hay nét nghĩa bản chất hay không bản chất để làm cơ sở cho định danh là hai thái cực của quá trình định danh thống nhất. Hay nói như nhà ngôn ngữ học Nguyễn Đức Tồn: đặc trưng được chọn có thể là đặc trưng cơ bản, thuộc bản chất của sự vật, mà cũng có thể là thuộc tính không căn bản, miễn sao đặc trưng được chọn có giá trị khu biệt sự vật ấy với sự vật khác.

Ở mỗi dân tộc việc lựa chọn đặc trưng làm cơ sở cho sự định danh không phải bao giờ cũng giống nhau. Chẳng hạn: loại phương tiện đi lại có hai hoặc ba bánh, dùng sức người đạp cho bánh quay để di chuyển, người Việt nhìn thấy ở sự vật đó đặc trưng cách thức (đạp) nên gọi là “xe đạp”, nhưng với cùng sự vật ấy, đặc trưng “đập vào mắt” người Hàn lại là cấu tạo và vì thế nó có tên gọi là

자전 [jajeon] nghĩa là “tự chuyển xa”. Ghép lại với nhau thành 자전거

[jajeonkeo] nghĩa là một vật di chuyển được do có sự quay vòng quanh trục. Điều này cho thấy cách nhìn nhận về sự vật, hiện tượng của các dân tộc khác nhau là không giống nhau: Dân tộc này phát hiện ra đặc trưng hình thức cấu tạo, còn dân tộc kia lại nhận thấy đặc trưng chức năng là quan trọng nên lựa chọn đặc trưng đó để định danh... Vì thế, đối tượng sẽ có tên gọi không như nhau. Đó không phải là sự liên tưởng ngẫu nhiên mà có lí do của nó. Lí do chọn đặc trưng này chứ không phải đặc trưng khác phụ thuộc vào thiên hướng quan sát của chủ thể định danh. Đây là cái làm nên đặc trưng riêng cho ngôn ngữ của mỗi dân tộc.

Có thể nói, việc định danh có quan hệ chặt chẽ với ngữ nghĩa của từ. Theo đó, nó có quan hệ chặt chẽ với tư duy dân tộc và đặc trưng văn hóa dân tộc.

Một phần của tài liệu Phân tích đối chiếu từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Hàn và tiếng Việt (Trang 81)