Quản lý ngân quỹ tại Pháp tập trung vào một số nội dung như sau: - Xây dựng tài khoản TSA, bao gồm:
+ Phân định rõ vai trò, trách nhiệm của một số đơn vị trong việc quản lý ngân quỹ: AFT (cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý nợ và ngân quỹ) chịu trách nhiệm theo dõi số dư của tài khoản TSA, đảm bảo số dư của tài khoản TSA luôn dương; Tổng cục Kế toán công (mô hình tương tự như hệ thống kho bạc ở Việt Nam) chịu trách nhiệm đưa ra các nguyên tắc về quản lý ngân quỹ; Trung tâm kế toán quốc gia trực thuộc Tổng cục Kế toán công (ACCT) chịu trách nhiệm tổng hợp các bút toán giao dịch của tài khoản TSA.
+ Xây dựng hệ thống dự báo dòng tiền phục vụ cho công tác quản lý ngân quỹ, bao gồm hai hệ thống: Hệ thống dự báo Kho bạc (do Tổng cục Kế toán công xây dựng và có liên hệ với hệ thống chi trả của ngân sách để biết được các thông tin về số lượng và thời gian chi trả) và hệ thống theo dõi tài khoản của Kho bạc (do Ngân hàng Trung ương cung cấp).
+ Cơ chế hoạt động của TSA: thực hiện thu, chi tại các kho bạc địa phương và tổng hợp thông tin từ các tài khoản con lên tài khoản chính (TSA).
- Phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ và chế tài xử lý giữa Tổng cục Kế toán công và Ngân hàng trung ương Pháp như: hệ thống kho bạc là chủ tài khoản duy nhất tại Ngân hàng trung ương Pháp; Ngân hàng trung ương chịu trách nhiệm cung cấp một số dịch vụ có chất lượng cao, miễn phí cho Kho bạc vì lợi ích quốc gia và được trả một số khoản thù lao để bù đắp lại một số chi phí, chi phí đền bù thiệt hại tài chính (chuyển thông tin không chính xác hoặc chậm) cho KBNN.
- Hình thành một cơ quan chịu trách nhiệm quản lý ngân quỹ và nợ chuyên nghiệp (cơ quan AFT). Cơ quan này chịu trách nhiệm xác định số phải huy động trong năm (chi tiết nợ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn); chương trình phát hành nợ trong năm (chi tiết theo tổng số phát hành; phương thức phát hành; lịch biểu phát hành,…); tiến hành cơ cấu lại nợ và mua lại nợ khi ngân quỹ lên cao; cân bằng dòng vào, ra ngân quỹ tại những thời điểm khác nhau thông qua các biện pháp cho vay hoặc phát hành ngắn hạn trên thị trường tiền tệ, cho vay có bảo lãnh, cho vay đối với kho bạc của các nước Đức, Bỉ, Phần Lan, Hà Lan.