Quá trình quản lý ngân quỹ và quản lý nợ thường phải đối mặt với rất nhiều rủi ro như: rủi ro tiền tệ đi kèm với nợ bằng ngoại tệ hoặc rủi ro lãi suất đi kèm với nợ ngắn ngày và lãi suất thả nổi (những loại rủi ro thị trường); rủi ro huy động/đảo nợ/tái đầu tư (rủi ro làm cho cơ quan quản lý ngân quỹ và cơ quan quản lý nợ, khó hoặc không thể tiếp cận được với thị trường khi cần vốn và huy động vốn ở chi phí chấp nhận được do có quá nhiều kỳ hạn nợ tới hạn trong một thời gian ngắn); rủi ro tín dụng (do đối tác không thể trả nợ được, chẳng hạn như việc cho doanh nghiệp nhà nước vay lại,…); rủi ro thanh khoản; rủi ro danh mục đầu tư (rủi ro do việc tập trung vào một công cụ nợ cụ thể hoặc đầu tư tập trung vào một đối tượng cụ thể,…); rủi ro hoạt động (lỗi giao dịch, rủi ro do vi phạm pháp lý, rủi ro do thiên tai, tính liên tục của nghiệp vụ, rủi ro do an ninh,…). Ở Việt Nam còn nhiều rủi ro gắn với nợ bảo lãnh và nghĩa vụ tiềm tàng của Chính phủ.
tiêu quản lý ngân quỹ, quản lý nợ với chính sách quản lý rủi ro (bao gồm cả việc xác định và quản lý các nguồn rủi ro khác nhau). Trong đó, xác định rõ các hạn mức; các thủ tục quan trọng; các quy tắc xử lý mâu thuẫn; các loại báo cáo; quy trình kiểm tra, kiểm toán,…. cần phải tuân thủ để quản lý và kiểm soát rủi ro.
KBNN là cơ quan thực hiện nghiệp vụ quản lý ngân quỹ và quản lý nợ, tham gia vào quá trình quản lý rủi ro thông qua việc áp dụng và tuân thủ các hạn mức, quy trình; phân tích danh mục đầu tư ngân quỹ và nợ trái phiếu; phân tích, so sánh giữa chi phí khi phát hành nợ hoặc lợi nhuận thu được khi đầu tư ngân quỹ với mức độ rủi ro dự kiến; phân tích độ nhạy cảm của lãi suất, tính thanh khoản khi đầu tư ngân quỹ,…Trên cơ sở đó, phối hợp cùng các đơn vị có liên quan xác định chính sách và giải pháp phát hành hoặc đầu tư ngân quỹ ít rủi ro nhất.
3.2.5. Gắn kết quản lý ngân quỹ với quản lý nợ
Chức năng quản lý ngân quỹ, quản lý nợ luôn gắn liền với chức năng quản lý quỹ NSNN và các quỹ tài chính nhà nước. Thông qua việc hình thành gắn kết quản lý nợ và ngân quỹ sẽ giúp cho việc tổng hợp các luồng thông tin về chấp hành ngân sách; giao dịch về đầu tư ngân quỹ; giao dịch nợ (phát hành nợ; trả nợ gốc; mua lại nợ; chi trả lãi); giao dịch mua bán các tài sản tài chính được tập trung, thống nhất. Qua đó, giúp cho việc dự báo sự biến động của các luồng tiền vào, ra được chính xác; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc ra các quyết định vay nợ (xác định vay trong nước hay vay ngoài nước; loại tiền tệ sẽ vay; kỳ hạn vay; công cụ tiến hành vay nợ,…) hoặc đầu tư ngân quỹ (danh mục đầu tư; kỳ hạn đầu tư, loại tiền đầu tư,…).
Tuy nhiên, việc vay nợ của NSNN từ trước tới nay thường chỉ quan tâm đến việc bù đắp thiếu hụt ngân sách mà chưa quan tâm đến việc liên kết với quản lý ngân quỹ. Do vậy, tại nhiều thời điểm tồn ngân quỹ lớn, song ngân
sách vẫn phải đi vay thông qua phát hành trái phiếu và phải trả các khoản lãi trái phiếu dài hạn cho đến ngày đáo hạn. Điều này làm cho chi phí vay nợ cao, thị trường trái phiếu Chính phủ kém phát triển và hiệu quả vay nợ thấp. Vì vậy, cần phải định ra mục tiêu của quản lý nợ là đảm bảo các nhu cầu tài chính của NSNN và đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán với chi phí thấp nhất trong trung và dài hạn với mức rủi ro cho phép. Với mục tiêu quản lý nợ như trên sẽ gắn quản lý nợ với khuôn khổ tài khoá trung hạn cũng như kế hoạch ngân sách hàng năm. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý ngân quỹ xây dựng mục tiêu quản lý nợ, kế hoạch huy động và hoạt động tái cơ cấu quản lý nợ.
Để thực hiện mục tiêu trên, cần phải đẩy mạnh cải cách công tác phát hành trái phiếu Chính phủ theo hướng chuẩn hoá để giao dịch trên thị trường, xây dựng và thúc đẩy thị trường trái phiếu Chính phủ làm tăng tính thanh khoản của trái phiếu; các trái phiếu chính phủ có thể mua lại được. Qua đó, cho phép KBNN sử dụng ngân quỹ một cách linh hoạt để mua hoặc bán lại trái phiếu Chính phủ đã phát hành với các mục đích:
(1) Giảm dư nợ trái phiếu Chính phủ thông qua việc dùng ngân quỹ để mua lại trái phiếu Chính phủ đã phát hành, từ đó làm giảm chi phí trả lãi tiền vay.
(2) Cơ cấu lại nợ thông qua việc sử dụng ngân quỹ để mua lại trái phiếu Chính phủ đã phát hành và phát hành đợt mới với ngày đáo hạn mới. Việc cơ cấu lại nợ một mặt giúp giảm chi phí trả lãi; mặt khác, phân tán gánh nặng trả nợ gốc, lãi trái phiếu Chính phủ vào cùng một thời điểm cụ thể.
(3) Thúc đẩy thị trường trái phiếu hoạt động và hình thành lãi suất chuẩn trái phiếu Chính phủ trên thị trường.
Theo kinh nghiệm của các nước đã tiến hành cải cách quản lý ngân quỹ, thì thông qua việc cơ cấu và mua lại nợ, hàng năm NSNN sẽ giảm được khoảng từ 8 - 10% chi phí trả lãi vay nợ (nếu Việt nam giảm được 5% chi phí lãi vay trái phiếu thì với số dư nợ đến năm 2010, mỗi năm tiết kiệm được
khoảng 800 - 1.000 tỷ đồng).
3.2.6. Từng bước thực hiện đầu tư ngân quỹ hoặc vay ngắn hạn
Căn cứ dữ liệu thu thập được từ TSA và hệ thống dự báo dòng tiền, KBNN từng bước thực hiện đầu tư ngân quỹ trong trường hợp có ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi hoặc vay ngắn hạn để đảm bảo khả năng thanh khoản trong trường hợp thiếu hụt ngân quỹ, đảm bảo số dư ngân quỹ trên tài khoản TSA đến cuối ngày phải được giữ ở mức cho phép. Trong đó:
Đầu tư ngân quỹ phải đảm bảo nguyên tắc quan trọng nhất là an toàn và hiệu quả. Lĩnh vực đầu tư có thể bao gồm cho vay ngắn hạn, đầu tư qua đêm liên ngân hàng trên thị trường tiền tệ, hoặc sử dụng một số hình thức đầu tư khác như gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại; sử dụng ngân quỹ để mua lại nợ; sử dụng công cụ tài khoản đầu tư tự động, đầu tư vào trái phiếu Chính phủ của các nước,…
Vay bù đắp thiếu hụt thanh khoản phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các khoản vay có lãi suất thấp, số lượng và kỳ hạn vay phù hợp với nhu cầu huy động ngân quỹ để đảm bảo khả năng thanh khoản; hạn mức vay cần được quy định rõ. Nguồn vay bù đắp là phát hành tín phiếu kho bạc, vay qua đêm.