Sử dụng ngân quỹ qua KBNN

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 57)

2.2.5.1. Sử dụng cho các nhu cầu thanh toán, chi trả và các nghiệp vụ đảm bảo thanh toán

Trong những năm qua, ngân quỹ KBNN chủ yếu được sử dụng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của các đơn vị mở tài khoản tiền gửi tại KBNN gồm NSNN, quỹ dự trữ tài chính, đơn vị mở tài khoản tiền gửi khác như cơ quan thuế, hải quan, Bảo hiểm xã hội,... Nguồn vốn KBNN sử dụng để đảm bảo thanh toán chiếm một tỷ lệ lớn trong tổng ngân quỹ qua KBNN, từ 85 đến 90% tổng ngân quỹ qua KBNN.

Để hoạt động thanh toán diễn ra thuận lợi thì KBNN đã sử dụng một lượng ngân quỹ nhất định đảm bảo cho các nghiệp vụ thanh toán. Cụ thể như sau:

- Đối với hình thức thanh toán bằng tiền mặt và ngân phiếu: Để các đơn vị giao dịch đến KBNN có tiền rút chi ngay được đòi hỏi tại mỗi đơn vị KBNN phải dự trữ một lượng tiền mặt, ngân phiếu nhất định tại quỹ. Lượng tiền mặt này nhiều hay ít tuỳ thuộc vào khối lượng giao dịch và tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt của các chủ tài khoản; thời gian giao dịch rút tiền mặt giữa KBNN với ngân hàng hoặc với KBNN cấp trên, giữa KBNN với các đơn vị giao dịch; khả năng cung cấp đầy đủ, kịp thời tiền mặt theo kế hoạch của ngân hàng; số lượng cán bộ kiểm ngân của KBNN,... Theo thống kê cho thấy, trong những năm qua để đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chi trả bằng tiền mặt, ngân phiếu của các đơn vị giao dịch thì các đơn vị trong hệ thống KBNN thường xuyên phải dự trữ một lượng tiền mặt từ 700 tỷ đồng đến 800 tỷ đồng.

- Đối với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như thanh toán bằng séc, uỷ nhiệm chi, thanh toán bù trừ (trong và ngoài hệ thống): Để KBNN luôn đảm bảo thanh toán kịp thời, đầy đủ các các đơn vị giao dịch khi có yêu cầu đòi hỏi mỗi một đơn vị KBNN cũng phải có một số dư nhất định trên tài khoản tiền gửi tại ngân hàng. Số dư tối thiểu này sẽ phụ thuộc vào khối lượng khối lượng giao dịch; thời gian luân chuyển chứng từ giữa KBNN với ngân hàng, giữa KBNN với khách hàng; tốc độ thu, chi trong kỳ,... Theo số liệu thống kê trong những năm gần đây cho thấy, lượng tiền gửi dự trữ của KBNN tại ngân hàng để đảm bảo cho các nghiệp vụ thanh toán giao động ở mức từ 60.000 tỷ đồng đến 70.000 tỷ đồng.

2.2.5.2. Sử dụng cho các nhu cầu khác:

Nếu xét trên khía cạnh tổng thể thì vốn của KBNN chỉ đủ để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nêu trên. Song có những thời điểm nảy sinh nguồn vốn

tạm thời nhàn rỗi KBNN tạm thời chưa cần sử dụng cho mục đích kể trên. Do có sự tách rời tương đối giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng ngân quỹ qua KBNN, nên mặc dù KBNN không có quyền sở hữu song lại có quyền sử dụng đối với số ngân quỹ qua KBNN. Chính vì vậy, lượng vốn tạm thời nhàn rỗi nói trên có thể được KBNN đem sử dụng cho mục đích khác ngoài mục đích nêu trên. Theo cơ chế hiện hành, KBNN có thể sử dụng lượng vốn tạm thời nhàn rỗi này cho các mục đích sau:

- Tạm ứng cho NSNN các cấp: Ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi KBNN phát sinh chủ yếu do cơ chế quản lý, cấp phát NSNN. Theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của hệ thống KBNN trực thuộc Bộ Tài chính thì KBNN được sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi KBNN để hỗ trợ cho NSNN đáp ứng các nhu cầu chi cấp bách trong khi chưa tập trung kịp nguồn thu.

- Mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại quốc doanh: Bên cạnh việc hỗ trợ cho NSNN, lượng vốn tạm thời nhàn rỗi KBNN có thể được sử dụng để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng theo tinh thần Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 26/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên cho đến nay việc sử dụng vốn nhàn rỗi cho mục đích này còn chưa được thực hiện.

- Tạm ứng cho các đối tượng khác: Việc sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi của KBNN cho một số đơn vị, ngoài hai đối tượng nêu trên, chỉ được thực hiện trong một phạm vi rất hẹp với những điều kiện nhất định như tạm ứng cho Ngân hàng Phát triển Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chính sách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 57)