Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý ngân quỹ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 74)

Đổi mới quản lý ngân quỹ là một nội dung lớn và quan trọng trong hoạt động của hệ thống KBNN và trong nội dung thực hiện dự án TABMIS. Từ trước đến nay, do chưa có đủ cơ sở pháp lý cần thiết, đặc biệt là chưa có quy định cụ thể cho việc đầu tư vào các công cụ tài chính, nên quản lý ngân quỹ qua KBNN mới chỉ chú trọng đến mục tiêu quản lý an toàn, chứ chưa quan tâm đến mục tiêu quản lý hiệu quả cũng như đánh giá đúng tầm quan trọng của hoạt động này. Vì vậy, để đổi mới và quản lý ngân quỹ có hiệu quả cần thiết phải xây dựng được khung pháp lý cao quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các đơn vị có liên quan trong việc quản lý ngân quỹ qua KBNN.

Tuy quản lý ngân quỹ có mối quan hệ mật thiết với quản lý ngân sách, quản lý nợ, song nó lại độc lập tương đối với quản lý ngân sách, quản lý nợ; đồng thời, mặc dù Việt Nam đã có Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công song các Luật này lại chưa đề cập đến các vấn đề về quản lý ngân quỹ. Vì vậy, bên cạnh Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công thì cũng cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Quản lý ngân quỹ. Theo kinh nghiệm của một số nước đã triển khai quản lý ngân quỹ có hiệu quả, bên cạnh Luật Ngân sách các nước đều đã ban hành Luật Quản lý ngân quỹ (hoặc lồng ghép trong Luật Ngân sách các vấn đề về quản lý ngân quỹ) để buộc các cấp, các ngành, các đơn vị, cá nhân phải tuân thủ.

Các quy định cần thiết trong Luật Quản lý ngân quỹ:

(1) Quy định chung, bao gồm những vấn đề chung như đối tượng, phạm vi tác động của Luật; mục tiêu của quản lý ngân quỹ; nguyên tắc quản lý ngân quỹ, trong đó cho phép KBNN được thực hiện một số nghiệp vụ theo sự uỷ nhiệm của Bộ Tài chính như: quản lý tài khoản, dự báo dòng tiền, đầu tư ngân quỹ, ...

(2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành và cơ quan nhà nước ở trung ương, địa phương trong quản lý ngân quỹ.

(3) Giải quyết các mối quan hệ trong quản lý ngân quỹ, bao gồm:

- Quản lý ngân quỹ với việc thực thi chính sách tiền tệ, bao gồm: quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý ngân quỹ trong việc cung cấp thông tin về tình hình thu, chi của NSNN; trách nhiệm của ngân hàng về cung cấp những thông tin liên quan đến sự biến động số dư tài khoản TSA của cơ quan quản lý ngân quỹ tại Ngân hàng Nhà nước; các công cụ và thời điểm can thiệp vào thị trường của cơ quan quản lý ngân quỹ,...

- Quản lý ngân quỹ với quản lý nợ và phát triển thị trường tài chính, bao gồm: quy định về hợp nhất chức năng quản lý nợ với quản lý ngân quỹ; sử dụng ngân quỹ để mua lại nợ, đảo nợ và tái cơ cấu nợ; sử dụng các công cụ vay nợ để đảm bảo sự phù hợp về thời điểm các luồng tiền vào, ra; phát hành nợ của Chính phủ phải luôn được đặt trong mối quan hệ với lượng ngân quỹ tồn dư (không phát hành nợ khi tồn dư ngân quỹ cao),...

- Quản lý ngân quỹ với quản lý ngân sách, bao gồm: quy định về kiểm soát cam kết chi, dự báo thu, chi và cân đối ngân sách,... phục vụ cho việc dự báo dòng tiền và quản lý ngân quỹ; quy định về kiểm soát, kiểm toán nội bộ nhằm tối thiểu hóa số dư nhàn rỗi được nắm giữ bởi các đơn vị sử dụng ngân sách, ...

(4) Quy định về dự báo dòng tiền, bao gồm các quy định: trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống dự báo dòng tiền tại các cơ quan (Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính); điều kiện hoạt động của hệ thống (tuân thủ thời gian truyền tin; độ chính xác của thông tin dự báo,…); các biện pháp xử lý trong trường hợp khẩn cấp; quản lý, theo dõi hoạt động của hệ thống,...

(5) Quy định về thiết lập tài khoản thanh toán tập trung (TSA), bao gồm: - Cơ cấu tài khoản TSA tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại; nguyên tắc hoạt động của tài khoản TSA; trao đổi thông tin liên quan đến thu, chi trên tài khoản TSA, …

- Quản lý và sử dụng tài khoản thanh toán của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại và các chi nhánh của ngân hàng.

- Cơ chế trao đổi, đối chiếu thông tin trên tài khoản thanh toán;

- Lãi suất và phí dịch vụ quản lý ngân quỹ nhà nước (phí mở tài khoản; phí duy trì tài khoản; phí giao dịch ngân hàng được hưởng trong quá trình phục vụ Bộ Tài chính); đền bù thiệt hại tài chính.

(6) Quy định về quản lý và đầu tư ngân quỹ, bao gồm:

- Lĩnh vực đầu tư ngân quỹ: Luật cần quy định rõ các lĩnh vực được phép đầu tư ngân quỹ (danh mục đầu tư), đảm bảo rủi ro trong quá trình đầu tư ngân quỹ ở mức thấp nhất - gần như bằng không như: cho vay ngắn hạn đối với ngân sách trung ương và địa phương; đầu tư qua đêm hoặc đầu tư kỳ hạn trên thị trường tiền tệ.

- Nguyên tắc đầu tư ngân quỹ; trong đó, quy định rõ phải thu được lợi nhuận tối đa và trong điều kiện an toàn nhất; xác định trật tự ưu tiên trong đầu tư ngân quỹ; tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý rủi ro; mức độ và thời điểm đầu tư được điều chỉnh linh hoạt phù hợp với thị trường; thời hạn đầu tư phù hợp với khả năng ngân quỹ và thời hạn đầu tư tối đa.

- Xử lý các khoản thiếu hụt ngân quỹ tạm thời thông qua phát hành nợ; trong đó, quy định rõ nguyên tắc vay bù đắp thiếu hụt tạm thời ngân quỹ (như ưu tiên các khoản cho vay có lãi suất thấp; thời điểm, số lượng, thời hạn và kỳ hạn vay bù đắp thiếu hụt tạm thời ngân quỹ nhà nước phù hợp với số lượng và thời điểm ngân quỹ bị thiếu; hạn mức vay bù đắp thiếu hụt tạm thời ngân quỹ).

- Quy trình đầu tư ngân quỹ hoặc vay bù đắp thiếu hụt tạm thời; lãi tiền gửi hoặc các quỹ tại KBNN; ủy thác quản lý ngân quỹ,…

- Nguyên tắc và nội dung quản lý rủi ro trong quản lý ngân quỹ.

(7) Kế toán, kiểm toán trong việc quản lý và đầu tư ngân quỹ, bao gồm: kế toán và báo cáo tài chính; kiểm toán nội bộ KBNN;

(8) Kiểm tra, thanh tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w