Tạo môi trường thuận lợi cho quản lý, đầu tư ngân quỹ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 86)

Để công tác dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ hoặc đi vay bù đắp thiếu hụt ngân quỹ hay quản lý rủi ro được hiệu quả, cần thiết có môi trường thuận

lợi cho các luồng vốn lưu chuyển trong xã hội, có sự phối hợp chặt chẽ giữa KBNN với hệ thống ngân hàng, sự kết hợp nhịp nhàng giữa quản lý ngân quỹ và quản lý nợ, sự phát triển của thị trường tài chính và chính sách cân đối ngân sách.

3.3.2.1. Sự phối hợp giữa KBNN và hệ thống ngân hàng

Việc quản lý và sử dụng số dư ngân quỹ thông qua việc thực hiện các giao dịch đi vay và cho vay trong ngắn hạn được thực hiện trên thị trường tiền tệ. Do đó, giữa KBNN và Ngân hàng phải có sự phối kết hợp chặt chẽ. Cụ thể như sau:

- KBNN phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tình hình thu, chi ngân quỹ trong ngắn hạn cũng như dài hạn tới Ngân hàng trung ương. Điều này là thực sự cần thiết khi Ngân hàng trung ương có trách nhiệm làm giảm bớt những ảnh hưởng từ các giao dịch thu, chi của KBNN đến khả năng thanh toán của ngành ngân hàng.

- Với tư cách là ngân hàng của KBNN, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến sự biến động trong tài khoản của KBNN.

- Lãi suất số dư tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước cần được trả lãi như các chủ thể khác gửi tiền tại Ngân hàng.

- Khi KBNN hay cơ quan quản lý nợ can thiệp vào thị trường tiền tệ, thì phải có sự nhất trí với Ngân hàng trung ương về các công cụ, thời điểm can thiệp và phải tiến hành rất thận trọng để tránh làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương.

Để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa KBNN và Ngân hàng, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phối hợp nhịp nhàng với Bộ Tài chính (KBNN) trong việc cung cấp kịp thời thông tin về tài khoản TSA và những

biến động của tài khoản này, thống nhất biện pháp, công cụ mà KBNN sử dụng để hiệu chỉnh luồng tiền vì biện pháp này sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ, ...

3.3.2.2. Kết hợp quản lý ngân quỹ với quản lý nợ

Quản lý ngân quỹ có mối quan hệ mật thiết với quản lý nợ. Để đảm bảo khả năng thanh toán ngân quỹ qua KBNN đòi hỏi các chức năng quản lý nợ và quản lý ngân quỹ phải được hợp nhất tại một cơ quan hoặc giữa hai cơ quan này phải có sự phối kết hợp chặt chẽ. Việc hợp nhất hai chức năng này sẽ có lợi ích sau:

- Chiến lược đảm bảo an toàn nợ sẽ được kết hợp với toàn bộ các công cụ của công tác quản lý ngân quỹ. Chiến lược đảm bảo an toàn nợ bao gồm các nội dung: Đảo nợ (đảm bảo rằng các nhà quản lý ngân quỹ và quản lý nợ đã dự kiến được đầy đủ lợi nhuận và những rủi ro liên quan trong tất cả các phương án); sự phát triển của thị trường tài chính và những thành phần tham gia thị trường; cải thiện tính minh bạch của thị trường,...

- Các quyết định đảm bảo an toàn nợ được đặt trong bối cảnh có sự luân chuyển ngân quỹ qua KBNN. Xác định thời điểm đảm bảo an toàn nợ cần tính đến tình hình luân chuyển ngân quỹ của cả năm.

- Thực hiện phát hành trái phiếu theo kế hoạch đã được thông báo trước, đảm bảo với nhiều lợi ích về tính minh bạch và sự chắc chắn. Lợi ích này sẽ có giá trị trong việc giải quyết những cú sốc kinh tế hoặc những thay đổi bất ngờ về chính sách ngân quỹ qua KBNN.

Để đảm bảo điều kiện này, đề tài đề xuất kiến nghị với Chính phủ phê duyệt mô hình cơ quan quản lý ngân quỹ và quản lý nợ chuyên nghiệp thuộc Bộ Tài chính (pháp lý hoá trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính). Trước mắt, khi chưa có Luật quản lý ngân quỹ, cho phép Bộ Tài chính (KBNN) được thực hiện Đề án kết hợp quản lý

ngân quỹ với quản lý nợ thông qua hình thức mua lại trái phiếu Chính phủ trước hạn. Việc triển khai Đề án này, cho phép được dùng thặng dư của ngân quỹ mua lại nợ của Chính phủ, giúp Chính phủ cơ cấu lại nợ, giảm dư nợ, giảm chi phí trả lãi nợ cho NSNN; giúp quản lý ngân quỹ hiệu quả hơn.

Trên cơ sở phê duyệt của Chính phủ, Bộ Tài chính cần xúc tiến sớm việc nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý ngân quỹ, quản lý nợ chuyên nghiệp trên cơ sở phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan này. Thành lập và triển khai ngay mô hình này khi được Chính phủ phê duyệt.

3.3.2.3. Chính sách phát triển thị trường tài chính:

- Đối với thị trường chứng khoán: Sự phát triển của thị trường chứng khoán vừa là kết quả vừa thúc đẩy việc cải cách tài chính. Lãi suất trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc cung cấp một mốc chuẩn cho việc định giá các tài sản tài chính khác; đồng thời, những chứng khoán này cũng thúc đẩy sự phát triển có chiều sâu và tăng tính thanh khoản của thị trường tiền tệ. Việc tăng cường tính thanh khoản không chỉ giúp giảm lãi suất đối với các khoản vay nợ, mà còn làm giảm ảnh hưởng từ những tác động đột ngột trong và ngoài nước đối với nền kinh tế, thông qua việc cung cấp cho người đi vay khả năng tiếp cận được với các nguồn vốn trong nước trên thị trường tiền tệ. Qua đó, cũng giúp giảm được các rủi ro về lãi suất, rủi ro ngoại tệ và các rủi ro tài chính khác.

- Đối với thị trường tiền tệ: Có thể nói thị trường tiền tệ là trung tâm của việc thực hiện quản lý ngân quỹ và chính sách tiền tệ; nó thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu thứ cấp bằng việc giảm rủi ro thanh khoản liên quan đến trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Trong sự phát triển của thị trường tiền tệ, tín phiếu kho bạc có vai trò đặc biệt quan trọng. Tín phiếu Kho bạc được sử dụng làm vật ký quỹ trong hệ thống thanh toán và tạo thuận lợi

cho hệ thống ngân hàng tiếp cận được với một loại tài sản tài chính dễ dàng chuyển đổi và không có rủi ro. Tỷ lệ chiết khấu tín phiếu kho bạc thiết lập nên mốc chuẩn lãi suất cho thị trường nợ ngắn hạn. Tín phiếu kho bạc dễ giao dịch và có rủi ro thanh toán, rủi ro hoạt động thấp hơn repo; cung cấp cho những nhà đầu tư ngoài ngân hàng, những người có nhu cầu về các loại tài sản đầu tư ngắn hạn và không có rủi ro.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thị trường tài chính, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện đảm bảo môi trường tài chính, tiền tệ thuận lợi với chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt, phương tiện và dịch vụ thanh toán phong phú, đa dạng, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, khả năng thanh toán của các chủ thể trong xã hội, trong đó có hoạt động nghiệp vụ ngân quỹ của KBNN.

3.3.2.4. Chính sách cân đối ngân sách với công tác quản lý rủi ro

Những vấn đề trong cân đối thu, chi ngân sách có thể không ảnh hưởng nhiều đến quản lý ngân quỹ, nhưng phải đảm bảo sự hợp lý. Bởi lẽ, quản lý ngân quỹ liên quan đến việc xác định rủi ro cân đối ngân sách và tìm nguồn dự phòng tự nhiên hoặc thu xếp dự phòng để giảm thiểu rủi ro loại này.

Khả năng thanh toán bằng tiền mặt và tiền gửi tại ngân hàng phải luôn đảm bảo giải quyết được những thay đổi trong thu, chi qua KBNN nên khi có các khoản ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi thì nên đầu tư vào chứng khoán ngắn hạn hoặc tiền gửi ngắn hạn.

Để đảm bảo nguồn vốn cho công tác quản lý ngân quỹ, đề tài đề xuất kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành thực hiện cân đối ngân sách, kiểm soát số dư ngân quỹ tại đơn vị, phối hợp với Bộ Tài chính trong việc cung cấp thông tin về thu, chi NSNN, ...

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: Đổi mới công tác quản lý ngân quỹ qua Kho bạc Nhà nước trong điều kiện triển khai Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) (Trang 86)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(100 trang)
w