Sáng tạo không đoạn tuyệt với quá khứ, với kinh nghiệm và tri thức mà con người tiếp thu được trong quá trình hoạt động. Vì vậy trí nhớ có vai trò rất quan trọng đối với sáng tạo. Nhờ có trí nhớ mà con người có thể tích luỹ được kiến thức, kinh nghiệm của loài người tạo thành vốn hiểu biết, kinh nghiệm của cá nhân. Những kết quả này của trí nhớ tham gia đắc lực vào quá trình
sáng tạo. Nhờ đó, cá nhân mới tổng hợp, liên tưởng, xâu chuỗi, sàng lọc các ý tưởng để có thể tìm ra cái mới.
Ngoài ra, trí nhớ còn là cơ sở hạn định giữa vấn đề mà con người đã biết với vấn đề mà con người chưa biết, chưa tồn tại trong kinh nghiệm của bản thân. Từ đó trí nhớ cũng góp phần không nhỏ trong việc định hướng quá trình hoạt động sáng tạo của cá nhân. Như vậy, trí nhớ dài hạn giúp cho con người tránh được sự trùng lặp vô ích trong hoạt động sáng tạo còn trí nhớ ngắn hạn giúp cho con người huy động nhanh chóng, kịp thời những tri thức kinh nghiệm cần thiết phục vụ cho hoạt động sáng tạo.
Bên cạnh đó, nhờ có trí nhớ mà con người có thể dùng vốn tri thức, kinh nghiệm với tư cách là sản phẩm của trí nhớ để đánh giá tính mới lạ, độc đáo, hữu dụng của sản phẩm sáng tạo dựa trên cơ sở so sánh với vốn tri thức, kinh nghiệm mà con người đang sở hữu.
Có thể nói, trí nhớ tham gia vào nhiều giai đoạn của quá trình sáng tạo. Ở giai đoạn đầu, trí nhớ có tác dụng định hướng hoạt động sáng tạo của cá nhân. Ở giai đoạn tiếp theo, trí nhớ có vai trò cung cấp nguồn tri thức, kinh nghiệm, thông tin quan trọng, làm nền tảng của hoạt động sáng tạo. Giai đoạn cuối, trí nhớ tham gia vào việc đánh giá chất lượng của sản phẩm sáng tạo. 1.5.3. Mối quan hệ giữa ưởng tượng và sáng tạo
Mối quan hệ giữa sáng tạo và tưởng tượng được Vưgotxki bàn rất kỹ trong tác phẩm Trí tưởng tượng và sáng tạo của lứa tuổi thiếu nhi. Trong tác phẩm này, Vưgotxki viết: “Bộ não không chỉ là cơ quan giữ lại và tái hiện lại kinh nghiệm cũ của chúng ta, nó còn là cơ quan, phối hợp, chỉnh lý một cách sáng tạo và xây dựng nên những tình thế mới và hành vi mới bằng những yếu
tố của kinh nghiệm cũ đó” và năng lực phối hợp của bộ não như vậy được ông
gọi là tưởng tượng [33;tr.7]. Đồng thời Vưgotxki cũng khẳng định rằng trí tưởng tượng là cơ sở của bất hoạt động sáng tạo nào.
Theo tác giả P. A.Ruđich thì “Tưởng tượng là một hoạt động có ý thức, trong quá trình tưởng tượng con người xây dựng những biểu tượng mới mà
trước đây chưa bao giờ có, bằng cách dựa vào những hình ảnh qua cuộc sống đã được giữ lại trong ký ức của người ta và được cải tạo biến đổi thành một
biểu tượng mới” [20;tr.195].
Như vậy, biểu tượng của tưởng tượng là kết quả của sự phối hợp, cải biến những tri thức của cá nhân nhằm tạo ra biểu tượng mới độc đáo, hiếm lạ. Chính vì thế biểu tượng của tưởng tượng đã bao hàm sự sáng tạo.
Giống như sáng tạo, tưởng tượng cũng liên hệ mật thiết với hiện thực. Ngay cả những biểu tượng mang tính hoang đường nhất thì cũng được tạo dựng nên từ hiện thực. Ngoài ra, tưởng tượng và sáng tạo còn có điểm giống nhau là đều có sự tham gia mạnh mẽ của yếu tố cảm xúc.
Như vậy, có thể xem trí tưởng tượng là thành phần quan trọng không thể thiếu trong hoạt động sáng tạo của con người. Thực chất tưởng tượng cũng là một quá trình tạo ra cái mới nhưng cái mới ở đây được xét trên khía cạnh biểu tượng. Biểu tượng của tưởng tượng tham gia, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động sáng tạo của cá nhân. Khi gặp những vấn đề có tính bất cập lớn mà với kinh nghiệm, tri thức hiện có, con người không thể tìm ra được giải pháp thì tưởng tưởng xuất hiện tạo ra những biểu tượng mới làm cơ sở để con người tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Tưởng tượng cung cấp nguồn thông tin, kiến thức mới, cụ thể ở đây là biểu tưởng với tư cách là nguồn vật liệu thô của quá trình sáng tạo, tưởng tượng nằm trong sáng tạo. Ngoài ra, tưởng tượng còn có vai trò giúp cho chủ thể sáng tạo hình dung ra sản phẩm cuối cùng. Do vậy, tưởng tượng cũng góp phần định hướng cho hoạt động sáng tạo của cá nhân. 1.6. Môi trường và sáng tạo
Hoạt động sáng tạo không phải là hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào những yếu tố, điều kiện bên trong của chủ thể sáng tạo như tri thức, kinh nghiệm, năng lực, cảm xúc… mà còn xuất phát từ những điều kiện bên ngoài, từ môi trường mà cá nhân đó sống. L.X.Vưgotxki nói: “Bất cứ một nhà phát minh nào, ngay cả thiên tài, bao giờ cũng là cái cây mọc lên trong thời đại và trong môi trường của mình. Sáng tạo của người đó xuất phát từ những nhu
cầu đã có từ trước anh ta, và dựa trên những điều kiện cũng lại tồn tại ở ngoài anh ta” [33;tr.39].
Triết học macxit đã khẳng định rằng sáng tạo luôn bắt nguồn từ những điều kiện lịch sử nhất định. Các nhà triết học macxit cũng kết luận rằng một trong những điều kiện thiết yếu để phát triển khoa học và nghệ thuật là sự tự do thể hiện tư tưởng vì tiến bộ của con người và xã hội loài người. Bất cứ một xã hội nào có mục tiêu phát triển nhân tính thì sẽ tạo điều kiện phá vỡ những định kiến, quan niệm cũ để khám phá, sáng tạo cái mới. Đúng như Phơ bach quan niệm ở đâu không có đất để bộc tài năng thì ở đó không có tài năng. Như vậy, yếu tố môi trường xã hội sẽ đặt ra những mục tiêu có tác dụng định hướng hoạt động sáng tạo của cá nhân. Đồng thời, môi trường xã hội cũng cung cấp những điều kiện vật chất cụ thể phục vụ cho hoạt động sáng tạo của cá nhân, tạo ra một trạng thái tâm lý nhất định góp phần thúc đẩy hay kìm hãm sự sáng tạo của cá nhân.
Bên cạnh yếu tố môi trường xã hội thì sự giáo dục của gia đình, nhà trường cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển khả năng sáng tạo của cá nhân. Công trình nghiên cứu ở trường đại học Chicagô ở Mỹ đã kết luận rằng khả năng sáng tạo được phát triển một cách tốt đẹp trong các gia đình biết động viên con em học tập và có bố mẹ là chỗ dựa tinh thần cho con cái. Nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Mỹ Getzels và Jacson cũng khẳng định gia đình của học sinh trung học phổ thông có tính sáng tạo cao thường là loại gia đình có bầu không khí dân chủ, khoáng đạt, hỗ trợ và khuyến khích tư duy phân kỳ và hành động phân kỳ, chấp nhận rủi ro trong cách sống của con em mình.
Như vậy, cách giáo dục của gia đình và bầu không khí gia đình là hai yếu tố quan trọng trong việc hình thành năng lực sáng tạo của cá nhân. Bàn về ảnh hưởng của yếu tố giáo dục của nhà trường đến sáng tạo của cá nhân, các nhà tâm lý học hiện đại chỉ ra rằng có thể phát triển khả năng sáng tạo của mỗi học sinh và mỗi môn học đều có khả năng riêng trong việc phát triển tư duy sáng tạo của học sinh nếu có sự tác động phù hợp của nhà sư phạm.
Có thể khẳng định rằng yếu tố giáo dục của gia đình và nhà trường là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bồi dưỡng, hình thành và phát triển khả năng sáng tạo của cá nhân. Vì vậy gia đình và nhà trường cần phối hợp và tạo điều kiện tốt nhất về vật chất cũng như tinh thần để góp phần hình thành và phát triển năng lực sáng tạo ở học sinh. Vì theo C. Mác mục tiêu cao đẹp nhất mà giáo dục hướng tới là sự sáng tạo và tự do. Đồng thời yếu tố môi trường xã hội lớn hơn như chế độ chính trị, nền văn hoá, điều kiện vật chất của xã hội…cũng ảnh hưởng gián tiếp đến sự hình thành và phát triển khả năng sáng tạo của cá nhân thông qua sự giáo dục của gia đình và nhà trường 1.7. Đặc điểm phát triển sáng tạo của lứa tuổi sinh viên
1.7.1. Đặc điểm hoạt động học tập của sinh viên
Hoạt động học tập của sinh viên có những đặc điểm mới, khác so với hoạt động của học sinh phổ thông ở chỗ mang tính chất độc đáo về mục đích và kết quả học tập. Sinh viên học tập không những để tiếp thu tri thức khoa học, hình thành kĩ năng, kĩ xảo nghề nghiệp mà điều quan trọng hơn là phát triển những phẩm chất nhân cách của một chuyên gia tương lai.
Hoạt động học tập của sinh viên mang tính độc lập về trí tuệ cao hơn so với hoạt động học tập của học sinh phổ thông. Học sinh phổ thông lĩnh hội tri thức đã được biên soạn sao cho phù hợp với đặc điểm lứa tuổi còn sinh viên phải tự nỗ lực tiếp thu những tri thức cơ bản, hệ thống, có tính khoa học cao của một khoa học nhất định dưới sự hướng dẫn, định hướng của giảng viên.
Hoạt động học tập của sinh viên diễn ra tốc độ nhanh cũng như độ khó, phức tạp của tri thức cao đòi hỏi sự tập trung chú ý cao độ và kéo dài liên tục nên cần phải bền bỉ, kiên nhẫn.
Hoạt động học tập của sinh viên đòi hỏi tính tự giác, tự ý thức cao. Hoạt động học tập của sinh viên ít chịu sự quản lý chặt chẽ của giáo viên, của gia đình. Do vậy, họ phải ý thức sâu sắc rằng mình chính là chủ thể của hoạt động học tập và tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập và bản thân sinh viên phải là người tổ chức, định hướng và đề ra những kế hoạch học tập cụ thể cho mình.
Sinh viên không chỉ giải quyết các nhiệm vụ học tập do giảng viên giao cho mà còn phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ, kế hoạch học tập do mình xây dựng. Ngoài ra, phương tiện học tập của sinh viên phong phú đa dạng hơn so với học sinh phổ thông bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo, phòng thực hành, thí nghiệm, thư viện…Hoạt động học tập của sinh viên còn được tiến hành ngoài lớp học bao gồm tự học, tham gia nghiên cứu khoa học, học nhóm. Các hoạt động học tập này góp phần tạo ra sự hứng thú, năng động, sáng tạo của sinh viên, giúp các em có điều kiện phát huy và bộc lộ được năng lực của mình. Bên cạnh hoạt động học tập thì sinh viên còn có một số hoạt động khác như hoạt động khoa học, hoạt động rèn luyện nghiệp vụ, hoạt động xã hội…
Tóm lại, hoạt động học tập của sinh viên đòi hỏi tính tự giác, độc lập, tự chủ, năng động và sáng tạo của tư duy cũng như các phẩm chất khác của nhân cách. Hoạt động học tập của sinh viên thực sự là loại lao động trí óc căng thẳng vì mang tính chuyên ngành. Vì thế, cùng với học tập để lĩnh hội các tri thức khoa học thì sinh viên phải tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ để hình thành các kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp và những phẩm chất phù hợp với nghề nghiệp tương lai.