Đây là cơ sở để đánh giá tính sáng tạo. Tính sáng tạo có thể nhận biết được thông qua các tiêu chí sau [12;tr.192]:
- Tính phân kỳ của tư duy và hành động thể hiện ở tính linh hoạt, lưu loát, độc đáo, nhạy cảm, soạn thảo kế hoạch chi tiết, định nghĩa lại.
- Cơ sở tri thức chung và khả năng tư duy thể hiện ở chiều sâu tri thức, tư duy phê phán và tư duy đánh giá, tư duy phân tích và tư duy tổng hợp khái quát, bề rộng của tri giác.
- Cơ sở tri thức chuyên biệt và những kỹ năng chuyên biệt.
- Sự tập trung cao độ hướng vào đối tượng, hoàn cảnh, sản phẩm, tính lựa chọn nhạy bén, tính kiên định, sẵn sàng chịu đựng căng thẳng.
- Động cơ thể hiện ở nhu cầu về tính mới mẻ, tính tò mò, khao khát nhận thức và tri thức, nhu cầu giao tiếp và kiểm tra.
- Tính cởi mở trong trao đổi kinh nghiệm, sẵn sàng dấn thân chấp nhận rủi ro, có óc khôi hài.
Như vậy tiêu chí để đánh giá tính sáng tạo là rất khó khăn, phức tạp vì sáng tạo được tiếp cận trên nhiều cấp độ khác nhau từ cấp độ tư duy, năng lực cho đến cấp độ nhân cách.
1.4.3. Đánh giá kết quả của trắc nghiệm sáng tạo
Hiện nay có ba cách đánh giá kết quả trắc nghiệm sáng tạo bao gồm: - Đánh giá các kết quả trả lời đúng và tổng các kết quả trả lời đúng là kết quả của test sáng tạo. Kiểu đánh giá này chú ý đến số lượng của ý tưởng và mang tính chủ quan cao.
- Đánh giá các trả lời đúng dựa vào nhóm người đánh giá độc lập theo một chuẩn đánh giá đã được soạn thảo. Kiểu đánh giá này giảm bớt tính chủ quan khi đánh giá tính sáng tạo.
- Đánh giá kết quả trả lời đúng được xác định bởi một nhóm người. Đồng thời các trả lời đúng còn được đánh giá thêm về chất lượng.
Tuy nhiên, cách đánh giá kết quả của test sáng tạo theo kiểu thứ ba được nhiều người lựa chọn vì cách đánh giá này giảm tính chủ quan khi đánh giá và chú ý đến chất lượng của các ý tưởng, chiều sâu của sáng tạo.
1.4.4. Các loại trắc nghiệm sáng tạo
Có hai loại trắc nghiệm sáng tạo đang được sử dụng là test sáng tạo định hướng số lượng sản phẩm phân kỳ và test sáng tạo định hướng sản phẩm phân kỳ kết hợp nội dung sản phẩm. Các trắc nghiệm tiêu biểu của loại trắc nghiệm sáng thứ nhất là test tổng nghiệm của Guilford, test tư duy sáng tạo của Torrance, test VKT của Schoope. Loại trắc nghiệm sáng tạo thứ hai thì có test TSD – Z của Klaus K.Uban là điển hình. Xu hướng hiện này thường chọn loại trắc nghiệm sáng tạo mang tính định lượng và định tính vì trắc nghiệm này đánh giá khá trọn vẹn về tính sáng tạo.
Guilford cho rằng trí tuệ là một cấu trúc gồm 120 nhân tố, trong đó có 59 nhân tố thuộc về sáng tạo. Sau này ông bổ sung thêm và đưa ra mô hình cấu trúc trí tuệ bao gồm 180 nhân tố. Hiện nay, trí tuệ theo quan điểm mới của Eysenk được xem xét trên cả nhiều khía cạnh như sinh lý, tâm lý và yếu tố văn hoá, xã hội, trong mối quan hệ, tương tác với yếu tố văn hoá, xã hội. Xuất phát từ tư tưởng đó, ông đã đề xuất mô hình trí tuệ 3 tầng bậc bao gồm:
- Trí tuệ sinh học: biểu hiện mặt sinh học của năng lực trí tuệ, là một trong những nguồn gốc tạo nên sự khác biệt về trí tuệ của cá nhân.
- Trí tuệ tâm trắc còn gọi là trí tuệ lý trí: loại trí tuệ này bao gồm trí tuệ hàn lâm (trí thông minh, trí tuệ logic hay năng lực nhận thức) và trí sáng tạo.
- Trí tuệ xã hội còn gọi là trí tuệ thực tiễn, trí tuệ cảm xúc: loại trí tuệ này thể hiện rõ trong mối tương tác với người khác trong cuộc sống thực tiễn.
Như vậy, sáng tạo là một thành phần trí tuệ bậc cao trong cấu trúc trí tuệ. Sáng tạo có mối quan hệ với các thành phần khác của trí tuệ.
1.5.1. Quan hệ giữa trí thông minh và sáng tạo
Trí thông minh (trí tuệ logic) và sáng tạo đều nằm trong loại trí tuệ tâm trắc hay trí tuệ lý trí theo mô hình trí tuệ của Eysenk. Tuy nhiên về bản chất, trí thông minh và sáng tạo là khác nhau. Trí thông minh được đo bằng khả năng nhận thức, khả năng tư duy logic của cá nhân. Trong “Từ điển tiếng Việt”, trí thông minh được hiểu là có trí lực tốt, hiểu nhanh, tiếp thu nhanh. Như vậy, trí thông minh giúp cho con người nhận thức và phản ánh hiện thực một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ về thế giới xung quanh. Còn sáng tạo là một loại trí tuệ thể hiện ở khả năng nhận thức và phản ánh hiện thực một cách mới lạ, độc đáo. Ngoài ra, so với trí thông minh thì sáng tạo còn gắn với những thuộc tính tâm lý khác như ý chí, xúc cảm, động cơ mạnh mẽ hơn so với trí thông minh. Tính sáng tạo và trí thông minh có quan hệ mật thiết với nhau vì sáng tạo được hình thành trên cơ sở của trí thông minh, đồng thời, sáng tạo lại góp phần mở rộng, nâng cao trí thông minh.
Mặc dù trí thông minh và sáng tạo có quan hệ mật thiết với nhau nhưng không đồng nhất, ngang bằng nhau. Bằng nghiên cứu tư duy sáng tạo của trẻ em từ lứa tuổi mẫu giáo cho đến lứa tuổi học sinh phổ thông, Torrance đã đưa ra kết luận rằng có sự độc lập nhất định giữa sáng tạo và thông minh. Những trẻ rất sáng tạo thường cũng rất thông minh nhưng những trẻ thông minh thường rất ít sáng tạo và trong 100 người có trí thông minh cao thì có 43 người có tính sáng tạo có nghĩa trong số 100 người này thì có 43 người vừa thông minh và sáng tạo. Bên cạnh đó, Alfred W.Munzen cũng khẳng định rằng trí thông minh cần thiết cho sáng tạo bởi vì một người có khả năng sáng tạo tốt cần phải có đầy đủ thông tin, ý tưởng và những khái niệm để từ đó tạo nên cái mới. Theo ông, người có khả năng sáng tạo cao thường có chỉ số thông minh từ khoảng 120 đến 130 và những người có tài năng sáng tạo thường có chỉ số thông minh khoảng 140 đến 150.
Tóm lại, trí thông minh và sáng tạo là hai thành phần quan trọng của trí tuệ, tham gia tích cực trong mọi hoạt động của con người. Tuy nhiên trí thông minh và sáng tạo là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau ở nhiều phương diện như ở hướng tư duy, cách giải quyết vấn đề, ở sản phẩm và trong cách đo lường, đánh giá. Cơ sở của trí thông minh là tư duy hội tụ còn ở sáng tạo là tư duy phân kỳ. Người thông minh chưa hẳn là người có sáng tạo. Thậm chí trong một chừng mực nào đó trí thông minh lại cản trở việc phát triển tư duy sáng tạo bởi vì trí thông minh thường hướng tư duy theo một hướng đi vạch sẵn theo kiểu lối mòn. Tuy nhiên, không thông minh thì sẽ không có sáng tạo.