5. Bố cục của luận văn
3.2.1.1. “Đang” và ý nghĩa của thể tiếp diễn
Phương tiện từ vựng chủ yếu mà ngôn ngữ tiếng Việt sử dụng để chuyển dịch thể hoàn thành của tiếng Anh sang tiếng Việt đó là phó từ “đã”. Vậy, đối với thể tiếp diễn, tiếng Việt có những phương tiện chuyển dịch tương đương nào?
Tình huống được diễn đạt bởi thể tiếp diễn luôn được nhìn nhận từ bên trong, trong sự diễn tiến của nó. Có lẽ vì lý do này mà từ “đang” trong tiếng Việt thường được vận dụng để chuyển dịch thể tiếp diễn của tiếng Anh. Nó là phương tiện từ vựng cốt yếu đầu tiên mà người Việt nghĩ tới khi muốn chuyển dịch thể tiếp diễn trong tiếng Anh. Có những lý do nhất định để đang trong tiếng Việt được lựa chọn là phương tiện chuyển dịch tương đương với thể tiếp diễn trong tiếng Anh.
Theo “từ điển từ và ngữ Hán Việt”, đang và đương là những hình vị gốc Hán, có nghĩa là gánh lấy việc, chống lại, gặp lúc, giữa lúc [18, tr.102].
Đang có thể đóng vai trò là một động từ với nghĩa “bằng lòng làm một việc mà người có tình cảm không thể làm”. Ví dụ:
(306) Nỡ làm việc đó sao đang? [23, tr.102]
Đang có thể là phó từ khi “biểu thị sự việc, hiện tượng diễn ra chưa kết thúc trong thời điểm được xem là thời điểm mốc”. ví dụ:
(307) Trong bức màn tuyn trắng đứa bé hồng hào đang ngủ yên.
Trong hai chức năng trên của đang, rõ ràng chức năng thứ hai có điểm giống với ý nghĩa mà thể tiếp diễn của tiếng Anh thể hiện. Vậy, chắc chắn từ “đang” được sử dụng làm phương tiện chuyển đổi thể tiếp diễn trong tiếng Anh phải là phó từ chứ không thể là động từ. Với tư cách là một phó từ, đang có thể đứng trước động từ chính trong câu (như ở ví dụ trên) hoặc trước danh từ như ở các ví dụ sau:
(308)Đang công việc to này, khó khăn với nó là rách chuyện. (309)Đang mùa hội Gióng. [20, tr. 88]
(310)Đang thời con gái. [20, tr. 89] (311) Cày bừa đang buổi ban trưa
Mồ hôi thấm đất như mưa ruộng đồng. (Ca dao)
Tuy nhiên, khi đang đóng vai trò là một phương tiện chuyển dịch thể tiếp diễn của tiếng Anh, chúng tôi chỉ nghiên cứu trường hợp đang là một phó từ đứng trước vị từ.
Quan trọng hơn, đang được nhiều nhà ngôn ngữ học cho là phương tiện biểu hiện ý nghĩa thời - thể. Vì, giống như phó từ đã, đang thỏa mãn điều kiện trả lời câu hỏi đã…chưa? và có khả năng thay thế bằng các phó từ thời - thể khác. Theo Nguyễn Kim Thản, “những phó từ vừa, mới, đã, đã từng và đang là những phó từ biểu thị quá khứ hay sự hiện hữu (đã bắt đầu trong quá khứ và kéo dài tới khi nói)” [19, tr.105]. Cao Xuân Hạo cũng khẳng định, đang không phải chỉ tố của thời hiện tại mà nó dùng cho cả quá khứ lẫn tương lai. Nó không có chút liên quan nào đến thì. Ý nghĩa của nó là ý nghĩa thể; nó cho biết rằng cái sự việc hay trạng thái do vị từ làm bổ ngữ cho nó biểu thị được người nói trình bày như là một sự tình đang tiếp diễn [18, tr.105]. Còn Bùi Đức Tịnh cho rằng đang nằm trong số những phó từ chỉ thời gian đặc biệt dùng để biểu diễn các thời của động từ. Đang với tư cách là chỉ tố của thời hiện tại cũng có thể được dùng với những sự việc xảy ra trong quá khứ và tương lai [18, tr.104]. Phan Khôi cũng nhận ra rằng từ đang không hẳn chỉ hiện tại mà chỉ sự thực hữu của hiện tại, lại cũng chỉ sự thực hữu của vị lai nữa. Ví dụ:
(312) Nhưng kia lồ lộ một vì sao dậy sớm đang rơi nhấp nháy trên mặt sông. (thực hữu của hiện tại)
(313) Hôm ấy Mưa đang tưới cà chua ở vụng ao đình. (thực hữu ở quá khứ) (314) Rày về sau, khi tôi đang đọc sách thì các anh đừng có hỏi gì tôi. (thực hữu của vị lai) [23, tr.104]
Trương Văn Trình và Nguyễn Hiến Lê thì phân biệt thời tuyệt đối và thời tương đối. Theo hai ông, phó từ đang có thể được sử dụng ở thời tương đối trong các trường hợp hiện tại thuộc về quá khứ và tương lai [18, tr.104].
Bên cạnh từ “đang” còn có một số từ khác cũng được dùng để chuyển dịch thể tiếp diễn trong tiếng Anh như “sẽ”, “sắp”, “còn”, “vẫn còn”,…. Sự tương ứng về ý nghĩa thời - thể giữa các từ kể trên và thể tiếp diễn trong tiếng Anh sẽ được chúng tôi trình bày kỹ hơn ở phần sau.