5. Bố cục của luận văn
1.5. Lý thuyết dịch thuật và vấn đề dịch thể của tiếng Anh sang tiếng
Trong bài viết có nhan đề “On linguistic aspects of translation” (Bàn về những khía cạnh ngôn ngữ của dịch thuật) [11, tr.20], nhà cấu trúc luận người Mỹ gốc Nga Roman Jakobson đã mô tả ba thể loại dịch như sau:
Dịch nội ngữ: là giải nghĩa các ký hiệu ngôn ngữ bằng các ký hiệu khác cũng của chính ngôn ngữ ấy.
Dịch liên ngữ: là giải nghĩa các ký hiệu ngôn ngữ bằng một ngôn ngữ khác nào đó.
Dịch liên ký hiệu: là diễn giải các ký hiệu ngôn ngữ bằng ký hiệu của các hệ thống ký hiệu phi ngôn ngữ.
Trong đó, chỉ có dịch liên ngữ được coi là trọng tâm truyền thống của các nghiên cứu dịch thuật, mặc dù không phải là trọng tâm duy nhất. Trong quá trình dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác (dịch liên ngữ), người dịch chuyển đổi một văn bản gọi là văn bản nguồn (VBN) viết bằng một ngôn ngữ gọi là ngôn ngữ nguồn (NNN) thành một văn bản gọi là văn bản đích (VBĐ) viết bằng một ngôn ngữ khác gọi là ngôn ngữ đích (NNĐ).
Về lĩnh vực dịch liên ngữ, Peter Newmark đã định nghĩa như sau: “Dịch là một nghề nghiệp bao hàm hoạt động thay thế một thong điệp bằng chữ và/hoặc một bản tường thuật của ngôn ngữ này bằng một thông điệp và/hoặc bản tường thuật giống như thế của một ngôn ngữ khác.” [11, tr.9]
Cùng với hoạt động dịch thuật, tương đương dịch thuật (TĐDT) với tư cách là mối quan hệ tương đương giữa VBĐ và VBN (cũng như giữa các đơn vị dịch thuật của chúng) đã được các dịch giả cũng như các nhà nghiên cứu quan tâm từ lâu với những ý kiến khác nhau. Ở Việt Nam, nhiều nhà ngôn ngữ học cũng quan tâm tới vấn đề này. Trong đó phải kể tới PGS. TS Nguyễn Hồng Cổn với bài viết đáng giá “Về vấn đề tương đương trong dịch thuật” trên tạp chí Ngôn ngữ số 11/2001.
Nói đến bản chất của TĐDT, các tác giả theo quan điểm ngôn ngữ học cấu trúc nhấn mạnh trước hết đến sự thống nhất giữa tương đương về nghĩa và tương đương về hình thức, trong đó tương đương về nghĩa đóng vai trò quyết định. Theo Catford, dịch thuật thực chất là sự thay thế hình thức và chất liệu của VBĐ, mà cơ
sở của sự thay thế đó là sự tương đương về nghĩa hay chất liệu tình huống. Còn với A. Fedorov, dịch thuật phải chuyển tải được nội dung ý nghĩa của nguyên bản và sự tương đương về hình thức (nghệ thuật tu từ). Theo Newman, tương đương dịch thuật là sự trùng hợp hay tương ứng của bản dịch và nguyên bản (cũng như các đơn vị của nó) trên các đặc trưng ngữ âm/kí tự, cú pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Tương tự, Koller cho rằng TĐDT có thể được biểu hiện qua năm khía cạnh khác nhau là nghĩa biểu vật, nghĩa biểu thái, thể loại văn bản và chuẩn mực ngôn ngữ, ngữ dụng và hình thức.
Trong bài viết của mình, tác giả Nguyễn Hồng Cổn cũng đưa ra một định nghĩa như sau: “Tương đương dịch thuật là sự trùng hợp hay tương ứng trên một hoặc nhiều bình diện (ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, ngữ dụng) giữa các đơn vị dịch thuật của VBN và VBĐ với tư cách vừa là sản phẩm vừa là phương tiện của dịch thuật như một quá trình giao tiếp”. Qua định nghĩa này, tác giả muốn nhấn mạnh ba vấn đề. Thứ nhất, TĐDT là một thuộc tính khách quan, một mối quan hệ có thực tồn tại giữa VBN và VBĐ và các đơn vị của chúng. Thứ hai, TĐDT là một đại lượng động, biến thiên theo số lượng và tính chất của các bình diện tương đương được dịch. Thứ ba, TĐDT chịu sự ảnh hưởng và chi phối của nhiều nhân tố trong việc ưu tiên lựa chọn một bình diện, một khá cạnh tương đương này hay khác.
Tác giả cũng đã phân biệt bốn bình diện tương đương trong dịch thuật là:
tương đương ngữ âm, tương đương ngữ pháp, tương đương ngữ nghĩa và tương đương ngữ dụng. Tƣơng đƣơng ngữ âm là khả năng tương ứng giữa các đơn vị của VBN và VBĐ về cấu trúc âm vị, đặc trưng ngôn điệu và độ dài tuyến tính.
Tƣơng đƣơng ngữ pháp là khả năng tương đương giữa các đơn vị dịch thuật về các phương diện phạm trù từ loại của các từ, trật tự từ, cấu trúc cú pháp và kiểu câu. Ví dụ, I like cats = tôi thích mèo; he goes to work by car = anh ấy đi làm bằng ô tô. Tƣơng đƣơng ngữ nghĩa là khả năng tương đương giữa các đơn vị dịch của VBN và VBĐ về a) nghĩa sở biểu và nghĩa sở chỉ ở cấp độ từ; b) nghĩa mô tả hay nghĩa mệnh đề ở cấp độ câu. Tƣơng đƣơng ngữ dụng là sự tương ứng giữa các đơn vị dịch thuật của VBN và VBĐ về các thong tin ngữ dụng (hay còn
gọi là thông tin phi miêu tả), liên quan đến các nhân tố của tình huống giao tiếp. Ở bình diện này có các khả năng tương đương về mục đích thông báo, về giá trị thông báo hay tiêu điểm thông tin, về nghĩa tình thái, về giá trị biểu cảm và phong cách.
Xét theo sự có mặt hay vắng mặt của bốn bình diện tương đương cơ bản nêu trên, tác giả cũng có phân chia các kiểu tương đương sau:
Các tương đương hoàn toàn bao gồm hai kiểu: tương đương hoàn toàn tuyệt đối và tương đương hoàn toàn tương đối. Tương đương hoàn toàn tuyệt đối là các TĐDT tương đương với nhau trên cả bốn bình diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng. Tương đương hoàn toàn tương đối là các TĐDT giống nhau trên ba bình diện ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng.
Các tương đương bộ phận là các TĐDT chỉ tương ứng với nhau trên một hoặc hai bình diện. Chúng bao gồm bốn kiểu tương đương. Tương đương ngữ nghĩa - ngữ pháp là kiểu TĐDT mà do sự khác biệt tinh tế giữa hai ngôn ngữ người dịch không thể chuyển tải được hết các thông tin dụng học khác nhau của đơn vị dịch. Tương đương ngữ pháp - ngữ dụng là kiểu tương đương trong đó các đơn vị dịch của VBN và VBĐ chỉ tương đương nhau về ngữ pháp và ngữ dụng nhưng không tương đương về ngữ nghĩa. Tương đương ngữ nghĩa - ngữ dụng là kiểu tương đương phổ biến nhất. Ở kiểu tương đương này đơn vị gốc và đơn vị đối dịch có nghĩa biểu hiện và nghĩa ngữ dụng tương ứng với nhau nhưng giữa chúng có những khác biệt nhất định về mặt ngữ pháp. Tương đương thuần ngữ dụng là kiểu tương đương tự do nhất, trong đó các khía cạnh tương đương khác nhau về thông tin ngữ dụng hầu như độc lập với tương đương ngữ pháp và ngữ nghĩa, và nếu chúng ta cố liên kết chúng khi dịch, câu đối dịch sẽ trở nên vô nghĩa giống như “dịch từng từ”.
1.5.2. Vấn đề dịch thể của tiếng Anh sang tiếng Việt
Tiếng Anh và tiếng Việt thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác nhau. Tiếng Anh là một ngôn ngữ biến hình, còn tiếng Việt thì không. Điều này tác động lớn đến cách nhìn nhận khái niệm “thể” trong hai ngôn ngữ. Chắc chắn chúng không thể giống nhau. Thể trong tiếng Anh là một phạm trù ngữ pháp độc lập giống như các
phạm trù khác như phạm trù thời, tình thái, thức, dạng, v.v… Thể trong tiếng Anh gắn liền với động từ và được thể hiện qua sự biến đổi về hình thức của cấu trúc động từ. Đối với tiếng Việt thì khác, mặc dù trong giới nghiên cứu Việt ngữ học có những ý kiến công nhận và phủ nhận sự tồn tại của phạm trù thể, song việc coi thể
trong tiếng Việt không phải là một phạm trù ngữ pháp riêng biệt giống như phạm trù thể trong tiếng Anh hay các ngôn ngữ Âu Châu khác thì dường như được thống nhất cao. Rõ ràng, động từ tiếng Việt không có sự biến đổi hình thái, như ở các ngôn ngữ biến hình khác, để có thể diễn đạt ý nghĩa thể. Theo sự nghiên cứu và đúc kết của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học, thể trong tiếng Việt được diễn tả thông qua một số phương tiện từ vựng như đã, đang, sẽ, sắp, hết, nổi, xong, v.v…kết hợp với động từ chính. Do đó, không thể nói tiếng Việt có phạm trù thể mà chỉ có thể coi nó có những phương tiện mang ý nghĩa thể mà thôi. Không những thế, ý nghĩa thể trong tiếng Việt không tách rời ý nghĩa thời của ngôn ngữ này. Cùng những hình thức phương tiện từ vựng nhưng chứa đựng cả ý nghĩa thời và thể. Chính vì thế, vấn đề nghiên cứu thể của tiếng Việt cũng là nghiên cứu thời - thể.
Dựa trên cơ sở như vậy, chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề dịch chuyển thể tiếng Anh sang tiếng Việt theo tiêu chí hình thức và ý nghĩa, chủ yếu của các thành phần trong cụm động từ nằm trong câu. Nói như vậy tức là vấn đề chúng tôi quan tâm nằm trong phạm vi của hoạt động dịch thuật, nhưng nó không giống như việc nghiên cứu của các nhà dịch thuật thực thụ. Ở đây, chúng tôi chủ yếu quan tâm tới vấn đề tương đương trong dịch thuật giữa hai cách thể hiện khái niệm thể trong hai ngôn ngữ. Tuy nhiên, vấn đề tương đương dịch thuật được chúng tôi quan tâm cũng không phải xét trên cả bốn bình diện ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa và ngữ dụng như đã nêu ở mục trên. Tương đương dịch thuật giữa thể tiếng Anh và tiếng Việt được chúng tôi quan tâm chủ yếu trên hai bình diện ngữ pháp và ngữ nghĩa. Nói một cách chính xác, chúng tôi sẽ đối chiếu cách chuyển dịch thể tiếng Anh sang tiếng Việt nhằm tìm ra những tương đồng và khác biệt về hình thức cũng như ý nghĩa xoay quanh cấu trúc động từ của hai ngôn ngữ trong một số kiểu câu nhất định. Đó là một sự tương đương bộ phận, chứ không phải tương đương hoàn toàn.
Chúng tôi sẽ nghiên cứu và đánh giá cách vận dụng các phương tiện từ vựng trong tiếng Việt để diễn tả thể của tiếng Anh. Trong tiếng Việt, cấu trúc của một động ngữ gồm các thành tố chính và thành tố phụ. Thành tố chính ở trung tâm, thành tố phụ được phân bố ở vị trí trước và sau trung tâm như sau:
Thành tố phụ Trung tâm Thành tố phụ
Vậy, chúng tôi sẽ tìm hiểu xem những phương tiện diễn tả thể của tiếng Việt nằm ở vị trí nào trong cấu trúc của động ngữ, và chúng có những điểm tương đồng gì về ý nghĩa so với thể của tiếng Anh. Nói cách khác, tại sao chúng lại được vận dụng để chuyển dịch thể tiếng Anh. Trong những trường hợp cụ thể, đối với từng loại thể của tiếng Anh, phương tiện nào sẽ được sử dụng để chuyển dịch, chúng có bắt buộc phải xuất hiện trong cấu trúc động ngữ hay không, hay chúng có thể kết hợp với yếu tố nào khác không, có nét gì đặc biệt đối với cách thể hiện thể trong tiếng Việt hay không,... Tất cả những vấn đề đó sẽ được chúng tôi nêu lên ở chương hai và ba của luận văn.
CHƢƠNG 2
THỂ HOÀN THÀNH TRONG CÂU TIẾNG ANH VÀ CÁCH THƢ́C CHUYỂN DỊCH SANG TIẾNG VIỆT