Hình thức của thể tiếp diễn trong tiếng Anh

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thức, ý nghĩa thể của câu trong tiếng Anh và cách chuyển dịch sang tiếng Việt (Trang 76)

5. Bố cục của luận văn

3.1.1. Hình thức của thể tiếp diễn trong tiếng Anh

Đã có một nhận xét về cấu trúc hình thức của thể tiếp diễn trong tiếng Anh như sau: “thể tiếp diễn được thể hiện bởi một dạng thức được chia theo quy tắc của động từ to be kết hợp với phân từ hiện tại của động từ chính”. [http://en.wikipedia.org/…/Continuous_and_progressive_aspect]. Như vậy, thể tiếp diễn cũng được cấu tạo bởi hai yếu tố bắt buộc là be và động từ chính, được công thức hóa như sau:

BE + -ING

Trong khi yếu tố bắt buộc thứ nhất của thể hoàn thành là have thì ở thể tiếp diễn yếu tố đó là be. Động từ chính trong cấu trúc hình thức của thể hoàn thành luôn có hình thái V-en (hình thái phân từ quá khứ của động từ), còn động từ ở vị trí tương đương của thể tiếp diễn lại có hình thái V-ing (hình thái phân từ hiện tại của động từ).

Hình thức của thể tiếp diễn trong tiếng Anh, giống như đối với thể hoàn thành, cũng có những thay đổi về hình thái học và cú pháp học. Chúng có những nét tương đồng nhất định. Bên cạnh đó, hình thức của thể tiếp diễn chắc chắn có một số điểm khác biệt so với thể hoàn thành. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem những điểm giống và khác nhau đó là gì?

3.1.1.1. Hình thức thể tiếp diễn về phương diện hình thái học

Cũng giống như thể hoàn thành, sự biến đổi về hình thái của thành tố be

trong cấu trúc hình thức thể tiếp diễn là do yếu tố thì quyết định. So sánh các câu sau:

(215) He is tearing up a ₤5 note. (Anh ta đang xé tờ bạc năm bảng.) (216) At eight he was having breakfast. (Lúc 8 giờ anh ta đang ăn sáng.)

(217) I am reading a play by Shaw. (Tôi đang đọc một vở kịch của Shaw.) (218) Red flags and stars light the way we are going. (Cờ sao quyết thắng

lấp lánh soi sáng đường cháu đi.)

(219) Two friends were traveling on the same road when they met with a bear. (Hai người bạn đang đi cùng một con đường thì gặp một con gấu.)

Những câu trên cho thấy sự kết hợp giữa thể tiếp diễn với thì hiện tại và quá khứ. Rõ ràng hình thái của be có sự thay đổi theo thì tương ứng. Sự biến đổi đó có thể được tổng kết trong bảng dưới đây:

Cấu trúc hình thức thể tiếp diễn

Khi kết hợp với thì hiện tại

Khi kết hợp với thì quá khứ Be +-ing am + V-ing is + V-ing are + V-ing was + V-ing were + V-ing

Khi thể tiếp diễn xuất hiện ở khung thời gian tương lai, trước yếu tố be sẽ xuất hiện thêm một thành tố là vị từ khuyết thiếu hay tình thái will như trong ví dụ: (220) This time next week I’ll be lying on a beach or swimming in the sea. (Vào thời gian này tuần tới tôi sẽ đang tắm nắng trên bãi biển hoặc đang bơi.)

(221) At 10 o’clock tomorrow, she will be working in her office. (Lúc 10 giờ ngày mai cô ấy sẽ đang làm việc trong văn phòng.)

Như vậy, thể tiếp diễn tồn tại ở cả khung thời gian hiện tại, quá khứ hay tương lai. Với mỗi thì đó thể tiếp diễn lại có một dạng hình thức tương ứng với sự biến đổi hình thái của be.

Khác với hình thức của thể hoàn thành, khi mà động từ chính (phân từ quá khứ) có sự biến đổi hình thái khá rõ rệt (có khi có hậu tố -ed, có khi không), hình thái của động từ chính trong thể tiếp diễn khá nhất quán (luôn có hậu tố -ing).

Cấu trúc vị từ thể tiếp diễn trong tiếng Anh như vừa được nêu có những nét tương đồng với một số ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, trong tiếng Ý, thể tiếp diễn có nhiều điểm giống như ở tiếng Anh, sử dụng hình thức chia ở hiện tại của động từ

từ hiện tại (gerund) của động từ chính. Tuy nhiên, phân từ hiện tại của động từ trong tiếng Ý không phải có hình thức V-ing giống như động từ của tiếng Anh. Hình thái phân từ hiện tại của động từ trong tiếng Ý phụ thuộc vào phần kết của động từ chính ở dạng nguyên thể. Nếu động từ nguyên thể kết thúc bằng hậu tố - are thì phân từ hiện tại của nó sẽ có hậu tố -ando. Còn nếu hậu tố của động từ nguyên thể là -ere hoặc -ire thì nó sẽ được thay thế bởi hậu tố -endo khi ở hình thái phân từ hiện tại. Ví dụ câu sto leggendo trong tiếng Ý sẽ có nghĩa tương đương với I am reading (tôi đang đọc) trong tiếng Anh.

Thể tiếp diễn trong tiếng Tây Ban Nha cũng có cấu trúc tương tự với tiếng Anh. Đó là sự kết hợp giữa một hình thái được chia của động từ estar và hình thái phân từ hiện tại của động từ chính. Chẳng hạn, estar hacienda trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa như to be doing trong tiếng Anh.

Nói chung, sự biến đổi về hình thái học của thể tiếp diễn trong tiếng Anh, theo cách hiểu của chúng tôi, là sự biến đổi hình thái của hai yếu tố bắt buộc trong cấu trúc thể tiếp diễn chứ không phải là sự biến đổi hậu tố hay tiền tố của bản thân động từ chính trong câu như ở một số ngôn ngữ khác.

3.1.1.2. Hình thức thể tiếp diễn về phương diện cú pháp học

a. Hình thức thể tiếp diễn ở thức khẳng định

Trước hết phải nói tới mối quan hệ giữa chủ ngữ với cấu trúc vị từ thể tiếp diễn. Đối với câu khẳng định, vị trí của chủ ngữ luôn ở trước vị trí của thể và quy định hình thái của yếu tố be trong cấu trúc thể tiếp diễn. Giả sử như đối với câu:

(222) I was walking home when I met Dane. (Tôi đang đi về nhà thì gặp Dane.)

Nếu chủ ngữ (I) được thay bằng (they) thì chắc chắn hình thái của be sẽ thay đổi như sau: They were walking home when they met Dane.

Tương tự như câu:

(223) The tutor was debating about the imulation problem with the class leader in the meeting room. (Giáo viên chủ nhiệm đang thảo luận về vấn đề thi đua với lớp trưởng trong phòng họp.)

Nếu ta thay đổi hình thức của chủ ngữ từ số ít sang số nhiều thì be cũng sẽ thay đổi theo. Lúc ấy câu trên sẽ biến chuyển thành:

The tutors were debating about the imulation problem with the class leader in the meeting room.

Nói chung, hình thái của be thay đổi là do sự tác động của cả yếu tố thì và chủ ngữ trong câu. Đối với thì hiện tại, hình thái của be sẽ có dạng am, is, are lần lượt tương ứng với hình thức chủ ngữ là các đại từ I/He, She, It/We, They hoặc chủ ngữ là các danh từ tương đương với các đại từ ấy. Còn đối với thì quá khứ, các hình thái am, is sẽ chuyển thành was; đồng thời hình thái are sẽ chuyển thành

were. Hình thức chủ ngữ không thay đổi so với thì hiện tại. Công thức tổng quát của thể tiếp diễn ở thức khẳng định là:

S + BE + -ING

b. Hình thức thể tiếp diễn ở thức khẳng định có vị từ tình thái (Modals)

Chúng tôi đã giới thiệu vị từ tình thái luôn xuất hiện trong loại mệnh đề hữu định (finite clause), luôn đứng trước thành tố chỉ thể, kể cả thể hoàn thành hay thể tiếp diễn và luôn được coi là một thành tố không bắt buộc. Vậy, khi thể tiếp diễn xuất hiện cùng với vị từ tình thái, nó sẽ có mô hình chung như sau:

(MODAL) + BE + -ING

Vị từ tình thái ở đây có thể là một trong các vị từ will, shall, would, should, may, must hay be going to. Trước hết hãy xét các câu sau:

(224) I will be helping Mary tomorrow. (Ngày mai tôi sẽ giúp Mary.)

(225) I think he may be writing a letter to his family. (Tôi nghĩ có lẽ anh ta đang viết thư cho gia đình anh ta.)

(226) I think he must be taking his summer vacation in the countryside. (Tôi nghĩ chắc hẳn anh ta đang nghỉ hè ở miền quê.)

(227) I shall be packing all the charming smiles of the Vietnamese students. (Tôi sẽ gói gém tất cả những nụ cười quyến rũ của sinh viên Việt Nam.)

Có thể thấy một điểm chung giữa các câu trên là thành tố be trong thể tiếp diễn không biến đổi về hình thái, mà giữ nguyên hình thái gốc khi đứng sau vị từ tình thái.

Một trường hợp đáng chú ý hơn cả, đó là cụm vị từ tình thái be going to. Vị từ này không nằm trong danh sách các vị từ tình thái hạt nhân (core modal), nhưng bản thân nó lại có đặc điểm hình thức trùng với thể tiếp diễn. Chính vì vậy mà động từ chính của câu khi đứng sau nó luôn luôn có dạng thức nguyên thể (infinitive), chứ không có hậu tố -ing nữa. Mặc dù hình thức thể tiếp diễn được thể hiện thông qua cấu trúc vị từ tình thái này, nó vẫn đảm bảo đặc điểm biến đổi hình thái của yếu tố be như bình thường. Đồng thời nó vẫn đóng góp ý nghĩa thể quan trọng mà chúng tôi sẽ nêu ra trong phần nói về ý nghĩa của thể tiếp diễn. Đối chiếu các câu dưới đây với các ví dụ trước đó để thấy sự biến thái của be trong vị từ tình thái be going to:

(228) I am going to fly to New York next week, because I’ve got some work there. (Anh sẽ bay sang New York vào tuần tới, bởi anh có một vài công việc ở đó.)

(229) The college professors are going to discuss the examination problems in the conference room. (Các giáo sư đại học sắp thảo luận về vấn đề thi ở phòng họp.)

(230) Now he was going to hear her real voice. (Giờ đây chàng sắp được nghe giọng thật của nàng.)

(231) Alan is going to take me to the airport. (Alan sẽ đưa tôi đến sân bay.) Trong trường hợp này, vị trí của thành tố (MODAL) trong cấu trúc vị từ thể tiếp diễn không còn là tùy ý nữa mà dường như be going to đã trở thành một yếu tố bắt buộc.

Trong khi các vị từ tình thái hạt nhân được coi là trọng tâm đối với thể hoàn thành thì một vị từ không được coi là cốt lõi như be going to lại trở nên quan trọng đối với thể tiếp diễn.

c. Hình thức thể tiếp diễn ở thức phủ định

Thức phủ định của thể hoàn thành được cấu tạo bằng cách thêm not vào sau

have. Tương tự như vậy, thức phủ định của thể tiếp diễn sẽ xuất hiện thêm not sau

be. Quy tắc hình thức này vẫn được áp dụng đối với cả vị từ tình thái be going to. Ta có một số ví dụ đối chiếu sau:

(232) I look prettier to Jim when I am not wearing my glasses. (Đối với Jim trông con sẽ đẹp hơn khi không đeo kính.)

(233) Let’s go out now. It isn’t raining any more. (Bây giờ có thể đi được rồi. trời đã tạnh mưa.)

(234) Now, more and more, Kien felt as though he wasn’t living, but rather had gotten stuck on earth. (Càng ngày Kiên càng có cảm giác rằng không phải mình đang sống mà là đang bị mắc kẹt lại trên cõi đời này.)

(235) We are not going to do business with them anymore. (Chúng ta sẽ không hợp tác kinh doanh với họ nữa.)

Khi trong câu xuất hiện một trong những động từ tình thái hạt nhân thì not

sẽ không đứng sau be mà đứng sau vị từ tình thái ấy. Như trường hợp hai ví dụ dưới đây:

(236) I shouldn’t be telling you this. It’s supposed to be a secret. (Tôi không được kể cho bạn nghe điều này. Nó được xem là một bí mật.)

(237) He couldn’t still be reading the book. I lent it to him ages ago and it’s quite a short book. (Anh ta không thể còn đang đọc cuốn đó được. tôi đã cho anh ta mượn trước đó lâu lắm rôig và nó là một cuốn sách khá ngắn.)

Nói chung, trật tự các thành tố của thể tiếp diễn trong câu phủ định có thể được hình dung như sau:

BE + NOT + -ING (MODAL)

Trong đó, vị trí của thành tố (MODAL) là không bắt buộc, còn thành tố BE được áp dụng thống nhất với cả vị từ tình thái phụ be going to.

d. Hình thức thể tiếp diễn dưới dạng câu nghi vấn

Số lượng các thành tố của thể tiếp diễn trong câu nghi vấn không thay đổi so với câu khẳng định hay phủ định. Nhưng vị trí của chúng thì có sự khác biệt. Trong khi thành tố BE luôn đứng sau chủ ngữ trong câu khẳng định và phủ định, thì trong câu nghi vấn, nó lại được đưa lên vị trí trước chủ ngữ. Điều này cũng không ngoại trừ đối với vị từ tình thái be going to và được minh họa qua những câu sau:

(238) What were they fighting about? (Họ đánh nhau vì cái gì đấy?)

(239) How am I going to get from the airport to the hotel? (Tôi sẽ đi bằng phương tiện gì từ sân bay đến khách sạn?)

(240) Hello, Jane. Are you enjoying the party? (Chào Jane, cô có thích buổi tiệc này không?)

(241) Is Susan working this week? (Tuần này Susan có đi làm không?) Tuy nhiên, nếu đối chiếu những câu trên với các câu nghi vấn dưới đây, chúng ta lại thấy có chút khác biệt:

(242) Could she be making it all up, and coming out with it so pat? (Liệu cô ấy có bịa đặt và nói ra những điều đó nhanh đến như vậy không?)

(243) What could he be waiting for? (Anh ấy còn chờ gì nữa?)

(244) What will you be bringing up next? (Lần sau anh sẽ mang gì về nữa?) Ở ba câu trên, do có sự xuất hiện thêm vị từ tình thái couldwill nên thành tố BE vẫn giữ vị trí sau chủ ngữ. Vị trí của BE sau chủ ngữ trong câu nghi vấn vẫn còn được duy trì nếu như đại từ nghi vấn đóng vai trò chủ ngữ trong câu. Chẳng hạn như câu who is staying in that house? Hay câu what is going to happen?

Như vậy, ngay chỉ trong hình thức câu nghi vấn vị trí của BE có thể là trước hoặc sau chủ ngữ. Điều đó phụ thuộc vào việc câu đó có chứa một vị từ tình thái hay không, chủ ngữ của câu có phải là đại từ nghi vấn hay không.

e. Hình thức thể tiếp diễn trong thái bị động (passive voice)

Hãy đối chiếu những cặp câu chủ động (active voice) và bị động dưới đây để có thể rút ra nhận xét đáng kể:

(245) ACTIVE: They are repairing the bridge. (Họ đang sửa chữa cây cầu.) PASIVE: The bridge is being repaired. (Cây cầu đang được sửa chữa.)

(246) ACTIVE: They were carrying the injured player off the field. (Họ đang mang cầu thủ bị thương ra khỏi sân.)

PASSIVE: The injured player was being carried off the field. (Cầu thủ bị thương đang được mang ra khỏi sân.)

(247) ACTIVE: We are going to paint the room next week. (Tuần tới chúng tôi sẽ sơn lại căn phòng.)

PASSIVE: This room is going to be painted next week. (Căn phòng này sắp sửa được sơn vào tuần tới.)

Nhìn vào cách chuyển đổi hai cặp câu đầu tiên, ta thấy cấu trúc hình thức của thể tiếp diễn có điểm tương đối đặc biệt. Đó là động từ to be xuất hiện hai lần. Vị trí thứ nhất của to be tồn tại dưới hình thái được chia theo thì và theo chủ ngữ. Nó tương đương với vị trí của thành tố BE trong cấu trúc khẳng định của thể tiếp diễn. Còn hình thái to be ở vị trí sau đó luôn tồn tại dưới dạng có đuôi -ing (being), và nó tương đương với vị trí của động từ chính trong câu khẳng định. Bởi do đặc thù của thái bị động nên động từ chính của câu luôn luôn có dạng phân từ quá khứ (-en).

Chỉ có cặp câu cuối cùng là không tuân theo hình thái trên. Đó là do hình thức thể tiếp diễn trùng với hình thái của vị từ tình thái be going to. Vì vậy, động từ to be cũng được sử dụng lặp lại, song ở vị trí thứ hai trong câu bị động nó luôn có hình thái nguyên gốc là be.

Chúng tôi tạm thời thống nhất một mô hình cấu trúc chung đối với thể tiếp diễn và thái bị động như sau:

BE + BEING + -EN

Có một điểm đặc biệt nữa là hình thức thể tiếp diễn, khi kết hợp với thái bị động như trên, sẽ không chấp nhận sự tồn tại của vị từ tình thái hạt nhân (will, would, must, may, might, should,…) trong đó. Một câu như He must be being punished (Hẳn là cậu ta đang bị trừng phạt.) sẽ không được chấp nhận. Thay vào

đó, người ta có thể nói It must be that he is being punished.

Hay một câu tương tự cũng không được coi là đúng. Chẳng hạn:

- English will be being taught at 9:30 tomorrow. (Tiếng Anh sẽ đang được dạy vào lúc 9:30 ngày mai.)

Khi đó, ta có thể nói như sau:

English is being taught at 9:30 tomorrow. Hoặc:

English is going to be taught at 9:30 tomorrow.

Đến đây, chúng tôi có thể khẳng định thêm một lần nữa rằng những vị từ tình thái hạt nhân được tập trung chú ý nhiều hơn ở thể hoàn thành. Còn đối với

thể tiếp diễn, chúng dường như bị xem nhẹ hơn. Ngược lại, vị từ tình thái không cơ bản như be going to lại được vận dụng trong nhiều trường hợp.

3.1.2. Ý nghĩa của thể tiếp diễn trong tiếng Anh

3.1.2.1. Thể tiếp diễn cho biết những hành động đang diễn tiến

Ý nghĩa này của thể tiếp diễn được coi là ý nghĩa cơ bản, trái ngược với ý

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thức, ý nghĩa thể của câu trong tiếng Anh và cách chuyển dịch sang tiếng Việt (Trang 76)