Cách thức vận dụng “đã” trong chuyển dịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thức, ý nghĩa thể của câu trong tiếng Anh và cách chuyển dịch sang tiếng Việt (Trang 61)

5. Bố cục của luận văn

2.2.1.2. Cách thức vận dụng “đã” trong chuyển dịch

Trong phần bàn về ý nghĩa của thể hoàn thành trong tiếng Anh, chúng ta đã biết, để xác định ý nghĩa hoàn tất hay chưa hoàn tất của thể hoàn thành trong tiếng Anh phải căn cứ vào việc vị từ được sử dụng mang tính động hay tĩnh, hữu kết hay vô kết. Tiếng Việt cũng có sự phân biệt tương tự với từ đã. Khi kết hợp với các vị từ hành động, đã cho biết hành động đã bắt đầu và kết thúc hoàn toàn trước thời điểm mốc. Chính vì thế, sự tương đương về nghĩa thể giữa các câu Anh - Việt có sử dụng vị từ động ở dưới là khá phù hợp:

(150) The farmer had tied his table napkin round his neck. (Bác nông dân

đã lấy khăn bàn buộc choàng quanh cổ mình.)

(151) She had read a book of mine and had written to me about it. (Nàng đã đọc một cuốn sách của tôi và đãviết thư cho tôi về cuốn sách đó.)

(152) Bobby Martin had already stuffed his pockets full of stones. (Bobby Martin đã nhét đá đầy túi.)

Đối với cả tiếng Anh và tiếng Việt, nếu trong câu sử dụng vị từ (+động, +hữu kết) thì ý nghĩa thể hoàn thành càng rõ nét. Có thể đối chiếu hai câu:

(153) They have gone to China. (Họ đã đi Trung Quốc.) (154) They have arrived in China. (Họ đã đến Trung Quốc.)

Trong câu (154), “arrived” (đến) là một vị từ hữu kết. Do đó, sự tình được diễn đạt ở cả câu tiếng Anh và câu chuyển dịch tiếng Việt đều được hiểu là đã kết thúc. Ở trường hợp câu (153) thì có sự khác biệt đôi chút. Động từ “gone” (đi) là

động từ vô kết. Trong câu tiếng Anh, cấu trúc vị từ thể hoàn thành have gone cho biết hành động có thể chưa kết thúc. Có thể “họ” đang ở Trung Quốc hoặc vẫn đang trên đường tới đó. Trong khi đó, để xác định “đã” trong câu tiếng Việt họ đã đi Trung Quốc diễn tả sự tình kết thúc hay chưa còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa. Chẳng hạn, yếu tố bổ ngữ có thể quyết định tính hoàn tất hay chưa hoàn tất của đã. Xét trường hợp sau:

- Họ có nhà không?

- Họ đã đi Trung Quốc rồi.

Câu trả lời trên có nghĩa là họ đã đi và hiện nay chưa về. Nói cách khác là họ vẫn đang ở Trung Quốc. So sánh với câu:

- Họ đã đi Trung Quốc vài lần rồi.

Căn cứ vào bổ ngữ vài lần, ta có thể xác định câu này có nghĩa là họ đã đi Trung Quốc và đã trở về. Đối với tiếng Anh, nếu ta thêm bổ ngữ mang nghĩa tương tự là several times thì ta cũng có được ý nghĩa thể hoàn thành nhưng động từ trong câu phải thay đổi. Cụ thể ta sẽ có câu they have been to China several times hoặc they have arrived in China several times.

Còn nếu trong câu tiếng Anh sử dụng vị từ điểm tính thì không có gì phải bàn cãi. Khi đó đã trong câu tiếng Việt tương ứng với nó cũng sẽ biểu thị ý nghĩa kết thúc. Ví dụ:

(155) He went on, telling how he had shot the buck…(Cậu thao thao bất tuyệt chuyện mình đã bắn một con sơn dương thế nào…)

- The boy had jumped down from the balcony. (Cậu bé đã nhảy xuống từ ban công.)

Khi vị từ tĩnh xuất hiện trong thể hoàn thành tiếng Anh, phương tiện chuyển dịch đã của tiếng Việt cũng diễn tả sự tình, trạng thái bắt đầu trước thời điểm mốc nhưng chưa kết thúc vào thời điểm ấy. Đối chiếu các câu sau:

(156) I’ve forgotten her name. (Tôi đã quên tên cô ta.) (157) Suzanne has had a baby. (Suzanne đã có em bé.)

Quên là một trạng thái của tâm trí sau khi mất đi một nhận thức đã có được từ một điều gì đó của ngoại giới. Khi đã quên rồi, cái trạng thái ấy sẽ còn được duy

trì cho tới khi nào nhớ ra mới thôi. Cụ thể, ở ví dụ trên, chủ thể “tôi” đã mất đi “cái nhận thức” về tên của một người và hiện giờ vẫn chưa nhớ ra. Tương tự như vậy, sự việc cô ấy có em bé cũng chưa chấm dứt. Câu này không thể được hiểu là trước đây cô ấy đã có em bé và giờ không có nữa.

Cách lý giải cho “đã” như ở trên rất phù hợp với nhận xét của Trần Kim Phượng: “đối với người Việt, trong một câu có đã, cái mà người ta quan tâm lại liên quan đến thực tại. nói cách khác, nói tới đã là nói tới phần đã được hiện thực hóa, phần làm được của chủ thể, gây một hệ quả nào đó, một tác động nào đó ảnh hưởng đến thực tại, cần phải giải quyết.” [18, tr. 70]

Nói chung, có thể coi từ đã trong tiếng Việt là một phương tiện hữu hiệu trong việc chuyển dịch thể hoàn thành của tiếng Anh. Vì nó đảm bảo tương đối đầy đủ các nét nghĩa được thể hiện bởi thể hoàn thành của tiếng Anh.

Có điểm cần lưu ý là trong tiếng Việt, có những trường hợp đã đồng âm với nhau. Chẳng hạn, tính từ đã như trong các ví dụ: Xem đã mắt. Ăn đã thèm. Chơi một chuyến cho đã đời. Ngủ chưa đã.

Đã trong tiếng Việt còn có thể đóng vai trò như một trợ từ. Tác giả Trần Kim Phượng nhận xét: “Đãvới tư cách trợ từ không có ý nghĩa từ vựng chân thực, không đảm nhiệm chức năng thành phần câu. Trợ từ đã được đặt trước một động từ hoặc tính từ để nhấn mạnh ý nghĩa mà từ ấy biểu thị”. [18, tr. 52] Ví dụ:

(158) Là con thú nhỏ, chó rừng chỉ chốc lát đã ễnh bụng, trong khi lạc đà mới vớ được có vài miếng..

(159) Tôi có thể nói rằng ông có thể có nhiều kẻ đối địch, nhưng chưa chắc đã có một kẻ thù riêng nào cả.

(160) Trong góc phòng có chiếc giường sắt cũ đã ọp ẹp.

Đã cũng có thể là một tình thái từ. Khi đứng trước danh từ, cụm danh từ, đã

nhấn mạnh hoặc biểu thị sự đánh giá của người nói đối với sự tình được nêu trong câu. Ví dụ:

(161) Nước láng giềng ở cạnh ta, không có mưa đã nhiều tháng nay.

(162) Thực ra đã lâu lắm rồi, ngài chưa có dịp đọ sức với một kẻ thù nào đáng kể.

(163) Bác ấy đã 60 tuổi. (khẩu ngữ)

Khi đã xuất hiện trong các kết cấu cố định như mới…đã; chưa…đã; vừa…đã; đã…thì…, nó cũng biểu thị sự đánh giá của người nói đối với sự tình trong câu. Chẳng hạn:

(164)Đã biết sống thì phải bênh vực nhau, ông cha mình ngày xưa cũng đã hiểu đến.

(165) Khi ánh đèn pin vừa nhòe vào cổng, lão Tòng đã đon đả chạy ra.

Tình thái từ đã cũng có thể đứng ở cuối câu để bổ sung ý nghĩa cầu khiến cho toàn câu:

(166) Vẫn chưa tới giờ đâu. Đi mua đồ ăn đã.

(167) Thì cô Ló cứ ngồi đây đã.

Cần phải phân biệt rõ phương tiện dùng để chuyển tải ý nghĩa thể hoàn thành tiếng Anh không phải là những từ đã như vừa xét mà đó là phó từ đã hay phó từ chỉ thời-thể theo như cách gọi của nhiều nhà Việt ngữ học. Trong trường hợp này, phó từ đã luôn đứng trước vị từ. Đồng thời tổ hợp phó từ đã + P có thể trả lời cho câu hỏi: đã…chƣa?. Ví dụ:

- Anh đã gặp cô ấy chưa? - Tôi đã gặp (rồi).

2.2.2. Cách thức chuyển dịch sử dụng những kết cấu với đã của tiếng Việt

2.2.2.1. Kết cấu đã…rồi

Trước hết, hãy tìm điểm tương đồng giữa các câu chuyển dịch tiếng Việt sau đây:

(168) When the people had gone, the monkey went to look for her unloved child, but could not find him. (Khi bọn người đã đi rồi, con khỉ quay lại tìm đứa con ghét bỏ nhưng chẳng tìm thấy.)

(169) You have bought the wrong shirt. (Anh đã mua nhầm áo sơ mi rồi.) (170) He tried to say, Forgive me, and saw she had forgotten him long ago.

(Cha cố nói, “hãy tha thứ cho anh”, nhưng lại cảm thấy nàng đã tha thứ cho mình từ lâu rồi.)

Vị từ thể hoàn thành trong các câu tiếng Anh ở trên đều cho biết các hành động đã kết thúc. Tuy vậy, trong những câu tiếng Việt, ta thấy các vị từ ấy không những được chuyển tải bằng cách đứng sau phó từ đã mà còn xuất hiện thêm từ rồi

ở sau chúng. Tại sao lại có sự kết hợp đã…rồi này? Theo nhận định của tác giả Nguyễn Văn Thành, trong một câu thường có cả từ thời-thể đã, sẽ lẫn từ rồi. Đã

là từ chỉ thời quá khứ và thể của động từ với ý nghĩa sự kiện tổng quát (đã biết, đã đọc, đã viết,v.v.). Còn từ rồi thì nhấn mạnh thêm ý nghĩa thời quá khứ và nó là một trạng từ. [20, tr. 55]

Như vậy, trạng từ rồi ở trong trường hợp này không làm ảnh hưởng gì tới ý nghĩa thể hoàn thành mà nó chỉ có tác dụng nhấn mạnh thêm tính hoàn tất của hành động trong quá khứ. Trong những phát ngôn thực tế, không phải lúc nào ta cũng bắt gặp cấu trúc đã…rồi một cách đầy đủ. Có khi phó từ đã được lược bỏ đi, song ý nghĩa thời-thể của vị từ vẫn vậy. Chẳng hạn như ở các ví dụ sau:

(171) How long have you been in my army? (Anh nhập ngũ được bao lâu

rồi?)

(172) Solveig! Oh, it is well you have come! (Solveig! Em đến rồi, hay quá!)

Thực ra, người Việt vẫn có thể đưa thêm từ đã vào hai câu trên mà ý nghĩa của chúng không đổi:

(173) Anh đã nhập ngũ được bao lâu rồi?

(174) Solveig! Em đã đến rồi, hay quá!

Chức năng của trạng từ rồi trong tiếng Việt giống như đối với từ already

của tiếng Anh. Những câu dưới đây cho thấy điều đó:

(175) She has already stolen my pearl necklace and just now she want to do something terrible to me. (Cô ta đã lấy cắp của tôi một vòng đeo cổ bằng hạt trai

rồi mà bây giờ còn muốn gây ra những điều kinh khủng cho tôi nữa.)

(176) Tom has rung up three times this morning already. (Tom đã gọi điện ba lần sang nay rồi.)

Tuy nhiên, không phải cứ khi nào vị từ thể hoàn thành của tiếng Anh kết hợp với already thì ta phải vận dụng cấu trúc đã…rồi để chuyển dịch sang tiếng Việt (như đã giải thích ở trên). Người ta vẫn có thể nói:

(177) We had already told the class leader about that problem. (Chúng tôi

đã kể cho lớp trưởng về vấn đề đó.)

Thậm chí người ta có thể sử dụng thể hoàn thành với already (hay đã…rồi

trong tiếng Việt) để nói về một điều hoàn thành sớm hơn là dự đoán. Điều này sẽ rõ hơn khi phát ngôn được đặt trong ngữ cảnh cụ thể:

(178) “Don’t forget to post the letter, will you?” “I’ve already posted it”.

(“Đừng quên bỏ thư nhé”. “Tôi đã bỏ thư rồi”)

(179) “When is Tom going to start his new job?” “He has already started”. (“Khi nào Tom sẽ bắt đầu công việc mới của nó?” “Nó đã bắt đầu rồi”)

2.2.2.2. Kết cấu đã…xong/được/hết

Hãy xét các ví dụ sau:

(180) By the autumn he had built a house for himself. (Đến mùa thu anh đã

làm xong căn nhà cho mình.)

(181) “Sign in this,” he said when he had finished writing. (“Hãy ký vào đây,” ông nói khi đã viết xong.)

(182) […] but they hadn’t expected to eliminate the Northern Men out of their territory. (… thế mà có ngờ đâu sức sống mãnh liệt của họ đã gạt đƣợc bọn phương Bắc ra ngoài lãnh thổ.)

(183) At the end of August, he had saved a dollar. (Vào cuối tháng Tám, anh đã dành dụm đƣợc một đô la.)

(184) He himself had lost all hope. (Chính bản thân anh ta đã mất hết hy vọng.)

(185) He refused to go till he had seen all the pictures. (Anh ta đã từ chối đi cho đến khi anh ta đã xem hết tất cả các bức tranh.)

Ở những câu trên, ta lại thấy xuất hiện thêm các cấu trúc với đã: đã…xong, đã…được, đã…hết. Vậy các từ xong, được, hết đóng góp ý nghĩa gì trong cách chuyển dịch thể hoàn thành Anh-Việt? Tiếp tục với nhận xét của Nguyễn Văn

Thành, tác giả nhận định: khi đi sau các động từ cộng với các từ thời-thể đã, sẽ, các từ kể trên bổ sung cho động từ các ý nghĩa kết quả và giới hạn của hành động với các sắc thái ý nghĩa khác nhau. [20, tr. 55]

Từ xong kết hợp với nội động từ để diễn đạt ý nghĩa kết thúc của hành động; kết hợp với ngoại động từ để diễn đạt ý nghĩa kết thúc có kết quả của hành động.

Giống như cấu trúc đã…rồi, đã…xong cũng không phải là một cấu trúc chặt chẽ. Phó từ đã có thể được ẩn đi như trong các câu:

(186) After the house owner had read the advertisement through, he hastened to telephone the estate agent. (Chàng chủ nhà coi xong tấm quảng cáo vội vã điện thoại cho ông mối nhà.)

(187) When they had finished, they walked part of the way home together.

(Sau khi chơi xong, hai người cùng nhau trở về nhà.)

Còn đối với từ được, nó thường đi sau động từ và bổ sung cho động từ ý nghĩa kết thúc và đạt kết quả tốt hoặc đạt đến giới hạn với ý nghĩa thành đạt. Ta có thể thấy ý nghĩa này của được rất phù hợp với nghĩa được diễn tả trong những câu tiếng Anh ở trên.

Cuối cùng, từ hết đi sau nội động từ để diễn đạt ý nghĩa kết quả của hành động với nghĩa cạn kiệt hành động hay với nghĩa cạn kiệt đối tượng hành động khi đi sau ngoại động từ. Cũng theo tác giả Nguyễn Văn Thành, trong tiếng Việt còn có những từ đồng nghĩa với hết như cạn, tiệt, sạch, nhẵn. Khi kết hợp với một vài động từ như ăn, uống, chén, húp, chúng diễn đạt ý nghĩa cạn kiệt đối tượng hành động. Chúng được coi là những từ phụ trợ, chỉ thể hoàn thành của động từ. [20, tr. 56]. Có điều là, những từ đó thuộc văn phong bình dân nên chúng tôi không bàn luận đến chúng ở phần này.

Rõ ràng các cấu trúc với đã ở trên, không phân biệt vị từ mà chúng kết hợp là tĩnh hay động, vẫn thể hiện ý nghĩa kết thúc của hành động. Ý nghĩa này được thể hiện nhờ vào sự xuất hiện của các từ đi kèm với đã.

2.2.2.3. Kết cấu “đã từng”

Như chúng ta đã biết, ý nghĩa cơ bản của thể hoàn thành trong tiếng Anh là diễn đạt những sự việc đã kết thúc. Thời điểm kết thúc của hành động có thể gần,

có thể xa so với mốc đối chiếu của từng phát ngôn cụ thể. Cùng đối chiếu những ví dụ Anh-Việt dưới đây để tìm ra phương tiện truyền đạt ý nghĩa hoàn thành gần, xa đó trong tiếng Việt là gì:

(188) To tell the truth, he had half thought of getting rid of his trouble in a sorry way. (Nói đúng ra, anh đã từng nghĩ tới chuyện loại bỏ vấn đề rắc rối của mình bằng một cách thức đáng buồn.)

(189)Have you read Hamlet? (Bạn đã từng đọc vở kịch Hamlet chưa?) (190) For many centuries man had been the servant of nature. (Trong nhiều thế kỉ con người từng là nô lệ của thiên nhiên.)

(191) He had had his fun, he told himself, but he’d ended up by getting “plucked” just like a cock. (Ông tự nhủ, mình đã từng chọc trời khuấy nước, thế mà cuối cùng để nó “vặt lông” mình như con gà trống vậy.)

Có thể nói rằng bốn câu tiếng Việt ở trên đã sử dụng phương tiện từ ngữ gần như đồng nhất là từng, đã từng để chuyển dịch thể hoàn thành tiếng Anh. Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy nhìn lại các câu tiếng Anh ở trên. Thể hoàn thành trong những câu này chính là thể hoàn thành trải nghiệm (experiential perfect aspect) trong tiếng Anh. Thể hoàn thành trải nghiệm trong tiếng Anh là một biện pháp ngữ pháp hóa mối quan hệ giữa hiện tại (thời điểm phát ngôn) với sự kiện diễn ra trước thời điểm phát ngôn. Sự kiện đó được thể hiện như một kinh nghiệm đã diễn ra ít nhất một lần không định vị thời gian cụ thể hay lặp đi lặp lại. Và đã là kinh nghiệm thì phải thuộc quá khứ chứ không thể là tương lai. Như vậy, từng, được coi là một phó từ thời-thể trong tiếng Việt sẽ là phương tiện phù hợp để truyền tải ý nghĩa thể hoàn thành trải nghiệm trong tiếng Anh. Tác giả Trần Kim Phượng nhận xét: từng là phó từ biểu thị hành động, hoạt động nói đến đã diễn ra, hoặc điều nói đến đã trải qua trong một thời gian nào đó, không cần xác định cụ thể, trong quá khứ. [18, tr. 99]

Từng có thể kết hợp với đã thành đã từng để biểu thị cùng một ý nghĩa - ý nghĩa thể hoàn thành trải nghiệm, đồng thời biểu thị một sự kiện đã diễn ra và kết thúc từ lâu trong quá khứ như ở các ví dụ (188), (189), và (191).

Những phát ngôn chứa từng, đã từng cũng được dùng để giải thích cho một sự kiện nào đó đi trước hoặc chuẩn bị cho một sự kiện đi sau. Ví dụ:

(192) Bà Tú từng chịu nhiều vất vả, gian truân trong cuộc đời, nhưng

Một phần của tài liệu Nghiên cứu hình thức, ý nghĩa thể của câu trong tiếng Anh và cách chuyển dịch sang tiếng Việt (Trang 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)