Nằm ở làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách kinh thành không xa khoảng 10km trên núi Thuận Đạo.
So với lăng Gia Long và Minh Mạng, khu lăng này ở tại một địa điểm gần hơn đối với Kinh thành. Về bố cục kiến trúc trên mặt bằng tổng thể, nếu lăng Minh Mạng đã ghép ba trục của lăng Gia Long lại làm một trục duy nhất, thì lăng Thiệu Trị lại dung hòa hai mô thức trên bằng cách thiết kế thành hai trục: trục lăng nằm bên phải và trục tẩm (khu vực điện thờ) nằm bên trái. Hai trục cách nhau chừng 100m. Nói cách khác, các nhà kiến trúc lăng Thiệu Trị đã cắt phần giữa của lăng Minh Mạng (điện thờ) đặt riêng ra một bên và nối hai phần trước và sau của lăng ấy lại với nhau làm một. Dĩ nhiên, về các đơn vị công trình kiến trúc riêng lẻ thì có thêm bớt, đổi thay đôi chút, nhưng cách xây Bửu Thành, Toại đạo, các cầu bằng đá, Nghi môn thì giống ở lăng Minh Mạng.
Lăng Thiệu Trị khác lăng Vua cha ở chỗ không xây La thành, nhưng lại giống lăng Gia Long trong việc lợi dụng những dãy núi đồi xung quanh để làm nên một vòng La Thành thiên nhiên rộng lớn. Trong vòng La Thành bao la hùng vĩ này, lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo; gần trước mặt lăng là cả một vùng đất bằng phẳng với cây cỏ xanh tươi và ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim.
Xét về phương diện mỹ thuật thì trên các công trình đã có những đường nét chạm khắc khá sâu và sắc cạnh để tạo ra được những hình
khối nổi rõ. Nghệ thuật trang trí bằng men pháp lam cũng được sử dụng nhiều trong lăng này, nhất là tại khu vực điện thờ.
Ta thấy thiên nhiên và kiến trúc lăng liên quan đến nhau một cách mật thiết. Trầm mặc mà thanh thoát, lăng Thiệu Trị khiêm tốn ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn dưới bầu trời bao la.
Ngoài ra ở gần lăng Thiệu Trị còn có ba ngôi lăng của những người trong gia đình nhà Vua. Nằm chênh chếch ở phái trước là lăng Hiếu Đông của mẹ Vua (bà Hồ Thị Hoa). Gần phía sau bên trái là Xương Thọ Lăng của vợ Vua (bà Từ Dũ). Và không xa phía trước bên trái là khu lăng “tảo thương”, trong đó có nhiều ngôi mộ của các con Vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ (tảo thương nghĩa là chết sớm).