Nằm ở tả ngạn sông Hương, trên đồi Chánh Trung, cách trung tâm Huế 16km. Lăng được xây theo kiểu thức đơn sơ nhưng hoành tráng, như cuộc đời của một vị võ tướng. Các công trình được trải ra theo chiều ngang. Rộng rãi, mênh mông, nhưng ở đây không có lâu đài đình tạ và cũng chẳng xây dựng la thành. Núi đồi xung quanh dăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc. Trước lăng có hồ bán nguyệt, phía sau hồ là sân chầu với hai hàng võ sĩ, voi, ngựa đá, rồi đến sân Tế cao dần đến Bửu Thành – nơi đặt mộ nhà Vua và mộ Thừa Thiên Cao
Hoàng Hậu. Bên trái Bửu Thành là nhà bia, bên phải là điện thờ. Đơn giản nhất là trong khu mộ táng thi hài Vua và hoàng hậu: hai nấm mồ bằng đá song song, cách nhau chỉ một gang tay, có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai mái chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, chẳng một màu sơn thiếp, tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lì, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoang liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiêm. Nhưng hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện biết bao tình cảm cao đẹp thủy chung giữa Vua và hoàng hậu đã từng
vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là một điểm độc đáo của lăng Gia Long mà người ta không tìm thấy ở lăng Vua nào khác.
Lịch sử xây dựng lăng Gia Long khá phức tạp, vì đây không chỉ có lăng Gia Long, mà còn có cả một quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên trong gia đình và dòng họ của nhà Vua bao gồm: lăng Trường Phong của chúa Nguyễn Phúc Chu; lăng Quang hưng của một bà vợ chúa Nguyễn Phúc Tần, lăng Vĩnh Hậu của một bà vợ chúa Nguyễn Phúc Trăn…. Tất cả các lăng tẩm ấy đã được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau và trước sau cách nhau gần hai thế kỉ (thế kỉ 17 - 19). Riêng Thiên Thọ lăng, tức lăng của Vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, việc xây dựng cũng không diễn ra trong một thời điểm đơn giản, mà lại kéo dài trong nhiều năm dưới 3 đời Vua từ Gia Long đến Thiệu Trị.